Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi tên thật là Đỗ Xuân Khơi, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, sinh ngày 17/7/1960. Bị bệnh hiểm nghèo phải bỏ học từ năm lên 10, bằng con đường tự học, với ý chí, tài năng và sự khổ luyện, Đỗ Trọng Khơi đã có một sự nghiệp văn học đáng trân trọng. Anh đã cho xuất bản 10 tập thơ, 1 tập truyện ngắn, 1 tập lý luận phê bình; được giải nhì cuộc thi thơ của Tuần báo Văn Nghệ, 2 giải thưởng hàng năm của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp VHNT Việt Nam và một số giải thưởng khác.
Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi |
Cuộc thi thơ 1990 -1991 của Tuần báo Văn Nghệ được tổ chức ngay sau đại hội toàn thể lần thứ IV của Hội Nhà văn Việt Nam đầy sôi động tháng 11 năm 1989, mở đầu thời kỳ đổi mới của văn học đất nước. Từ ảnh hưởng của đại hội, cuộc thi rất được quan tâm của bạn đọc các giới trong cả nước. Tổng kết cuộc thi đã vinh danh các nhà thơ Hoàng Trần Cương, Đỗ Minh Tuấn, Lê Văn Ngăn, Nguyễn Việt Chiến, Đoàn Thị Lam Luyến, La Quốc Tiến... Bên cạnh những tên quen thuộc ấy, giải nhì được tặng cho một cây bút lần đầu xuất hiện trên văn đàn: Đỗ Trọng Khơi. Nhiều bạn đọc và bạn văn nghe nói tác giả quê Thái Bình đã gọi điện hỏi Đỗ Trọng Khơi là ai? Một giọng thơ thật riêng, thật mới. Ánh trăng non tươi, ánh trăng mỡ mầu/vai mang đầy ánh trăng không thấy nặng/đã bao mùa thu bên đàng bao cô gái/lấy tà áo hứng trăng rồi đêm đêm trong mộng khóc thầm... (Ánh trăng). Người ta nói với tôi rằng/anh không bước qua được dấu chân của mình đâu/dẫu có đến cùng trời cuối thế/song tôi vẫn kiên trì bất kể/ lý do tôi chờ đợi/là sự kiếm tìm/một thứ ánh sáng riêng (Hy vọng). Giữa một biển thơ đầy rẫy những yêu, hận, cô đơn, đau đời giả tạo thời ấy, giọng thơ Khơi hé lộ một hồn thơ nhiều ẩn ức mà đầy sức mạnh bản thể và niềm tin yêu cuộc sống. Tôi đã tìm về quê Đỗ Trọng Khơi, không phải lần đầu, mà lần thứ hai. Cách đó không lâu, sau khi chọn in chùm thơ đầu tay của Đỗ Tuấn Khơi trên tờ Tạp chí Văn nghệ Thái Bình, tôi đã về thăm anh một lần. Nhưng tại sao Đỗ Tuấn Khơi lại thành Đỗ Trọng Khơi? Lai lịch cái bút danh ấy là câu chuyện về một tình bạn cao đẹp gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ mà tôi muốn kể cùng bạn đọc trong bài viết này.
Nằm nghiêng trên cái giường đơn sơ, gối đầu lên những cuốn sách, xung quanh la liệt những sách, ngoài sân có tiếng gà cục tác, bên cửa sổ có tiếng kẽo kẹt của bụi tre già, Đỗ Trọng Khơi kể cho tôi nghe chuyện anh tìm đến với văn chương. Quê Khơi là làng Trần Xá, xã Văn Cẩm của Khơi lấy tên người con ưu tú Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm, một trí thức thần đồng nổi tiếng, vì tham gia phong trào yêu nước bị nhà cầm quyền Pháp đày biệt xứ sang Ta-hi-ti. Dòng họ Đỗ Xuân của Khơi hiếm muộn lắm, ông nội chỉ có mình bố Khơi là trai, bố Khơi cũng có mình anh là trai. Năm 1966, bố vào bộ đội chống Mỹ, năm 1967, bố hy sinh ở chiến trường Quảng Ngãi khi mới 36 tuổi. Lúc bố đi chiến trường, Khơi mới học hết lớp vỡ lòng. Năm lên tám tuổi, Khơi bị sưng hai ngón chân út, nhưng không để ý, vì trẻ con nhà quê đau chân, đau tay, ngã sứt đầu mẻ trán là chuyện thường, mấy ngày sau khỏi liền, chả cần thuốc thang gì. Nhưng 6 tháng sau sưng lên cổ chân, 2 năm sau lên đầu gối, 3 năm sau chuyển sang cả hai chân.Ông nội cõng cháu đi khắp nơi, gặp hết ông lang này ông lang khác, bán hết lợn đến thóc mà bệnh không thuyên giảm. Các khớp xương sưng tấy, đỏ mọng và nóng ran, đắp tấm khăn ướt vào một giờ đã khô, phải thay khăn khác. Các thầy lang bảo đó là bệnh “hạc tất phong”. Ông nhìn cháu, mẹ nhìn con ứa nước mắt mà bất lực. Những năm đó, máy bay Mỹ ném bom suốt ngày đêm, bệnh viện sơ tán phải chuyển địa điểm liên tục, thuốc men vô cùng khan hiếm. Ở vùng quê hẻo lánh, nhà nghèo, ai mách thuốc gì thì ông và mẹ lại vay mượn mua thuốc ấy. Biết tin bệnh viện mới sơ tán về Quỳnh Côi, ông nội cõng cháu nửa ngày trời tìm đến. Bác sĩ khám cho Khơi kêu lên: “Cháu bị thấp khớp không chữa sớm, teo cơ rồi”. Thế là lại bắt đầu một thời kỳ ông nội cõng cháu đi hết bệnh viện huyện đến bệnh viện tỉnh, tài sản còn gì bán nốt để mua thuốc giá chợ đen chạy chữa cho cháu. Năm 1971, Khơi học hết lớp 3 thì phải bỏ học, nằm liệt giường từ đấy. Cũng từ đây, Khơi bắt đầu một đời đọc sách để tìm đến với biển trời tri thức và tìm thấy chính mình. Trong hàng chục tập thơ đã xuất bản của Đỗ Trọng Khơi, có một tập anh tâm đắc lấy tên là ABC. Trong đó anh gửi gắm tâm huyết về sự học để làm thơ, làm người. Anh nói rằng vốn liếng được học ở trường của anh chỉ hết bảng chữ cái, đủ biết đọc, biết viết, anh phải tự học lấy tất cả, không ai giúp anh được. Tập thơ có những câu đề từ: Bao giờ người chất được/hư tĩnh thành non cao /thơ sẽ về ươm hạt/trồng xanh vùng chiêm bao. Và anh nói về sự học: Cha khuyên học cỏ/mà nuôi chí người/khi trong khi đục/khi đầy khi vơi/cứ theo sông suối/thì về biển khơi/mẹ khuyên học biển/mà yêu con người. (Học).
Ảnh minh họa: Phượng Tím Đà Lạt (Phan Văn Em) |
Những cuốn sách đầu tiên Khơi nằm đọc là của bố để lại. Chỉ hơn chục cuốn, là mấy bộ “Thủy Hử”, “Tam Quốc”, “Đông chu Liệt Quốc”, và mấy cuốn sách không liên quan gì đến văn chương. Đọc đi đọc lại gần như thuộc lòng những sách ấy, Khơi khát sách như khát nước mà không có sách đọc. Nhiều ngày đêm nằm ngửa mặt nhìn trần nhà chỉ mơ về sách. Khơi chợt nhớ một người bạn làm công nhân ở trên huyện hàng tuần vẫn đi về. Khơi xin phép mẹ, dành hết số tiền trợ cấp liệt sĩ của bố, nhờ người bạn ấy mua sách ở hiệu sách huyện. Thời ấy sách không nhiều, nhưng giá bao cấp tương đối rẻ, hơn nữa các nhà xuất bản in rất chọn lọc, sách trong nước và sách dịch hầu hết là những tinh hoa văn học của những tác giả lớn. Vì vậy, dù không được hướng dẫn, nhưng Khơi may mắn được tiếp cận với những giá trị văn chương đích thực, giúp anh có được tư duy và mỹ cảm văn chương chuẩn mực để hình thành phong cách sáng tác sau này. Khơi còn may mắn gặp được chị Hòa bán sách. Biết Khơi là người có chí đọc sách, nhà nghèo và hoàn cảnh đặc biệt, chị quyết định cho Khơi mượn sách, với yêu cầu là phải giữ gìn thật cẩn thận, đọc xong trả ngay để chị bán. Đây là một đặc ân, là việc làm mạo hiểm, nếu bị tiết lộ, chị có thể bị kỷ luật rất nặng. Chỉ là một tấm lòng thơm thảo, chị đâu biết được rằng chị đã góp phần mở đường cho một nhà văn tương lai. Không nhớ Khơi đã đọc bao nhiêu sách, nhưng anh đọc tất cả những gì mà hiệu sách và thư viện huyện có. Đọc cả một bể tri thức không hệ thống, không người chỉ dẫn, nhưng vì có thiên tư, nên Khơi đã tổng hợp cho mình một kiến thức khá vững vàng về nền văn học của đất nước và các nền văn học lớn khác như Trung Quốc, Nga, Pháp và một số nước khác có sách dịch sang tiếng Việt. Không chỉ đọc sáng tác, Khơi đọc cả sách nghiên cứu, lý luận; không chỉ đọc văn học, mà đọc cả sách khoa học. Tất cả đều đọc và suy nghĩ, ghi chép cẩn thận. Có những điều đọc rồi nhiều năm sau mới bùng nổ trong nhận thức như một sự đốn ngộ. Trong cuộc đời văn chương của Đỗ Trọng Khơi, những năm chưa phát lộ này có lẽ lại là thời kỳ quan trọng nhất. Người đời chỉ biết đến anh như cái cây đã đơm hoa kết trái sau này.
Sau mười năm nằm đọc sách, Khơi bắt đầu viết truyện ngắn. Nằm nghiêng đọc và cũng nằm nghiêng viết. Khơi viết về tình yêu, tình bạn, về quê hương. Trong khoảng hai năm, anh viết được mười truyện ngắn và hơn hai chục bài thơ. Anh không nghĩ mình đang sáng tác, mà chỉ viết như một sự giải tỏa những nghĩ suy và cảm xúc chứa chất trong lòng. Viết rồi chép thật sạch, đóng thành một tập cả văn thơ, đưa cho bạn bè đọc, mọi người chuyền tay nhau. Không ngờ tập bản thảo viết tay ấy lại thành mối cơ duyên cho một tình bạn lớn gắn bó với cả cuộc đời và sự nghiệp của Khơi sau này.
Mùa thu năm 1987, có đoàn sinh viên Trường Đại học Y Thái Bình về vùng quê Khơi làm công tác y tế cộng đồng. Tình cờ thấy người cán bộ thông tin loa đài xã cầm tập bản thảo của Khơi, nhóm sinh viên tò mò mượn đọc. Rồi một buổi tối, người dẫn đầu nhóm sinh viên là Hoàng Năng Trọng cùng mấy bạn tìm đến nhà Khơi. Chủ, khách đều không giấu nổi xúc động. Hoàng Năng Trọng không ngờ người viết ra tập bản thảo đầy chất nhân văn ấy lại là một chàng trai cùng tuổi mình, bị tật nguyền phải nằm nghiêng, hai chân cứng khớp không thể thay đổi tư thế. Sức sống cả con người Khơi chỉ thể hiện ở khuôn mặt phương phi, vầng trán rộng và đôi mắt rực sáng, còn thân thể thì gầy bé, tứ chi có dấu hiệu bị teo cơ do biến chứng của thấp khớp. Trực giác mách bảo Trọng rằng đây là một người có sức mạnh nội tâm và có khát vọng lớn. Còn Khơi thì run lên trước sự xuất hiện của Trọng và nhóm sinh viên. Họ là những chàng trai khỏe mạnh, có học vấn cao, họ như Thiên sứ, cách mình một trời một vực. Họ là niềm mơ ước mà Khơi không bao giờ với tới. Vì thế, trong câu chuyện, Khơi không giấu được sự mặc cảm, e dè. Nhưng Trọng và các bạn quý mến, trân trọng Khơi thật chân thành. Khi ra về, Trọng nói: “Đọc tác phẩm của anh tôi rất thích. Tôi có điều kiện tiếp xúc với các báo chí, có tác phẩm nào tâm đắc, anh gửi để tôi chuyển cho họ”. Lúc đó Khơi chưa dám nghĩ mình viết ra được in trên báo chí. Vì thế, Khơi cứ nấn ná không gửi. Nhưng Trọng thì không quên.
Sau lần gặp ấy không lâu, Trọng tốt nghiệp đại học xuất sắc, được giữ lại giảng dạy tại Đại học Y Thái Bình. Thỉnh thoảng Trọng đạp xe gần bốn chục cây số về thăm Khơi. Trọng đọc tất cả những gì Khơi viết và không ngừng động viên Khơi. Anh dành cho Khơi tình cảm thật trìu mến, chân thành. Dần dần Khơi bớt mặc cảm, và họ trở thành đôi bạn như được trời sắp đặt. Mùa Thu năm 1988, Trọng đưa chùm thơ của Khơi in ở Tạp chí Văn nghệ Thái Bình, ký bút danh là Đỗ Tuấn Khơi. Đây là chùm thơ đầu tiên được xuất bản, bút danh ấy xuất hiện lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. Ngay sau đó, để kỷ niệm tình bạn của mình, Khơi lấy tên Trọng vào bút danh, đổi là Đỗ Trọng Khơi, cái tên ngày nay đã trở nên quen thuộc với độc giả cả nước.
Hoàng Năng Trọng làm bí thư đoàn trường đại học, thường mời các nhà văn, nhà thơ về nói chuyện với sinh viên, nên quen biết khá nhiều văn nghệ sĩ có tên tuổi trong nước. Cuối năm 1990, Trọng lên Hà Nội gặp nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi là biên tập viên của Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam, và nhà thơ Bế Kiến Quốc, biên tập thơ của Tuần báo Văn Nghệ. Trọng đưa thơ của Khơi cho hai nhà thơ nhờ đọc giúp. Hai người bạn không ngờ hơn tuần sau Đài Tiếng nói Việt Nam có chương trình thơ Đỗ Trọng Khơi, do đích thân nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi viết lời giới thiệu, gây tiếng vang trong thính giả và giới cầm bút. Ngay sau đó, Báo Văn Nghệ đăng liền hai chùm, gồm 9 bài thơ Đỗ Trọng Khơi trong mục thơ dự thi. Đỗ Trọng Khơi đã chính thức gia nhập văn đàn đất nước khi cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ tổng kết, công bố anh được giải Nhì. Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, nhà thơ Bế Kiến Quốc và nhiều nhà văn, nhà báo tìm về quê Khơi chúc mừng anh.
Cuộc đời bỗng chốc mở ra cho Khơi những chân trời mới. Đã có những bài báo, những phóng sự truyền hình giới thiệu Đỗ Trọng Khơi. Khơi có thêm nhiều người bạn mới, những bạn văn chương, những người hâm mộ. Người bạn Hoàng Năng Trọng rất bận mải giảng dạy và công tác ở trường đại học, nhưng vẫn lặng lẽ bên Khơi trong mọi niềm vui, nỗi buồn. Chỉ có rất ít người gần gũi, thân thích biết được mối quan hệ của Khơi và Trọng. Thời kỳ này Khơi viết say mê với một bút lực dồi dào. Hoàng Năng Trọng luôn là độc giả đầu tiên của các tác phẩm mới của Khơi. Năm 1992, Trọng mang một tập bản thảo của Khơi lên Hà Nội nhờ nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi thẩm định. Nhà thơ đọc xong rất mừng. Ông cùng Trọng chọn 37 bài để in. Đích thân nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đi xin tài trợ in thơ cho Khơi. Tập thơ đầu tay “Con chim thiêng vẫn bay” của Khơi được xuất bản, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi lại tổ chức họp báo tại Hà Nội giới thiệu tác phẩm mà tác giả không thể có mặt. Công chúng và bạn văn chương yêu mến và ngưỡng mộ Khơi không phải vì hoàn cảnh đặc biệt của anh, mà vì thơ anh đã thực sự chinh phục họ với một hồn thơ mang mang bảng lảng những dự cảm tâm linh, những khắc khoải âu lo về kiếp người, về nỗi cô đơn thánh thiện trước Càn Khôn. Tôi quỳ trước Nỗi Buồn như quỳ trước Mẹ/ Mẹ thiêng liêng và Nỗi Buồn cũng thế/ Trước Mẹ - con được còn thơ bé/ trước Nỗi Buồn - con sẽ lớn khôn lên (Buồn thiêng). Vỗ núi, trỏ sông bao lần hỏi đường/ và chân chồn gối mỏi/ và trong lòng thác gềnh đá dựng/ không gian vô cùng/ thời gian vô tận/ Người có trong con không/ Adiđa Phật (Thư cùng Đức Phật).
Sau những thành công bước đầu, Khơi tiếp tục đọc và viết, vắt kiệt sức mình trước trang giấy và ngọn đèn. Năm 1993, Khơi bị viêm phế quản nặng, sức khỏe suy kiệt, Hoàng Năng Trọng phải thu xếp đưa Khơi lên bệnh viện của Trường Đại học Y, nơi Trọng công tác để chữa bệnh cho Khơi. Chuyến đi của Khơi được Bí thư Huyện ủy giúp đỡ về vật chất, được xe của Hội VHNT Thái Bình về đón tận nhà. Trong hơn một tháng chữa bệnh, Khơi đã hoàn thành tập thơ “Tháng Mười thương mến” kỷ niệm thời gian nằm viện của mình. Tập thơ được xuất bản sau đó mấy tháng. Đây là thời kỳ thăng hoa trong sáng tác của Khơi. Anh không chỉ làm thơ, mà còn viết truyện ngắn, lý luận phê bình văn học in trên các báo và tạp chí. Sách của anh liên tiếp được các nhà xuất bản in bao cấp và phát hành trên toàn quốc. Năm 1995, Đỗ Trọng Khơi và Hoàng Năng Trọng được NXB Thanh Niên in chung tập thơ “Bến thời gian”; NXB Văn học in cho Khơi tập thơ “Trước ngôi mộ thời gian”. Những năm sau Khơi liên tiếp cho xuất bản: “Chín mươi lần Nhật Nguyệt” (Thơ, 1999); “Ma Ngôn” (Tập truyện ngắn, 2000); “Cầm Thu” (Thơ, 2002); “Thơ hay trong một cách nhìn” (Lý luận phê bình, 2004); “Khúc đau thương” (Thơ, 2005); “ABC” (Thơ, 2009); “Với tay ngắt bóng” (Thơ, 2010). Ngoài giải thơ Báo Văn Nghệ, Khơi còn được 2 giải thưởng hàng năm của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp VHNT Việt Nam cho tập truyện ngắn “Ma ngôn” (giải B), tập thơ “Con chim thiêng vẫn bay” (giải C), và một số giải thưởng khác. Số tác phẩm chưa xuất bản của Đỗ Trọng Khơi còn rất nhiều. Trong My document máy vi tính của anh còn cất giữ hàng ngàn bài thơ, một tập truyện ngắn, một tập tản văn, một tập lý luận phê bình. Anh vẫn đọc và viết không ngừng nghỉ.
Đỗ Trọng Khơi là người có năng lực tự học hiếm có. Hiện anh là một trong rất ít nhà văn ở Thái Bình sáng tác trên máy vi tính và liên lạc với báo chí, bạn bè bằng internet. Anh đọc và tổng kết về nhiều lĩnh vực chứ không chỉ văn học. Những năm sau này, anh tìm đến Kinh Dịch, khá am hiểu Lý, Số. Rồi anh học Kinh Phật, đọc hàng ngày, nương thân nơi đạo Phật để tìm đến tâm linh. Từ khi bắt đầu cầm bút, Khơi đã đau đáu về sự cô đơn thăm thẳm của kiếp người, viết và nghĩ về nó không ngừng. Có lẽ do hoàn cảnh, anh sống trong một thế giới nội tâm của riêng mình. Mỗi người đều có thể mơ ước thành một ai đó, riêng Khơi thì không. Mồ côi, thất học, lại tàn tật, nghèo khổ, anh chỉ có thể trở thành chính mình. Khơi thâm nhập sâu sắc thế giới tâm linh của Trịnh Công Sơn và Hàn Mặc Tử, anh thấy hai tác giả này đều gần gũi với tư tưởng Phật giáo, sống trong thế giới tâm linh cô đơn. Nhưng Trịnh cô đơn trước Vũ trụ, tâm linh của Trịnh thoát xác. Tâm linh của Hàn chưa hoàn toàn siêu thoát mà còn vướng víu nhiều với cõi sống. Khơi thích Trịnh, vì thơ Khơi cũng cô đơn trước Vũ trụ chứ không phải với mọi người. Tôi tự chèo lấy tôi sang/ khi thuyền rời bến thì tan mất chèo/ tôi là một thế gian nghèo/ vay Vũ trụ cõi trong veo không gì/ tôi tự chèo lấy tôi đi/ đi cho hết cõi không gì mới thôi (Cõi không gì). Quan điểm nghệ thuật của Khơi gần với Trịnh ở lẽ đời, lẽ đạo và chịu ảnh hưởng nhiều ở Trịnh. Đó là những tổng kết của Đỗ Trọng Khơi về chặng đường văn học đã qua của anh. Và anh đã tìm thấy mình trong lao động sáng tạo.
Văn học không chỉ giúp Đỗ Trọng Khơi tìm thấy bản thân, mà còn làm thay đổi số phận anh. Từ năm 2000, bạn bè và những người quý mến Khơi đưa anh lên thành phố. Người thì làm công văn, người đi lo thủ tục hành chính nhập khẩu, rồi xin đất cho anh. Mọi chuyện thuận lợi vì Khơi sống trong tình cảm của xã hội, hơn nữa anh là con liệt sĩ, cháu bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Khơi đã có ngôi nhà tầng khang trang, là nơi lui tới của bạn bè văn nghệ sĩ khắp trong Nam ngoài Bắc. Hoàng Năng Trọng đã tìm giáo sư đầu ngành mổ khớp háng cho Khơi, giải thoát cho anh khỏi cảnh nằm liệt một tư thế, để anh có thể ngồi xe lăn và sinh hoạt thoải mái hơn. Sự thay đổi tình trạng sức khỏe đã tạo ra một bước ngoặt lớn lao cho cuộc đời Khơi. Một người con gái là bạn đọc của Khơi ở tận phương trời Nam đã tìm đến với anh. Việc lấy vợ của Khơi có sự mối mai qua thư và điện thoại của nhà văn Trần Văn Thước, và sự lo toan, gióng dựng của Hoàng Năng Trọng. Đám cưới của Khơi có rất đông văn nghệ sĩ ở địa phương và Hà Nội về dự, được nhiều báo đưa tin. Và một kỳ tích đã đến: Vợ Khơi sinh cho anh một bé trai khỏe mạnh và tuấn tú. Khơi đặt tên con là Đỗ Lập Sơn, và anh bảo đó là Đại kiệt tác của mình. Bố Khơi hy sinh chỉ có mình anh là trai, giờ anh có bé nối dõi dòng họ Đỗ, thật là phúc đức trời cho. Đường văn đường đời của Khơi thế là viên mãn.
Ở Thái Bình còn có nhà văn Trần Văn Thước, dịch giả Nguyễn Bích Lan cũng là những tên tuổi nổi tiếng trên văn đàn, cùng cảnh ngộ về sức khỏe như Khơi, cũng được bạn bè và xã hội quý mến. Nhưng có lẽ Khơi may mắn hơn họ vì có một tình bạn hiếm có. Hoàng Năng Trọng nay là Phó Giáo sư - Tiến sĩ, Phó hiệu Trưởng Trường Đại học Y Thái Bình.Tình bạn của họ ngày càng thân thiết và sâu nặng. Không chỉ lo cưới vợ cho Khơi, Trọng còn sắp xếp việc làm cho vợ và cháu Khơi. Hôm mừng cháu Đỗ Lập Sơn đầy tháng, mấy anh em làm một cái tiệc nhỏ. Chúng tôi cùng nâng ly, Trọng nói với tôi: “Em đi nhiều nơi, khi giới thiệu, người ta cứ kèm thêm mấy chữ bạn của nhà thơ Đỗ Trọng Khơi, thấy rất vui và vinh dự anh ạ”. Khơi bảo: “Trọng là một trí thức có học vị cao sang, lại là quan chức, còn em chỉ là anh thường dân, người ta cũng giới thiệu em là bạn của Tiến sĩ Hoàng Năng Trọng, em thấy thật vinh dự và tự hào”. Hai người bạn cùng cười. Họ đáng tự hào về nhau lắm.
Tình bạn của Đỗ Trọng Khơi và Hoàng Năng Trọng đúng là chuyện cổ tích thời hiện đại. Ở đây không có Tiên, có Phật, nhưng có tình người trong sạch và lý tưởng sống đầy danh dự và tự hào. Đời sống xã hội đang trong cơn điên đảo, đồng tiền che lấp chân lý, danh lợi hủy diệt lương tâm, thì tình bạn của Trọng và Khơi như khẳng định sự bất diệt của cái Thiện và tình người. Một tình bạn cao đẹp và kết thúc có hậu. Có lẽ ông cha ta ngày trước soạn ra chuyện Lưu Bình - Dương Lễ cũng lấy tích từ những tình bạn thế này đây.