Zombie - họ có hạnh phúc không? (Hình minh họa) |
Không còn là phim… viễn tưởng
Zombie hay còn được gọi là xác sống, thây ma là hình tượng nhân vật thường hay xuất hiện trên các phim kinh dị viễn tưởng. Những nhân vật này được hiểu như những cái xác không hồn, thực chất chúng đã chết nhưng bằng một cách nào đó có thể biến đổi và sống dậy, tuy nhiên chúng không có suy nghĩ, bản năng, cảm xúc như một người bình thường. Trong những bộ phim Zombie cũng là 1 căn bệnh rất dễ lây lan giữa người với người.
Đất nước ta với truyền thống ông cha từ xưa đến nay luôn đề cao việc con người sống với nhau cần trọng tình, trọng nghĩa, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, mọi người trong dân tộc đều là người cùng một nhà. Nó đã trở thành đạo lý bao đời của người dân Việt Nam, điều đó được thể hiện qua hàng loạt các câu ca dao, tục ngữ như: “Thương người như thể thương thân”; “Lá lành đùm lá rách”; “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”;… Lòng nhân ái, tính nhân văn luôn được coi là ngọn lửa sáng soi đường, là dòng máu ấm chảy trong mỗi người dân, mỗi gia đình và xã hội. Vậy nhưng ngày nay, bên cạnh những người luôn sống theo đạo lý giúp đỡ, chia sẻ, cống hiến hết mình cho mọi người, xã hội thì lại có những người sống ích kỉ, vô cảm, vô trách nhiệm, không có cảm xúc,… như những Zombie vậy.
Những Zombie thời nay chính là những người sống vô cảm, ích kỉ, không phân biệt tuổi tác, từ người lớn tuổi cho đến giới trẻ. Đây không phải là một căn bệnh trong y học, mà đây là một “căn bệnh” của cách hành xử, của lối sống. Vô cảm là sự trơ lì về cảm xúc, dửng dưng, thờ ơ với mọi người, với những sự kiện đời sống xung quanh. Hay nói một cách khác là một trạng thái tinh thần mà khi ở trong đó con người không có cảm xúc hay tình cảm mang tính nhân bản nào đối với những sự vật, sự việc diễn ra xunh quanh họ, trước mắt họ miễn là không động chạm trực tiếp đến lợi ích cá nhân của họ. Phải chăng chính cuộc sống hưởng thụ cùng với mặt trái của xã hội phát triển đang tác động đến tâm lý của người dân, dần dần hình thành lối sống thực dụng của không ít người Việt.
Những Zombie thời nay thường mang trong họ quan điểm rằng “Đèn nhà ai nhà nấy rạng”, tức là họ cho rằng những việc của người khác không liên quan đến mình, họ không muốn dính dáng đến những rắc rối, hiểu lầm có thể mang lại cho họ. Không thể phủ nhận mặt tích cực của lối sống ấy là sẽ mang lại cho họ sự an toàn nhất định và tránh được những điều phiền toái không đáng có. Nhưng song song với đó, họ đang gián tiếp làm mất đi tính “người” của bản thân, biến họ trở thành những Zombie cũng như tự tách mình ra khỏi cộng đồng, ra khỏi xã hội mà chui ró vào cái xó chỉ biết có mỗi họ mà thôi. Bên cạnh đó, một số người không những không góp sức giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với mọi người xung quanh mà còn dùng lời nói của mình để phán xét, chỉ trích, chê bai từ những người cần giúp đỡ cho đến những người đứng ra giúp đỡ. Dường như họ muốn không chỉ họ sống ích kỷ, vô cảm mà cũng muốn những người khác phải giống như họ mới vừa lòng.
Và sự vô cảm ở nước ta đã từng được thể hiện thông qua những con số, theo kết quả điều tra của Viện văn hoá nghệ thuật quốc gia Việt Nam trong những năm gần đây, vô cảm chính là một trong những vấn đề trầm trọng nhất ở nước ta hiện nay chiếm 57,8%, trên cả bạo lực trong gia đình (56,5%) và bất hiếu (48,2%).
Khi cơn bão số 9 tràn về, nhiều người vui vẻ chụp ảnh “thưởng thức”. |
Phải “xấu” giống mình… mới chịu!
Nói về căn bệnh Zombie vô cảm ở nước ta đang diễn ra khá phổ biến, cả ở ngoài đời thực hay trên mạng xã hội, trong đó đội quân hùng hậu nhất phải kể đến các Zombie trên mạng xã hội.
Trong khi có nhiều người ngay khi lũ về đã lao vào tâm lũ theo tiếng gọi của thương yêu, chia sẻ mỗi người một chút làm ấm lòng bà con trong gian khó thì không ít “ anh hùng bàn phím” mải mê “bới lông tìm vết” chỉ trích. Với họ, nhất định không có những nghĩa cử cao đẹp, không có những con người nhỏ bé và tử tế như vậy trong đời, nhất định họ chỉ đi “làm màu”… Đó là bị chê mặc quần ôm đi từ thiện, đi từ thiện mà đeo túi xách và khăn hàng hiệu, bị nói keo kiệt khi ủng hộ 50 triệu đồng,… Có rất nhiều những bình luận ác ý, chĩa mũi nhọn vào những người đang ngày đêm hết lòng với miền Trung. Rồi thì đi cứu trợ mà trao quà mặt không tươi…Rồi nữa bà con miền trung đang màn trời chiếu đất mà đi sinh ở phòng víp, phòng tổng thống mấy chục triệu một ngày, sao không để tiền đó đi cứu trợ?... Tới mức nhiều nghệ sỹ sau đó đến với bà con vùng lũ đã làm những clip “chế” khá thảm về việc làm “vừa lòng” cư dân mạng với những chiếc túi, balo bị rách vá, rơi cả đồ…
Cũng trong câu chuyện miền Trung bão lũ, một tài khoản mạng xã hội có tên Hoàng Hường đã và đang bị chính cư dân mạng “ném đá” bởi không tin nổi sự vô cảm của chị này tố mọi người đi cứu trợ “làm màu”, trong khi cả nước đang thắt lòng hướng về miền trung. Sự việc xảy ra vào ngày 24/10, tài khoản này đã phát livestream tại cửa sông Nhật Lệ phản ánh không đúng tình hình lũ lụt tại Quảng Bình, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người dân và công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả của các nhà hảo tâm, các cấp chính quyền tỉnh Quảng Bình. Sự việc đã gây ra sự bức xúc dư luận, yêu cầu đòi gỡ video và tẩy chay chiêu trò PR “bẩn” này.
Mới đây, trên trang cá nhân của chị Nguyễn Thị Bích Hậu phản ánh một sự hồn nhiên đáng sợ: Trong khi cơn bão khủng đang tới, đồng bào đang khốn khổ khốn nạn vì tai họa ập tới thì có một giáo sư tiến sĩ nổi tiếng ngồi nhìn bão trong khách sạn hạng sang ở Đà Nẵng và viết stt thế này:
“Thưởng thức bão số 9 Molave từ cửa sổ khách sạn. Gió rít lên từng cơn. Phía trước là một trong những ngọn núi Ngũ Hành Sơn đang chìm trong mưa bão. Bên trái cách chừng 1 km là biển với những ngọn sóng cao trắng xóa. Những cây cao quằn quại trong gió bão”
Đọc ở dưới bài này và bài khác về bão của ổng thì thấy rất nhiều người ăn học cao, trí thức cơ đấy, tỏ ra rất vui mừng hoan hỉ. Và nhiều người còn chúc mừng ông gsts có hội “enjoy bão”, trải nghiệm tuyệt vời bão, có người còn nói do ổng có tài “hút bão về miền Trung”, có người khen ông này may mắn v.v.v.
Cậu em mình vừa chat và hỏi chị có coi vài clip trên mạng, người ta trong nhà quay video thấy cây cối ngã, ồ lên sung sướng, thích thú.
Thật không hiểu vì sao họ mừng vì bão vậy. Hay ở trong khách sạn sang và nhà cao cửa rộng thì quên rằng đồng bào đang vật lộn với bão, nhà ngập thủm và mái bay mất hết, đói ăn khát uống. Họ quên rằng 26 ngư dân mất tích trên biển nay tàu còn chưa ra cứu được không biết sống chết thế nào.
Thưởng thức cái gì ở đây? Quá buồn”…
Có thể thấy, những “anh hùng bàn phím”, những Zombie “ảo” với những bình luận ác ý, cay độc mang tính sát thương cao này bùng phát, và tự do trên không gian bởi họ tin rằng vô thưởng vô phạt, không ai nhìn thấy- nên dường như cái ác ý càng rõ hơn bao giờ. Bởi thế, mỗi tuần, chúng ta lại thấy những “trận bão” thóa mạ, chửi bới bất cứ vấn đề gì mà họ cho rằng không đúng! Những cơn “lên đồng” nhục mạ người khác không bao giờ dứt bởi họ luôn lăm le tìm ra những “con mồi” mới… Và đã có nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra, chỉ vì những lời nói vô cảm trên mạng xã hội đã khiến nhiều người phải tử tự, nhiều người bị ảnh hưởng tâm lý đến nặng nề và gây ra nhiều hậu quả cả về vật chất lẫn tinh thần. Những ám ảnh giống như tội đồ ấy, theo các chuyên gia tâm lý, nếu người không có bản lĩnh sẽ khó vượt qua…
Cũng giống như trong những bộ phim Zombie, con người khi vô cảm thì chỉ là những xác sống di động, sống không có cảm cảm xúc, không có tình người. Nếu ta sống chỉ vì những vật chất ham muốn tham lam thì khi chết đi cũng không thể mang theo được nhưng khi ta sống với đúng phần “người” của mình, khi yêu thương trắc ẩn thì những ân tình sẽ còn lại mãi mãi… Và chúng ta chỉ có thể chiến thắng được mọi trở ngại trên đời không chỉ bằng nỗ lực mà còn bởi chính trái tim nhân hậu, lòng trắc ẩn sâu thẳm trong mỗi con người mà thôi. Nhiều người cho rằng, người Việt biết làm nhiều thứ, nhưng không phải ai cũng biết làm cho mình hạnh phúc… Đành rằng, có những zombie xấu xí, họ hạnh phúc khi làm người khác nhất định phải “xấu”, nhưng họ có hạnh phúc không, khi mà trong họ luôn ngập tràn “năng lượng”… xấu xí?...