Có mặt tại Viện Dưỡng lão Thiên Đức vào một sáng chủ nhật trong tiết đông, tình cờ hôm đó lại đúng vào dịp Ban giám đốc tổ chức sinh nhật cho các cụ, lần sinh nhật cuối cùng của 1 năm. Đằng sau những nụ cười trước khán đài hội trường hôm ấy là những nỗi lòng...
Nước mắt trong tiệc vui
Nói là bữa tiệc nhưng thực ra đó chỉ là một buổi lễ kỉ niệm đơn giản không bánh sinh nhật, không hoành tráng nhưng ấm áp và chan chứa tình người. Thay mặt cho các nhân viên chăm sóc và điều dưỡng, chị Nguyễn Thị Hồng - Y tá trưởng của Viện Dưỡng lão Thiên Đức lên chúc mừng các cụ: “Con xin kính chúc các cụ, thêm tuổi mới nhiều niềm vui mới, mạnh khỏe và ở đây với chúng con”. Những phần quà nhỏ bé, giản đơn đã được trao tận tay các cụ. Ngồi trên những chiếc xe lăn, nhiều cụ không khỏi run run khi đón nhận tấm lòng của những con người không máu mủ.
Điều làm tôi xúc động nhất, có lẽ là lời phát biểu của cụ Nguyễn Phú, năm nay vừa tròn 79 tuổi. Gương mặt phúc hậu, mái tóc đã bạc trắng, đôi bàn tay cầm chặt lấy mic, cụ nghẹn ngào: “Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chân thành tới Ban giám đốc và nhân viên Viện Dưỡng lão Thiên Đức. Tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc khi hôm nay được có mặt tại đây, được mọi người nhớ tới sinh nhật của tôi và nhớ đến... tôi”.
Nói đến đây, ông chợt nghẹn lời, xa căm như đang ngóng đợi một điều gì đó nhưng không thấy. Bao nhiêu nếp nhăn xô lại, ông òa khóc. Dòng lệ cứ thế tuôn rơi, không khí chùng xuống. Các chị y tá ôm lấy ông, động viên và dỗ dành... Hạnh phúc nhất có lẽ là ông Nhất, bởi lẽ ông là người duy nhất có người nhà tới dự buổi lễ. Ông ngồi thu mình ở hàng ghế cuối trên khán đài hội trường, nét mặt trầm ngâm, không biểu lộ cảm xúc. Anh con trai ông cư xử rất lịch sự: “Con xin cám ơn các cụ có mặt tại đây, cảm ơn Ban giám đốc Thiên Đức, các anh chị nhân viên và các bạn sinh viên đã tổ chức nên buổi lễ này. Và đặc biệt là cảm ơn các y tá, điều dưỡng đã có một năm dài vất vả chăm sóc bố con”. Trong lúc ấy, ông Nhất cúi đầu không nói.
Buổi sinh nhật kết thúc trong dư âm của câu kết bài thơ do bà Diệu Hồng, người cao tuổi nhất nhì trung tâm sáng tác giành tặng các cụ. Tất cả như nghẹn lại trong giọng đọc đã có phần yếu hơi của cụ, nghẹn lại vài giây với câu kết của bài thơ ấy: “Chờ ngày qua cầu đến chốn bồng lai...”.
Những nỗi lòng chưa ngỏ
Buổi chiều hôm ấy, ánh nắng len lỏi xuyên qua từng kẽ lá nhưng vẫn không thể lấn át cái lạnh của những ngày đông đầy gió. Tìm đến phòng ông Phú sau giờ ngủ trưa. Tôi khẽ mở lời: “Cháu chào ông. Hôm nay, cháu có thấy ông trong buổi lễ”. Ông cụ tỏ ra rất vui mừng khi có người đến chơi. Ông cười, nét mặt như dãn ra: “Mời cô vào đây”.
Ngồi trò truyện một hồi lâu, ông bắt đầu chia sẻ: “7 năm tôi vào đây, năm nào Ban giám đốc cũng tổ chức nhưng 7 lần sinh nhật đã qua mà con cái tôi chẳng bao giờ nhớ đến”... Theo lời ông kể, con cái ông đều làm to, thành đạt. “Các cháu đều giỏi giang cả, nhưng chúng bận lắm, vài tháng mới vào thăm một lần thì làm sao nó nhớ tới sinh nhật mình được hả cô”.
79 tuổi, điều mà ông mong muốn thật giản dị. Trước đây, ở nhà có duy nhất một lần ông được cháu con kỉ niệm ngày sinh. “Đó cũng là vào dịp đông như ngày hôm nay, cháu con xum vầy bên mâm cơm. Mấy đứa con dâu tôi nấu ăn ngon lắm, nhất là món sườn sào chua ngọt và canh cá nấu chua tôi thích ấy.
Mấy thằng con trai tôi cùng các cháu mở bia chúc tụng vui lắm. Muốn uống thêm lon bia nhưng chúng không cho, sợ bệnh cao huyết áp của tôi lại tái phát. Thế là chúng thay phiên uống cho bố. Cái con Lan Anh, cháu nội đầu lòng của tôi thì cứ gắp thật lực thức ăn cho ông. Mắng nó bảo gắp ít thôi nhưng nó không chịu nghe. Nó bảo nội phải ăn nhiều để sống thọ trăm tuổi...”.
Trong mắt ông ánh lên niềm hạnh phúc, cái nhìn xa xăm kiếm tìm một miền kí ức vốn vẫn cất giữ cẩn thận trong lòng nay được giở ra trong thương nhớ vơi đầy, trong niềm mong đợi “có thêm một lần xum vầy đông đủ như thế”.
Giờ đây, sau 7 năm nhiều chuyện đã đổi khác. Các con ông lần lượt được thăng chức, đồng nghĩa với việc trách nhiệm với công việc cũng nặng nề hơn, thời gian dành cho gia đình, cho người bố tuổi đã cao, sức ngày một yếu cũng ít đi. Các cháu ông cũng đều đi du học. Và điều thay đổi nhất có lẽ lại là ở ông, 79 tuổi, ông yếu dần nên ông chấp nhận lời đề nghị của các con vào viện dưỡng lão “cũng là để cho chúng yên tâm làm ăn” và ông cũng đã dần quen với cảm giác hụt hẫng, chống chếnh mỗi lần sinh nhật, chỉ là hôm nay “tự dưng nhớ quá” mà thôi.
Đến phòng ông Nhất lúc, tôi bắt gặp lúc ông đang nằm, cánh tay phải đặt lên trán, mắt nhìn thẳng lên trần nhà, vẻ như ông đang nghĩ ngợi điều gì đó. Tôi cất lời: “Ông có chuyện gì buồn hả ông? Hồi sáng, cháu thấy ông cứ cúi đầu chẳng nói.
Ông Nhắt |
Cả lúc anh Căn mời ông lên phát biểu, ông cũng không lên?”. Ông cười, nhưng rất gượng gạo, nhìn tôi rất lâu, ông nói: “Cháu có nét gì đó rất giống cháu ngoại ông, nhất là lúc nhăn mặt khi hỏi”. Rồi như bắt gặp một cái gì đó rất thân quen, ông ngập ngừng chia sẻ: “Ông vào đây mới được gần một năm, đây cũng là lần đầu tiên ông được tổ chức sinh nhật, lại là một sinh nhật xa nhà.
Ngày trước, ở nhà, cũng có nhiều lần con cái ông bảo tổ chức sinh nhật linh đình cho ông, rồi mời các anh em trong cơ quan đến nữa nhưng ông không đồng ý. Ông chỉ ước ao được giống mẹ ông, 90 tuổi thì thượng thọ. Làm một cái lễ tươm tất đầy đủ xôi, gà, chân giò, rượu rồi hoa quả, bảo các cháu chắt nội ngoại đội ra đình trình lễ. Ông được mặc cái áo dài đỏ, đầu đội khăn xếp đen, hai bên là con trai, con gái đi cùng, đằng sau là các cháu nó đội lễ. Thêm nữa là làm vài chục mâm, mời họ hàng nội ngoại hai bên, bạn bè hàng xóm. Họ nhà ông to lắm, ông lại làm trưởng họ, chắc cũng phải ngót 5 chục mâm, chỉ còn 4 năm thôi mà sao dài thế, không biết có được không?” - ông suy tư.
Khi được hỏi: “Hôm nay, chắc ông vui lắm vì ông được con trai tới dự sinh nhật mà?”, ông Nhất lắc đầu: “Nó vào với mình một lúc lại về ngay, chứ có ở đây với mình lâu đâu mà vui hả cháu”. Thốt nhiên tôi nhớ lại hình ảnh cúi đầu không nói, đôi vai như còng xuống hơn của ông Nhất trong buổi lễ sáng nay...
(còn tiếp)
Loạt bài dưới đây chỉ là một phần trong số rất nhiều câu chuyện mà chúng tôi đã được mắt thấy tai nghe tại Viện Dưỡng lão Thiên Đức (ở Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội). Trong cuộc sống hiện nay, viện dưỡng lão tự nguyện là một mô hình chứa đựng nhiều tính nhân văn. Bởi lẽ ở nơi đây, người già sẽ được chăm sóc, chuyện trò hơn hẳn với cảnh ngày ngày thui thủi ở nhà một mình làm bạn với bốn bức tường, cái ti vi khi con cháu đã đi làm, đi học hết. Viện Dưỡng lão Thiên Đức - với mức đóng góp hàng tháng tiền triệu của mình, có thể nói đó là “thiên đường” so với các trung tâm bảo trợ xã hội nuôi người già cô đơn hiện nay. Nhưng có lẽ đó chỉ là suy nghĩ của những đứa con, còn đối với các ông bố, bà mẹ già thì dù ở nơi đâu, giàu hay nghèo, sướng hay khổ - khi đã không được con cái quan tâm, đoái hoài - thì nỗi cô đơn buồn tủi của phận người cũng cay đắng như nhau cả. |
Nguyễn Thu Thiện