"Các địa phương có đánh giá dịch COVID-19 ở cấp độ 1, có thể cho trẻ đến trường học trực tiếp. Đối với cấp độ 2, trẻ vẫn có thể vẫn đến trường học nhưng phải giảm tải và giữ khoảng cách, kết hợp học trực tuyến”, ông Tuyên nói.
Chiều nay, 8/11, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục.
Tại hội nghị, bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhấn mạnh, diễn biến dịch COVID-19 từ năm 2020, đặc biệt đợt thứ 4, ngày càng phức tạp hơn, ảnh hưởng đến sinh sống, an sinh, trong đó có ngành giáo dục.
Hiện tại, 2 ngành y tế và giáo dục đã có phối hợp chặt chẽ theo Nghị quyết 128 của Chính phủ để có hướng dẫn cho việc dạy học dựa trên sự thích ứng, linh hoạt. Đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo bày tỏ nhiều vấn đề băn khoăn, lo ngại xung quanh việc trẻ đến trường trong tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp.
Bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo |
“Mong muốn đặt ra là 2 ngành y tế và giáo dục có sự phối hợp để tham mưu cho các tỉnh, tập huấn cho thầy cô giáo, các em học sinh về tiêm vaccine, vấn đề liên quan đeo khẩu trang cho phù hợp, bố trí phòng học đáp ứng yêu cầu dạy học khi quay trở lại trường học”, bà Minh nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, nhấn mạnh, hội nghị có 3 vấn đề chính là tiêm vaccine cho học sinh, thực hiện 5K trong lớp học (chủ yếu là khuyến cáo đeo khẩu trang, giữ khoảng cách) và xử lý thế nào khi trong lớp có học sinh nhiễm SARS-CoV-2.
Ông Tuyên nói, thế giới đã trải qua 4 đợt dịch, đặc biệt đợt dịch thứ 4 – gây ảnh hưởng toàn bộ các mặt. Tại nước ta, sau đợt dịch thứ 4, tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 tương đối lớn. Tính theo độ tuổi 18 tuổi trở lên, chúng ta đã phủ mũi 1 là 75%. Như vậy độ bao phủ vaccine mũi 1 tỷ lệ tương đối cao, đặc biệt các tỉnh miền Nam.
Cũng theo Thứ trưởng Tuyên, nhận định của các tổ chức y tế, các nước thế giới tình hình dịch năm 2021-2022 vẫn phức tạp, chưa thể kết thúc. Tổ chức WHO và các nước chưa dự báo được có xuất hiện biến chủng mới hay không.
Hiện, các nước đang thay đổi phương pháp chống dịch từ không có virus sang đáp ứng chống dịch trong thời kỳ mới để đảm bảo phát triển kinh tế
Thống kê đến tháng 9/2021, có 105/134 quốc gia mở cửa trường học trở lại. Từ đó, Chính phủ căn cứ vào diễn biến dịch thế giới, trong nước và tỷ lệ tiêm vaccine đã ban hành Nghị quyết 128, và văn bản 4800 của Bộ y tế để hướng dẫn người dân thích ứng với tình hình mới.
“Chúng ta phải thích ứng an toàn, linh hoạt không cứng nhắc như trước”, ông Tuyên nhấn mạnh.
Ông Tuyên nói thêm: “Đối với trẻ đã tiêm vaccine phòng COVID-19 và chưa được tiêm, Bộ Y tế đã có hướng dẫn căn cứ vào cấp độ dịch của từng địa phương để quyết định cho đi học hay không. Theo hướng dẫn đó, các địa phương có đánh giá dịch COVID-19 ở cấp độ 1, có thể cho các trẻ chưa tiêm và đã tiêm, đến trường học trực tiếp. Đối với cấp độ 2, trẻ vẫn có thể vẫn đến trường học nhưng phải giảm tải và giữ khoảng cách, kết hợp với học trực tuyến”.
Thứ trưởng Tuyên nói thêm, chúng ta phải thống nhất “An toàn khi đi học và đi học phải an toàn”. “Tôi đề nghị Sở Y tế, Giáo dục phối hợp rà soát lại và yêu cầu các trường xây dựng kế hoach chống dịch theo tình hình mới. Từ đó rà soát, kiện toàn lại Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 từng trường. Cụ thể, từng trường thành lập ban chỉ đạo riêng. Hiệu trưởng phải là trưởng Ban chỉ đạo”, ông Tuyên nhấn mạnh.
Đồng thời, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng đề nghị từng trường phải xây dựng kịch bản khi không may trường có học sinh, giáo viên là F0.
Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo phải căn cứ vào công bố cấp dịch của từng tỉnh (chi tiết đến từng cấp xã, thậm chí nhỏ hơn) để cho học sinh đi học theo tình hình.
Ví dụ xã này, trẻ có thể học trực tiếp khi cấp độ dịch an toàn nhưng xã khác lại học trực tuyến tùy tình hình dịch.
Trong trường học, ngoài giải pháp kế hoạch chống dịch, phải bố trí nguồn trực y tế học đường, đồng thời bố trí phòng cách ly tạm thời. Ví dụ có cô giáo, học sinh sốt, có dấu hiệu, phải đưa xuống phòng cách ly đó để lấy mẫu, chăm sóc…
Ông Nguyễn Danh Khoa, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn Việt Nam cũng chia sẻ, bản thân là phụ huynh, chúng ta luôn mong muốn các con đến trường có sự an toàn cao nhất. Bộ Y tế và Bộ Giáo dục & Đào tạo phải có sự phối hợp về kế hoạch tiêm vaccine và các vấn đề tiêm vaccine để báo phụ huynh trước khi cho con tiêm vaccine và đưa con đến trường.
Đối với các cháu ở cấp mẫu giáo, tiểu học chưa nằm trong độ tuổi tiêm vaccine, chúng ta cần chuẩn bị trước về mặt tâm lý, kỹ năng. Phụ huynh, nhà trường phối hợp tập huấn hướng dẫn các con có kỹ năng bảo vệ bản thân.
Ông Khoa đánh giá, hiện nay, các em độ tuổi tiểu học thường bắt chước các hành vi của người lớn. Ví dụ khi ho, các cháu sẽ đưa tay lên che miệng. Ngay sau đó, có thể 1 cháu bị phơi nhiễm. Bàn tay cháu đặt lên gương, tay nắm cửa… vô tình gây lây lan mầm bệnh cho các bạn khác rất nhanh.
Toàn cảnh hội nghị |
“Chúng tôi kiến nghị Bộ Giáo dục và Y tế phối hợp có hướng dẫn cho các phụ huynh yên tâm cho con đến trường, tập huấn cho các em kỹ năng bảo vệ bản thân, từ việc đeo khẩu trang đến tự đánh giá tình trạng sức khỏe”, ông Khoa nói thêm.
Theo Viện trưởng Viện Khoa học An toàn Việt Nam, khi học sinh bị phơi nhiễm, nguy cơ tỷ lệ thấp nhưng nguy hiểm là các cháu mang mầm bệnh về nhà, ảnh hưởng đến những người ở nhà như ông bà cha mẹ, chưa được tiêm chủng.
Nhiều đại biểu băn khoăn là việc đeo khẩu trang cho trẻ em trong thời gian dài tại trường học. Về vấn đề này, ông Khoa chia sẻ, việc đeo khẩu trang là biện pháp quan trọng trong khuyến cáo 5K.
Mặc dù với các cháu nhỏ, việc đeo khẩu trang liên tục không đơn giản, tuy nhiên vẫn phải cố gắng đảm bảo 5K để đảm bảo sức khoẻ cho các cháu, khi sức đề kháng, tự bảo vệ bản thân của trẻ còn nhiều hạn chế.
“Đối với các cháu tuổi còn nhỏ, việc đeo khẩu trang liên tục không hề đơn giản chút nào. Chúng ta phải linh động trong việc áp dụng quy tắc 5K làm sao để thực hiện tốt cũng như đảm bảo sức khỏe cho các cháu ở độ tuổi 6-12.
Nên có hướng dẫn cụ thể và thích ứng với số tuổi, từng địa phương điều kiện tạo điều kiện cho giáo viên có quy định để căn cứ có thể áp dụng. Điều này cũng phụ thuộc vào bối cảnh, môi trường học từng trường, lớp và khu vực”, ông Khoa nói thêm.