Cõi nhớ

Truyện ngắn của Phạm Thuận Thành                                   

Ông già Năm choàng tỉnh hất tấm mền dù Mỹ, hấp háy nhìn ra ngoài. Trời hòa sữa chụp khắp đồng. Mấy cây tràm mờ mờ như lính gác im lìm trước nhà. Đố tàu bay tàu bò Mỹ hoạt động nổi. Phải tranh thủ thời tiết thuận lợi vào ấp Hoà Hưng bắt liên lạc chuẩn bị cho trận tập kích quận lỵ Châu Thành ngay. Nhưng Tư lại lùa vịt đi từ bao giờ rồi. Nhỏ Ba ở nhà một mình chịu sao thấu. Đói, khát, ngã nước ngay. Căn nhà ghép trong Đám Lá Tối Trời này của Tư giờ là gia đình của ông già Năm và là căn cứ của địa phương nữa. Tư chăn vịt chạy đồng, tình cờ cứu thoát người cán bộ bị trọng thương, rồi hợp thành gia đình và có căn nhà ghép cây này. Bằng không cả Tư và ông già Năm chỉ một cái nóp là thành nhà. Ông già Năm nhỏm dậy nhìn sang căn sạp kế bên nơi nhỏ Ba nằm, giật mình thấy giường trống không. Chẳng lẽ Tư mang cả nhỏ Ba theo để khỏi vướng cẳng vướng chân ông đi hoạt động ư. Đã bao giờ ông cằn nhằn việc đó đâu.

Ông già Năm lui cui với cái áo bà bà nhăn nheo mặc. Mùi sình lầy, mùi hương lúa phả ra ngào ngạt khiến ông nhớ ra giờ không phải thời đánh trận. Cái áo đại cán dạ mắc sẵn đầy vạt huân chương kia. Cái huân chương mới nhất sáng nhất riêng hàng trên cùng là nhận thời hoà bình với danh hiệu anh hùng lao động. Một vạt áo huân chương thời chiến ghi nhận những hành động anh hùng, chỉ riêng huân chương thời bình lại ghi nhận danh hiệu anh hùng thực sự. Ông mân mê huân chương anh hùng. Nhớ ra nhỏ Ba gọi ông về dự lễ kỷ niệm ba mươi năm ngày thành lập Nông trang Hoà Bình. Phải mặc tươm tươm một chút cho nó khỏi tủi. Ông miễn cưỡng khoác thêm cái áo đại cán. Ông rất ngại mặc cái áo này vì nó khiến ông lúc nào cũng phải cứng đơ, giữ gìn, chẳng làm được việc gì. Đã mặc đại cán thì phải xỏ giày Côxưghin. Đôi giày được cấp khi ra quân nay vẫn mới nguyên chỉ tội nhiều bụi nhiều mạng nhện. Cả đời chân trần lội bộ quen rồi cứ mỗi lần xỏ giày tây là một lần tự tra tấn mình.

Chẳng còn sớm nữa, đi thôi.

Ông già Năm chống xuồng lao vào bầu sữa đang loãng dần. Cảm giác như đi lần này là đi mãi không bao giờ trở lại nữa. Ông nhớ sở dĩ khu trũng Đám Lá Tối Trời còn đến hôm nay chủ yếu do uy tín cá nhân ông. Đó là khi Nông trang Hoà Bình đã ăn nên làm ra, mấy nghìn hecta sình lầy đã thành kênh thành đường, thành bờ xôi ruộng mật, đảng uỷ nông trang bàn khai phá nốt khu trũng. Cánh trẻ đứng đầu là trưởng phòng kinh doanh Hai Lợi hăng hái nhất. Ông đề nghị giữ lại khu trũng để làm nơi kiếm ăn cho những người còn gắn bó với nghề nuôi vịt chạy đồng, đồng thời làm nơi du lịch thiên nhiên cho nông trang viên và nơi giáo dục truyền thống kháng chiến cho thế hệ trẻ. Khu trũng Đám Lá Tối Trời này là căn cứ suốt từ thời chín năm của tỉnh. Chính ông từng lăn lộn hoạt động ở đây, từng có gia đình ở đây. Vợ ông thà bị bọn thám báo tra tấn đến chết không khai cách thức hoạt động của bộ đội du kích địa phương. Và vì nó mà ông từ bỏ mọi tiền đồ thăng tiến để về đây xây dựng nông trang từ hai bàn tay trắng. Đảng uỷ viên đều do một tay ông kết nạp, bồi dưỡng đã trân trọng truyền thống mà không ra nghị quyết khai phá nốt khu trũng. Hai Lợi cằn nhằn nông trang đang thừa thắng xốc tới nhưng đã bị truyền thống chặn đứng lại.

* 

Xuồng cập bờ thì bầu sữa biến mất. Mặt trời hiện ra rực rỡ. Màu xanh lúa, xanh cây trải ra ngút ngát. Ông già Năm buộc xuồng vào cây tràm ven bờ đi lên. Chệnh choạng quãng đường ngắn mà chân và giày đã “cãi nhau”. Da thịt ta luôn bị da thịt tây cầm tù khống chế nên luôn lên tiếng phản kháng chống đối. Ông già Năm nhận thấy rõ mâu thuẫn nội ngoại này bèn thoả hiệp bằng cách tháo giày buộc dây vào nhau khoác lên cổ. Đến nơi ta xỏ cũng chưa muộn. Cả chân và giày đều hài lòng. Giày được trân trọng hơn. Chân được thoải mái hơn. Chân trần hiểu rõ con người ông già Năm. Nếu không suốt đời chân trần lội sình lội ruộng thì vùng đất này đâu thành bờ xôi ruộng mật xuất khẩu gạo chủ lực cả nước. Lần anh Sáu về thăm, ông cứ chân trần dẫn anh đi thăm đồng. Ông ca cẩm lúa tốt được thóc thế này nhưng chất lượng gạo kém giá trị không bằng nửa lúa xuất của Thái. Anh Sáu hỏi sao không liên kết với nhà khoa học đưa giống tốt về, sao không liên kết với nhà doanh nghiệp tìm mối xuất khẩu được giá nhất.  Ông sướng quá ôm chầm anh Sáu vỗ vỗ vào lưng anh la lên, anh nói trúng ý tôi quá, anh giỏi thật, lâu nay tôi chỉ loay hoay làm ra nhiều thóc chứ đâu biết cách vừa làm ra nhiều vừa làm ra chất lượng. Cái liên kết với hai nhà của anh được quá hà. Tôi bận tối ngày hay anh rảnh hơn liên kết giùm tôi luôn đi. Ông nghĩ anh Sáu làm to nhưng có thời gian đi thăm ông được hẳn rảnh hơn ông mà đề nghị vậy. Quả nhiên anh Sáu gật đầu đồng ý. Khi ông buông tay ra thì anh Sáu thấy lành lạnh ở lưng ở ngực ở chân. Sờ tay vào dính bùn bèn đùa anh Năm định biến tôi thành công nhân nông nghiệp của anh à. Ông cũng đùa lại bảo giấu cán bộ kỹ thuật biếu anh ít mẫu đất để anh chỉ đạo các đơn vị kinh tế tập thể cả nước cùng ăn nên làm ra không để công nhân nông nghiệp phải chịu cảnh hết việc chờ việc nheo nhóc. Hai cán bộ cấp trên cấp dưới suốt từ hồi kháng chiến đến giờ cùng cười vui vẻ.

Giày Côxưghin cũng khá biết tính ông già Năm. Dù gò bó đến đâu vào lúc cần xỏ giày ông vẫn xỏ giày. Đó là lúc cần ra vẻ lãnh đạo, ra vẻ anh hùng. Tí nữa vào lễ kỷ niệm xem giày tây tôi nói có sai không. Nếu sai cứ cắt cổ tôi cũng không cãi một câu.

Vậy là ông già Năm cứ khoác giày lủng lẳng trên cổ cun cút đi. Sao lúa vàng hực lên thế kia. Triệu chứng nhiễm bệnh xoắn lùn đây. Ông bỏ giày cởi đại cán để ở bờ xăm xắn lội xuống ruộng. Ruộng này sang ruộng khác xem bệnh lan rộng chưa. Nhiễm khắp đồng mất rồi. Lòng nóng như lửa đốt lo hỏng cả vụ lúa, ông rảo bước thẳng về nông trang bộ quên phắt giày Côxưghin và áo đại cán. Con Ba quan liêu quá trời rồi. Phải la thật mạnh nhắc nó. Phải la cả tụi kỹ thuật nữa. Đừng tưởng ông giao chức giám đốc là hết quyền đâu nhé. Ai có lòng chăm lo cơm ăn áo mặc cho dân đều có quyền lên tiếng.

Nhưng đi mỏi chân không tìm thấy nông trang bộ đâu. Chân trần quen lối đưa ông về đúng nơi từng là nông trang bộ. Không còn đâu nhà làm việc, hội trường nữa. Thay vào đó là mấy toà nhà kiểu Mỹ kiểu Thái lạ mắt. Tấm biển Nông trang Hoà Bình không còn. Thay vào là tấm biển hai thứ tiếng Việt, Anh mắc đèn điện nhấp nháy suốt ngày đêm Tập đoàn thương mại du lịch Mãnh Hổ. Con hổ vằn vện mặt người đội mũ trắng tay cầm gậy gôn giơ cao như chào khách. Dù suốt đời lội sình lội ruộng chưa bao giờ xem gôn nhưng ông vẫn nhận ra khuôn mặt châu Á của con hổ nom hao hao nhà vô địch thế giới. Ông thấy con hổ nháy mắt nói cám ơn ông đã biến sình lầy thành đồng ruộng lo phần đói cho con người, để bây giờ tôi đến lo phần phát triển cao cấp cho mọi người thời văn minh hiện đại.

Ông già Năm muốn vào xem có chuyện gì đã xảy ra. Mới sắp bước qua ngưỡng cổng, chuông cảnh báo đã vang lên. Không có người để hỏi. Như trên trời rơi xuống một tấm biển hiện rõ dòng chữ hai thứ tiếng Không nhiệm vụ miễn vào. Tấm biển hiện chừng vừa đủ cho người đứng trước cổng đọc xong dòng chữ lại thấy hiện ra lần lượt các dòng chữ hai thứ tiếng khác: Vé vào cửa hai ngàn đô xin cài thẻ vào đúng nơi quy định; Không nhận người làm công; Đây không phải trại từ thiện; Hẹn sau ba phút không đi sẽ bị bắt vì tội quấy rối. Cuối cùng là dòng chữ Cút đi.

                                                        

    *

Mãnh Hổ ăn thịt Hoà Bình à. Mình có mơ ngủ không. Ông già Năm đi sang nơi có ngôi nhà dành riêng cho giám đốc. Con Ba hư thật rồi. Thế mà nó còn dám gọi ba về dự lễ kỷ niệm. Những ngôi nhà thân quen trong thói quen của ông không còn. Thay vào là một toà lâu đài kiểu châu Âu thời trung cổ. Kiến trúc đá nặng nề. Nóc gôtich nhọn hoắt muốn chọc thủng trời xanh. Cổng đóng kín như đang thời chiến cần ngăn chặn quân địch tấn công. Ông già Năm nhìn thấy nút chuông liền bấm báo có khách. Cổng chính không mở mà mở ra một ô cửa sổ nhỏ. Không thấy người nhưng vẫn có giọng nói âm âm phát ra cũng bằng hai ngữ Việt, Anh: Xin cho biết quý danh; Xin áp bàn tay vào đây. Ông làm theo hướng dẫn. Không phải đối tác xin mời đi cho. Cửa sổ đóng sập lại. Ông già Năm giận điên người. Con Ba đối xử với ba nó vậy sao. Ông bấm chuông đổ liên hồi và la mắng con Ba hư hỏng từ bao giờ thế. Ô cửa sổ lại mở ra kèm tiếng nói không tỏ ra chút bực tức: Chó bảo vệ đã thả, đề nghị người lạ đi ngay nếu không sẽ bị chó tấn công. Ô cửa sập lại kèm theo tiếng tru của đàn chó như tiếng của bầy sói đói. Ông già Năm lẩm bẩm rõ ràng hôm qua con Ba gọi về dự lễ mà. 

Chợt con vàng vẫy đuôi chạy tới cắn gấu quần ông kéo đi. Ông ngồi xuống vuốt ve con chó. Nó rên lên ư ử. Ông và nó gắn bó nhau suốt những năm lội sình lội đồng. Thân nhau như ruột thịt. Ông đi theo nó. Như đi thăm đồng ngày trước. Mỗi lúc mỗi xa lâu đài Mãnh Hổ. Ông nhận ra đường về thị trấn. Đến căn nhà khối hộp kiểu Đức xây thời thập niên tám mươi. Căn nhà từng làm văn phòng đại diện giới thiệu sản phẩm của nông trang. Hai Lợi tốt nghiệp đại học được cử về đây làm trưởng văn phòng đại diện. Đây là người nông trang có bằng cử nhân đầu tiên. Chính nhỏ Ba đưa hai mẹ con Hai Lợi đang lê lết xin ăn ở thành phố về nông trang. Hai Lợi suy dinh dưỡng sài đẹn luôn. Nhỏ Ba dành tiêu chuẩn đường sữa chăm nó. Đi viện cũng một tay nhỏ Ba đưa. Hai Lợi học giỏi, năm nào cũng được nông trang cấp gạo ăn thay học bổng cho tới khi tốt nghiệp đại học. Mẹ con Hai Lợi xin nhận nhỏ Ba làm mẹ đỡ đầu nhưng nhỏ Ba từ chối, nói rằng việc quan tâm mọi thành viên nông trang là bổn phận của mình. Đã là người của nông trang thì ai cũng có nhà ở, có cơm ăn áo mặc, được học hành và được chữa bệnh. Đời sống vật chất tinh thần ngày một cải thiện khiến ai cũng coi nông trang là nhà của mình. Nhỏ Ba quan tâm hơn với mẹ con Hai Lợi vì họ là đối tượng cần được quan tâm hơn chứ không phải vì ơn huệ gì. Hai Lợi làm việc giỏi, lập tức được quy hoạch là cán bộ nguồn. Nhỏ Ba là người giới thiệu Hai Lợi vào Đảng. Rồi Hai Lợi được đề bạt trưởng phòng kinh doanh, được bầu vào Đảng uỷ. Hai Lợi mở văn phòng đại diện ở thành phố và có công đưa hình ảnh nông trang ra nước ngoài. Văn phòng ở thị trấn được cho thuê. Người thuê là mẹ Hai Lợi. Theo sự sắp đặt của con, mẹ xin nghỉ chế độ thôi việc ra mở xưởng sản xuất bánh phồng tôm hiệu Nông trang Hoà Bình. Bánh này cũng xuất cả ra nước ngoài.

*

 

Ông già Năm thấy nhỏ Ba đang ngồi nói chuyện với mẹ Hai Lợi ở phòng khách. Ông thắt lòng thấy con gái tiều tuỵ xác xơ vẻ đầy ưu tư. Đối diện là bà bự mẹ Hai Lợi như cái phồm mắm trát bự phấn treo đầy trang sức vàng ngọc quý hiếm. Dì Ba thông cảm, ngày mai chuyển đi nơi khác cho, căn nhà này tỉnh đã có quyết định thu hồi rồi, đây dì đọc đi. Thế phồng tôm Hoà Bình chuyển đi đâu. Rồi tính. Tôi đang chức giám đốc sao không được biết việc thu hồi này nhỉ. Thế dì chưa biết tỉnh đã cho dì thôi chức à. Tôi nghe Hai Lợi lánh mánh chuyện này rồi mà. Vô lối quá. Dì ơi, trên bao giờ cũng đúng. Trên cấp đất thì trên cũng có quyền thu đất. Trên cấp chức thì trên cũng có quyền thu chức. Sao gọi là vô lối được. Dì hạ hoả đi cho nhẹ người. À sao dì không về quê tá túc. Quê ư, đây chính là quê tôi. Nhà tôi mấy đời sống ở Đám Lá Tối Trời này. Chỗ nào cũng là nhà. Nhưng chả ai cấp đất sổ đỏ sổ xanh cho tôi cả. Thế nông trang cũng không cấp đất ư, bất công thế. Ba con tôi không tự cấp đất ở cho mình là để toàn tâm toàn ý lo cho nông trang, lo cho mọi người, chúng tôi không cần đất của nông trang sao gọi là bất công được. Chúng tôi muốn không còn ai sống vô gia cư, không còn ai phải cảnh nuôi vịt chạy đồng cơ cực. Đó là lý do ba tôi từ chối lên chức chỉ xin được tỉnh đồng ý cấp đất dựng nông trang này. Với một con dấu đỏ hợp pháp và được mọi người hợp sức mà làm nên việc đó. Chị có biết không, lãnh đạo tỉnh hồi đó còn tưởng ba tôi mắc chứng tâm thần. Ba tôi mỏi mồm nói mong muốn dựng một nông trang theo mô hình Liên Xô ông từng được tham quan. Một xã hội văn minh tốt đẹp là một xã hội biết chăm lo sự phát triển toàn diện của người lao động. Vùng đất sống dựa vào thiên nhiên Đám Lá Tối Trời này rất cần nhiều nông trang Hoà Bình kiểu Xôviết như thế. Trước căn bệnh thần kinh rất nhân văn của vị phó ty nông nghiệp đã làm mềm lòng lãnh đạo tỉnh. Nhưng tỉnh chỉ cấp con dấu và chức danh giám đốc với bãi lầy Đám Lá Tối Trời thôi, tỉnh nghèo phải dành kinh phí chống đói và khắc phục hậu quả ba mươi năm chiến tranh, chứ không có kinh phí chi cho việc xây dựng nông trang đâu. Ba tôi bảo ông cũng chỉ cần có thế. Tôi đang là bí thư Đoàn cơ quan theo ông về làm phó. Hai cha con tự moi đất tôn nền chặt cây dựng văn phòng. Vừa làm vừa hắt nước lã mà vã nên hồ, tay không làm nổi cơ đồ mới ngoan. Rồi chia nhau đi chiêu mộ dân tứ tán về làm nông trang viên. Sình lầy dần thành bờ xôi ruộng mật. Cả nước đói nhưng nông trang Hoà Bình không đói. Nhà máy quốc doanh, nông trường quốc doanh thi nhau đổ sập thì nông trang Hoà Bình vẫn phát triển. Ba tôi được bình chọn là nhân vật của năm sánh với Đặng Tiểu Bình, Thatchơ. Tôi cũng được vinh dự này khi được bình chọn là gương mặt thế kỉ 21 sánh với Putin, Nêdat. Chúng tôi sống chết với nông trang thì cần chi đất riêng của mình, lại do chính mình tự ra quyết định cấp cho mình.

Bà bự lấy khăn tay chấm nước mắt. Nhưng việc mời dì Ba đi khỏi nơi sắp thành tài sản riêng thì vẫn không thể không nói ra. Hai Lợi bảo đây còn là mệnh lệnh của thượng cấp và mới chỉ là bước đầu của kế hoạch cổ phần hoá vùng đất này thành tài sản riêng của chính nó mà dì Ba là vật cản cuối cùng.

Ông già Năm toan đi vào gọi nhỏ Ba đi ngay với mình thì con vàng kéo chân giữ lại. Một chiếc Camri êm như ru tiến vào sân. Hai Lợi dáng vẻ phương phi, tự tin bước vào. Ủa dì Ba còn ở đây hà, may quá không phải tìm. Tôi đã biết quyết định thu hồi căn nhà này rồi, khỏi phải tìm chi nữa. Dạ thưa, không phải chuyện đó. Từ từ tôi trao hết các quyết định cho dì. Đây là quyết định cách chức giám đốc, buộc thôi việc để điều tra. Đây là quyết định giải tán đảng bộ Hoà Bình và thôi chức bí thư của đồng chí để làm kiểm điểm về những sai phạm trong quản lý kinh tế. Đây là quyết định giải thể nông trang Hoà Bình, thu hồi đất xây dựng khu công nghiệp và đô thị mới. Hôm nay mới có các quyết định này sao tập đoàn Mãnh Hổ đã có mặt ở đây rồi, liệu có nực cười lắm không? À, đó là chính sách trải thảm đỏ kêu gọi vốn nước ngoài đầu tư linh hoạt của tỉnh. Nhờ sự sáng suốt này mà tỉnh ta đang dẫn đầu cả nước về vốn nước ngoài đầu tư và tốc độ công nghiệp hoá. Thoát chân lấm tay bùn rồi dì Ba à. Dì sớm nghe tôi, không chống lại đường lối công nghiệp hoá của tỉnh thì đâu cần những quyết định hôm nay mà dì lại từ bà chủ danh nghĩa thành bà chủ thực sự của vùng đất Đám Lá Tối Trời này rồi. Nhưng không sao, dì đã hoàn thành vai trò biến đất hoang thành đất nông nghiệp, bọn tôi làm tiếp nhiệm vụ biến đất nông nghiệp thành đất công nghiệp. Chỉ có công nghiệp mới là con đường ngắn nhất đưa đất nước phát triển hoà nhập quốc tế. Dì cũng nên thành thực kiểm điểm nếu không có thể phải di sang xử lý hình sự về những sai phạm trong quản lý kinh tế. Án tù đấy dì ạ. Tôi lo cho dì thật lòng nên lộ chuyện cơ mật của tỉnh với dì. Cám ơn cậu. Thế cậu có bao nhiêu phần trăm cổ phần trong cái dự án Mãnh Hổ kia. Thì bình thường thôi. Nhưng cái đích nhắm của tôi là danh hiệu anh hùng thời công nghiệp hoá kia. Anh hùng cái thế. Tôi là người của tương lai, là gạch nối tiếp của ông Năm và dì. Dì cứ tin tôi đi. Nhưng cậu có biết việc giết chết Hoà Bình là giết chết một lý tưởng tốt đẹp đang thành hiện thực trên quê hương mình không. Tôi sẽ ra trung ương nói lý để bảo vệ Hoà Bình, cậu có tin tôi bảo vệ nổi nó không. Dì đừng ngoan cố thế. Vòng quay lịch sử đã quay, dì chỉ là hạt cát bị nghiền nát trong vòng quay đó thôi, xin dì hãy bình tâm cho.

Ông già Năm thở phào khen con Ba được lắm. Dù khó khăn đến đâu cũng không đánh mất niềm tin chiến thắng. Như ông, thời Mỹ Diệm lê máy chém khắp nơi, thời bom đạn máy bay Mỹ đầy trời vẫn tin ngày chiến thắng. Ông ngạc nhiên thấy nhỏ Ba đến góc nhà làm ban thờ, trên có hình ông và bát hương trơ trọi. Ông nghe rõ lời nhỏ Ba thầm thì với ông sẽ bảo vệ nông trang Hoà Bình tới hơi thở cuối cùng và xin ông phù hộ cho chân lý chiến thắng.

Ông già Năm cười móm mém. Nhỏ đúng là con yêu của ba, ba luôn ở bên con đây con ơi.

Con vàng cũng ngoáy tít đuôi sủa váng lên.

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.