Bà Lê Thị Lan ở Hải Phòng hỏi: Tôi và bà H. là hàng xóm và là bạn buôn bán với nhau. Cách đây mấy năm, tôi cho bà H vay 200 triệu đồng để làm vốn buôn bán, lập giấy tờ và hai bên cùng ký. Đến hạn trả nợ, bà H. lấy lý do khó khăn nên không trả tiền nên tôi kiện yêu cầu Tòa án buộc bà H. trả nợ. Tại phiên hòa giải, bà H. trình bày hòan cảnh gia đình khó khăn nên tôi đồng ý bớt cho bà H. 50 triệu, không lấy tiền lãi và Tòa án lập biên bản hòa giải thành. Nhưng sau buổi hòa giải được 3 ngày, các con tôi không đồng ý với quyết định của tôi mà đề nghị tôi thay đổi ý kiến chỉ cho bà H tiền lãi, còn tiền gốc phải yêu cầu trả đủ. Vậy tôi có được thay đổi ý kiến của mình không?
Luật gia Trần Ngọc Chung:
- Theo quy định của pháp luật, khi tiến hành hòa giải các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án dân sự thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành này được gửi ngay cho các đương sự tham gia hòa giải.
Theo Điều 187 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định về việc ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự thì: “Hết thời hạn 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án phân công ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp”.
Như vậy, theo quy định trên thì trong thời hạn 7 kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành, nếu bà thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận tại biên bản hòa giải thành thì bà phải ghi ý kiến của mình để gửi đến Tòa án hoặc trực tiếp đến Tòa án trình bày ý kiến của mình.