Đây cũng là nơi sơn thủy hữu tình, cuốn hút con người vào một hành trình khám phá nhiều lí thú.
Linh thiêng giữa đại ngàn
Na Hang là một huyện thuộc tỉnh Tuyên Quang, thuộc vùng Đông Bắc của Việt Nam. Nơi đây cách Tuyên Quang khoảng 110km và cách Hà Nội gần 285km. Để di chuyển tới đây, từ Thủ đô, du khách sẽ mất khoảng 6 giờ nếu đi bằng ô tô. Na Hang là nơi sinh sống của 12 dân tộc thiểu số. Mỗi một dân tộc đều mang những nét đặc sắc trong văn hóa riêng.
“Na Hang” trong tiếng Tày có nghĩa là “cánh đồng cuối”. Na Hang được ví như “vịnh Hạ Long trên cạn giữa đại ngàn” của Tuyên Quang, hay như một nàng công chúa ẩn mình giữa chốn rừng sâu, với khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung. Na Hang từ lâu được coi là miền đất cổ tích với những phong cảnh đẹp nên thơ. Những truyền thuyết về Nàng Tiên - Chú Khách, đỉnh Pắc Tạ hay vẻ đẹp hoang sơ của hồ trên núi. Nơi đây mỗi con sông, con suối, cánh rừng, ngọn núi đều được gắn liền với những truyền thuyết hấp dẫn. Sông Gâm và sông Găng cùng dãy núi Pác Tạ hùng vĩ với 99 ngọn núi.
Với người ở Na Hang - Tuyên Quang, Vài Phạ vốn là một cột đá cao sừng sững hàng trăm mét nằm sâu trong vùng 99 ngọn núi đá vôi hay còn gọi “Cọc buộc Trâu Trời” theo tiếng dân tộc Tày giữa hàng trăm đảo đá vôi giăng khắp mặt sông là nơi sơn kỳ thủy tú, ít nơi nào có cảnh quan kỳ bí, say đắm bao lữ khách. Trước đây, hiếm có ai đến được nơi này bởi địa hình quá hiểm trở. Khi nước hồ dâng lên thì việc đến thăm thắng cảnh bằng thuyền trở nên dễ dàng hơn.
Vài Phạn - “Cọc buộc Trâu Trời” gắn liền với huyền tích Tài Ngào mà người dân tộc ở Na Hang bao đời nay đều trân quý. Các già làng kể lại truyền thuyết, Tài Ngào là một chàng trai khổng lồ, chăm chỉ, chịu khó. Năm đó hạn hán kéo dài, chàng nghĩ mãi rồi quyết định ngày ngày ra chân núi Pắc Tạ ngược lên vùng Đức Xuân, Thúy Loa để đắp đập ngăn sông cho nước dâng lên để lấy nước giúp dân làng. Lúc ấy, có chú Trâu Trời khổng lồ kêu cứu vì đang bị nước lũ chảy cuồn cuộn cuốn đi. Tài Ngào bèn vội lấy dây thừng buộc chú Trâu Trời vào cọc đá vôi cao mà chàng vừa đắp.
Cũng lúc đó, có một kẻ xấu trong bản muốn cản trở công việc của Tài Ngào bèn tới nói dối rằng mẹ chàng ở nhà ốm nặng và đã qua đời. Tài Ngào tưởng thật vội làm chiếc quan tài bằng đá vác về để chôn cất mẹ. Về đến nhà, thấy mẹ đang ngủ say, Tài Ngào tưởng mẹ đã chết liền lấy tay vuốt mắt mẹ. Nào ngờ bàn tay khổng lồ của chàng đã làm móp thái dương mẹ khiến mẹ qua đời.
Thương mẹ, Tài Ngào kêu gào thảm thiết. Nước mắt của chàng chảy thành sông làm cuốn trôi chiếc quan tài đá và thi hài người mẹ. Quan tài của mẹ vướng lại Cọc Vài nằm bên bờ sông Gâm - chỗ Tài Ngào đang đắp đập dở và cứu Trâu Trời. Nhờ có Cọc Vài, anh đã tìm được thi hài của mẹ để chôn cất. Chú Trâu Trời được Tài Ngào cứu giúp đã đưa những chú trâu ở xa kéo về làm lễ tang mẹ cùng Tài Ngào tại Cọc Vài.
Sau đó, những chú trâu không đi đâu, quyết ở lại thôn, bản giúp Tài Ngào và người dân 12 dân tộc anh em tăng gia sản xuất, đồng ruộng ngút mắt, mùa màng bội thu, no ấm. Cũng từ đó, người dân nơi đây coi Cọc Vài tại lòng hồ như nơi linh thiêng đầy bí ẩn giữa đại ngàn.
Cụ Tương Thị May (72 tuổi, người Dao, Na Hang) nhớ lại chuyện cách đây 60 năm. Khi ấy, cụ May là cô bé 12 tuổi. Nhà cụ May rất nghèo, ông nội và bố mất sớm. Cụ May ở với bà nội và mẹ. Cả nhà chỉ trông vào ít nương rẫy, năm được mùa, năm mất mùa. Tài sản lớn nhất của gia đình là một con trâu mẹ đang thời kỳ mang thai. Không hiểu vì sao, trâu mẹ của nhà cụ May lăn ra ốm.
Cả nhà thương trâu mà không biết làm cách nào vì cán bộ thú y ở xa thôn bản. Lo sợ trâu mẹ bị chết, mẹ của cụ May vội vã chạy ra sông Gâm, hướng mặt về Cọc Vài cầu mong trâu khỏe mạnh. Còn ở nhà, bà nội và cụ May ra sức sưởi ấm và cho trâu ăn cỏ non.
Dường như, nhờ sự chăm sóc của gia đình cũng như lời cầu nguyện của mẹ cụ tại Cọc Vài linh ứng, trâu mẹ dần phục hồi, sau đó đẻ ra chú nghé đáng yêu. Nghé lớn lên thành một trâu khỏe mạnh, giúp bà, mẹ cụ và người dân trong bản làm việc đồng áng, mùa màng thêm tốt tươi. Cũng từ đó, người dân lại càng thêm yêu mến các chú trâu trong bản và trân quý Cọc Vài.
Cọc Vài hay còn gọi Vài Phạ, trong tiếng Tày nghĩa là “Cọc buộc Trâu Trời”. (Ảnh: Trung Kiên) |
Huyền tích Na Hang
Những câu chuyện về đàn trâu và “Cọc buộc Trâu Trời” thường được những già làng, trưởng bản kể cho con cháu bao đời quây quần bên ánh lửa bập bùng cùng những món ăn mang đậm chất truyền thống dân tộc mình: Cá lăng, cá nheo, thịt lợn bí, cá suối lam ống nứa, bánh trứng kiến, bún cổ truyền, ốc suối, rêu suối, rau rừng, xôi ngũ sắc, rau dớn, rau dạ và hương rượu men lá Sơn Phú, rượu đao… Gắn bó những ngôi nhà sàn gỗ, nhà đất, nhà trình tường trăm năm tuổi của đồng bào Tày, Dao, Mông… những người dân nơi đây cùng nhau lên rừng hái rau, làm ruộng, ra suối bắt cá, cua đá…
Khi núi rừng Tây Bắc khoác lên mình chiếc áo rực rỡ của những cánh hoa đào, hoa mơ, hoa mận, khi sương lạnh giăng bồng bềnh trên những rẻo núi cao, tiếng khèn vang vọng giữa không gian núi rừng với những bản tình ca lãng mạn cũng là khi mùa xuân về với bản làng trên triền núi. Những bông hoa níu chân người say mê khám phá vẻ đẹp mộc mạc của vùng sơn cước trong buổi sớm mùa xuân tuyệt đẹp.
Xuân sớm trong các lễ hội Lồng tồng, Cấp sắc, Nhảy lửa… những cô gái Dao Đỏ, Tày, Cao Lan… lung linh sắc váy đẹp lộng lẫy y như đàn chim phượng hoàng. Cùng huyền tích về chàng Tài Ngào, “Cọc buộc Trâu Trời”, người dân bản làng và du khách cùng thưởng thức các làn điệu dân ca truyền thống, những lễ nghi văn hóa niên đại ngàn năm của đồng bào dân tộc. Điệu Then, Cọi, hát ru, hát Páo Dung, Sli, Lượn cùng tiếng đàn Tính ngọt ngào, đằm thắm mà da diết của đồng bào dân tộc Tày, Dao. Nghe tiếng kèn pí lè, kèn lá và điệu múa khèn của những chàng trai, cô gái dân tộc Mông làm say đắm lòng người.
Thưởng lãm Cọc Vài - “Cọc buộc Trâu Trời”, được đắm mình trong thiên nhiên hoang sơ kỳ bí, trải nghiệm những cung bậc cảm xúc với vẻ đẹp và những sắc màu dân tộc nơi đây, dường như mọi bộn bề của cuộc sống đều tan biến. Mùa xuân Tân Sửu đang nhẹ gót phiêu du trên khắp các bản làng giữa đại ngàn.