Chuyện về chàng trai “hai vàng”

Đức Anh trong buổi lễ nhận Huân chương Lao động hạng Ba
Đức Anh trong buổi lễ nhận Huân chương Lao động hạng Ba
(PLO) - Trong cuộc thi Olympic Hóa học quốc tế 2018 tổ chức tại Séc và Slovakia, Phạm Đức Anh là thí sinh duy nhất của đội tuyển Việt Nam giành được tấm Huy chương Vàng (HCV) sáng giá, đây chính là HCV thứ 2 mà chàng trai trẻ này sở hữu. Khác với những bạn trẻ từng đạt huy chương Olympic quốc tế đều muốn tìm cơ hội du học, Phạm Ðức Anh đã trở thành tân sinh viên ÐH Y Hà Nội để với mong muốn sau này là một bác sĩ giỏi, có thể vừa khám chữa bệnh vừa nghiên cứu...

Không quan tâm tới du học

Giành cú đúp HCV Olympic hai năm liên tiếp, Phạm Đức Anh là một trong hai bạn trẻ được tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Đức Anh lớn lên trong gia đình có truyền thống ngành Y, từ bà nội, bố mẹ tới các bác đều đam mê với nghề. Thêm nữa, mẹ Đức Anh là Trưởng khoa Dược Bệnh viện Da liễu TƯ.

Ngay khi còn học mẫu giáo cũng là lúc mẹ em làm nghiên cứu sinh về tổng hợp hữu cơ, Đức Anh nhiều lần được đưa tới phòng thí nghiệm, quan sát phản ứng đầy màu sắc, cách dòng nước chuyển từ ống này sang ống khác. Em dần thích thú và muốn được làm những điều giống mẹ.

Năm 2008, khi đang học lớp 2, Đức Anh được ra Sân bay Nội Bài đón anh trai thi Olympic Hóa học lần thứ 40 từ Hungary trở về. Em nhớ hôm đó, với chiếc Huy chương Đồng, anh trai được chào đón nồng hậu. Trong mắt thầy cô và bạn bè, anh như người hùng dù không đạt giải cao nhất. “Em cảm giác anh đã làm một điều gì đó rất to lớn và muốn sau này được như anh”, Đức Anh nhớ lại.

Thế rồi từ năm lớp 8, khi Hóa trở thành môn học riêng, em được chọn tham gia nhiều cuộc thi của quận, TP và không lần nào là không đạt giải nhất. Không những thế, với ước mơ đổi màu huy chương của anh trai, Đức Anh thi vào Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) để có cơ hội được tiếp xúc với nhiều giáo sư giỏi đầu ngành.

Dưới sự kèm cặp của thầy cô và chính anh trai, Đức Anh tiếp tục giành nhiều giải thưởng liên quan đến Hóa học. Lớp 11, em đã giành HCV quốc tế. Một năm sau, trong kỳ thi Olympic được đánh giá khó hơn, Đức Anh một lần nữa giành vàng và đó là HCV duy nhất của đoàn Việt Nam. 

Điều ngạc nhiên, dù sớm giành được HCV Olympic quốc tế từ năm lớp 11, Đức Anh có đủ thời gian nếu muốn chuẩn bị hồ sơ xin học bổng du học, nhưng em không mấy quan tâm. Tiếp tục ôn luyện để giành HCV thứ hai, cơ hội học tập tại các trường hàng đầu thế giới chưa bao giờ rộng mở đến như vậy với chàng trai Hà Nội.

Tuy nhiên, em vẫn không “nao núng” trước mọi lời mời gọi và bàn tán của mọi người, quyết định học trường trong nước. “Em nhận được tin nhắn, email từ các trung tâm tư vấn du học hàng ngày. Họ giới thiệu về những trường em có thể trúng tuyển, nói về các khóa học để làm đẹp hồ sơ. Em đã chọn học trong nước và khi đã quyết định thì em sẽ kiên định với lựa chọn của mình. Hai HCV, chứ 10 tấm em vẫn vào Đại học Y Hà Nội”, Đức Anh bày tỏ.

Cùng có quan điểm như anh trai, Đức Anh thích học Hóa nhưng có niềm đam mê đặc biệt với nghề bác sĩ. Thế nên, ĐH Y Hà Nội là lựa chọn số 1 của em. Chàng trai sinh năm 2000 này tâm sự có nhiều người khuyên em nên du học vì cơ hội vào những trường top đầu thế giới là rất hiếm và việc học ở Việt Nam là rất phí.

Nhưng với em, được theo nghề đam mê và hợp với mình thì không thể nói là phí được. Nghề y là một đam mê của em và cũng là định hướng của gia đình đối với Đức Anh từ khi còn nhỏ. “Từ ngày bé, mẹ thường dẫn em đến bệnh viện nơi mẹ làm việc. Với em, những y, bác sĩ đã như những thiên thần áo trắng. Dự định học Y là ước mơ em đã đeo đuổi từ lâu”, Đức Anh cho biết.

Nói về Olympic Hóa học Quốc tế năm 2018, Đức Anh cho hay, lý thuyết thì em không lạ lẫm vì học rất nhiều, thực hành thì khó hơn do có nhiều thiết bị thực hành hiện đại mà học sinh Việt Nam chưa được làm quen.

Nhưng không vì thế mà Đức Anh bỡ ngỡ, vì trước khi thi em cũng đã được đọc tài liệu để hiểu thêm các dụng cụ. Em cũng định hình được trong đầu là mình phải làm gì, chỉ là cách sắp xếp thời gian để giải quyết vấn đề thôi.

Mặc dù là năm thứ 2 đi thi, đã có nhiều tự tin hơn nhưng Đức Anh vẫn lo lắng và khi nghe tên được xướng lên thì cảm xúc dường như vỡ òa vì “mình lại làm được điều gì đó cho đất nước”. Bởi năm 2018, Olympic Hóa học Quốc tế được tổ chức lần thứ 50 tại Skovalia, là cái nôi của Hóa học, nơi tổ chức Olympic Hóa học Quốc tế đầu tiên.

Đây là kỳ thi được tổ chức hoành tráng với nhiều cường quốc tham gia. Bởi thế, trước khi thi, điều này cũng là áp lực với em, vì có thể năm nay đề sẽ rất khó, có nhiều đối thủ cạnh tranh với mình. Và thực tế đề thi là rất khó, khó hơn năm 2017 rất nhiều và rất khó so với 10 năm trở lại đây”, Đức Anh nói.

Mẹ và con trai

Cũng tại kỳ thi Olympic Hóa học 2018, Đức Anh là thí sinh duy nhất phải đi một mình, không có người thân hay thầy cô giáo đi cùng. Ngày đầu đặt chân đến nơi, Đức Anh bị thất lạc hành lí, đến ngày thứ ba mới lấy được.

Thế nên những ngày đầu, em phải mượn đồ của các bạn sử dụng. Gia đình đã rất lo lắng và thương Đức Anh nhưng vẫn tin tưởng vào bản lĩnh của em. Và cuối cùng, bao nhiêu mong ước đã thành hiện thực.

Đức Anh cùng gia đình
Đức Anh cùng gia đình

Mẹ của Đức Anh, chị Nguyễn Thị Kim Thu, Trưởng khoa Dược Viện Da liễu TƯ, người mẹ luôn sát cánh cùng con trai cho biết: “Đức Anh không học thêm nhiều. Cách học của các bạn đội tuyển đi thi này là thường đào sâu tìm hiểu vấn đề. Gặp bất cứ vấn đề gì mới và khó, Đức Anh thường lục tung cả Internet lên để đào sâu, kể cả thông tin về các nhà khoa học liên quan đến vấn đề đó”. 

Chị Thu cho biết: “Ngay từ bé, khi định hướng cho con theo nghề y, gia đình đã đồng hành với Đức Anh rất sát từ từng loại tài liệu học tập đến từng hành vi ứng xử xã hội, cũng như nền nếp gia đình. Tôi vẫn dạy các con, bé thì ngoan và chăm học, học giỏi đã là có hiếu. Nên trong tiềm thức của các cháu, đi học là phải ngoan và học giỏi.

Trước khi đi thi Olympic Hóa học Quốc tế năm 2018, gia đình cũng tin là cháu sẽ đoạt HCV vì với khối kiến thức cháu đã được trau dồi từ những năm trước, năm 2017 cũng đã đoạt HCV, lại có cả một năm lớp 12 để đào sâu thêm kiến thức, chúng tôi không hề bất ngờ khi Đức Anh đoạt HCV”. 

Thậm chí trước khi đi, Đức Anh còn nói đùa rất tự tin: “Mẹ ở nhà yên tâm, con sẽ mang “vàng” về cho mẹ!”. Và trong trái tim người mẹ, con trai út lúc nào cũng là chàng trai bé nhỏ. Thế nhưng, trong giây phút “chàng trai bé nhỏ” của chị Thu được nhận HCV thực sự là phút giây vỡ òa hạnh phúc và tự hào khi lá cờ Tổ quốc tung bay trong nền nhạc Quốc ca luôn chạm tới trái tim mọi người dân Việt. Chị thấy, chàng trai của mình đã lớn thật rồi!

Tuy nhiên,  người mẹ ấy cho rằng, HCV quốc tế cũng chỉ là một thành tích ở một giai đoạn nào đó của mỗi con người. Hỏi chị, tại sao không như các gia đình khác, ra nước ngoài du học luôn là mục tiêu, mơ ước với những gia đình con học giỏi hoặc không giỏi nhưng có điều kiện, tại sao chị lại không hướng cho các con theo con đường đó?

Chị Nguyễn Thị Kim Thu cho biết, gia đình luôn ủng hộ mọi quyết định của con trai. Mặc dù là Tiến sĩ Dược, có nhiều cơ hội đi công tác nước ngoài và tham khảo rất nhiều về du học ở các trường Mỹ, Anh, Pháp hay Singapore, chị vẫn đánh giá cao danh tiếng và chất lượng của một số trường trong nước. Chị nhấn mạnh: “Trong mắt tôi, Trường ĐH Y Hà Nội không khác gì Harvard của Mỹ. Vậy tại sao cứ phải gò ép con ra nước ngoài học”.  

Chị Thu cho rằng, sau khi hoàn thành chương trình đại học và bác sĩ nội trú ở Việt Nam, Đức Anh vẫn còn rất nhiều cơ hội tham gia các khóa tu nghiệp ngắn hạn ở nước ngoài nên không cần phải nuối tiếc.

Không bao giờ nguội ước mơ trở thành bác sĩ

Hiện bên cạnh việc trau dồi tiếng Anh, em thường xuyên đọc các sách y khoa của anh trai, đồng thời lên mạng xem video bác sĩ phẫu thuật. Dù hai năm đầu chưa được tiếp cận trực tiếp với bệnh nhân, em dự định xin theo các thầy hoặc anh trai để làm quen dần. Với Đức Anh, một bác sĩ giỏi phải có tâm, có đức, có sức khỏe, chuyên môn vững và phải luôn coi sức khỏe của bệnh nhân là niềm vui của mình. 

“Dù đã có một số sự việc không hay xảy ra, theo em đó chỉ là thiểu số, không thể đánh đồng tất cả, nhưng đó cũng là lời cảnh tỉnh giúp em rút ra được nhiều bài học, đặc biệt là sự cẩn thận” - Đức Anh nói và khẳng định bản thân sẽ cố gắng để trở thành một bác sĩ “có tâm và có tầm” trong tương lai.

Không chỉ bởi những kí ức đẹp từ ngày thơ ấu, khi theo bố mẹ và bác trong những ca trực đêm, mà ngay năm ngoái, sau khi đạt HCV trở về, em bị sốt xuất huyết nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, sự tận tình của các bác sỹ giúp em qua cơn nguy kịch, càng làm  cháy lên khát vọng, sự từ tâm của chàng trai trẻ.

Và điều đặc biệt, dẫu có thành tích học tập “khủng”, nhưng với Đức Anh, em luôn cân bằng và không có chút nào ảnh hưởng “gà công nghiệp”. Chàng trai không chỉ có năng khiếu với Hóa học mà luôn sôi nổi, năng nổ trong mọi hoạt động trên lớp cũng như cuộc sống thường ngày. Đức Anh gắn bó với guitar và đá bóng. Mỗi khi stress do học tập căng thẳng thì em đến với guitar như đến với một người bạn tri kỉ…

Đọc thêm

Các trường 'điểm' tuyển sinh ra sao khi bỏ thi tuyển vào lớp 6?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Theo Bộ GD&ĐT, từ 2025, tuyển sinh THCS sẽ được thực hiện theo phương thức xét tuyển. Đối với các trường chất lượng cao, trường tư có tỷ lệ chọi lớn, địa phương có trách nhiệm hướng dẫn các trường thực hiện dựa vào tình hình thực tế trên cơ sở phù hợp nhất.

Giáo dục thích ứng trong kỷ nguyên số

Phụ huynh, học sinh, người lao động cần tìm hướng đi đúng đắn. (Ảnh minh họa - Nguồn: Hocmai)
(PLVN) - Sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là AI đang định hình lại môi trường làm việc một cách nhanh chóng và nhu cầu về những kỹ năng mới cũng ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030: Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực

Ảnh minh họa
Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có hệ thống giáo dục tiên tiến trong khu vực châu Á. Với trọng tâm phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng giáo dục ở mọi cấp và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chiến lược này đặt nền móng vững chắc cho một xã hội hiện đại, công bằng và văn minh.

Nhìn lại những quyết sách phát triển giáo dục năm 2024

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi về dự thảo Luật Nhà giáo tại Quốc hội. (Ảnh: MOET )
(PLVN) - Xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, thúc đẩy chuyển đổi số đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành chu trình đầu của chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, kết thúc kỳ thi cuối cùng của CT GDPT 2006... là những dấu ấn nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố.

Đi học… hạnh phúc

Cô giáo xuất hiện trong bức ảnh đẹp nhất mùa khai giảng. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - “Người thấy được hạnh phúc của việc học sẽ làm được nhiều việc lớn lao” - là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo “Hạnh phúc trong giáo dục 2024” do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức.

Những vật dụng cấm mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2025

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có quy định rõ về trách nhiệm của thí sinh và những vật dụng không được phép mang vào phòng thi.

Đối tượng nào được miễn thi tốt nghiệp THPT 2025?

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định rõ những đối tượng được miễn thi tất cả các môn, miễn thi Ngoại ngữ, miễn thi Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT...