Niềm tin giữa khó khăn
Chưa bao giờ, sự mỏi mệt vì khó khăn kéo dài lại ám ảnh cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam như hiện nay. Năm 2013 tiếp tục chứng kiến việc hàng chục ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa, như thừa nhận của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) rằng đây “tiếp tục là một năm vất vả với cộng đồng doanh nghiệp”, trong khi những doanh nghiệp đang hoạt động cũng rất khó khăn, các chỉ tiêu về hiệu quả và triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp đều đáng lo ngại.
Người đứng đầu VCCI cho rằng những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua như “giải cứu”, “giãn giảm thuế”… dù có những tác động nhất định nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng họ chưa thực sự được hưởng lợi. Đặc biệt, một số doanh nghiệp phản ánh, tại nhiều địa phương, để đảm bảo chỉ tiêu thu ngân sách đã có tình trạng các cơ quan Nhà nước tìm mọi cách “tận thu” và tăng nhanh các loại thuế, phí, đẩy doanh nghiệp vào tình trạng rất khó khăn. Trên thực tế, vẫn còn tình trạng ban hành và áp dụng quy định, chính sách chưa thống nhất, gây thiệt hại và bức xúc cho nhiều doanh nghiệp. Việc tiếp tục ưu tiên, ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của khu vực này và cả nền kinh tế.
Từ góc nhìn của một doanh nhân nhiều năm lăn lộn tại thị trường Việt Nam, ông Preben Hjortlund, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cho rằng quan điểm của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam gần như không thay đổi trong suốt cả năm, duy trì ở mức trung bình. Độ tin cậy của các doanh nghiệp châu Âu tham gia khảo sát đối với triển vọng kinh doanh bị sụt giảm, đồng thời các doanh nghiệp cũng tỏ ra quan ngại về ảnh hưởng từ việc thay đổi các chính sách, luật pháp trong tương lai. Kết quả cho thấy việc thay đổi luật pháp, chính sách trong suốt năm 2013 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, và khuynh hướng này dự định sẽ tiếp tục tăng vào năm 2014.
Tuy nhiên, bối cảnh đó không làm mất đi “nhuệ khí” của cộng đồng doanh nghiệp. Triết lý kinh doanh mà ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch HĐQT Công ty Bitexco bày tỏ trên tạp chí Forbes Việt Nam mới đây đã khiến nhiều người tâm đắc. Trả lời Forbes, ông Hội cho biết quan điểm kinh doanh của mình là “lúc nghịch thì phải tính thuận, và lúc thuận thì phải tính nghịch”.
“Lúc tình hình thuận lợi nhất, như thời điểm năm 2003 - 2007, nếu suy nghĩ rất lạc quan thì bay lên giời lúc nào không biết. Lúc đó thì lại phải bình tĩnh quản trị cho tốt, đó là tính nghịch. Còn lúc khó khăn thử thách thì cơ hội cũng nhiều. Chưa bao giờ nhiều cơ hội như hiện nay, nên không thể bỏ lỡ… Cơ hội chỉ dành cho những người biết quyết tâm làm”, ông Hội nói.
Niềm tin này không chỉ đến một cách cảm tính, những trải nghiệm kinh doanh trong vài chục năm qua cho phép những doanh nhân như ông Hội cảm nhận được những cơ hội thật sự giữa thời điểm khó khăn. Còn nhớ, mười lăm năm trước, trong cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á, một doanh nhân tại Hải Phòng đã tìm sang tận Hàn Quốc để mua một dây chuyền sản xuất thép với giá rất rẻ về khởi nghiệp. Từ dây chuyền này, một sự nghiệp sắt thép hoành tráng đã được gây dựng thành công cho đến hôm nay, cho dù đến cuối năm 2013 này, doanh nghiệp thép này lại đang đối mặt khó khăn chồng chất. Nhưng, với doanh nhân đã dám “liều mạng” 15 năm trước, hẳn ông đã nhìn thấy những cơ hội khác.
Đòi hỏi mới từ thực tiễn
Theo ông Vũ Tiến Lộc, đã đến lúc cần áp dụng triệt để các nguyên tắc, kỷ luật thị trường trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, như hạch toán đầy đủ các chi phí vốn, buộc doanh nghiệp và người quản lý doanh nghiệp phải chịu đầy đủ trách nhiệm trong hoạt động của mình; bảo đảm không phân biệt đối xử, cạnh tranh thực sự bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
“Chính phủ Việt Nam đã tiến được một bước khá dài trong việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang trông chờ vào những chương trình có tính đột phá hơn, những hành động cụ thể và thiết thực hơn. Chúng tôi tin rằng, những nỗ lực tái cấu trúc và đổi mới thể chế trong nước đang được khởi động mạnh mẽ cùng với tiến trình hội nhập tích cực sẽ tạo lập những “đường ray” mới cho con tàu kinh tế Việt Nam tiến về phía trước”, ông Lộc nói.
Chứng kiến sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam từ những ngày đầu khi Luật Doanh nghiệp mới được ban hành, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng trong bối cảnh hiện nay, thể chế là khâu quan trọng nhất quyết định xu hướng, quy mô và tốc độ tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Thể chế bao gồm 3 nội dung chính: “luật chơi”, “cách chơi” và “người chơi”. Trong đó, cách hình thành “luật chơi” và nội dung của “luật chơi” chưa có nhiều thay đổi.
Đáng tiếc, “luật chơi” vẫn tiếp tục phụ thuộc quá nhiều vào các văn bản hướng dẫn thi hành luật và các quyết định điều hành mang tính hành chính của các cấp có thẩm quyền. Theo ông Cung, chỉ tính riêng Chính phủ trung ương, hàng năm có 3.000 - 4.000 văn bản điều hành được ban hành; 600 - 700 thông tư được ban hành…
Như vậy, hiệu lực pháp luật đang dựa nhiều vào giải thích và cách thức thực hiện của các bộ, ngành và người có thẩm quyền có liên quan. “Luật chơi” nói trên đã và đang tạo động lực khuyến khích hình thành “khu vực kinh tế địa tô”, theo đó, người ta thu lợi nhờ có quyền ban hành các quyết định hành chính để thực thi luật pháp, phân bố nguồn lực và quyền kinh doanh, hay thu lợi nhờ độc quyền kinh doanh, chi phối quyền đầu tư kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực có liên quan, mà không cần phải bỏ ra một lượng lao động tương ứng.
Trong bối cảnh hiện tại, việc thiết lập một môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng là việc không dễ làm. Tuy vậy, có thể thực hiện cải cách, giảm thời gian và chi phí tuân thủ, giảm chi phí giao dịch để qua đó tăng thêm hiệu quả, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh. Ông Cung cũng cho rằng, đổi mới nhận thức, tư duy vẫn là điều kiện không thể thiếu không chỉ đối với giới lãnh đạo, mà cả giới chuyên gia hoạch định và tư vấn chính sách.
Ông Preben Hjortlund cho rằng, một số vấn đề liên quan đến cải cách và cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước vẫn là mối quan tâm chính của các nhà đầu tư nước ngoài. Các ước tính cho thấy khu vực doanh nghiệp nhà nước đang chiếm tới 40% toàn bộ nền kinh tế. Vấn đề nằm ở chỗ các doanh nghiệp nhà nước nhìn chung được ưu đãi nhiều hơn thông qua các khoản vay, tiếp cận đất đai, chỉ tiêu lợi nhuận thấp và thường hoạt động không hiệu quả. Điều này đang kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế do dẫn đến việc giảm đầu tư khu vực tư nhân trong các lĩnh vực này.
“Nền kinh tế chỉ có thể tăng trưởng bền vững nếu môi trường kinh doanh thuận lợi, khi sân chơi trở nên bình đẳng hơn, tình trạng tham nhũng và các yếu kém đi kèm được giải quyết, và khi thủ tục hành chính và sự giám sát của Chính phủ ở mức độ hợp lý. Chúng tôi thực sự hy vọng rằng các kiến nghị của mình sẽ giúp Chính phủ Việt Nam đạt được những mục tiêu đó, và EuroCham chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ bất cứ khi nào có thể nhằm hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hiện thực hóa các mục tiêu này”, ông Preben Hjortlund nói.
“Việc Quốc hội vừa thông qua Hiến pháp sửa đổi, trong đó lần đầu tiên trong lịch sử đã hiến định vai trò và vị trí của doanh nhân chính là thông điệp chính trị quan trọng của Nhà nước về việc khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và bảo hộ hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nhân, doanh nghiệp và khu vực tư nhân. Đây cũng là sự khẳng định mạnh mẽ việc phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam” - ông Vũ Tiến Lộc.