Từ “tủ sách lưu động” đến “quầy báo miễn phí cho nhân dân”
Hơn bốn năm qua, mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, người dân đi dạo quanh Công viên Tao Đàn (quận 1, TP HCM) thường thấy “tủ sách di động” của thầy Ngô Lân Phúc Vỹ, Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (quận 4, TPHCM) phục vụ miễn phí cho người dân có nhu cầu đọc sách.
Một người bạn của tôi, chị Phạm Yến Anh (ngụ tại quận Tân Bình) chia sẻ: “Có lần nghe một người bạn giới thiệu, tôi mới biết và đến xem thử. Ở đây rất nhiều đầu sách khác nhau, đủ loại từ các sách về kinh doanh, tâm lý, sách khoa học, sách thiếu nhi, truyện tranh… dành cho đủ mọi lứa tuổi. Mà đọc sách ở công viên cũng có cái thú của nó. Không gian thoáng đãng, thú vị, còn có thể bàn luận về nội dung sách với những người bạn mới gặp”.
Thầy Vỹ kể rằng: “Do nhà tôi có nhiều sách, mọi người trong gia đình đã đọc hết rồi, mà cứ cất sách trong kho thì rất uổng phí. Là những người yêu sách, thích sưu tầm và đọc sách, chúng tôi luôn trăn trở bởi ngày nay có quá nhiều thứ chi phối con người, khiến văn hóa đọc của người dân đã dần mờ nhạt. Vì vậy, từ cái tâm muốn cải thiện văn hóa đọc, chúng tôi đã quyết định lập ra thư viện này, hàng tuần đem sách ra công viên để mọi người vừa chơi vừa đọc sách”.
Từ những ngày đầu còn thưa thớt người quan tâm, sau nhiều năm đều đặn phục vụ độc giả, đến nay rất nhiều người đã thấy ý nghĩa của hoạt động này; nhiều độc giả còn tự nguyện đem sách của mình ra góp vào thư viện. Một gian chòi nhỏ kín người ngồi đọc sách, tạo nên một hình ảnh đẹp, một sinh hoạt văn hóa ngay tại một quận sầm uất bậc nhất thành phố Sài Gòn.
Cụ bà 72 tuổi và quầy báo di động miễn phí |
Một câu chuyện hy hữu khác cũng từng được lan truyền trên các trang mạng xã hội về quầy báo lưu động miễn phí của một bà lão hơn 70 tuổi ngụ tại khu phố Đặng Tiến Đông (Đống Đa, Hà Nội). Những ngày đầu tháng Ba trời Hà Nội mưa phùn lất phất, trước cửa số nhà 55 Đặng Tiến Đông người ta dường như đã quen thuộc với hình ảnh một bà lão mang kệ sách, báo miễn phí, niềm nở mời người qua lại đọc, bên cạnh tấm biển “Kính mời nhân dân đọc sách - báo miễn phí”. Thậm chí, bà còn chu đáo đến độ mua cả kính lão để phục vụ những ông bà già cao tuổi.
Hỏi ra mới biết, bà lão ấy tên là Phạm Thị Huyền Dung. Kệ báo của bà mở cửa hàng ngày từ 7 giờ sáng đến tận tối muộn. Đây là địa chỉ quen thuộc của nhiều ông bà trong khu phố và cả những người lao động nghèo từ khắp nơi lên Hà Nội lập nghiệp. Nhiều người tìm đến đây không chỉ được đọc sách báo miễn phí mà còn được vui vầy bên câu chuyện tuổi già.
Bà Dung cho biết, làm việc tốt giúp bà thấy vui vẻ trong lòng. Mỗi lần phục vụ mọi người đọc báo miễn phí, nhiều người cảm ơn bà, bà cảm ơn lại họ. Bởi theo bà, nếu không có họ bà cũng không có cơ hội được mỗi sáng dậy sớm mua báo rồi sưu tầm sách báo hay để phục vụ mọi người.
Đông đảo các em học sinh tham gia đọc sách tại xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện. Nguồn. Báo Quảng Nam |
Chiếc xe ô tô “chở” tri thức lên thôn, bản
Có lẽ người hiện đại bây giờ sẽ ít biết tới về những chuyến xe chở sách tới các em nhỏ vùng sâu, vùng xa trên Tây Nguyên – nơi mà có lẽ điện thoại thông minh (smartphone) hay kể cả ô tô cũng là một khái niệm thật xa vời. Đọc những dòng chia sẻ của anh Tùng, một nhân viên tại Thư viện Gia Lai trên Báo An ninh Thủ đô gợi lên trong tôi thật nhiều suy ngẫm.
Hàng năm, chiếc xe ô tô của Thư viện Gia Lai “thồ” khoảng 5.000 cuốn sách lên đồi thông trống trải cạnh Thư viện huyện Đắk Đoa để mang sách tới các em nhỏ Tây Nguyên. Có khoảng hơn 100 chuyến chở sách như vậy trong năm; mỗi chuyến có chừng ba người đi để thay nhau lái và làm đủ việc từ vác loa kêu gọi buôn làng tới tổ chức đọc sách, chiếu phim,...
Anh Tùng kể lại, một lần đưa sách tới học sinh ở THCS A Dơk (Gia Lai) trong những ngày mùa. Thời điểm này, các em học sinh thường nghỉ học để giúp bố mẹ. Ấy thế mà khi trường thông báo sẽ có thư viện lưu động tới, cả trường có mặt đầy đủ 100% vào ngày hôm sau.
Anh Tùng chia sẻ: “Công việc này cực lắm. Vào mùa khô còn đỡ chứ mùa mưa thì đi xe căng thẳng vô cùng. Nhưng nhìn bọn trẻ xếp hàng chọn sách rồi chăm chú đọc sách mà thấy vui. Đối với những đứa trẻ ở đây, sách không chỉ là cầu nối tri thức, là nguồn vui của các em, mà cũng là cánh cửa mở ra cả thế giới chứ không bị giằng co bởi Facebook hay TV”. Với rất nhiều người, chiếc xe của Thư viện Gia Lai đã khiến họ lần đầu cầm cuốn sách.
Ngày nay, Internet, mạng xã hội đang tạo ra một nguồn tri thức khổng lồ nhưng không phải ai cũng có điều kiện để kết nối, tiếp cận với nguồn kiến thức đó. Hình ảnh những người dân thành thị đi đâu cũng kè kè bên người vài ba chiếc smartphone, ipad, laptop... đối ngược với hình ảnh những đứa trẻ không điện thoại thông minh háo hức nâng niu từng quyển sách. Bức tranh này đã cho thấy xã hội càng hiện đại, con người càng sao nhãng văn hóa đọc đến mức nào.
Mặc dù, rất nhiều người sẽ muốn ngụy biện rằng “hàng ngày tôi đọc hàng trăm tin tức, tiếp nhận vô vàn kiến thức thông qua Internet và mạng xã hội”. Điều họ nói không phải là sai nhưng cũng không hoàn toàn đúng bởi không phải ai cũng có kỹ năng định hướng và tiếp thu những thông tin cần thiết phục vụ cho bản thân mình trong “ma trận” thông tin trên Internet và mạng xã hội: tin rác, tin giả, tin chưa được kiểm chứng và kiểm duyệt...
Chuyến xe thư viện lưu động ở Tây Nguyên. Ảnh: ANTĐ |
Nỗ lực “chấn hưng” văn hóa đọc
Vào một ngày cuối tháng 8/2018, tại thôn Hồng Quang, xã Xích Thổ (huyện Nho Quan) được Thư viện tỉnh là nơi khai trương chuyến xe thư viện lưu động đầu tiên của tỉnh Ninh Bình. Hàng trăm người dân và các em học sinh trong thôn đều hào hứng đến xem rất đông vui, một phần cũng là muốn được tận mắt thấy “ngôi nhà sách lưu động” trên chiếc xe ô tô to đùng chở sách, báo, phương tiện phục vụ đọc sách các loại.
Được biết, từ tháng 4/2018, Thư viện tỉnh Ninh Bình được tặng 1 ô tô thư viện lưu động, trên xe có hơn 4.000 đầu sách, 1 máy chủ, 7 máy tính, phần mềm, máy chiếu, vô tuyến... Từ khi tiếp nhận xe thư viện lưu động đa phương tiện, Thư viện tỉnh đã phục vụ trên 700 lượt bạn đọc và 1.500 lượt sách, báo luân chuyển; trong đó còn có đối tượng độc giả là các phạm nhân tại các trại giam.
Từ năm 2016, dự án “Xe thư viện đa phương tiện lưu động” được Vụ Thư viện - Bộ VHTT&DL với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup, đã triển khai thí điểm tại 8 tỉnh, thành phố là Lạng Sơn, Điện Biên, Hòa Bình, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Bình, Lâm Đồng và Cà Mau.
Theo đó, Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/3/2017, xác định một trong các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng là đẩy mạnh luân chuyển, phục vụ sách báo từ các thư viện công cộng đến vùng sâu, vùng xa, đến các trường học, đến các đồn biên phòng, đến trại giam, nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin của một bộ phận bạn đọc không có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với vốn tài liệu của thư viện, như những người có điều kiện kinh tế khó khăn, người dân tộc thiểu số, người khiếm thị…
Quả thực, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nghèo đói cũng có nhu cầu lớn về đọc sách. Nhưng do điều kiện kinh tế - xã hội, vị trí địa lý nên không phải ai, nơi nào cũng có cơ hội tiếp cận và sử dụng sách, báo và các phương tiện thông tin khác. Còn tại các đô thị hiện đại, người ta ngày càng thờ ơ với sách bởi mạng xã hội và những chiếc điện thoại thông minh trong tay. Dù trước bức tranh có phần bi quan đó, vẫn có những nỗ lực không ngừng nghỉ, dù là nhỏ nhoi, dù phải vượt qua nhiều gian khó của nhiều cá nhân, tổ chức nhằm “chấn hưng” văn hóa đọc của cộng đồng, của xã hội Việt Nam.