Cổ tích về cô bé “đập mặt nai” nuôi cả gia đình

Ngày nào cũng thế, sáng Hương dậy thật sớm để nấu cháo tranh thủ đem qua cho bố mẹ, sau đó về đi học, trưa lo cơm nước cho 4 đứa em, chiều đến viện chăm sóc cho bố mẹ, tối lại về "đập mặt nai" đến tận khuya mới đi ngủ...

13 tuổi, Hương đã trở thành lao động chính trong gia đình, một lúc em vừa phải chăm bố bị bệnh u não, mẹ bị sỏi thận, sỏi mật và 4 đứa em nhỏ. Khó khăn này cùng những bất hạnh khác liên tiếp tìm đến đôi vai gầy yếu ớt ấy. Dù biết con đường phía trước còn biết bao chông gai, khổ ải nhưng chưa bao giờ Hương cho phép mình gục ngã.

Đứng giữa con sóng đau thương

Nhà Hương ở thôn Tam Á, xã Gia Đông (Thuận Thành – Bắc Ninh), con đường vào nhà em đã thay đổi khá nhiều, hàng xóm láng giềng lần lượt dựng lên những ngôi nhà khang trang, đồ sộ. Còn nhà em vẫn vậy, gậm giường vẫn lỏng cỏng những chiếc khuôn làm mặt nai, giấy vụn và những thứ để làm vàng mã. Cả làng ai cũng biết cô bé vừa học giỏi lại vừa chèo chống nuôi cả gia đình 7 miệng ăn bằng nghề đập mặt nai (mặt nai dùng làm hàng mã).

Hương đang đập mặt nai
Hương đang đập mặt nai

Thấy có khách lạ ông Long (bố Hương) đi ra, đi vào, không biết phải nói như thế nào với khách thì một đứa con giục: "Bố! Mời khách vào nhà đi". Ông Long gãi đầu, gãi tai như một đứa trẻ rồi lí nhí mời tôi vào nhà. Lúc ấy Hương cũng vừa đi học về, dựng chiếc xe đạp cũ vào bóng mát, vồn vã rót nước mời khách.

Hương đã quen với việc tiếp khách cho gia đình bởi bố Hương bị bệnh não, nhiều khi bị đãng trí. Những lúc trái nắng trở trời ông lại lăn ra sân rồi chửi bới vợ và các con của mình.

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Hương phải học dán mặt nai từ khi học mẫu giáo, lên lớp một em đã phải ra đồng tập cấy cùng mẹ. Tuổi thơ của em tất bật với những việc đồng áng và lo toan kiếm tiền. Những tưởng cứ chăm chỉ làm ăn thì cuộc sống sẽ vơi đi những khó khăn vất vả đời thường, vậy mà không ngờ bất hạnh ập đến với gia đình của Hương. Những ký ức đau thương ấy không khi nào Hương quên được: Bố Hương tha thẩn đi ra đường thì bất ngờ bị tai nạn giao thông, Hương phải lo đi nuôi bố trong viện.

Đang bỡ ngỡ chưa biết phải chăm người ốm như thế nào thì hai hôm sau mẹ Hương cũng  phải nhập viện trong tình trạng đau quặn, bác sĩ yêu cầu mẹ Hương phải mổ sỏi thận, sỏi mật. Vậy là, cô bé mới bước sang tuổi 13 một lúc vừa phải lên viện huyện nuôi bố vừa phải chăm sóc cho mẹ, ở nhà lại có tới 4 đứa em nhỏ không ai trông, trong đó đứa em út vừa mới 14 tháng tuổi. Tai họa dồn dập ập tới, khi sau đó, tài sản giá trị nhất là con bò bỗng dưng lăn quay ra chết.

Ngày nào cũng thế, sáng Hương dậy thật sớm để nấu cháo tranh thủ đem qua cho bố mẹ, sau đó về đi học, trưa về nhà lo cơm nước cho 4 đứa em, chiều đến viện chăm sóc cho bố mẹ, tối lại về nhà "đập mặt nai" đến tận khuya mới đi ngủ. Mấy tháng trời trôi qua, Hương muốn khóc nhưng tự động viên: “Mình không được khóc, mình là một cô bé kiên cường”…

Mặc dù thế, nước mắt em cứ rơi hàng đêm vì thương bố, thương mẹ, thương đứa em hơn một tuổi suốt ngày khóc đòi mẹ. Đứa em gái thứ hai (đang học lớp 5) thấy chị vất vả nên ở nhà nấu ăn đỡ thì lóng ngóng để nồi nước canh sôi dội từ bụng dội xuống. Vừa về đến nhà, mấy đứa em òa khóc nói chị Phượng bị bỏng, Hương lập tức đưa em ra trạm y tế xã.

Hương đang làm vàng mã
Hương đang làm vàng mã

Trở thành trụ cột gia đình

Những tháng ngày tai ương ấy cũng dần qua đi, mẹ Hương qua được cơn nguy kịch liền xin ra viện vì không đủ tiền đóng viện phí, một mặt cũng lo cho Hương không biết chèo chống gia đình như thế nào. Vì căn bệnh não không thể chữa được cho nên ông Long cũng về nhà nhưng ông không thể phụ giúp gia đình việc gì. Cũng từ đấy Hương chính thức thành trụ cột chính trong nhà. Tất cả những việc đồng áng, "đập mặt nai" đều do Hương gánh vác.

Khi tôi đến thăm gia đình Hương thì mẹ của Hương lại đang phải nằm điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh vì bệnh sỏi mật. Hương vừa đi nuôi mẹ ở dưới viện về nhà được một tuần. Thương mẹ, muốn ở lại chăm sóc cho mẹ nhưng mẹ Hương “đuổi” Hương về để em kịp vào năm học mới.

Để khách ngồi với bố, Hương xuống bếp lo cơm nước cho các em. Một lát sau đã thấy em tất tả chạy lên nhà xắn tay làm hàng mã. Hương được một gia đình ngoài phố đặt hàng, công việc của em là dán và đóng gói vàng mã.

Hương cho biết: “Cả nhà em không thể trông vào ba sào ruộng, cho nên em nhờ mấy người bạn hỏi hộ xem có nhà nào thuê làm hàng mã không. Cũng may được một cô bạn chỉ giúp có một nhà ngoài phố Gia Đông cần người làm hàng vì thế em đến nhà xin đem về nhà để làm”.

Trong căn nhà nhỏ bé, tồi tàn. Gậm giường đầy những khoai lang, giấy vụn, và mặt nai. Thứ giá trị nhất là ba chiếc giường gỗ ọp ẹp và chiếc hòm cũ, mục nát dùng để chứa thóc được kê ở gian giữa.

Thấy Hương tất tả luôn chân luôn tay, tôi hỏi: “Em bận thế này thì học vào lúc nào?”. Cô bé chia sẻ: “Ngày trước em dậy thật sớm dán mặt nai đến gần 7 giờ, rồi đi học, trưa về tranh thủ cơm nước, 1 giờ chiều đi học, tối về dán mặt nai đến đêm. Còn bây giờ, chưa đến thời vụ nên em dán vàng mã, tranh thủ dán 2 buổi tối cũng được 1.000 sản phẩm, ngần ấy cũng được 18.000 đồng đấy anh ạ!”.

Một cô bé ở độ tuổi đáng nhẽ ra được quyền vui chơi, giải trí thì nay đã phải gánh vác trăm công ngàn việc. Để có thời gian lo toan cho gia đình em đã từ chối lời mời tham gia đội tuyển học sinh giỏi của nhà trường vào năm lớp 7.

Ông Long và các con của mình
Ông Long và các con của mình

Không ngừng học, không ngừng mơ ước

Dù khó khăn là thế nhưng Hương vẫn ham học. Điều kỳ diệu làm cho các bạn cùng lớp ngạc nhiên đó là thấy Hương làm suốt ngày không có thời gian học nhưng 9 năm nay em đều có thành tích học tập khá, giỏi. Tôi hỏi thành tích học tập năm vừa rồi, cô bé cúi lặng đầu nói: “Năm nay em không được xếp loại giỏi vì…”. Chưa kịp dứt lời thì một cô em nhanh nhảu tiếp lời: “Chị ấy được có 7,9 thôi”.

Khi hỏi ước mơ của Hương, em cho biết: “Với em, gia đình bình an là em vui lắm rồi!”.

Nhìn Hương chở đứa em nhỏ xa dần trên con đường làng để tới trường, tôi không biết cô bé ấy còn có đủ nghị lực để bước qua những ngày tháng phía trước hay không?.

Tự Lập

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.