Đưa nước về đúng bản chất hàng hóa
Nói về Dự thảo Luật Thủy lợi vừa được đưa ra lấy ý kiến các đại biểu tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV vừa qua, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết: Dự án Luật Thủy lợi bổ sung nhiều nội dung đổi mới quan trọng về cơ chế tài chính cho dịch vụ thủy lợi như: quy định về giá dịch vụ thủy lợi thay cho thủy lợi phí, xã hội hoá trong đầu tư và khai thác công trình thủy lợi... Quy định về giá dịch vụ thủy lợi thay cho “thủy lợi phí” trước đây tại Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi 2001 còn nhằm thống nhất với pháp luật hiện hành về Luật Phí và Lệ phí.
Dự thảo Luật Thủy lợi gồm 9 chương, 72 điều quy định về hoạt động thủy lợi; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động thủy lợi, quản lý nhà nước về thủy lợi.
Trước đó, Báo PLVN đã có bài phân tích trong bối cảnh nguồn nước đang ngày càng khan hiếm, việc đánh giá đúng giá trị và đưa nước trở thành một loại hàng hóa và quản lý theo quy luật của thị trường là một yêu cầu bắt buộc. Chỉ có vận hành theo nguyên tắc thị trường mới có thể nâng cao được hiệu quả, năng suất, giảm lãng phí nước, tạo động lực phát triển nông nghiệp theo hướng tiết kiệm nước.
Theo ông Đoàn Thế Lợi, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý thủy lợi, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, việc thực hiện cơ chế giá góp phần làm thay đổi nhận thức của xã hội về công tác thủy lợi từ “phục vụ” sang đúng bản chất “dịch vụ”; giúp người sử dụng dịch vụ hiểu rõ bản chất hàng hóa của nước, coi dịch vụ thủy lợi là một dịch vụ đầu vào cho sản xuất, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm.
Cũng theo ông Lợi, việc thực hiện cơ chế giá dịch vụ thủy lợi sẽ đưa công tác thủy lợi tiếp cận với cơ chế thị trường, tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân cùng tham gia hoạt động thủy lợi, gắn trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ thủy lợi, bên sử dụng dịch vụ thủy lợi.
“Lúc trước áp dụng thủy lợi phí thì Nhà nước hỗ trợ nông dân về phí còn hiện nay chuyển sang giá Nhà nước áp dụng trợ giá. Việc hỗ trợ người dân bằng tiền người dân có thể giám sát việc hỗ trợ được thực hiện như thế nào. Hiện nay, nông dân đang được hỗ trợ 1,2 triệu ha/vụ lúa, đi kèm với đó phải đảm bảo chất lượng về dịch vụ tưới như đủ khối lượng, diện tích, đúng thời gian đảm bảo cho sản xuất”, chuyên gia về thủy lợi này nhấn mạnh.
Không tăng chi phí của dân
Theo tìm hiểu của PLVN, miễn, giảm thủy lợi phí là sự hỗ trợ của Nhà nước nhằm giảm gánh nặng chi phí sản xuất nông nghiệp cho người dân và giúp cơ quan quản lý có nguồn kinh phí để tu sửa, chống xuống cấp công trình thủy lợi. Một năm, ngân sách trung ương đang phải chi trên 6.000 -7.000 tỷ đồng để cấp bù thay cho nông dân khoản thủy lợi phí này.
Tuy nhiên, cơ chế này đang cho thấy vài trò của cơ quan quản lý chuyên ngành mờ nhạt, cơ quan cấp phát không chịu trách nhiệm đến kết quả cuối cùng nên hàng ngàn tỷ Nhà nước chi ra không hiệu quả, thậm chí không giúp gì nhiều cho chính người nông dân.
Liên quan đến việc chuyển từ “thủy lợi phí” sang “giá dịch vụ thủy lợi” có làm tăng thêm chi phí của nông dân hay không, ông Tỉnh cho rằng, việc áp dụng quy định mới không làm tăng chi phí của nông dân. Nông dân sẽ được hưởng dịch vụ tốt hơn từ việc áp dụng cơ chế này. Không những thế còn góp phần nâng cao quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi mà còn tăng thêm nguồn thu cho ngân sách để hỗ trợ đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và dân sinh cũng như ứng phó biến đổi khí hậu ở những khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
“Chuyển từ phí sang giá dịch vụ thủy lợi điều này không làm tăng chi phí của nông dân và người nông dân sẽ được hưởng dịch vụ tốt hơn và Nhà nước sẽ giảm được chi phí trong việc quản lý khai thác các công trình thủy lợi. Trong thời gian tới, Tổng cục Thủy lợi sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, đặc biệt là Bộ Tài chính để có hướng dẫn cụ thể và lộ trình thực hiện từ phí sang giá dịch vụ thủy lợi phù hợp với điều kiện thực tế”, ông Tỉnh nhấn mạnh.
Theo nhiều chuyên gia về lĩnh vực nước, để đưa nước trở thành một hàng hóa và quản lý theo quy luật của thị trường thì còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, việc ban hành chính sách, tổ chức thực hiện việc định giá là những bước đi vô cùng quan trọng, chúng ta cần phải quyết liệt làm để đi dần tới xóa bỏ bọc kén “bao cấp” đang tồn tại trong hoạt động thủy lợi hiện nay.