Sau 1 năm triển khai, Dự án đưa 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã thuộc 62 huyện nghèo (theo Quyết định 170/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) đã chọn được 559 “hạt giống” lãnh đạo trẻ trong số 1.700 thanh niên tình nguyện, đại diện cho hàng triệu thanh niên trên dải đất hình chữ S. Dự án không chỉ khơi “dòng chảy” tri thức, sức trẻ về với các địa phương khó khăn, mà còn cho thấy bầu nhiệt huyết cống hiến của những thanh niên ưu tú cho công cuộc “xóa đói giảm nghèo”, đưa đất nước vững bước phát triển.
Các tri thức trẻ luôn sẵn sàng xông pha |
Thực tiễn “không có màu hồng”
Đưa trí thức trẻ được đào tạo bài bản cả chuyên môn và nghiệp vụ quản lý hành chính, về tăng cường cho lực lượng cán bộ lãnh đạo cấp xã ở các huyện nghèo là sáng kiến để bù đắp cho đội ngũ cán bộ cơ sở vốn chưa đồng đều, đặc biệt chất lượng còn ở mức thấp và góp phần giải quyết những vấn đề tồn tại trong quản lý hành chính ở cấp xã. 600 tri thức trẻ tham gia Dự án có điểm chung là đều dám nghĩ dám làm, có kiến thức, tri thức, sự nhiệt tình, động lực chính đáng, sẵn sàng đương đầu, vượt qua thách thức, chông gai để góp phần tạo ra đổi thay như kỳ vọng cho những xã nghèo mà họ được “gửi” đến.
Mặc dù các chuyên gia đã đánh giá “sự chuẩn bị cho các trí thức trẻ về địa phương bước đầu thí điểm như vậy cơ bản là ổn” song cho đến khi các trí thức trẻ sẵn sàng lên đường thì dư luận vẫn chưa ngớt nghi ngờ về khả năng “bám trụ” địa bàn của các tân phó chủ tịch này. Bởi tiếp nhận trọng trách trước sự “chờ đón” của thực tiễn “không có màu hồng” ở các xã nghèo miền núi, hành trang các tân phó chủ tịch xã mang theo ngoài kiến thức và lòng nhiệt huyết thì chỉ là tuổi đời còn non trẻ, chuyên môn khác xa với nhu cầu thực tiễn cơ sở, chưa được va chạm nhiều với cuộc sống; đặc biệt là với nhiệm vụ của một lãnh đạo cấp xã.
Xây dựng niềm tin
Vậy mà mới 2 tháng “lăn xả vào thực tiễn địa phương”, các tân phó chủ tịch xã đã dần xây dựng được niềm tin về bản lĩnh và sức mạnh của thế hệ trẻ. Họ đã không bỡ ngỡ, nhanh chóng tiếp cận, tìm tòi ra những điều cần, khiếm khuyết của địa phương mình, mạnh dạn nghiên cứu, tìm hiểu qua các cán bộ ở huyện, xã... để “bắt nhịp” với thực tiễn địa phương. 17 trong số 44 trí thức trẻ được đưa về Cao Bằng đã được đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đánh giá cao trong chuyến đi kiểm tra việc thực hiện Dự án tại Cao Bằng mới đây.
Đưa trí thức trẻ về cơ sở không phải là mới khi thời gian qua, nhiều trí thức trẻ đã được đưa về làm cán bộ, công chức cấp xã. Nhưng lần đầu tiên đưa trí thức trẻ tình nguyện về làm ngay Phó chủ tịch cũng tạo ra nhiều “lấn cấn”, nghi ngại về “một sản phẩm riêng biệt so với địa phương”. Với quan niệm “khôn đâu đến trẻ” và tâm lý e dè trước những “người của Trung ương đưa về làm cán bộ xã”, thậm chí nếu không khéo sẽ khiến cán bộ xã thấy có sự phân biệt và dẫn đến tình trạng xa cách, không hợp tác giữa cán bộ sở tại với những trí thức trẻ này.
Do vậy, chính việc các cấp chính quyền, cán bộ lãnh đạo huyện và xã chủ động hỗ trợ tích cực cho các tân Phó chủ tịch vừa giúp họ khắc phục những hạn chế do sự “non nớt”, vừa tác động mạnh mẽ cho việc hòa nhập của các phó chủ tịch xã, “xóa được khoảng cách (về tâm lý) giữa đội ngũ trí thức trẻ với cán bộ sở tại” để các “tân lãnh đạo xã” phát huy cao nhất năng lực cũng như từng bước khẳng định những kỳ vọng được gửi gắm cho họ “không phải là ảo vọng”.
Chắc chắn không bỏ cuộc
Sau khi đi thực tế, trả lời câu hỏi “đã có ai “nản chí” chưa?”, khẳng định chung của các trí thức trẻ là “chúng tôi luôn rất sẵn sàng và mong sớm được về xã công tác”. Nhưng có trải nghiệm công việc tại địa phương mới thấm thía hết những vấn đề phải đối mặt và cần nhiều trí lực để tìm cách vượt qua, khuất phục được đói nghèo, mang lại sự no ấm thật sự.
Là các xã nghèo miền núi, cái “nghèo” bao trùm toàn bộ cuộc sống khiến “điện, đường, trường, trạm”, nước sinh hoạt, nhà ở… “động đến cái gì, thiếu cái đấy” là chuyện bình thường. Dân cư đa dạng, nhiều ngôn ngữ, phong tục, tập quán, trình độ dân trí còn thấp, hiểu biết hạn chế nên việc từ tiếp cận đến có thể nói mà dân nghe đòi hỏi các tân phó chủ tịch một sự nỗ lực, bền bỉ đặc biệt...
Khó khăn nhiều, kinh nghiệm ít ỏi nhưng bù lại, các trí thức trẻ khi xác định về địa phương đều có quyết tâm và nguyện hết lòng vì những người dân quanh năm đối mặt với đói nghèo. “Chắc chắn chúng tôi sẽ không bỏ cuộc bởi nếu ai hàng ngày phải chứng kiến những đứa trẻ lấm lem, đầu trần, chân đất, quanh năm ăn mèm mén cũng sẽ tình nguyện ở lại vực dậy vùng đất khó này” là khẳng định của các phó chủ tịch xã sau 1 thời gian ngắn đương đầu với thực tiễn khắc nghiệt.
Với cái “tâm” của mỗi phó chủ tịch xã và sự quan tâm của toàn xã hội, không khó để tin rằng, cùng với thời gian, các tân phó chủ tịch xã sẽ ghi được những dấu ấn “ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi xuân” trên khắp mọi miền sâu, xa vất vả nhất của Tổ quốc, đem đến bao đổi thay cho đồng bào còn khó khăn, thiếu thốn bằng hoài bão cao đẹp của mình.
Hương Giang