Nở rộ trào lưu dùng sữa hạt homemade
Mang nỗi lo về dư lượng chất kháng sinh cũng như hoóc môn tăng trưởng trong sữa bò,... nhiều người đã tìm đến sữa chế biến từ các loại hạt như một giải pháp thay thế. Trên các diễn đàn, trang facebook đâu đâu cũng thấy các mẹ chia sẻ trào lưu sử dụng sữa hạt. Bên cạnh thông tin về giá cả, nơi sản xuất, nơi bán nguyên vật liệu, máy làm sữa,.... các bà nội trợ còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm khi cho con dùng loại sữa này.
Thậm chí có người còn quan niệm dùng công thức sữa hạt, bé còi cọc mấy cũng có thể tăng cân. Nhiều mẹ còn khẳng định loại sữa hạt này có thể dùng được cho trẻ dưới 1 tuổi nếu mẹ không có sữa từ đó khiến sữa hạt càng “lên ngôi”.
Mặc dù các bác sĩ dinh dưỡng vẫn coi sữa bò, sữa công thức,... như sản phẩm không thể thay thế nếu muốn trẻ có thêm canxi, tăng chiều cao, có tầm vóc, sức bền tốt hơn so với trẻ nhỏ thời ngày xưa nhưng một người cha áp dụng chế độ ăn thực dưỡng hoàn toàn bằng thực vật chia sẻ: “Ba năm trước khi bà xã tôi có bầu, gia đình chúng tôi lúc đó đang ăn chay nên người thân sợ em bé sinh ra sẽ đen và nhỏ xíu cho coi. Nhưng khi sinh con tôi nặng 3,6kg và rất trắng trẻo”.
Cùng chung quan điểm, một bà mẹ sở hữu hàng chục công thức sữa hạt luôn tự hào con chị không uống một giọt sữa bò và cân nặng vẫn tăng. Người này chia sẻ, nhờ dùng các loại sữa hạt mà “trộm vía” con chị ít ốm và vẫn phát triển tốt. Do đó, không ít gia đình, khi con vài tháng tuổi đã bắt đầu hành trình“tẩm bổ” cho con bằng các loại sữa hạt.
Có nên thay thế cho trẻ ăn hoàn toàn bằng sữa hạt?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc uống sữa ngô, khoai, yến mạch… không khác gì ăn những thực phẩm đó. Bản chất nó vẫn là ngũ cốc, không phải là sữa. Hơn nữa, nếu chỉ cho trẻ uống sữa hạt không khác gì chế độ ăn chay, đồng thời ăn chay chống chỉ định với trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, đang cho con bú và người bị bệnh. Do đó, sữa hạt chỉ là thức ăn bổ sung hỗ trợ thêm.
Còn những bà mẹ đã ít sữa và không có sữa nếu nuôi con bằng sữa hạt, cân nặng có thể tăng nhưng chắc chắn sẽ thiếu vi chất, dinh dưỡng, tình trạng thiếu hụt kéo dài có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ nhỏ.
Nếu là trẻ nhỏ và kể cả người lớn dùng sữa hạt, thì cần bù trừ lượng chất đạm bằng cách có chế độ ăn giàu đạm từ thịt động vật trong bữa ăn. Ngoài ra, phải có chế độ ăn đa dạng đủ riboflavin và vitamin B12. Đối với những trẻ dưới 2 tuổi, trẻ biếng ăn, nhẹ cân và tăng trưởng kém thì không khuyến khích dùng sản phẩm này.
Theo Ths. BS Lê Thị Hải - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, sữa hạt nếu dùng không đúng với độ tuổi của trẻ có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của bé. Các mẹ có thể dùng các loại hạt xay ra làm thành thức ăn bổ sung cho trẻ trên 1 tuổi. Không dùng cho trẻ dưới 1 tuổi và cấm tuyệt đối dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Lý giải về việc trẻ chỉ uống sữa hạt nhưng vẫn ăn khỏe, cân nặng tốt, bác sĩ Hải cho rằng, có những trường hợp, đứa trẻ uống sữa hạt cân nặng vẫn tăng bình thường là do đứa trẻ đó được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ, sữa hạt chỉ là thức ăn bổ sung hỗ trợ thêm.
Như vậy, có thể thấy quan điểm dùng sữa hạt để thay thế hoàn toàn cho sữa động vật là một nhận định sai. Dùng sữa hạt thay thế cho sữa động vật sẽ gây ra những tác động tiêu cực tới sức khỏe của trẻ nhỏ. Chưa kể, quá trình sản xuất sữa hạt thủ công còn phát sinh nhiều vấn đề lo ngại từ khâu phối trộn, lựa chọn nguyên liệu đến an toàn thực phẩm. Ngay cả việc dùng các loại hạt có nguồn gốc thực vật mà không rõ xuất xứ cũng có thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản. Nguy hiểm hơn cả đó là các loại hạt được trồng theo phương pháp biến đổi gen cũng rất nguy hiểm.
Chế độ dinh dưỡng để trẻ phát triển toàn diện là phải ăn cân đối đạm động vật và đạm thực vật. Đối với trẻ em đạm động vật phải chiếm 3/2 chế độ ăn, còn đạm thực vật chỉ chiếm 1/3. Do sữa hạt cũng có những nhược điểm nhất định vì vậy khi dùng sữa hạt cho con, mẹ nên xin tư vấn chuyên gia dinh dưỡng. Đồng thời, mỗi người mẹ phải am hiểu về hàm lượng dưỡng chất để bổ sung cho phù hợp. Do đó, trước khi quyết định cho trẻ sử dụng, mẹ cần phải nghiên cứu kỹ về sự tương thích của từng loại hạt chế biến sữa đối với từng lứa tuổi cũng như phù hợp với thể trạng của từng trẻ chứ không nên chạy theo trào lưu người này ăn rồi truyền miệng cho người kia ăn có thể gây hại cho sức khỏe.