Hơn 50 năm gắn bó với nghề nấu ăn, từng làm cho Đài Truyền hình Việt Nam trong chuyên mục nội trợ, tham gia cố vấn và phát sóng cho gần 300 chương trình món ngon, dạy nấu ăn qua truyền hình… Lê Đình Cộng được mệnh danh là Vua bếp Việt Nam, Vua bếp truyền hình. Mới đây, ông được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Quốc gia Văn hóa ẩm thực đầu tiên của Việt Nam.
Gắn bó với nghề nấu ăn làm sự nghiệp cho đời mình
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống theo ngành y, song đầu bếp Lê Đình Cộng lại bén duyên và gắn bó với nghề nấu ăn. Hiện, ông vẫn đang miệt mài với niềm đam mê sáng tạo ra những món ăn ngon để đóng góp và kho ẩm thực Việt Nam và thế giới.
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo ở Lam Sơn, Thanh Hóa, ngay từ nhỏ ông đã biết làm thêm nhiều việc để phụ giúp bố mẹ. không giống với các bạn đồng trang lứa, từ năm học lớp 7, khi còn đang tuổi ăn tuổi chơi, đầu bếp Cộng đã xin đi làm thêm tại các khách sạn ở Sầm Sơn trong dịp nghỉ hè. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp THPT, ông theo học khóa đầu tiên của trường Trung cấp nấu ăn Việt Nam có trụ sở tại Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Vua đầu bếp Lê Đình Cộng (bên tay phải) được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Quốc gia Văn hóa ẩm thực đầu tiên của Việt Nam |
Kết thúc năm học thứ nhất, ông xin đi bộ đội và được phân công phục vụ nấu ăn cho chuyên gia tên lửa của Liên Xô tại các mặt trận phòng không trên toàn miền Bắc. Khi trở về trường, ông được đặc cách tốt nghiệp với tấm bằng giỏi và được giữ lại trường làm giáo viên. Trong bảy năm công tác tại trường, ông luôn được công nhận là giáo viên dạy giỏi của trường. Với đam mê chế biến thêm nhiều món ăn mới ông đã đăng ký thi và đỗ vào khoa Ăn uống trường ĐH Thương nghiệp, sau đó chuyển sang học Quản lý Khách sạn. Ra trường, ông về công tác tại Vụ Đào tạo – Bộ Nội thương, theo dõi chuyên ngành nấu ăn của các trường trung học ăn uống trên toàn quốc.
Năm 1985, ông chuyển sang công tác tại Cục Đường sắt với nhiệm vụ dạy nấu ăn cho nhân viên phục vụ các chuyên gia nước ngoài, phục vụ tại nhà ga và trên đoàn tàu Thống Nhất, đồng thời giữ chức vụ Phó giám đốc Khách sạn Đường sắt. Từ 1987 – 1989, ông được Bộ Giao thông cử sang I-rắc làm chuyên gia ăn uống của ngành đường sắt. Đến năm 2000, ông sang Liên Xô phối hợp với chương trình hợp tác xây dựng các nhà hàng ăn tại các ga tàu hỏa ở Matxcova và Leeningrat.
Tới tuổi nghỉ hưu, năm 2008 ông về dạy nấu ăn ở trường Cao đẳng nghề Trần Hưng Đạo, hiện đang là trưởng khoa Du lịch – Khách sạn trường này. Ngoài ra, ông còn mở thêm nhiều lớp đào tạo nấu ăn tại trung tâm Trung tâm HDNA EZcooking ...
Trong quá trình công tác ông còn tham gia cố vấn và dẫn chương trình cho các chương trình phát sóng trên truyền hình: “bếp Việt”, “Vào bếp với người nổi tiếng”, “Vào bếp với người bạn yêu thích”, giới thiệu và hướng dẫn trên chuyên mục Trang nội trợ của Đài truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình HN với gần 300 chương trình và đã kết hợp chế biến ra nhiều món ăn mới. Ngoài ra, ông còn tham gia viết bài trong lĩnh vực nghệ thuật ẩm thực đăng trên các báo, tạp chí, viết và soạn thảo giáo trình Cao đẳng, Trung cấp về món ăn, tham gia làm ban giám khảo cho các cuộc thi nấu ăn, cắm tỉa hoa nghệ thuật cấp thành phố, khu vực.
Những học sinh do ông đào tạo cũng nhiều người đạt được nhiều huy chương vàng, bạc tại các cuộc thi văn hóa nghệ thuật ẩm thực chuyên nghiệp toàn quốc, không ít trong số đó đã thành công và giữ vao trò chủ chốt trong khách sạn, nhà hàng lớn hoặc trở thành những chuyên gia văn hóa nghệ thuật ẩm thực hàng đầu của Việt Nam và đang phục vụ cho các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Với những thành tích đáng nể như vậy không ít người đã phong cho ông danh hiệu “Vua bếp Việt Nam”, “Vua bếp truyền hình”. Ngày 12/9/1012 ông vinh dự được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Quốc gia văn hóa nghệ thuật ẩm thực. Ông là người đầu tiên của cả nước có vinh dự được phong tặng danh hiệu này.
Từ công việc làm thêm lúc thuở ấu thơ, nấu ăn trở thành niềm đam mê, sự nghiệp cả đời là điều ông không thể nào ngờ tới. Nó như cái duyên, cái nghiệp của ông vậy, trải qua bao thăng trầm, bao công việc nào ông làm cũng ít nhiều dính dáng đến công việc làm bếp. Đúng là người chọn nghề không bằng nghề chọn người.
Luôn đặt chữ "Tâm" lên đầu
Không phải là một người sinh ra đã nấu ăn giỏi, truyền thống gia đình cũng không dính dáng gì đến công việc làm bếp nhưng ông đã đến với nghề, đã thành công và đã gắn bó với nó suốt cả cuộc đời. Ông được biết đến là một đầu bếp tài ba, có thể nấu ngon cả các món ăn dân tộc lẫn món ăn Tây.
Ông có những "năng khiếu" nấu ăn rất đặc biệt. Ông không ăn được bơ, sữa, thịt bò, đặc biệt là ông sợ phải sát sinh, ông không thích cắt tiết các con vật, vì vậy ông luôn nhận đồ làm sẵn hoặc giao cho các phụ bếp làm việc này. Thế nhưng dù không ăn được một số thứ nhưng ông vẫn chế biến rất ngon, nêm gia vị đầy đủ để không làm mất đi hương vị của các món ăn. Ông xác định: “Nấu ăn là công việc, là nghề. Nghề của mình là phục vụ cho xã hội vì thế mình phải làm hết mình, không thể vì mình không thích thứ gì mà lại không phục vụ nhu cầu của khách hàng”.
Nhà giáo Lê Đình Cộng luôn dạy các học trò của mình “làm nghề phải đặt chữ tâm lên hàng đầu. Khi món ăn phải đảm bảo được các yếu tố ngon, bổ, rẻ, hợp với phong tục tập quán của vùng miền, dân tộc và thẩm mỹ nhưng không được làm cho khách hàng không dám thưởng thức”. Chia sẻ về điều này, ông kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện. Đó là khi ông còn làm ở khách sạn Thống Nhất, ông đảm nhiệm việc nấu ăn cho một đoàn khách nước ngoài tới thăm Việt Nam. Ông đã làm một bánh kẹo lạc hình chùa Một Cột.
Những vị khách nước ngoài vô cùng ưng ý và luôn miệng ngợi khen nhưng không ai đụng đến chiếc bánh dù chỉ một đầu ngón tay khiến ông vô cùng tò mò và bối rối. Thì ra chiếc bánh làm giống thật quá. Họ bảo đây là di tích của Việt Nam nên không ai muốn phá vỡ nó cả. Vậy là ông đành trở thành “người phá hoại” và rút kinh nghiệm không để rơi vào những trường hợp tương tự như này nữa.
Ông đặc biệt ấn tượng với các món ăn miền Bắc vì nó có cách chế biến cầu kỳ, thể hiện sự tài hoa và cách thưởng thức tinh tế. Tuy nhiên, trong thời kỳ hiện đại này, ai cũng sống gấp gáp, bận rộn, không nhiều người có thời gian chế biến và thưởng thức những món ăn cầu kỳ, tinh tế như vậy nữa mà thay vào đó là những món ăn đơn giản, “mì ăn liền”.. Chính vì thế, bên cạnh những món ăn truyền thống, nghệ nhân Lê Đình Cộng cũng luôn thay đổi các món ăn để phù hợp khẩu vị khách hàng thời hiện đại, không ít món ăn có được ông sáng tạo, biến tấu đi để hợp với điều kiện, hoàn cảnh, cuộc sống. Nhà giáo cũng tiết lộ ông đang soạn cuốn sách Những món ăn thời kỳ đổi mới, dự kiến sẽ có khoảng 400 – 500 món ăn.
Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nghệ nhân Lê Đình Cộng vẫn là một con ong chăm chỉ, hàng ngày nỗ lực đóng góp tài năng, công sức của mình làm phong phú thêm cho nên ẩm thực nước nhà. Thầy Nguyễn Duy Hưng – hiệu trưởng trường CĐ Nghề Trần Hưng Đạo nhận xét “Thầy Cộng là một người nguyên tắc cần mẫn, chịu khó, hiền lành nhưng lại rất nghiêm khắc với học sinh. Thầy không bao giờ đến lớp muộn, còn học sinh của thầy nếu mặc đồ không đúng quy định thì không được đặt chân vào lớp. Thầy là tấm gương sáng về chuyên môn và lòng yêu nghề cho các đồng nghiệp và học sinh noi theo”.
Vũ Minh