Liên quan đến các vấn đề về tác quyền âm nhạc, nhiều nhạc sĩ đưa ra mong muốn thành lập các trung tâm bảo vệ tác quyền nhằm tăng cạnh tranh và hiệu quả hơn. Một số ý kiến cũng cho rằng việc ca sĩ thu nhập cao mà không đóng tiền tác quyền là bất công. Các nhạc sĩ (NS) sau đã có một sự "mổ xẻ" và đưa ra chính kiến từ kinh nghiệm bản thân.
Ảnh minh họa. |
Việc thu phí tác quyền của Trung tâm Bảo vệ tác quyền ( thời gian qua có nhiều ý kiến trái chiều. Quan điểm của NS về vấn đề này?
NS Hoài An: Tôi nghĩ đó là một số hiểu lầm về cách thu phí, cũng như cách tính (theo quy định) giữa một vài NS với VCPMC. Vì thật ra, mỗi kỳ nhận kết quả tại VCPMC, trong bảng phân phối đều có ghi rõ đơn vị sử dụng, hình thức sử dụng, số tiền thu được, số tiền trích lại...
Mức thu phí một bài hát do VCPMC đưa ra được áp dụng theo biểu giá hiện thời có hợp lý hay không?
NS Hoài An: Về biểu giá, xin lưu ý là có rất nhiều lĩnh vực kinh doanh và còn tùy theo địa phương... Nhiều hạng mục kinh doanh mới như nhạc phim, nhạc quảng cáo... VCPMC đã tham khảo một số NS có kinh nghiệm trên các lĩnh vực đó để cập nhật biểu giá thị trường. Nnhạc quảng cáo có NS chỉ nhận 10 đến 20 triệu đồng/bài. Nhưng cũng có mức giá từ 3000 - 5000 USD (chưa có thuế).
NS Trần Minh Phi: Ban đầu tôi có một vài thắc mắc vì nhiều điều không hợp lý. Nhưng cho đến nay mọi cái dần đã đi vào ổn định. Tôi cũng có nghe việc các NS bức xúc, kiện VCPMC về chuyện này chuyện nọ, nhưng cũng chỉ nghe vậy thôi chứ chưa thấy họ đưa ra bằng chứng cụ thể. Theo tôi, có lẽ do cách thức quản lý, cách làm việc chưa hoàn toàn đi vào ổn định của VCPMC mà thôi.
Về chiết khấu, VCPMC cũng đã có lộ trình giảm từ 25% xuống 20% và còn giảm nữa, tùy thể loại nhạc. Vậy là hợp lý.
NS Minh Châu: Tôi thấy cách giải thích của NS Phó Đức Phương là khá rõ ràng, việc thu nhiều mức phí khác nhau trên một bài hát là căn cứ vào nhiều yếu tố, như quy mô, mục đích chương trình, tỉ lệ doanh thu... Vả lại, mỗi đầu năm VCPMC đều có tổ chức họp, những NS tham dự đều được giải thích cặn kẽ về biểu phí hiện hành.
Tuy nhiên, các nhà tổ chức biểu diễn cũng than nhiều về việc VCPMC thu tiền thiếu hợp lý, nhiều chương trình chỉ có nửa số khán giả nhưng lại thu theo tổng số ghế trong nhà hát?
Nên hiểu tâm tính các nhà tổ chức biểu diễn: Họ than về mọi thứ để có thể giảm chi phí tổ chức xuống. Còn đã đứng ra tổ chứ thì phải hoạch định lời lỗ trước, và trả tác quyền theo quy định là điều đương nhiên, họ lại quen xài "chùa" rồi. Nắng mưa là bệnh của trời, than thở là bệnh của người tổ chức biểu diễn mà.
Doanh thu mỗi năm của NS từ việc uỷ quyền cho VCPMC?
NS Phan Huỳnh Điểu: Một năm khoảng vài ba chục triệu đồng, một khoản kha khá để chi xài so với ngày xưa.
NS Hoài An: Điều này khá tế nhị, nhưng tôi có thể nói tôi nằm trong tốp 5 nhạc sĩ có doanh thu mỗi năm tại VCPMC vào khoảng 300 triệu VNĐ.
NS Minh Châu: Trung bình khoản này một năm tôi nhận gần 100 triệu đồng.
Thời gian gần đây nhiều ý kiến cho rằng nên thành lập thêm nhiều trung tâm tác quyền?
NS Trần Minh Phi: Tôi nghĩ không nên. Thế giới cũng chỉ mỗi nước một trung tâm đứng ra làm đại diện cho các NS. Tôi nghĩ NS nào đưa ra ý kiến muốn thành lập một trung tâm bảo vệ tác quyền khác là chưa lường hết những khó khăn rất lớn ở phía trước. Không phải ai cũng đứng ra đi thu tiền tác quyền được, công việc đó đòi hỏi người tham gia phải được đào tạo bài bản về tác quyền, có chuyên môn đàng hoàng.
NS Hoài An: Theo tôi là không nên. Vì trên thực tế thế giới, mỗi quốc gia chỉ có một hiệp hội (hay tổ chức) đại diện quyền lợi (cấp phép khai thác và thu phí) cho các NS. Hiện nay VCPMC đã đi đầu và làm rất tốt qua biểu đồ phát triển hằng năm, cá nhân tôi cũng như đa số các NS đều thấy doanh thu của mình từ VCPMC tăng mỗi năm.
Có một số ý kiến cho rằng có thể lập một Trung tâm bản quyền mới mà không thu phí các NS, tôi thấy rất khó. Vì các lĩnh vực khai thác bản quyền âm nhạc hiện nay là rất đa dạng: Băng đĩa, phát thanh - truyền hình, quảng cáo, nhạc chuông - nhạc chờ, nghe nhạc trực tuyến, biểu diễn sân khấu, rồi phát nhạc ở các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng khách sạn, máy bay... Nếu không có một chiến lược phát triển và phối hợp với nhiều cơ quan quản lý sẽ không thể thu được. Và một mạng lưới hoạt động như thế, không thu phí thì lấy gì mà làm?
NS Minh Châu: Hoàn toàn không nên. Người ta thu vào một đầu mối duy nhất, chứ ai lại đi chia năm xẻ bảy ra. Nếu mở nhiều trung tâm quản lý không khéo sẽ rối tung, rồi các đơn vị sản xuất, tổ chức biểu diễn phát nản, NS không uỷ quyền nữa mạnh ai nấy thu, tất cả sẽ trở lại con số không. Miếng bánh tác quyền không hề béo bở để mà xâu xé. Tôi nghĩ điều nên làm là tập trung phát triển một trung tâm cho hoàn thiện, minh bạch để hạn chế sự ca thán.
Thu phí bản quyền ca sĩ: San bằng sự bất công hay mất tình cả hai phía?
Hầu hết tiền bản quyền tác giả được thu phí chủ yếu đối với đối tượng đơn vị tổ chức biểu diễn, nhà sản xuất. Ca sĩ cát xê cao chạy show với tư cách cá nhân cho đám cưới, hội nghị và thu lợi không nhỏ nhưng khó thu tiền tác quyền. Ý kiến của NS về điều này như thế nào?
NS Phan Huỳnh Điểu: Ca sĩ nói thế là không đúng, chỉ cần so sánh doanh thu của họ so với NS là thấy sự chênh lệch thôi. Một ca sĩ hàng sao cát xê cho mỗi buổi là vài chục triệu, đó là số tiền mà nhiều NS gạo cội nhận trong cả quý, cả năm.
NS Minh Châu: Tôi nghĩ ý kiến các ca sĩ là đúng. Vì đã có trung tâm bảo vệ tác quyền thu, và đã thu với nhà tổ chức biểu diễn rồi thì việc ca sĩ trực tiếp móc tiền ra trả tác quyền là vô lý. Còn nói ca sĩ doanh thu cao, NS doanh thu thấp, đó là so sánh khập khiễng.
NS Hoài An: Thật ra ai cũng biết, với một ca khúc dạng "hit", ca sĩ hoàn toàn có thể kiếm tiền với ca khúc đó trong 3 hay thậm chí 5 năm. Còn NS đâu phải lúc nào cũng viết được đều tay? Nên xưa nay là vậy, khoảng cách thu nhập giữa ca sĩ và nhạc sĩ luôn chênh lệch rất nhiều... Đương nhiên, nếu việc thu phí biểu diễn được thực hiện nghiêm túc, sẽ là một tin vui cho các NS bởi đó cũng là một nguồn thu chính đáng. Với những show diễn, điểm diễn chuyên nghiệp, có thể quản lý, nhưng hội nghị, sự kiện... làm sao nắm được.
NS Trần Minh Phi: Nếu làm được việc thu phí ca sĩ thì tốt.
Theo NS, tình trạng "rối" trong thu phí tác quyền âm nhạc hiện nay xuất phát từ những nguyên nhân nào?
NS Hoài An: Thứ nhất là một số NS (hay nghệ sĩ) chưa hiểu rõ Luật Sở hữu Trí tuệ, thậm chí vài đồng nghiệp còn ký những hợp đồng hết sức bất lợi, tự hạn chế quyền tác giả của mình như bán các tác phẩm với thời gian vĩnh viễn, hoặc bán tất cả các hình thức sử dụng và khai thác không hạn chế với đối tác thứ 3 (tức là chấp nhận cho đối tác mua một lần, bán hoài hoài cho các đối tác khác nhỏ hơn mà không thu được phí sử dụng ở bất kỳ hình thức khai thác nào).
Thứ hai là về phía VCPMC, nên có bộ phận truyền thông để phổ biến chi tiết hơn nữa những biểu giá, thay đổi hằng năm cho các thành viên cũng như báo chí, thậm chí tư vấn những hợp đồng mẫu giúp bảo vệ quyền lợi các NS. Vì thiếu thông tin cũng có thể dẫn đến những thắc mắc, hiểu nhầm không đáng có... Ngoài ra cũng nên mời những NS đang có thắc mắc đến giải quyết rõ ràng từng trường hợp một, như vậy sẽ tạo được sự đồng thuận cao trong các hoạt động sau này của Trung Tâm, cũng như tạo sự đoàn kết giữa các NS.
NS Minh Châu: Vấn đề ở chỗ, môi trường tác quyền trong nước còn ở mức sơ khởi, nếu cứ căng ra đòi hỏi quyết liệt như phương Tây thì làm sao mà được. Quan trọng là thượng tôn pháp luật, nhưng người trong cuộc cũng phải biết thế nào là đúng mực. Bao dung, ứng xử có văn hoá và hiểu biết thì làm gì có chuyện cãi nhau.
Ngọc Mai (thực hiện)