Cơ hội “sải cánh” của du lịch Việt

Một bãi biển du lịch nhưng ngập rác thải.
Một bãi biển du lịch nhưng ngập rác thải.
(PLVN) - Đại dịch diễn ra, gây nhiều thiệt hại, mất mát cho các ngành nghề, trong đó có ngành du lịch. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận, đây là thời gian nghỉ ngơi để ngành du lịch có cơ hội nhìn nhận lại những điều còn tồn tại, thiếu sót để khắc phục và tạo đà cho sự bứt phá mạnh mẽ, phát triển bền vững.

Nhiều “điểm nghẽn” do phát triển bề nổi

Việt Nam được coi là điểm đến tiềm năng, với vẻ đẹp còn tiềm ẩn chờ du khách khám phá. Nhưng, bên cạnh lợi thế về thiên nhiên ưu đãi, du lịch Việt còn rất nhiều “điểm nghẽn” phải khai thông. Anh Piere Martin, một du khách Pháp đến Việt Nam nhiều lần, chia sẻ: “Tôi đến Việt Nam hầu như mỗi năm, vì tôi rất thích vùng đất này.

Việt Nam là một đất nước có quá nhiều cảnh thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp. Khó có thể tìm ra một đất nước nào mà địa hình tự nhiên lại phong phú đến thế: Vừa có cả biển, vừa có sông, lại có cả hồ, núi đồi, thung lũng… Mỗi nơi một đặc trưng riêng, đẹp đến ngỡ ngàng. Năm ngoái, tôi có đưa gia đình mình ở Pháp đến Việt Nam du ngoạn, cả gia đình tôi cũng rất thích thú.

Tuy nhiên, trong chuyến đi gặp khá nhiều sự cố làm ảnh hưởng đến cảm nhận của họ về Việt Nam. Những vấn đề này, khi đi du lịch Việt Nam nhiều lần tôi và những người bạn của mình cũng đã nhận ra. Đó là tình trạng thiếu an ninh ở một số thành phố lớn. Chúng tôi cũng gặp những người làm dịch vụ du lịch không trung thực, đưa ra giá cả cao gấp nhiều lần so với khách nội địa.

Cạnh đó là vấn nạn rác thải tại các cảnh đẹp Việt Nam cũng làm giảm đi tình cảm của du khách phương xa. Tôi nghĩ, Việt Nam phải khắc phục những yếu tố này thì mới có thể trở thành một “điểm đến 10 điểm” với du khách nước ngoài”.

Những chia sẻ của anh Martin cũng là cảm nhận của khá nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam. Dù những năm qua ngành du lịch đã có những cải tiến đáng kể về chất lượng dịch vụ hay hình ảnh, nhưng những tồn tại xuất phát từ gốc về thì vẫn còn đó. Đó đây, du khách vẫn phàn nàn vì hành vi “chặt chém”, cung cấp dịch vụ sai quảng cáo hay thiếu trung thực, mánh mung ở những người làm du lịch.

Mới đây, một du khách TP HCM đã bức xúc khi chứng kiến tại một vùng biển khu vực Nam Trung Bộ, nhóm dân địa phương đã mua hải sản kém chất lượng ở khu chợ trung tâm, lén đưa lên thuyền thúng, bỏ vào lưới kéo ra biển rồi làm động tác đánh bắt giả vờ, sau đó đưa vào bờ và dụ dỗ du khách mua “hàng tươi mới đánh bắt” với giá cao.

Bên cạnh những cách làm ăn chụp giựt, thiếu bền vững, tình trạng rác thải xâm lấn các khu du lịch, thắng cảnh cũng đang là vấn nạn. Với các khu du lịch đã phát triển, có sự quản lý của doanh nghiệp thì còn đỡ, nhưng với các khu thắng cảnh đẹp, tự phát thì tình trạng xả rác bữa bãi, gây ô nhiễm diễn ra công khai. Hậu quả là những khu thắng cảnh đẹp biến thành bãi rác, ô nhiễm khủng khiếp, khiến du khách chùn chân, để lại ấn tượng cực kì xấu với du khách đến thăm. 

Cạnh đó, còn có tình trạng phá hoại thắng cảnh từ những người dân, du khách thiếu ý thức. Từ việc hủy hoại bãi đá rêu xanh khổng lồ ven biển, nạo vét cát lòng sông, lòng hồ, san phẳng những đồi cát thơ mộng ven biển, chặt cây đốt rừng, phá hủy rặng san hô làm khu du lịch… đã khiến thiên nhiên mất dần đi nét đẹp, không còn là điểm đến thu hút du khách.

Cần bỏ những giá trị ảo 

Thời gian qua, trong nước thịnh hành trào lưu du lịch “sống ảo”. Đó là cách đi du lịch của giới trẻ, không chú trọng vào thưởng ngoạn cảnh đẹp mà chủ yếu đi du lịch để “check in”, chụp ảnh đẹp, khoe khoang trên mạng xã hội. Đi kèm với đó là các làm du lịch chiều chuộng thị hiếu, thiếu chiều sâu.

Như Đà Lạt, thành phố đẹp mộng mơ nổi tiếng, giờ đây có nguy cơ biến thành nồi “lẩu thập cẩm” với hàng loạt công trình có phép và trái phép, tạm bợ, màu mè, sao chép các nơi khác để phục vụ nhu cầu sống ảo của giới trẻ. Đó là những công trình cầu kính tình yêu, cầu khóa tình yêu, cầu thang vô cực, Bali thu nhỏ, bản sao cầu Vàng… được xây dựng một cách rẻ tiền, sao chép, sao cho lên hình thì đẹp mà bên ngoài thì tạm bợ, nhếch nhác, ít tốn kinh phí xây dựng. 

Công trình du lịch sơ sài để phục vụ sống ảo tại Đà Lạt.
 Công trình du lịch sơ sài để phục vụ sống ảo tại Đà Lạt.

Đà Lạt là một điển hình, trên cả nước còn rất nhiều địa phương, nhiều cơ sở du lịch chọn cách làm trào lưu, chụp giựt như thế. Rất nhiều điểm du lịch trong ảnh thì lung linh, lộng lẫy nhờ các hiệu ứng, nhưng đến khi du khách tìm đến thì thất vọng não nề vì khác xa hình ảnh một trời một vực, cộng với dịch vụ tệ hại.

Kiểu công trình du lịch như thế chỉ có thể thu lợi, thu tiền trong một khoảng thời gian ngắn, rồi lại phải tiếp tục tìm tòi những cái mới lòe loẹt khác để chạy theo trào lưu. Cách làm du lịch này về lâu về dài rất nguy hiểm cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch, bởi người làm du lịch chỉ chạy theo nguồn lợi trước mắt, không chịu sáng tạo, tìm kiếm những nét đẹp riêng, bản sắc của khu vực, vùng đất để kiến tạo nên một điểm đến đẹp đẽ và sâu sắc.

Cách làm ấy không chỉ biến nhiều địa phương thành con vẹt bắt chước lòe loẹt màu sắc, gây mất cảm tình của du khách mà còn phá vỡ bức tranh du lịch tổng thể của địa phương, kéo trì cả ngành du lịch.

Cơ hội để thay cũ, đổi mới

Những tồn tại là một thực tế rõ ràng và đã diễn ra nhiều năm qua. Do sự phát triển du lịch nhanh và mạnh mẽ những năm gần đây, người làm du lịch bị cuốn vào vòng xoáy của lợi nhuận, không có thời gian để nhìn nhận những được, mất, hay dở. Thời điểm ngưng lắng do dịch Covid-19 dù mang lại nhiều thiệt hại, nhưng thực chất là một “cơ hội vàng”, một điểm nghỉ mang tính sức bật nếu ngành du lịch biết thay đổi tư duy.

Theo nhận định của các chuyên gia du lịch quốc tế, ngành du lịch sẽ là một trong những ngành có tốc độ phục hồi nhanh nhất sau dịch. Ông Nguyễn Trọng Thức - Phó Giám đốc CBRE Hotels Việt Nam cho rằng, ảnh hưởng của Covid-19 lên toàn cầu cũng sẽ dẫn đến nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và tất nhiên, năm 2020 ngành du lịch Việt Nam sẽ chứng kiến sự sụt giảm chưa có tiền lệ về lượng khách du lịch, dẫn đến việc suy giảm trầm trọng công suất phòng ở thị trường khách sạn.

Mặc dù vậy, những biến động lớn cũng mang đến cơ hội cho những biến đổi lớn. Đây sẽ là giai đoạn quan trọng để sàng lọc những doanh nghiệp, những nhà đầu tư có thực lực và có khả năng thích ứng, giúp thị trường hồi phục mạnh mẽ hơn khi đại dịch kết thúc. 

Theo diễn biến hiện nay, có lẽ kích cầu du lịch sẽ “dồn sức” cho du lịch nội địa. Người Việt sẽ được tập trung khám phá vẻ đẹp của chính đất nước mình. Những chương trình khuyến mãi khủng, những gói marketing hút khách nội địa sẽ được tung ra. Như thế, du khách trong nước sẽ là người được lợi nhiều nhất. Về phần mình, những người làm du lịch cũng sẽ có cơ hội để thay đổi cách nhìn nhận về thị trường, tập trung mọi chất xám, sáng tạo để chinh phục “sân nhà”.

Điều này thực chất lại rất hay, khi mà người làm du lịch có thể làm cho khách nội địa hài lòng, chính là bước đầu tiên để hoàn thiện chất lượng du lịch. Hơn nữa, ngay cả “sân nhà” mà không thể chinh phục được thì làm sao nghĩ đến chuyện xa xôi hơn?

Hiện, Việt Nam vẫn là một trong những nước trên thế giới kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh. Đây cũng là cơ hội của du lịch Việt khi “khởi động lại” sớm hơn nhiều vùng du lịch khác của thế giới đang loay hoay chống dịch. Một khi tập trung làm tốt du lịch nội địa, đến thời điểm dịch được khống chế trên toàn thế giới, du lịch Việt đã có một bước đệm vững chắc về cả kinh nghiệm lẫn tài lực để vươn ra tầm quốc tế.

Nhưng tất nhiên, đó là tầm nhìn của nhiều tháng, nhiều năm. Điều cần làm là trước hết, cả chính quyền địa phương, cả ngành du lịch, người dân cần chung tay để thay đổi những tư duy cũ, những cách làm gây tổn hại cho thiên nhiên, cho ngành du lịch, cho hình ảnh đất nước. Chỉ khi nào thực sự thay đổi tư duy, tháo gỡ được những “điểm nghẽn”, du lịch Việt mới có thể “sải cánh” vươn xa. 

Đọc thêm

Xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng sang Mỹ đạt đỉnh trong 10 năm

Ảnh minh họa
(PLVN) - Năm 2024 ghi nhận sự bứt phá của ngành cá tra Việt Nam khi xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng (GTGT) sang Mỹ đạt mức cao nhất trong một thập kỷ. Với kim ngạch hơn 12 triệu USD trong 11 tháng đầu năm, tăng gấp 21 lần so với cùng kỳ năm trước, cá tra GTGT đang dần khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Công an vào cuộc khi 1 giao dịch có 5 tờ tiền giả

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -   Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư quy định chi tiết về việc xử lý tiền giả và tiền nghi giả trong ngành ngân hàng. Theo quy định, khi phát hiện từ 5 tờ tiền giả hoặc 5 miếng tiền kim loại giả trở lên trong một giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, tổ chức tín dụng, hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ngay lập tức thông báo cho cơ quan công an gần nhất.

30/4, hoàn thành đại hội đảng các cấp thuộc Đảng bộ Tổng công ty HUD

Ông Đậu Minh Thanh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HUD.
(PLVN) - “Đảng ủy tổng công ty đã thống nhất lựa chọn một đảng bộ cơ sở để đại hội điểm trong tháng 1/2025. Theo kế hoạch, trong tháng 4/2025, sẽ hoàn thành việc đại hội đảng các cấp thuộc Đảng bộ Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD”, ông Đậu Minh Thanh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV HUD trao đổi với PLVN.

Thông tin thu thuế 10% giao dịch thương mại điện tử là giả mạo

Thông báo về việc thu thuế 10% các giao dịch "MUA-BÁN" đang lan truyền trên các mạng xã hội.
(PLVN) -  Mạng xã hội đang lan truyền thông tin cho rằng từ ngày 1/1/2025, cơ quan thuế sẽ truy cập vào tài khoản cá nhân để thu thuế 10% từ các giao dịch thương mại điện tử, gây hoang mang trong cộng đồng kinh doanh online. Tuy nhiên, đại diện Cục Thuế TP HCM, khẳng định đây là thông tin giả mạo.

Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024: Bức tranh tổng thể để các địa phương phát triển đột phá

Bộ Khoa học và Công nghệ công bố chỉ số PII năm 2024.
(PLVN) - Theo kết quả PII 2024, trong 10 địa phương dẫn đầu chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (Provincial Innovation Index - PII) 2024, có 5 thành phố trực thuộc Trung ương và 5 địa phương có công nghiệp, dịch vụ phát triển. Cụ thể, 3 địa phương không thay đổi vị trí dẫn đầu là: Hà Nội xếp hạng 1, TP HCM xếp hạng 2 và Hải Phòng xếp hạng 3…

Quyết liệt thực hiện các dự án nguồn điện

Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng được yêu cầu hoàn thành sớm hơn dự kiến 6 tháng. (Ảnh: EVN)
(PLVN) - Theo báo cáo mới nhất, hiện hầu như tất cả các dự án trong Quy hoạch điện VIII đều đang bị chậm tiến độ, do đó, Bộ Công Thương đã có những động thái dứt khoát với những dự án này.

Loạt đơn từ nhiệm của các lãnh đạo ngân hàng ngay đầu năm mới

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) là một trong những ngân hàng có biến động về nhân sự cấp cao (Ảnh minh hoạ).
(PLVN) -  Những ngày đầu năm 2025, thị trường tài chính chứng kiến loạt biến động khi nhiều lãnh đạo cấp cao tại các ngân hàng lớn đồng loạt từ nhiệm. Từ Phó tổng giám đốc đến Kế toán trưởng, các lý do đưa ra là "theo nguyện vọng cá nhân" hoặc để chuyển sang đảm nhận vị trí mới.

Tổng cục Hải quan: Đồng lòng, chung sức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát

20 căn nhà trị giá 1,8 tỷ đồng đã được trao cho các hộ nghèo, cận nghèo huyện Tân Biên. (Ảnh: T.D)
(PLVN) - Vừa qua, Tổng cục Hải quan phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh tổ chức Lễ bàn giao nhà đại đoàn kết cho 20 hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn Trung ương và hộ nghèo theo chuẩn nghèo tỉnh trên địa bàn huyện Tân Biên năm 2024, góp phần cùng địa phương xóa nhà tạm, nhà dột nát.

GDP năm 2024 ước tăng 7,09%

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thông tin về số liệu thống kê kinh tế xã hội năm 2024
(PLVN) - Theo công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2024 ước tính tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước. GDP cả năm duy trì xu hướng quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,98%, quý II tăng 7,25%, quý III tăng 7,43%).