Chuyện riêng của Ông Già Lười

Truyện ngắn của Từ Khôi

Đi trên những phố cổ Hà Nội, giữa không khí bán buôn, có ai đó chợt lắng lòng tự hỏi: Danh nhân được dùng để đặt tên cho con phố này có lý lịch thế nào?

Tôi đang đi trên phố Lãn Ông. Bạn từng đi trên đường phố này bao nhiêu lần? Có thể bạn chưa để ý đến tên phố nhưng khứu giác thì à lên mách bảo: mùi thuốc bắc.

Lãn Ông, đây không phải là tên cúng cơm của danh nhân mà là tên hiệu tự đặt. Lãn Ông là tên chữ Nho, có nghĩa là Ông Già Lười. Còn tên thực của ông là Lê Hữu Trác.

Lãn Ông - Không biết ai đã có sáng kiến lấy tên của vị đại danh y này đặt cho đường phố chuyên bán thuốc bắc?

Đến đây, có thể có bạn sẽ căn vặn tôi: “Tôi đã biết Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là bậc đại danh y của dân tộc. Nhưng anh có biết gì về những câu chuyện đời tư của danh nhân. Nếu có thể anh kể được một câu chuyện mùi mẫn chăng?”

- Tôi chẳng kể cho anh nghe dài dòng văn tự về chuyện thù tạc văn chương thơ phú của Lãn Ông nữa. Có cái chuyện này, anh chịu khó nghe vậy.

*

Từ miền sơn cước Hương Sơn châu Hoan (Hà Tĩnh), gần trưa một ngày không rõ ngày nào. À tôi nhớ ra rồi. Ngày 12 tháng giêng năm Nhâm Dần (1782), Lãn Ông đang ngắm cảnh ở vườn thì có sai dịch của quan trấn bản hạt tới đưa thư. Đó là chỉ truyền về kinh chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán. Người sai dịch tiết lộ riêng với Lãn Ông rằng: “Quan Chánh Đường Hoàng Đình Bảo nghe danh cụ nên tiến cử cụ với chúa Trịnh về kinh chữa bệnh cho Đông Cung Vương thế tử”.

Sau vài ngày chuẩn bị, Lãn Ông về kinh.

Về tới kinh thành, nhưng chưa được triệu vào phủ bắt mạch cho Chúa và thế tử nên Lãn Ông xin phép ghé về Liêu Xá, huyện Đường Hào, Hải Dương thăm bản quán sau ngót ba chục năm xa cách. Khi trở lại kinh đô, anh người nhà tên là Tài lấy làm ngạc nhiên và băn khoăn mãi về sự trầm tư của Lãn Ông, nhưng không dám hỏi...

Đang ở nhà trọ thì một hôm Lãn Ông thấy hai bà sư và một ni cô trẻ đến. Họ nói từ chùa Huê Cầu ở phủ Thượng Hồng, Hải Dương lên kinh thành quyên tiền để góp thêm kinh phí tu bổ chùa và đúc một quả chuông lớn. Lãn Ông mời họ vào nhà. Trong khi nói chuyện mới để ý tới một bà vóc dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn. “Không biết mình đã gặp bà ta ở đâu”, Lãn Ông nghĩ mãi vẫn chưa ra. Về phần bà sư này cũng nhìn Lãn Ông có phần phân vân. Nhân thể, Lãn Ông bèn gặng hỏi về quê quán, người thân của bà. Bà sư đáp:

- Thưa ông. Tôi là Liên. Người gốc Huê Cầu. Nguyên con gái quan Tả thừa tư Sơn Nam ...

Mới nghe đến đây, trong lòng Lãn Ông đã xáo trộn. Có thật chăng bà sư này là Liên? Là con gái quan Tả thừa tư Sơn Nam ?

Thấy Lãn Ông ngập ngừng, nên bà sư Liên cũng không tiện hỏi về quê hương bản quán của Lãn Ông.

Nhân khi bà sư Liên ra hiên lấy bình vôi để ăn trầu, Lãn Ông mới hỏi nhỏ ni cô đi theo:

- Sư Đàm Liên đích thị người vùng nhuộm thâm Huê Cầu, con quan Tả thừa tư Sơn Nam nổi tiếng ở phủ Thượng Hồng, trấn Sơn Nam ?

Ni sư khẽ gật đầu đáp:

- Thưa vâng.

Lãn Ông lại thần người ra mất một lúc. Khi ấy, sư Đàm Liên cũng vừa đi vào. Lãn Ông ngập ngừng:

- Tôi là người thôn Văn Xá, xã Liêu Xá, phủ Thượng Hồng, Hải Dương. Vì loạn phải phiêu dạt về quê mẹ xứ Hương Sơn châu Hoan...

Mới nghe Lãn Ông nói đến đây, sư Đàm Liên thảng thốt, không giấu nổi qua hành động và ánh mắt cúi gằm. Sư Đàm Liên ấp úng nói với sư bà và ni cô đi cùng:

- Chúng ta đi thôi!

Lãn Ông không ngăn được, bèn ấn vội vào tay sư bà cùng đi với sư Đàm Liên ít tiền cung tiến. Lãn Ông hỏi:

- Các sư trọ ở đâu?

Sư bà và ni cô chưa kịp trả lời thì sư Đàm Liên vội nói:

- Chúng tôi đi khuyến hóa, tiện sẽ có chỗ nghỉ thích hợp.

Nói xong, liền thúc sư bà và ni cô từ biệt Lãn Ông.

Đợi họ ra tới cổng, Lãn Ông khẽ vẫy tay ra hiệu cho anh người nhà tên là Tài lại gần, căn dặn:

- Anh hãy lén theo các bà sư xem họ ở đâu. Nhớ đừng để họ biết.

Tài đi khá lâu mới trở về, thưa:

- Trình thầy, hai bà sư trọ ở chùa Liên Tôn. Họ mới đến và dự tính sẽ ở lại kinh đô khá lâu.

Đêm ấy. Trăng trong, gió hây hây thổi. Lãn Ông ngồi độc ẩm, tư lự. Đêm về khuya, tiết nguyên tiêu lành lạnh. Anh Tài đem thêm chiếc áo cho Lãn Ông và khuyên thầy nên đi nghỉ. Lãn Ông khoát tay ra hiệu cho anh ngồi xuống bên cạnh. Đợi Tài uống xong chén trà, Lãn Ông chậm rãi:

- Có chuyện này ta muốn nhờ anh giúp.

- Dạ thưa, có gì thầy cứ dạy bảo.

Lãn Ông buồn rầu:

- Khi còn ít tuổi, nhà có dạm hỏi cho ta con gái quan Tả thừa tư Sơn Nam ở Huê Cầu. Thời bấy giờ “nam nữ thụ thụ bất thân” nên ta và nàng chỉ có thể nhìn trộm nhau mỗi dịp ngang qua đầu làng, nơi có một cái đầm nước hình cái bầu lượn sát bên hàng tre ngả bóng và ngăn làng thành hai xóm. Do cha mẹ đôi bên hứa gả, nhưng quả thực ta và nàng lại có vẻ rất ưng nhau, dù chẳng ai dám ngỏ lời. Mà ngỏ lời làm chi khi bốn con mắt đã nói hết mọi lời. Tưởng các việc đã đâu vào đấy rồi thì... cha ta đột tử. Ấy là năm Kỷ Mùi (1739), khi ấy ta mười chín tuổi tròn. Giữa khi ta đang chịu tang thì lại xảy ra loạn lạc. Hết loạn Nguyễn Tuyển, loạn Nguyễn Cừ, đến loạn Vũ Trác Oánh, Nguyễn Hữu Cầu khởi binh ngay đất bản quán. Lại thêm quân của Hoàng Công Chất vây hãm ở ven sông Nhị Hà (sông Hồng), có bận còn chiếm giữ cả vùng Khoái Châu, Hưng Yên. Ta bị gọi đi lính như nhiều trai đinh. Sợ Liên lỡ thì, nên ta đành phải từ hôn. Ta cứ nghĩ rằng con gái quan Tả thừa tư Sơn Nam sẽ mau chóng có người môn đăng hộ đối. Vài năm, rồi ta cũng chán cảnh võ nghiệp. Giữa khi ấy anh trai thứ năm của ta ở Hương Sơn lâm trọng bệnh qua đời. Ta trở về xứ Bầu Thượng, bên con sông Ngàn Phố ở Hương Sơn châu Hoan chăm sóc mẹ già...

Thấm thoắt thoi đưa, ta lập gia đình ở Hương Sơn. Chừng dăm sáu năm, ta có việc về kinh tìm thầy học nghề thuốc nhưng không được, đành mua tạm mấy cuốn sách đem về. Khi hỏi thăm ông hàng sách về quan Tả thừa tư Sơn Nam thì được tin ông đã mất. Hỏi về người con gái, ông hàng sách cho hay: đã có công tử đến hỏi, việc chuẩn bị đã xong, nhưng không hiểu sao lại tan vỡ. Hơn năm sau lại có kẻ môn đăng hộ đối nhờ bà mối đánh tiếng cầu hôn nhưng cô chối từ, nói rằng: “Đã có người dạm hỏi, tức là mình là phận gái có chồng. Nay số phận chẳng ra gì mà bị chồng bỏ thì còn mặt mũi nào lấy ai nữa”. Cô thề nguyền suốt đời không lấy ai.

Lãn Ông ngừng lời. Rồi mắt ngấn lệ, ông kể tiếp:

- Nghe ông hàng sách kể, ta không khỏi buồn rầu. Một buổi ta về Huê Cầu thì được tin: người anh sắp gả cô cho một anh sinh đồ trong làng. Ta nghe nói có phần nguôi ngoai, yên lòng.

Thế nhưng ta đâu biết, dù bị ép nhưng trước sau cô Liên vẫn dứt khoát không chịu.

Mấy bữa trước, ta trở về Huê Cầu, người dân nói cô ở vậy đến già và đi tu ở tận bên Yên Tử, Đông Triều. Ta không thể lên đó được vì còn phải về kinh thăm bệnh cho Chúa. Không ngờ giữa chốn kinh đô phồn hoa này lại có cơ duyên gặp gỡ.

Khẽ dụi mắt, Lãn Ông bùi ngùi:

-Ta muốn nhờ anh tới chùa Liên Tôn, thưa với sư Đàm Liên rằng, ta rất ân hận về việc có trước mà không có sau với bà ấy. Nếu bà ấy không chê, ta muốn mời bà về Hương Sơn để phụng dưỡng. Trong khu vườn thâm u của ta vốn sẵn có ngôi miếu thờ Phật, bà có thể an hưởng tuổi già. Hỏi xem bà có bằng lòng hay không. Các việc về sau ta sẽ tính.

Sớm hôm sau, anh Tài đến chùa Liên Tôn. Nhưng các bà sư và ni cô đã đi khuyến hóa từ tinh mơ. Anh Tài kiên nhẫn đợi. Đến ngang chiều, các sư bà mới trở về. Anh Tài đem chuyện thưa riêng với sư Đàm Liên. Sư nghe xong, không nén nổi sụt sùi, đáp:

- Anh về thưa lại với cậu Chiêu Bảy, à quan nhân, vì từ trước tôi quen gọi cậu Chiêu Bảy con quan Thị lang Bộ Công. Quan nhân có lòng, nhưng kiếp này tôi không gặp được chồng phải long đong khổ não. Âu cũng là số phận, đâu có dám oán thán gì ai. Tôi nay không còn thân thích, phải trông nom phần mộ tổ tiên, đâu dám rời bỏ mà cầu lấy miếng ăn, kiếm chút nhàn tuổi già. Anh về thưa lại với quan nhân: tôi dù chưa được đội ơn thừa của quan nhân, nhưng vâng nhận tấm lòng của quan nhân cũng đủ để an ủi nỗi niềm linh lạc của tôi rồi.

Đêm ấy, trăng xuân có phần lạnh hơn. Lãn Ông ngồi đắng lặng một mình bên bầu rượu, tay khư khư chiếc chén hạt mít. Thỉnh thoảng ông lại đưa lên môi nhấm nháp. Ông nhấc bút, lăn mực và viết. Viết xong, ông cầm vuông giấy dó lên và nhìn chăm chú khá lâu rồi mới đặt xuống bàn. Anh Tài lại đến bên bàn nhắc ông đi nghỉ sớm để mai còn vào phủ hầu Chúa và thế tử Trịnh Cán. Lãn Ông cầm lấy vuông giấy, đưa cho Tài đọc. Đó là một bài thơ.

Thơ rằng: Vô tâm sự xuất ngộ nhân đa/ Kim nhật tương khan khổ tự ta/ Nhất tiếu tình đa lưu lãnh lệ/ Song mâu xuân tận hiện hình hoa/ Thử sinh nguyện tác càn huynh đệ/ Tái thế ưng đồ tốn thất gia/ Ngã bất phụ nhân nhân phụ ngã/ Túng thiên như thử nại chi ha!

Nghĩa là:

Vô tâm nên nỗi lỡ người ta

Hôm nay nhìn nhau luống ngậm ngùi

Tiếng cười mừng gặp mặt còn ngấn nước mắt

Nơi góc sâu đôi mắt già (gần lòa) còn in bóng người con gái năm xưa.

Đời nay xin kết nghĩa làm anh em

Nguyện rằng kiếp sau sẽ kết làm gia thất

Ta không phụ người người nỡ phụ

Đành thôi như thế biết sao mà!

Lẩm nhẩm đọc đi đọc lại mấy lần, anh Tài trao lại bài thơ cho Lãn Ông không dám bình luận gì. Nhưng khi vào giường nằm, miệng anh lại lẩm nhẩm:

- Nhất tiếu tình đa lưu lãnh lệ/ Song mâu xuân tận hiện hình hoa. Một câu thơ xuất thần. Thầy ta đa cảm thật. Mà sư Đàm Liên kể cũng nhất kiến chung tình.

Kể từ sau đêm làm xong bài thơ, Lãn Ông thường qua lại chùa Liên Tôn thăm sư Đàm Liên. Ban đầu sư Đàm Liên còn ngượng ngập nhưng sau cũng vui lòng đón tiếp và cũng thi thoảng tới nhà trọ thăm Lãn Ông. Họ coi nhau như anh em một nhà.

Hôm ấy, đương khi vui, Lãn Ông đọc cho sư Đàm Liên nghe bài thơ vừa viết than trách nỗi mình tệ bạc. Sư Đàm Liên lắng nghe, nước mắt lưng tròng. Sư không nói gì. Nhưng đến đêm, sư đã đọc đi đọc lại cả bài thơ không sai một từ. Trong đêm khuya, sư khẽ thốt lên rằng:

- Chiêu Bảy ơi, chàng còn nhớ chăng bài thơ chàng cảm thán cho số phận buổi loạn lạc năm xưa. Còn thiếp, thiếp nhớ như in bài thơ. Cảnh tang tóc trong bài thơ thì nhiều người biết. Nhưng cảnh tang tóc trong lòng thiếp thì ai tỏ tường. Sư khẽ ngâm:

Hồng – Châu trước nỗi binh đao

Kim đôi chiến đấu máu đào thành sông

Xương vùi mồ mả chập chồng

Lũy xưa cát trắng một vùng còn ghi

Một buổi khác, cũng lựa khi đương vui, sư Đàm Liên nói rằng:

- Chúng ta sắp phải chia tay. Tôi về Huê Cầu còn quan nhân về Hương Sơn. Tôi hỏi khí không phải mong quan nhân xá lỗi. Tôi nghe nói xứ Nghệ gỗ tốt, tôi muốn nhờ quan nhân tìm mua cho một cỗ áo quan có được chăng?

Lãn Ông nhận lời. Ông nhờ người tìm ngay nhưng chưa có. Đành hẹn dịp tốt sẽ cho người đem đến.

Lại một hôm khác, Lãn Ông tâm sự với sư Đàm Liên về việc muốn in bộ sách “Lãn Ông tâm lĩnh” tại Thăng Long, vì ở đây mới có điều kiện khắc ván. Tiếc rằng công việc cứ nấn ná mãi. Sư Đàm Liên nói muốn được xem sách. Lãn Ông liền trao cho sư Đàm Liên mượn về chùa Liên Tôn. Trên đường về, sư Đàm Liên ghé qua chợ Mơ mua giấy, bút, mực. Những ngày đêm sau đó, sư bà và ni cô thấy sư Đàm Liên luôn tay chép lại sách “Lãn Ông tâm lĩnh”. Họ hỏi, sư Đàm Liên cười nói vì muốn học chút nghề thuốc để phòng thân và may ra có thể cứu giúp được ai đó chăng. Sư Đàm Liên cũng căn dặn sư bà và ni cô đừng nói cho ai biết việc chép lại sách này.

Cái ngày sư Đàm Liên chép xong sách “Lãn Ông tâm lĩnh” thì cũng chính là ngày Lãn Ông báo rằng ngày mai, ông sẽ trở về Hương Sơn. Đây là cơ hội mà ông cần phải chớp lấy để giũ bỏ chốn đô hội mà ông không muốn những danh lợi nhuốm vào.

Hôm sau, sư Đàm Liên tới tiễn Lãn Ông. Hai con người tóc bạc da mồi nhìn nhau bịn rịn. Nhìn nhau không muốn chớp. Hình như ai cũng linh cảm rằng đây là lần gặp nhau cuối cùng trên dương thế.

Lãn Ông khẽ mở tay nải, lấy ra một bọc lụa gói ghém cẩn thận, hai tay trao cho sư Đàm Liên, bùi ngùi:

- Tôi đã nhận lời mà chưa làm được. Nay lại phải về Hương Sơn. Có một chút này biếu sư dùng để mua bộ áo quan như đã hứa.

Sư Đàm Liên giơ tay cản. Nhưng Lãn Ông cố đưa, nói rằng:

- Vì tôi, sư đã lận đận nhiều. Một chút này mà sư cũng không nhận thì lòng tôi muôn phần đau đớn không yên. Mong sư hãy nhận cho.

Sư Đàm Liên miễn cưỡng nhận. Rồi họ chia tay.

 

Câu chuyện về việc Lãn Ông biếu sư bà Đàm Liên năm quan tiền cổ để mua áo quan có lẽ nhiều người biết. Lãn Ông cũng đã kể ngắn gọn tình tiết này trong “Thượng kinh ký sự”. Nhưng chính Lãn Ông không hề biết: ước nguyện của sư bà Đàm Liên khi đánh tiếng nhờ mua giúp bộ áo quan tốt chỉ là cái cớ. Sau này, khi sư bà Đàm Liên viên tịch, ni cô cùng đi tu theo sư có kể rằng: sư Đàm Liên có ước nguyện khi mất sẽ được nằm trong bộ áo quan mà Lãn Ông, tức cậu Chiêu Bảy, lo cho, chứ sư Đàm Liên cần gì quan tài gỗ tốt hay không tốt đâu...

Ni cô cũng kể: dù ban đầu sư Đàm Liên tính toán là thế song sự thể, lại chẳng được như ước nguyện. Khuyến hóa xong, sư Đàm Liên ở lại kinh thành. Hằng ngày, ngoài việc chăm nom cùng sư trụ trì chùa Liên Tôn, sư Đàm Liên còn đi giúp dân làm lễ và nhiều công việc khác. Sư Đàm Liên chăm chỉ tích cóp từng đồng xu nhỏ. Có người biết chuyện chê bai, dè bỉu sự tham lam. Sư nghe chỉ cười chứ không hề nói lại. Một ngày, người ta thấy sư thuê một tốp thợ khắc ván. Những người thợ  kinh thành này sau đó đã khắc trọn bộ “Lãn Ông tâm lĩnh” truyền lại cho đời sau.

Công việc xong xuôi, tốn kém rất nhiều. Sư Đàm Liên đã không giữ được một đồng xu nào từ năm quan tiền cổ mà Lãn Ông đưa tặng để mua bộ áo quan.

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.