Làng Lao là tên riêng của một làng 100% người dân tộc Mông nằm trên một đỉnh núi cao giữa mênh mông rừng sâu núi thẳm, về địa lý hành chính nó thuộc xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Những chàng trai Mông nổi tiếng với tài cưỡi ngựa, bắn súng. Con ngựa theo người vào rừng thồ củi, gỗ về bản, ra chợ, lên nương, thồ ngô, sắn xuống núi. Đi chợ phiên về, người chồng uống rượu say, hai tay bám vào đuôi ngựa để vợ dắt về nhà. Làng Lao rất đặc biệt vì không có ngựa...
Làng chạy ma
Lý do đơn giản bởi người ta nuôi ngựa để thồ hàng nhưng ngựa ở làng Lao không dùng để thồ hàng được bởi chỉ có một con đường độc đạo từ thị tứ Ba Khe lên làng Lao, con đường đó dài 32 km với chỗ rộng nhất khoảng 80cm, chỗ hẹp chỉ vừa một người đi.
Nhiều đoạn đầu gối chấm trán, nhiều đoạn chỉ là mấy cây gỗ gá ngang qua miệng vực. Ngựa không đi được, xảy chân là rơi xuống vực, nhưng con người vẫn phải đi.
Đường vào làng Lao |
Sao làng lại ở mãi trong sâu đến thế? .chục năm trước làng đã ở rất sâu trong rừng, nằm trên một quả núi đất xung quanh có con suối nhỏ róc rách bao quanh. Một năm nọ, vào một mùa nứa khuy (nứa ra hoa theo chu kỳ khoảng 25-30 năm một lần), dân làng bị một chứng bệnh lạ, người đang khoẻ mạnh tự nhiên cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, nhức đầu, chóng mặt, đau khắp người, buồn nôn, sốt cao, rét run rồi chết, cả làng hầu như nhà nào cũng có người chết, thậm chí có nhà chết sạch cả nhà.
Chắc chắn tại con ma nó bắt người đây mà, cúng ma, cúng Giàng xin con ma nó đừng bắt người nữa nhưng người trong làng vẫn bị bắt. Chạy trốn con ma thôi!. Các già làng tuyên bố, thế là cả làng còn lại mấy mươi người dắt díu nhau chạy sâu nữa vào trong rừng.
Chạy qua con suối thì vừa đúng lúc lũ về, may mà có một hang đá, cả làng vào trú chân, sáng ra leo tới đỉnh thấy núi đó cũng bằng phẳng, mấy người ở lại dựng nhà ở hiện còn 3,4 nóc nhà ở đó gọi là xóm Hang Trú. Thấy chưa yên tâm, cả làng "chạy con ma" đi tiếp vào rừng, tới khi gặp ngọn núi cao nhất quanh năm mây phủ bên con suối Lao ngày đêm chảy như đàn ngựa phi rầm rập xuống núi mới dừng chân, đẽo cây làm nhà, lấy tên suối làm tên làng.
Ngày nay, dân làng đã được cán bộ giải thích vào mùa nứa khuy, cây nứa sinh hoa, sinh hạt và là nguồn thức ăn dồi dào cho lũ chuột. Thảo nào hễ năm nào nứa khuy thì năm ấy chuột sinh sôi nhiều vô kể. Năm ấy cũng vậy, đến khi cây nứa khô nỏ, hạt nứa hết, lũ chuột rừng sẽ đồng loạt tấn công xuống các bản làng và gây ra bệnh dịch hạch. Nếu biết sớm có thể phòng ngừa, có thể uống thuốc, chữa được bệnh mà không phải chết. Chẳng do con ma nào bắt mà dân làng năm ấy bị dịch bệnh mà thôi.
Thầy giáo… vứt quần
Tết nguyên đán năm trước, tôi cùng đoàn sinh viên tình nguyện của câu lạc bộ Liên kết tầm nhìn Hacinco lên tặng quà cho bà con làng Lao tại điểm hạ sơn của làng tên là Táng Khờ (cách thị tứ Ba Khe khoảng 12km). Năm nay, mấy anh em chúng tôi quyết tâm đi bộ 32km lên tận điểm trường làng Lao thăm các thầy cắm bản, thăm bà con.
Trong bữa rượu đêm, dưới ngọn đèn sợi đốt 60w đỏ đùng đục vì hôm đó nước ít, điện củ (máy phát điện mini chạy bằng sức nước đặt dưới suối) chỉ cho dòng điện chập chờn, lờ đờ.
Thầy giáo Nguyễn Văn Duyến và thầy Nguyễn Văn Tự kể cho chúng tôi nghe những mẩu chuyện vui buồn mang mầu sắc như giai thoại. Căn phòng lợp bằng nứa đập, thưng bên hông của điểm trường mà thực chất là hai phòng học trống hoác lúc thì rộn rã tiếng cười, khi lại lặng đi chỉ nghe tiếng gió thổi rít qua khe cửa cộng với tiếng ếch nhái, côn trùng rỉ rả.
Một bữa 2 thầy đi với một cậu thanh niên người Mông tên Hờ A Sở vào rừng tìm mật ong. Thấy cây có tổ ong cậu ta nhanh nhẹn trèo lên với một mớ bùi nhùi trên thanh tre, hun xong tổ, đàn ong đã bỏ đi, cậu ta chặt cành cây cho rơi xuống. Bỗng nghe cậu ta nói vọng xuống “Thầy Duyến ơi, em chặt vào chân rồi” nhưng vẫn thấy tiếng dao chặt vào cây phùm phụp, cành cây có chiếc tổ rớt xuống đất cũng là lúc cậu ta trèo xuống dưới gốc cây.
Chẳng kịp nói câu nào cậu ta ngất xỉu vì mất máu, nhìn xuống bàn chân phải đẫm máu, ngón út bị chặt phăng mất. Hóa ra mải chặt cậu ta đứng hớ hênh thế nào mà nhát dao chặt đứt ngón chân út, nhưng cậu ta vẫn hăng, quyết chặt xong cành cây mới chịu leo xuống. Thế là 2 thầy, người thì garo cầm máu, người thì hái lá thuốc dịt vết thương rồi dìu cậu về làng.
Thầy Duyến kể, trước tết năm ngoái, khi đoàn từ thiện của chúng tôi lên tặng quà cho bà con, thầy và các gia đình trên làng Lao đi bộ xuống Táng Khờ để nhận quà. Từ làng Lao xuống Táng Khờ cũng mất gần ngày đường. Thầy đi cùng cô bé tên Sùng Thị Dính mới được 5 tuổi, đi dọc đường 2 thầy trò bị cảm tả, cứ thế là miệng nôn trôn tháo.
Thầy còn phải vứt cả quần đùi vì Tào Tháo đuổi không kịp cởi. Xuống đến Táng Khờ, mọi người đều hết thuốc cầm tả, thầy thì đủ sức nằm ở nhà trưởng thôn chờ người mang thuốc lên, còn cô bé Dính sức yếu đã lả đi và chết trước khi thuốc mang lên tới nơi.
Những tai nạn, những cái chết dễ dàng tới với người dân ở đây bởi sự khó khăn của cuộc sống là như vậy. Có những thứ thiết yếu như đường trắng, cả bản không có nổi thìa đường, ngày xưa muối cũng hiếm như vậy.
Có những câu chuyện cười ra nước mắt như trường hợp đau ruột thừa từ sáng nhưng 6 người thay nhau cáng chạy đến chiều tối mới xuống đến trạm xá của xã, hôm sau mới xuống được bệnh viện để mổ. Trong đoàn cáng bệnh nhân có người vấp đá, gãy chân thế là đi thì 1 bệnh nhân mà về thì có 2 con bệnh.
Chúng tôi đã ghé thăm một lớp học, khi đến đây chúng tôi thật ngỡ ngàng khi thấy tất cả ánh mắt của các cháu đều hướng về chúng tôi, có đứa bạo hơn thì quay sát sát chúng tôi, những đứa nhút nhát thì ẩn sau vách nứa nhìn chúng tôi làm cho chúng tôi có cảm giác như bọn trẻ đã chờ đợi chúng tôi từ rất lâu và giờ mới được gặp mặt.
Những ánh mắt thơ ngây và hồn nhiên của những đứa trẻ vùng cao… tôi có hỏi các cháu là ước mơ của các cháu là gì?. Một câu trả lời rất đơn giản là cố gắng học để sau này không bị đói, cái chữ về đây mới được mấy năm gần đây nhưng có lẽ nó là một bước ngoặt lớn cho cuộc đời các cháu.
Buổi trưa, ăn cơm xong chúng tôi tranh thủ đi thăm bản…, lại gặp bọn trẻ mà nhiều câu hỏi lại đặt ra trong đầu chúng tôi. Trẻ em thành phố chơi máy tính, đùa nghịch ở công viên hay vườn bách thú còn trẻ em vùng cao thì làm bạn với những rãnh nước, những quả đồi, đôi khi cùng bố mẹ lên rẫy...
Sỹ Anh