Đôi chân hỏa tốc của giao liên đặc khu Sài Gòn – Gia Định
Trong gian trưng bày chính của Bảo tàng Bưu điện tại trụ sở VNPT ở Hà Nội, bên cạnh các trang thiết bị kĩ thuật vô tuyến rất đặc thù của ngành thông tin liên lạc này, có sự hiện diện của một chiếc xe đạp và một chiếc Honda cũ.
Trên chiếc xe cũ không một chút bụi đó mang câu chuyện của một giai đoạn lịch sử. Đây là chiếc xe đạp tiêu biểu và chiếc Honda 90cm3 đã được giao liên đặc khu Sài Gòn – Gia Định (gọi tắt là T4) sử dụng.
Vào năm 1973 – 1974, cục diện trên chiến trường toàn miền Nam ngày càng có lợi hẳn cho cách mạng. Thời gian này, Khu ủy T4 (Đặc khu Sài Gòn – Gia Định) chuyển từ Ba Thư về Bến Cát, sau đóng ở Hố Bò – Củ Chi. Đường liên lạch từ Khu ủy T4 về Trung ương do các đồng chí giao liên công khai hoặc giao liên du kích đảm nhiệm.
Giao liên công khai thường sử dụng các phương tiện dân dụng của Sài Gòn để đi lại hợp pháp. Giao liên đặc khu Sài Gòn – Gia Định thường dùng xe gắn máy hoặc xe đạp làm phương tiện đưa đón cán bộ trong các vùng giải phóng và ven thị xã, chạy hỏa tốc chuyển lệnh chống càn trên địa bàn.
Rất nhiều các đồng chí lãnh đạo cấp cao và đặc biệt quan trọng của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã được đưa đón trên những chiếc xe này, trong đó có các đồng chí lãnh đạo như Mai Chí Thọ, Trần Bạch Đằng….
Do nhu cầu thiết thân, Khu ủy Sài Gòn rồi Thành ủy Sài Gòn chú ý xây dựng ngành Giao liên công khai như lực lượng chính bảo đảm đường dây chỉ đạo và đưa đón cán bộ. Lần hồi, các địa phương khắp miền Nam đều có giao liên công khai. Ngay các ngành như quân báo, tình báo, biệt động, an ninh, binh vận, y tế, tài chính, hậu cần đều xây dựng giao liên công khai.
Giao liên công khai là cán bộ dân vận giỏi, đủ bản lĩnh qua mắt địch, có cơ sở trong vùng địch kiểm soát và ở vùng ven – nơi đặt các trạm, thường gọi là “bàn đạp” nối liền hai vùng, đặt trên các trục lộ tiện ra vào đô thị.
Khác giao liên du kích, giao liên công khai cần hóa trang tinh vi, bản thân nhân viên giao liên phải tạo các vỏ hợp pháp, và mỗi chuyến đưa đó “khách” phải được giải thích như sinh hoạt bình thường. Đây là việc làm hết sức khó khăn, nhất là trước mặt bọn do thám tại chỗ.
Giao liên công khai cũng phải tuân thủ quy luật luôn thay đổi địa điểm, giờ giấc. Mỗi cái hẹn đòi hỏi phải được tính toán chi li, bởi mỗi sơ suất nhỏ đều có thể đưa đến hiệu quả khó lường. Chính qua công tác dân vận với sự hỗ trợ can đảm của đồng bào mà giao liên công khai tồn tại và hoạt động tốt.
Các “bàn đạp” của giao liên công khai được tổ chức theo các trạm giao liên nói chung, tức có ngụy trang, có hầm hố, có hầm bí mật. Riêng với Thành ủy Sài Gòn, giao liên công khai còn là đường vận chuyển thư từ, báo cáo từ nội thành ra và chỉ thị, thông báo từ lãnh đạo vào nội thành.
Khối lượng báo chí, sách vở mà giao liên công khai phải đưa hàng ngày vào căn cứ khá lớn, rất dễ bị lộ, nên giao liên công khai phải theo dõi những hoạt động từng giờ, từng ngày của địch và chọn phương pháp đối phó.
“Doanh nhân Hoa Kiều” và cơn cáu giận của chị Ba
Nhớ về giai đoạn hoạt động đó của giao liên công khai, trong Lời bạt cuốn Lịch sử Bưu điện thời kỳ 1954 - 1976, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, nguyên bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, nhớ lại, cuộc chiến đấu của giao liên công khai hết sức căng thẳng.
Ông Trần Bạch Đằng kể, một lần, bà Ba Nguyệt - giao liên công khai – đưa ông vượt biên giới An Giang sang biên giới Campuchia trên một chuyến đò vùng Hồng Ngự. Đến nơi giáp ranh hai nước, đồn Campuchia gọi đò lại để kiểm soát. Viên đồn trưởng buộc ông Trần Bạch Đằng phải lên đồn, bà Ba đi theo mặc dù viên đồn trưởng không bảo.
“Chị nói lia lịa tiếng Việt pha tiếng Khơ-me: đi mua xe đạp lần này bị mấy ông làm khó dễ thì từ nay tụi tui đổi đường khác, phía Peamichor dễ hơn nhiều. Viên đồn trưởng kéo chị Ba ra xa tôi, rồi sau đó chị Ba quay lại bảo tôi: ông “làm quen” với trung úy đi, 200 ria.
Tôi chỉ mong có vậy, mời viên đồn trưởng điếu thuốc lá và 200 ria, tôi và chị Ba trở lại đò. Bắt tay tôi rất chặt, viên đồn trưởng dặn: Ông chủ cứ đi theo ngõ này, chở bao nhiêu xe đạp Trung Quốc cũng được theo giá mỗi chuyến mà tôi với ông tính với nhau” – ông Trần Bạch Đằng kể.
Thì ra bà Ba giới thiệu ông là Hoa Kiều chuyên buôn lậu hàng Trung Quốc ở biên giới, làm ăn lớn, có mối mua tới 50 xe đạp đang đợi bên đến Campuchia, và bà Ba là người dắt mối.
Lần khác, bà Ba đưa ông đi trên đất Tân Châu. Hai xe chở ông và bà Ba. Bà dặn: Lính hỏi thì nói đi bỏ thuốc ở ông thầy Bẩy Thiều. Tại bến đò, lính đang xét người qua lại. Nhìn mặt nhăn nhó của ông Trần Bạch Đằng, bà Ba đi gần ông, nói khẽ: Đi bỏ thuốc thầy Bẩy Thiều. Thật may ông trả lời lính trơn tru.
Sang bên kia đò, họ tiếp tục đi và không hiểu sao ông Trần Bạch Đằng lại quên phắt cái tên Bảy Thiều. Ông bảo anh lái xe vọt lên trước và xuống xe đợi bà ba. Biết lý do ông đợi nên bà Ba bảo xe chạy chậm, ngang ông nói nhỏ: Bảy Thiều. Đi tiếp, đoạn này không gặp làng lính. “Đến một bến đò nữa, tôi lại quên tên Bảy Thiều. Ngồi gần chị, tôi hỏi nhỏ: ông thầy gì?.
Chị nổi cáu thấy rõ: Bảy Thiều, dây thiều, dây thiều, nhớ chưa? Tôi qua trạm kiểm soát về được là nhờ sợ dây thiều. Đến nơi an toàn, chị cười: Xin thủ trưởng tha tội, bởi thủ trưởng dễ quên quá. Tôi cười: Lỗi tại tôi…” – ông Trần Bạch Đằng kể.
Dù cho hàng ngàn giao liên công khai đã bị hy sinh, bị tù, bị tra tấn, nhưng nhờ có những giao liên gan dạ, mưu trí, dũng cảm, nắm vững địa bàn hoạt động, sử dụng tốt các loại phương tiện giao thông như xe đạp, xe máy này mà việc thông tin liên lạc, đưa đón cán bộ, chuyển lệnh chống càn được kịp thời, tránh tổn thất thương vong cho chiến sĩ ta, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.
Và khi quân giải phóng tiến sát vào Sài Gòn, lực lượng giao liên đã dùng chính những chiếc xe từng đồng hành cùng họ trên những nẻo đường công tác để đi hướng dẫn, chỉ đường cho các cánh quân của ta vào tận sào huyệt của kẻ thù để tiêu diệt, hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Giao bưu Vận đi công tác trên chiến trường miền Tây Nam bộ (ảnh tư liệu) |
Sinh viên Sài Gòn và chiến sĩ Giải phóng quân đọc báo Nhân dân phát hành tại Sài Gòn ngày 1/5/1975 |
Mẫu tem đoạt giải nhất trong cuộc thi vẽ tem Bưu chính với chủ đề Thống nhất Tổ quốc tháng 6/1976 |