Có một hành trình không cô đơn

Tro cốt người mất do COVID-19 tại TP HCM được gửi vào chùa.
Tro cốt người mất do COVID-19 tại TP HCM được gửi vào chùa.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trên chuyến hành trình cuối cùng của đời mình để đến với thế giới bên kia trong đại nạn COVID-19 lần này, cũng như mọi “chuyến đi” cuối cùng khác, không ai muốn ra đi trong đơn độc và lặng lẽ. Những nghĩa cử đẹp dành cho người mất đã diễn ra ở Sài Gòn - thành phố của đau thương và yêu thương. Bởi “nghĩa tử là nghĩa tận”, nạn nhân COVID-19 và người ra đi những ngày này đang được quân đội và nhà chùa chăm lo, hương khói chu toàn…

Chuyến đi cuối cùng

Một ngày giữa tháng 8, một chiếc xe ô tô lặng lẽ đậu trước con hẻm nhỏ của khu vực Bình Hưng Hòa A, TP HCM. Bước xuống từ trên xe là những người mặc áo xanh bảo hộ, trên tay một người trong số họ là chiếc khay phủ vải đỏ, trên tấm vải, một hộp giấy carton đặt trang trọng. Đó là các nhân viên đội bàn giao tro cốt người mất vì COVID thuộc tổ công tác đặc biệt đang đưa người mất trên chặng đường cuối cùng từ nhà tang lễ để về với người thân của họ.

Trước đó, những thành viên của tổ công tác đặc biệt đã có mặt tại một địa điểm đặc biệt: Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa để nhận về tro cốt người đã mất. Từ đó, lực lượng chức năng của các quận, huyện sẽ đến nhận tro cốt về bàn giao cho gia đình. Trường hợp gia đình có mong muốn đến nhận tro cốt người thân sẽ xuất trình các giấy tờ xác nhận để nhận về.

Với những gia đình trong vùng phong tỏa hoặc các thành viên bị cách ly, các trường hợp người mất chưa xác minh được thông tin tro cốt người mất sẽ được đặt tại Nhà tang lễ thành phố. Ở đó, tro cốt họ được đặt cùng những người đã mất vì COVID khác. Hàng ngày, sẽ có những nén hương, những mâm cơm được tổ công tác đặc biệt thành tâm dâng lên an ủi hương hồn người đã khuất. Ngày sau, khi khu vực dỡ phong tỏa, khi gia đình trở về từ khu cách ly, họ sẽ được đón về nhà.

Các thành viên của tổ công tác thay nhau trực chiến toàn bộ thời gian trong ngày với các nhiệm vụ nhận tro cốt, lên danh sách, số liệu, hỗ trợ bàn giao tro cốt cho phường, huyện, quận. Dường như đó không chỉ là nhiệm vụ nữa, mà đó là tình nghĩa và lương tri. Lúc này, họ coi tro cốt người đã mất như tro cốt người thân của mình, chăm lo với sự tỉ mỉ, tập trung, trân trọng.

Những ngày này, người mất vì COVID sẽ được đối đãi như thế. Chị Nguyễn Hồng H., thân nhân người mất vì COVID chia sẻ: “Tôi lấy chồng, sống ở Đài Loan, anh chị tôi lập nghiệp ở Đà Nẵng nên thời gian này không thể túc trực bên cạnh mẹ. Mẹ mất đi sau khi nhiễm COVID , cả nhà đau đớn nhưng cũng không thể đi tiễn mẹ chặng đường cuối cùng được. Vợ chồng em trai ở cùng mẹ thay mặt gia đình nhận tro cốt từ đội bàn giao đưa về tận nhà, còn cả nhà thì ngồi nhìn khoảnh khắc ấy từ điện thoại do cháu gái quay phát trực tiếp cho các bác.

Hai anh của đội bàn giao trao tro cốt mẹ vào tay em trai rất trang trọng, nhẹ nhàng, nói lời chia buồn với gia đình tôi. Xem mà vừa đau đớn vì thương mẹ, vừa xúc động vì biết ơn. Gia đình chúng tôi xin chân thành cảm tạ những người đã dấn thân vì người đã khuất, vì nghĩa tử là nghĩa tận”.

Những ngày này, những chuyến xe buồn như thế vẫn lăn bánh không ngừng nghỉ. Hành trình từ trung tâm hỏa táng đến nhà dân, hành trình từ trung tâm hỏa táng đến nhà tang lễ. Từ trung tâm hỏa táng đến những ngôi chùa tiếp nhận tro cốt người đã mất. Những chuyến xe lăn bánh đưa người mất đi trên chặng đường cuối cùng của cuộc đời họ. Không có người thân thích bên cạnh để khóc thương, an ủi và bày tỏ niềm chia ly. Khi mà cuộc sống đã đảo lộn hoàn toàn trước đại dịch COVID -19. Rất nhiều người đã đến viện và không thể về nhà như thế…

Để có được chặng đường cuối tươm tất ấy đã có sự chung sức, nỗ lực và hy sinh của biết bao con người vào nơi tâm dịch. Có lẽ, những người đã khuất cũng không thấy quá cô đơn, lạnh lẽo. Bên họ vẫn có những người tuy xa lạ nhưng trái tim nồng ấm, tiễn họ về.

Người thân nhận tro cốt người đã mất vì COVID-19 từ đội bàn giao.

Người thân nhận tro cốt người đã mất vì COVID-19 từ đội bàn giao.

Để người sống an lòng

Những người qua đời trong thời gian Sài Gòn giãn cách không chỉ có người mất vì COVID -19. Họ còn là những người xấu số qua đời vì các bệnh tật khác, các tai nạn hi hữu... Ở thời điểm này, người mất vì điều gì thì nỗi khó cũng như nhau. Thành phố những ngày của rào chắn, giăng dây, của những người cách ly. Rất nhiều người được đưa đến trung tâm hỏa thiêu, người thân ở xa mong đến cháy lòng, nhưng người đã khuất không cách gì về đến nhà, về đến tay người thân được ngay trong dịch bệnh. Những khắc khoải, xót thương rồi cũng chỉ là những cái nhìn dõi theo, chờ ngày gia đình được đón tro cốt người thân trở về mà thôi.

Ở thời điểm thương tâm ấy, nhiều ngôi chùa đã lên tiếng nhận tro cốt người đã mất về chùa, nhang khói, thờ phụng giúp thân nhân họ. Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM đã liên lạc, làm việc với lãnh đạo UBND TP HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư lệnh TP về việc thờ tạm tro cốt của người dân qua đời vì COVID-19. Trước mắt, Giáo hội chọn chùa Long Hoa làm nơi thờ tạm tro cốt của người dân qua đời vì COVID-19, nếu người thân có mong muốn để tạm trong chùa khi chưa có thân nhân tiếp nhận, hoặc thân nhân đang ở trong các khu phong tỏa, cách ly, điều trị. Ban Từ thiện xã hội của Giáo hội cũng sẵn sàng hỗ trợ áo quan miễn phí, không chỉ cho người qua đời vì COVID-19 và cho người dân không may qua đời trong lúc thực hiện giãn cách xã hội.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã ban hành văn bản đề nghị các chùa, cơ sở tu viện trong cả nước thiết lập trai đàn cầu siêu cho các vong linh nạn nhân tử vong vì COVID-19 được siêu sinh tịnh độ theo nghi lễ trang nghiêm, tiếp nhận miễn phí các hũ tro cốt. Giáo hội đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương sắp xếp các chùa có tháp thờ tro cốt tiếp nhận miễn phí, thờ phụng trang nghiêm, quản lý chặt chẽ, có danh sách cụ thể các hũ tro cốt của các nạn nhân tử vong do COVID-19 trong thời gian này.

Văn bản được đưa ra vào thời điểm bắt đầu tháng 7, khi số người ra đi vì dịch bệnh lên tới con số hàng trăm mỗi ngày, khiến ai cũng nhói lòng. Quyết định kịp thời này của thành phố phần nào giúp không chỉ nạn nhân, người thân nạn nhân mà tất cả mỗi người dân Việt hướng về TP HCM những ngày này cũng phần nào được an ủi. Cùng với đó là tháng Vu lan báo hiếu theo truyền thống văn hóa của người Việt. Thời điểm này hàng năm, rất nhiều người dân, từ theo đạo Phật cho đến không phải phật tử rủ nhau đến chùa, thắp nhang, cúng cầu siêu cho vong linh người quá vãng, tụng cho họ những thước kinh Vu lan báo hiếu, kinh Sám hối. Cũng thời điểm này hàng năm, ngoài đường, những lễ cúng “cô hồn”, lễ “xá tội vong nhân” được người người, nhà nhà bày biện.

Năm nay, giữa đại nạn COVID, người ta không thể đến chùa thắp nhang cho người đã khuất, cũng không thể lập đàn cúng thí thực. Biết bao người không thể bước chân khỏi cửa nhà mình, biết bao gia đình tan tác mỗi người một nơi. Người mất, người đang trong bệnh viện dã chiến chống chọi với bệnh tật, người giam mình trong các khu cách ly. Những ngôi chùa, những vị sư sẽ làm thay họ việc ấy: Đặt tro cốt người thân họ lên tháp, thắp giùm họ nén nhang, cúng giúp họ mâm cơm, đọc thay họ những bài kinh cầu nguyện.

Thời gian qua, nhiều người có lòng hảo tâm cũng góp chút sức mình lo hậu sự cho người mất. Có những thanh niên tình nguyện tiếp nhận việc đăng kí giúp dân, liên hệ các chùa gửi tro cốt người mất vào, sau đó gửi hình ảnh người mất được thờ phụng trong chùa để an ủi người thân của họ. Có những nhóm nhà hảo tâm bỏ tiền túi, quyên góp tiền để hỗ trợ áo quan cho người đã khuất, giúp đỡ những thân nhân của họ đang khó khăn về cơm áo.

Và tin vui trong những ngày buồn, chính sách hỗ trợ người mất đã được ban hành. Chính phủ đã thống nhất hỗ trợ hoàn toàn việc mai táng bệnh nhân tử vong doCOVID -19. Nhiều địa phương như TP HCM, Bình Dương... đã thực hiện hỗ trợ 17 triệu đồng chi phí mai táng từ tẩm liệm, vận chuyển, hỏa thiêu và giao tro cốt cho thân nhân.

Người mất đâu phải là hết chuyện. Những hành động thiết thực ấy không chỉ an ủi vong linh người qua đời, mà còn là nguồn động viên, tiếp sức lớn lao để người còn sống nỗ lực chống chọi với những khó khăn trước mắt.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.