Cơ quan tố tụng bị kiện đòi bồi thường 15 tỉ

 Ông Lực và bà Lan đều tỏ ra mệt mỏi sau hàng chục năm khiếu nại, khiếu kiện.
Ông Lực và bà Lan đều tỏ ra mệt mỏi sau hàng chục năm khiếu nại, khiếu kiện.
(PLO) - Bị bắt giam oan hơn 20 năm trước, bà Lan và ông Lực đòi bồi thường khoảng 15 tỷ đồng nhưng chỉ được tòa tuyên hơn 250 triệu.

Ngày 10/6, TAND Cấp cao tại TP HCM mở phiên phúc thẩm xem xét kháng cáo của ông Lê Văn Lực (61 tuổi, quê Trà Vinh) về việc kiện đòi Công an và VKSND TP Trà Vinh bồi thường 4,9 tỷ đồng do bị bắt giam oan. Là đồng nguyên đơn trong vụ án, song bà Bùi Ngọc Lan (59 tuổi) không được xem xét do đơn kháng cáo quá hạn. 

Theo nội dung án, hơn 20 năm trước bà Lan (nguyên giám đốc công ty Dược Trà Vinh) hợp tác với ông Lực mở xưởng mộc tại nhà.

Ngày 11/6/1993, Công an thị xã Trà Vinh khởi tố ông Lực và bà Lan về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản do có đơn tố cáo của người tên Sơn. Ông Lực bị bắt giam ngay sau đó, hai tháng sau đến lượt bà Lan. 

Sau hơn 3 tháng tạm giam, do không chứng minh được các bị can phạm tội, Công an thị xã Trà Vinh trả tự do cho hai người và ra quyết định đình chỉ vụ án.

Về nhà, ông Lực và bà Lan phát hiện toàn bộ số gỗ trong xưởng cùng nhiều tài sản đã không còn. Họ liên tục khiếu nại Công an và VKSND thị xã Trà Vinh đòi bồi thường oan sai và thiệt hại do bị mất 89 m3 gỗ cùng nhiều sản phẩm làm từ gỗ.

Tuy nhiên, biên bản kê biên của Công an thị xã Trà Vinh thể hiện chỉ tịch thu hơn 4m3 gỗ, một số giường, tủ, ghế và một số vật dụng trong gia đình. 

Các cơ quan tố tụng thị xã Trà Vinh sau đó đùn đẩy trách nhiệm, không bồi thường oan sai khiến vụ việc kéo dài. Lý do các cơ quan này đưa ra là "bắt giam bà Lan ông Lực là không oan mà do người bị hại đã đi khỏi nơi cư trú nên phải đình chỉ điều tra". 

Đến tháng 3/2008, bà Lan và ông Lực làm đơn khởi kiện Công an thị xã Trà Vinh và VKSND cùng cấp. Ngoài yêu cầu xin lỗi công khai tại nơi cư trú và đăng báo trong 3 số, bà Lan yêu cầu bồi thường hơn 4,9 tỷ đồng thiệt hại về tinh thần, mất thu nhập do không còn làm việc cho công ty, tài sản bị mất, chi phí khởi kiện... Còn ông Lực yêu cầu bồi thường tổng cộng 12 tỷ đồng. 

Tháng 5/2009, TAND thị xã Trà Vinh tuyên buộc Công an, VKSND thị xã Trà Vinh phải xin lỗi công khai bà Lan và ông Lực, bồi thường mỗi người hơn 40 triệu đồng. Phán quyết này bị các nguyên đơn kháng cáo nhưng vẫn được TAND tỉnh Trà Vinh giữ nguyên.

Ba năm sau, TAND Tối cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tuyên hủy cả hai bản án. Theo tòa, trong vụ án này VKSND TP Trà Vinh (thị xã Trà Vinh) vừa là bị đơn vừa là người tiến hành tố tụng thì "không đảm bảo tính khách quan". Vụ án được giao cho TAND tỉnh Trà Vinh xét xử lại từ đầu. 

Bà Lan sau đó thay đổi yêu cầu khởi kiện, nâng số tiền bồi thường lên hơn 11 tỷ đồng. Bà cho biết, vụ việc oan sai kéo dài hơn 20 năm không được giải quyết không chỉ khiến bà tổn thất về tinh thần mà còn phải bỏ nhiều công sức, tiền bạc đi hầu tòa... 

Hồi tháng 5/2015, TAND tỉnh Trà Vinh xử sơ thẩm lần hai, tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của các nguyên đơn; buộc Công an và VKSND TP Trà Vinh phải bồi thường cho bà Lan tổng số tiền hơn 55 triệu đồng, ông Lực hơn 100 triệu đồng.

Theo HĐXX, những yêu cầu của nguyên đơn là không có căn cứ. Biên bản kê biên tài sản do công an ký chỉ thể hiện tịch thu hơn 4 m3 khối gỗ chứ không phải là 89 m3 như đương sự yêu cầu. Số tiền bồi thường oan sai được xác định là chỉ trong thời gian hơn 3 tháng. 

Tòa cũng tuyên VKSND TP Trà Vinh có trách nhiệm xin lỗi công khai tại nơi cư trú và trên báo đối với hai nguyên đơn. 

Ông Lực và bà Lan tiếp tục kháng cáo nhưng đơn kháng cáo của bà Lan bị quá hạn 4 ngày nên không hợp lệ. Bà Lan khiếu nại, cho rằng sau khi xét xử sơ thẩm, bà đổ bệnh không có khả năng minh mẫn và sức khỏe nên đề nghị tòa xem xét đơn kháng cáo của mình. 

Tại phiên tòa hôm 10/6 vừa qua, kháng cáo của bà Lan không được công nhận. Bà chỉ được triệu tập đến tòa với tư cách người liên quan, ông Lực thay đổi yêu cầu bồi thường thiệt hại 4,9 tỷ đồng thay vì 12 tỷ đồng như cấp sơ thẩm.

Sau khi xem xét, HĐXX nhận định mức bồi thường tổn thất tinh thần cũng như mất thu nhập trong thời gian bị giam oan mà cấp sơ thẩm áp dụng đối với ông Lực là thỏa đáng nên tòa giữ nguyên.

Đối với thiệt hại do tài sản bị mất, tòa phúc thẩm cho rằng, ông Lực không đưa ra được các chứng cứ chứng minh cho những thiệt hại nên chỉ chấp nhận bồi thường 4 m3 gỗ bị tịch thu theo biên bản kê biên (trị giá 148 triệu đồng) và 46 triệu cho tổn thất tinh thần vì bị giam oan. Do đó, tòa chấp nhận một phần yêu cầu của ông Lực, buộc Công an TP Trà Vinh phải bồi thường số tiền còn thiếu. 

Không được xem xét yêu cầu của mình, bà Lan tỏ ra bức xúc. Bà cho biết, sẽ tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên các cơ quan cấp trên. 

Do việc khởi kiện kéo dài, hiện việc xin lỗi công khai người bị oan vẫn chưa được VKSND TP Trà Vinh thực hiện./.

Đọc thêm

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.

Gia Lai: Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi rồi gây tai nạn giao thông, người mẹ lãnh án

Bị cáo Rơ Mah Pil tại phiên tòa.
(PLVN) - Sáng 27/3, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Rơ Mah Pil (38 tuổi, trú tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai, mẹ của Rơ Mah Tinh) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.