20 năm làm quản giáo trong Trại giam A2 (đóng tại tỉnh Khánh Hòa, thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an), Trung tá Võ Viết Hiền (SN 1963) luôn nhìn thấy phần “người” trong từng phạm nhân để cảm hóa họ. Chẳng thế mà giờ đây, cả phạm nhân trong đội anh quản lý lẫn phạm nhân ngoài đội cũng biết đến anh và gọi anh bằng một cái tên trìu mến “ông bụt Hiền”.
Trung tá - quản giáo Võ Viết Hiền. |
Sẻ chia tấm lòng, gợi điều tốt đẹp
Sinh ra ở quê hương Nam Đàn (Nghệ An), sau khi xuất ngũ trở về với quê hương anh đã “Nam tiến” để tìm kế mưu sinh. Cơ duyên đưa anh vào ngành Công an năm 1986 ở địa bàn tỉnh Khánh Hòa và được phân công công tác tại Trại giam A2. Thấy anh có tư chất tốt, lãnh đạo trại tạo điều kiện cho anh đi học thêm lớp Trung cấp Công an ở Sài Gòn. Sau đó anh về trại công tác và tiếp nhận công việc quản giáo năm 1993.
Anh Hiền cho biết, Đội 7 anh quản lý là một trong những đội “điểm” với những tù nhân có mức án cao nhất trại. “Mỗi đối tượng là một số phận, một tính cách. Có trường hợp phạm tội do vô tình, hoặc vì một phút nông nổi, bồng bột, song cũng có không ít đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, hoặc hung hãn, xảo quyệt, tàn ác... Có người chưa học hết tiểu học, có người là cử nhân, có đối tượng du thử du thực, không công ăn việc làm, có người là ông chủ, cán bộ công chức... Khi vào trại tạm giam, có người sợ hãi, có kẻ bất cần, và cùng với nó là những hành vi rất phức tạp, bất thường. Làm quản giáo phải hiểu, nắm bắt tâm lý từng người mới có cách giúp họ cải tạo tốt được”, anh Hiền tâm sự.
Anh Hiền cũng chia sẻ rằng nhiệm vụ của cán bộ quản giáo là vừa quản lý, vừa cảm hóa để sau thời gian cải tạo, phạm nhân được trở về xã hội sẽ đoạn tuyệt với quá khứ lỗi lầm, trở thành công dân lương thiện, có ích cho xã hội. Để làm được điều đó, người quản giáo phải có cái tâm, có kiến thức tâm lý và phương pháp sư phạm để có biện pháp giáo dục thích hợp với từng đối tượng.
Để nắm bắt được tâm lý phạm nhân, ngoài đọc hồ sơ để hiểu, anh Hiền còn phải thường xuyên gặp gỡ, hỏi han, chia sẻ với họ. Có những điều phạm nhân không mở lòng với quản giáo nhưng lại nói ra với bạn tù nên anh còn tìm hiểu đời sống tâm lý các phạm nhân qua các tù nhân khác. Khi đã tạo được niềm tin từ phạm nhân thì họ tiếp xúc rât cởi mở, họ buồn thì động viên, vui thì chia sẻ tuy nhiên, nếu họ có biểu hiện vi phạm thì vẫn phải nghiêm khắc răn đe.
Một lần anh Hiền giáo huấn cho các phạm nhân rằng: “Tôi cũng là người, các anh cũng là người. Nếu các anh càn quấy quá, đến Bụt cũng phải giận chứ đừng nói là chúng tôi”. Từ đó, cứ nhìn thấy anh Hiền là các phạm nhân nói vui với nhau rằng: “Ông Bụt đến kìa, ông Bụt đến kìa”. Biệt danh “ông Bụt trong trại giam” của anh Hiền đã hình thành như thế.
Khởi tạo niềm tin
20 năm qua, không ít phạm nhân đã để lại trong anh Hiền những kỷ niệm sâu sắc. Anh nhớ trường hợp phạm tội của Ngô Thế Vĩnh (SN 1985, ngụ huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa).
Khoảng năm 2002, do xích mích từ việc “trai làng này tán gái làng kia” nên Vĩnh thường bị chặn đường để dằn mặt. Sau đó Vĩnh có đến nhà những người xích mích với mình để dàn xếp nhưng bất thành, Vĩnh đã rút đâm chết một người và làm bị thương một người. Khi đó Vĩnh phạm tội dưới 18 tuổi nên chỉ bị kết án 18 năm tù. Do tuổi còn trẻ, nên khi bước chân vào trại giam tâm lý Vĩnh rất hoang mang, dao động. Anh Hiền đã phải thường xuyên gặp gỡ, động viên để Vĩnh có niềm tin cải tạo. Anh nói với Vĩnh “pháp luật luôn có chính sách khoan hồng với những người ăn năn, con đường ngắn nhất về với xã hội là cải tạo cho tốt”.
Nghe lời anh Hiền, Vĩnh đã có niềm tin và đã chấp hành nội quy, cải tạo tốt. Ở trong trại đến thời gian quy định được đặc xá nhưng do bố mẹ Vĩnh làm ăn thất bát, phải cầm cố nhà cửa không có tiền bồi thường cho nạn nhân. Vì lẽ đó mà Vĩnh đứng trước nguy cơ không được đặc xá. Anh Hiền gặp người nhà Vĩnh, động viên họ gom góp ít tiền, tuy không đủ nhưng cứ đến gia đình nạn nhân đã mất mạng nói khó để cho Vĩnh trở về làm ăn rồi trả nợ. May sao gia đình họ đồng ý. Tuy nhiên, người bị Vĩnh đánh bị thương thì gia đình Vĩnh không còn tiền để đền nữa, số tiền vỏn vẹn 545.000 đồng, gia đình kia nhất quyết không cho khất nợ mà bắt Vĩnh phải ở tù cho bõ ghét. Không nỡ nhìn một con người đã cải tạo tốt phải ở tù thêm 7 năm nữa, anh Hiền đã móc tiền túi ra để trả giùm.
Ngoài động viên, giáo dục phạm nhân không ít lần anh Hiền phải đấu trí với những đối tượng bất cần, không còn gì để mất. Điển hình như phạm nhân Huỳnh Văn Phước (ngụ TP.Nha Trang). Phước là đối tượng có nhiều tiền án về các tội “Chống người thi hành công vụ”, “Trốn khỏi nơi giam giữ” và đặc biệt là tội “Giết người”. Bước vào Trại giam A2 để thụ án tù chung thân, Phước nói thẳng với anh Hiền: “Án của tôi không còn gì để mất nữa, không còn về với đời được nữa” và thể hiện thái độ bất cần, càn quấy.
Anh Hiền phải rất cảnh giác đấu trí với những chiêu trò quậy phá của Phước, bởi lẽ chỉ cần hở ra một chút là hắn rắp tâm trốn trại, cán bộ giám sát hắn lao động cũng phải được dặn phải đứng cách hắn trên 3m (vì sợ hắn sẽ cướp súng làm liều). Sau này, Phước phải thừa nhận với bạn tù rằng “không thể tìm được sơ hở nào với ông Bụt Hiền để đối phó” rồi ngoan ngoãn lao động như những phạm nhân khác.
Trong cuộc đời làm quản giáo của mình, anh Hiền không nhớ nổi đã cảm hóa bao nhiêu phạm nhân, đã đưa bao nhiêu cuộc đời lầm lạc đã trở về con đường sáng. Vĩnh và Tây là những người trong số họ, hai người đã trở về với xã hội, chăm chỉ làm ăn để chăm lo cho gia đình. Thi thoảng họ vẫn gọi điện hỏi thăm, xin ý kiến anh Hiền để có những quyết định đúng đắn trong cuộc sống. Nhiều người còn tặng quà anh nhân ngày lễ tết hoặc ngày lễ kỷ niệm. Đó là niềm vui, là động lực giúp anh bước tiếp con đường mình đang đi.
Hành trình làm lại cuộc đời của mỗi người lầm lỗi không chỉ phụ thuộc vào quá trình cải tạo ở trại giam mà trước hết là ở ý chí, nghị lực của chính bản thân họ, đồng thời còn phụ thuộc vào sự cảm thông của gia đình, xã hội có sẵn lòng tha thứ và cho họ những cơ hội để hoà nhập cộng đồng. Anh Hiền tin rằng: xã hội, cộng đồng sẽ không thiếu những tấm lòng vị tha, cho những người lầm lỗi có được cảm giác ấm áp của tình người để họ thêm nghị lực đứng dậy, vươn lên sau vấp ngã.
• Văn Thịnh