Rào cản thể chế vẫn là những trở ngại lớn
Trong tham luận gửi tới Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đồng tổ chức mới đây, Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng là những vấn đề lớn, quan trọng và nhất quán trong chủ trương, đường lối của Đảng từ Đại hội XI đến nay. Để cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại ngành kinh tế qua các kỳ Đại hội Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết về nội dung này.
Nhìn chung, kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2020 đã thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng, gia tăng năng suất, nâng dần tỷ lệ đóng góp của các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng; đảm bảo và củng cố kinh tế vĩ mô. Những kết quả đã đạt được là tiền đề quan trọng để Việt Nam tiếp tục thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế trong những giai đoạn tiếp theo trên cơ sở tận dụng hiệu quả các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn này cũng còn một số hạn chế, như việc chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Mô hình tăng trưởng vẫn dựa chủ yếu vào các yếu tố đầu vào (vốn, lao động, tài nguyên), tăng năng suất lao động thời gian qua chủ yếu do tăng cường độ vốn đầu tư và sử dụng lao động chi phí thấp, vẫn chủ yếu dựa vào hoạt động kinh tế thâm dụng lao động, ở mức nhất định vẫn dựa vào xuất khẩu và dựa vào đầu tư nước ngoài ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm (bao gồm đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng) dù được triển khai thực chất hơn nhưng chưa hoàn thành theo mục tiêu theo kế hoạch đặt ra. Hiệu quả đầu tư công chưa cao, giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm, nhất là vốn ODA. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm so với kế hoạch đề ra; mới chỉ tập trung vào việc sắp xếp, thu gọn số lượng; chất lượng quản trị doanh nghiệp chưa được cải thiện…
Việc cơ cấu lại ngân sách Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công cũng vẫn còn hạn chế, như thu ngân sách Nhà nước chưa thực sự bền vững, việc quản lý phần thu ngân sách từ tiền sử dụng đất, tài sản công còn nhiều bất cập. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành/lĩnh vực còn chậm. Thêm vào đó, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn nhiều vấn đề cần được hoàn thiện. “Rào cản thể chế vẫn là những trở ngại lớn trong việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đồng thời cản trở lực lượng doanh nghiệp trong nước phát triển lớn mạnh”, Ban Kinh tế Trung ương chỉ rõ.
Tăng cường hoàn thiện thể chế thị trường hiện đại
Theo Ban Kinh tế Trung ương, bối cảnh quốc tế mới tạo ra một số cơ hội, đồng thời cũng đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện nhanh hơn, hiệu quả và thực chất hơn một số giải pháp mang tính dài hơi để tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, việc cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần hướng tới giúp nền kinh tế trở nên năng động hơn (gồm cả năng động tĩnh và năng động). Do đó, cần tăng cường hoàn thiện thể chế thị trường hiện đại, tháo gỡ những rào cản thể chế theo hướng nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển dựa trên cơ chế thị trường, tạo đủ điều kiện cơ bản để thị trường có thể vận hành lành mạnh, minh bạch, thông suốt.
Kịp thời thể chế hóa đầy đủ vào hệ thống pháp luật kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; sửa đổi, hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan gây khó khăn, cản trở việc triển khai một số hoạt động cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng… để quá trình này được tổ chức thực hiện một cách thực chất, hiệu quả và đồng bộ.
Cùng với đó, nâng cao hiệu quả, vai trò dẫn dắt, thúc đẩy của Nhà nước trong thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; trong đó Nhà nước cần làm tốt vai trò là Nhà nước kiến tạo với đặc trưng này là bộ máy phục vụ phát triển; có sự thay đổi căn bản vị trí và vai trò trong mối quan hệ giữa Nhà nước với các chủ thể phát triển của xã hội theo hướng Nhà nước bổ sung, đồng hành cùng thị trường, làm cho thị trường phát triển đầy đủ, toàn diện và cạnh tranh hơn. Hoàn thiện các cơ chế để nâng cao vai trò trách nhiệm, sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt của người đứng đầu trong việc chỉ đạo triển khai chủ trương, chính sách cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế cần có trọng tâm, trọng điểm, đi sâu cải cách những lĩnh vực then chốt mang tính nền tảng; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có dư địa lớn và khả năng bắt kịp, tiến cùng, vượt lên ở khu vực, thế giới. Tiếp tục kiên định cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất, bởi cải thiện môi trường kinh doanh, xóa bỏ các rào cản là những định hướng chính sách quan trọng nhất để thu hút, phát huy tối đa tác dụng các dòng vốn cả trong và ngoài nước, đặc biệt trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công còn hạn chế…
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu kinh tế số chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đến năm 2025, khoảng 30% GDP đến năm 2030. Văn kiện Đại hội XIII cũng nhấn mạnh yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học - công nghệ; phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đối với vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế, văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: “Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế. Cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư công…”.