VIVASO có trụ sở ở 158 Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội), với diện tích đất gần 800m2, ước mỗi mét đất ở đây giá trên 120 triệu đồng |
Theo hồ sơ xác định giá trị DN do đơn vị tư vấn - Cty Hợp danh Kiểm toán Việt Nam công bố ngày 16/9/2013, giá trị DN của Cty mẹ - TCty Vận tải thủy (VIVASO) trước khi tiến hành cổ phần hóa là 327 tỷ đồng (tròn số). Con số này, nói như cựu Chủ tịch Phạm Ngọc Đích là không biết đắt hay rẻ, chỉ biết trên thực tế DN này đang quản lý sử dụng gần 50ha đất tại nhiều tỉnh, thành miền Bắc, trong đó có khá nhiều vị trí thực sự là “vàng” đối với
DN; ngoài ra, “Tổng” này với bề dày hàng chục năm nên đang sở hữu một thương hiệu khá mạnh trong lĩnh vực vận tải thủy, bộ và xếp dỡ hàng hóa; bên cạnh đó, còn có một hệ thống cảng với nhiều nhà xưởng, kho bãi tại các đầu mối giao thông quan trọng…
“Sau khi định giá DN, ngày 19/3/2014, tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, chúng tôi bán đấu giá thành công 550.700 cổ phần, số còn lại (hơn 14 triệu cổ phần) chúng tôi xin phép Bộ GTVT cho trực tiếp thương thảo với các nhà đầu tư đã tham dự đấu giá thành công ngày 19/3/2014 để bán tiếp cho đến hết ngày 4/4/2014. Nhưng ngay sau đó, có chỉ đạo từ Bộ là phải đàm phán bán cho nhà đầu tư Cty Liên hợp xây dựng Vạn Cường.” - ông Đích nói.
Theo tìm hiểu của PLVN, ít ngày sau khi tiến hành IPO (phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng) với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu, ông Nguyễn Thủy Nguyên, Tổng Giám đốc Cty Liên hợp xây dựng Vạn Cường lập tức có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị được mua 14.627.287 cổ phần còn lại. Ngày 26/3/2014, lãnh đạo Bộ GTVT đã bút phê trên đơn của nhà đầu tư này: “Đồng ý chuyển Vụ Doanh nghiệp làm việc với TCty Đường thủy…”.
Tiếp đó, Bộ GTVT có Công văn “hỏa tốc” số 4118/BGTVT-QLDN chính thức “giới thiệu” Cty Liên hợp xây dựng Vạn Cường đến “Tổng” này mua cổ phần. Bằng văn bản nêu trên, nhà đầu tư Vạn Cường sau đó đã dễ dàng sở hữu 45% vốn điều lệ (hơn 140 tỷ đồng) của VIVASO.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Ngọc Đích nói: “Ngày đầu IPO chỉ bán được hơn 5 tỷ đồng cổ phần, số còn lại chưa ai mua nhưng ngay sau đó, Công ty Vạn Cường đã “đổ” vào một lúc cả trăm tỷ đồng để mua khiến chúng tôi hết sức ngạc nhiên! Thậm chí, lúc ấy tôi còn tự thắc mắc không biết họ lấy đâu ra mà nhiều tiền thế? Tiền đó là “bẩn” hay “sạch?”.
Nhà đầu tư làm chủ, Chủ tịch… làm thuê
Sau khi nắm giữ hơn 40% vốn điều lệ, ông Nguyễn Thủy Nguyên nghiễm nhiên ngồi vào “ghế” Chủ tịch VIVASO. Bộ máy lãnh đạo cũ của DN này lần lượt bị mất “ghế”. Cụ thể, ông Phạm Ngọc Đích nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên VIVASO nay xuống làm Tổng Giám đốc, còn Tổng Giám đốc Trần Hữu Luận phải làm Phó cho ông Đích. “Cổ phần hóa, điều đó là bình thường. Họ có tiền thì có quyền, mình chỉ đi làm thuê cho họ thôi. Nhưng nói thật, tôi phải mất 33 năm gắn bó, cống hiến cho ngành này mới có được cái chức đó (Chủ tịch Hội đồng thành viên), còn ông ấy (ông Nguyên) chẳng có ngày nào ở đây cả, nhưng do người ta có tiền nên vẫn làm được. Nhiều anh em cũng rất tâm tư nhưng tôi nói đành phải chịu thôi, vì đó là chủ trương chung về đổi mới DN” - cựu Chủ tịch Đích ưu tư.
Được biết, sau khi cổ phần hóa, ngoài việc thay đổi nhân sự cấp cao của TCty, hơn 20 lao động khác tại đây cũng phải nghỉ theo chế độ dôi dư. Điều đáng nói, sau khi nắm quyền điều hành “Tổng” này, tân Chủ tịch Nguyễn Thủy Nguyên cũng lập tức cho thôi chức Giám đốc Cảng Hà Nội (thuộc VIVASO) - một đơn vị mạnh, có doanh thu gần 200 tỷ đồng/năm và đang nắm quyền quản lý hàng chục hécta đất cùng nhiều kho tàng, bến bãi ngay giữa lòng Thủ đô. Trao đổi với PLVN về vấn đề này, ông Trần Văn Trung, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Cảng Hà Nội cũng xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết thêm, Kế toán trưởng của cảng cũng chịu chung “số phận” như ông - đang chờ làm thủ tục bàn giao.
Ngoài những xáo trộn về mặt tổ chức nhân sự, bạn đọc còn cung cấp thông tin, đồng thời đề nghị Báo PLVN làm rõ có hay không việc thất thoát tài sản, hạ thấp giá trị DN khi cổ phần? Một số khác còn cho rằng, nhà đầu tư Cty Liên hợp xây dựng Vạn Cường quá hời khi được Bộ GTVT giới thiệu mua, nắm quyền làm chủ DN này…?
Phóng viên sau đó đã liên lạc với ông Nguyễn Thủy Nguyên nhằm làm rõ thông tin này cũng như phản ứng của người lao động liên quan đến chính sách nhân sự mạnh tay của ông Nguyên sau khi nắm quyền ở VIVASO, nhưng chưa có phản hồi dù phóng viên đã để lại lời nhắn.