Chi thù lao để giảm thiểu chậm trễ
Theo các báo cáo này, so với các nước cạnh tranh như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, chi phí kho vận trên sản lượng quốc gia của Việt Nam vẫn cao mà nguyên nhân gốc rễ là do tình trạng thiếu ổn định xuyên suốt trong các chuỗi cung ứng. Mà sự thiếu ổn định trong các chuỗi cung ứng ở Việt Nam bắt nguồn từ vấn đề dai dẳng nhất là những “phần mềm” chứ không liên quan đến chất lượng cơ sở hạ tầng.
Kết quả khảo sát của WB cho ra kết luận, sự thiếu ổn định này buộc các nhà sản xuất phải tự bảo hiểm trước rủi ro trong giao nhận hàng hóa bằng cách duy trì lượng hàng tồn trữ kho lớn hơn mức cần thiết để điều hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh thường nhật nếu không muốn gặp phải những rủi ro, thậm chí còn lớn hơn do mất khách hàng, sản xuất bị gián đoạn, hoặc phải giao nhận hàng khẩn cấp với mức giá cao mà đáng lẽ họ không phải chịu.
Các đơn vị tham gia hoạt động vận tải thường xuyên cho biết, họ phải có những khoản thù lao để giảm thiểu chậm trễ trong chuỗi cung ứng. Ước tính DN chủ hàng Việt Nam tốn kém khoảng 100 triệu USD/năm cho các chi phí tồn trữ hàng hóa trội do những chậm trễ trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu gây ra. Dự kiến đến năm 2020, chi phí này của các DN Việt Nam sẽ lên đến 180 triệu USD.
Vì thế, WB cho rằng, Việt Nam cần giảm thiểu thủ tục giấy tờ trong quy trình thông quan, nghiệp vụ xuất nhập khẩu; xác định các tuyến “hành lang kho vận” chiến lược tại các cửa ngõ ở miền Bắc và miền Nam có chất lượng hạ tầng, môi trường luật định (giới hạn tải trọng, tốc độ, kích thước xe), có chính sách công cho ngành vận tải và kho vận; nâng cao nhận thức của cả DN nhà nước và tư nhân về cán cân lợi ích – chi phí của từng phương án lựa chọn phương tiện và chuỗi cung ứng trong hoạt động kinh doanh vận tải.
10% tổng chi phí dành cho “bôi trơn”
“Trung bình các DN vận tải Việt Nam phải chi khoảng 8% cho các khoản “chi phí bôi trơn”, trong khi đó chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 65% chi phí hoạt động và chi phí cho tiền lương chiếm khoảng 16%, chi phí chưa xác nhận chiếm khoảng 11%”.
Những con số này minh chứng cho kết luận của WB trong Báo cáo “Đánh giá Đô thị hóa ở Việt Nam”, “Tham nhũng là cản trở lớn nhất trong số 19 khó khăn mà DN vận tải Việt Nam phải đối mặt”.
Đáng lưu ý là khoảng 76% chi phí của các DN vận tải được “tính trực tiếp cho khách hàng”, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng Việt Nam phải chịu hầu hết các khoản chi phí tham nhũng trong hoạt động kinh doanh vận tải. Đối với hàng hóa xuất khẩu thì những chi phí này do các DN Việt Nam gánh chịu, đã gây khó khăn hơn cho họ trong quá trình cạnh tranh.