Thông tư quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 20/1. Chuyện thực thi đến đấu là điều người dân đang trông mong ở cơ quan quản lý.
Quản được không đơn giản
Chúng ta còn chưa có một thống kê rõ ràng có bao nhiêu điểm bán TAĐP thì làm sao quản lý được lĩnh vực này?. Hơn nữa, hiện xuất hiện không ít gánh hàng rong bán thức ăn ngay, thức ăn chín, với đặc thù nay bán chỗ này, mai “di cư”g nơi khác thì khó lòng mà nắm bắt được, nói chi đến chuyện quản lý…
Kiểm tra một cơ sở bán đồ ăn đường phố |
Chỉ còn 3 ngày nữa là văn bản pháp lý trên có hiệu lực thi hành nhưng khi được hỏi, đại đa số người dân và người bán hàng còn mù mờ trước thông tin này.
“Tôi bán ở đây gần chục năm nay rồi mà có thấy ai bị sao đâu. Tôi cũng chưa bao giờ nghe nói về quy định này. Nếu nhà nước mà thắt chặt quản lý TAĐP như thế, chúng tôi chỉ có nước chết đói thôi, vì làm sao mà đáp ứng nổi những điều kiện mà họ đưa ra như thế”, một chủ quán bún đậu, mắm tôm vỉa hè trên phố Đoàn Thị Điểm, Hà Nội phàn nàn.
Còn chị L, chuyên bán bún cua ốc rong gần khu vực Chợ Ngô Sỹ Liên, Hà Nội thách thức: “Phần lớn các hàng bán những mặt hàng tươi sống hiện nay còn chả có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ mà họ vẫn sờ sờ ra đấy, huống chi chúng tôi… Mà, cấm chỗ này, chúng tôi lại đi chỗ khác bán, xem có kiểm tra và cấm được mãi không”.
Khó vẫn phải làm
Trong một chương trình đối thoại với người dân vừa diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trước khi có Thông tư 30, các quy định về TAĐP cũng đã được đề cập tới khá nhiều.
Tuy nhiên, các giải pháp đề ra chưa thật sự rõ ràng, cụ thể. Chính vì thế, Thông tư trên là chiếc gậy pháp lý quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước quản lý được thị trường phức tạp này.
“Không thể một sớm, một chiều giải quyết được tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm đối với TAĐP, nhưng Bộ Y tế sẽ quyết liệt, không thể để tồn tại tình trạng quán cóc nằm ngay trên cống thoát nước, một xô nước rửa hàng trăm cái bát, hàng trăm đôi đũa", Bộ trưởng khẳng định.
Để khởi động cho hoạt động này cũng như mở màn cho hoạt động thanh, kiểm tra thị trường thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, bà Tiến cũng cho hay, Bộ Y tế vừa phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiến hành thanh, kiểm tra và chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm ở một số điểm trên phạm vi toàn quốc.
Đây là một trong ba hoạt động chính trong tháng cao điểm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán được Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp triển khai. Cũng trong tháng cao điểm này, cơ quan chức năng sẽ triển khai Nghị định 91/2012/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, với mức phạt có thể lên tới 100 triệu đồng, các cơ sở vi phạm còn bị rút giấy phép kinh doanh, công khai thông tin vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng...
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng sẽ tăng cường truyền thông đại chúng đến người dân các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như cách thức để người dân lựa chọn được các sản phẩm an toàn…
Nói về tính khả thi của quy định này, PGS. TS. Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cũng băn khoăn: “Đúng là không dễ dàng thực hiện được, nhưng không thể không làm khi vẫn có những ca ngộ độc thực phẩm với hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người mắc.
Tuy nhiên, chúng ta không thể thắt chặt quản lý ngay được mà phải thực hiện dần dần, từng bước một và phải có lộ trình cụ thể. Vừa tiến hành các biện pháp thanh tra, nhắc nhở, xử phạt…, nhưng cũng phải kết hợp với việc truyền thông và giáo dục nhằm thay đổi hành vi và thói quen chế biến, sản xuất, kinh doanh cũng như sử dụng sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện nay của người dân”, ông Huấn nói.
Trà Long