Gần đây, nhiều bị cáo khi ra tòa đã rất ngạc nhiên khi biết rằng mình có lệnh truy nã bởi suốt thời gian dài, họ vẫn sinh sống bình thường tại địa phương, có thấy ai nói gì đâu! Vừa qua, Công an TP.HCM đã có công văn yêu cầu công an các quận, huyện rà soát lại các lệnh truy nã từ trước đến nay...Phối hợp không thông Năm 2000, Lê Thành Trung lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại quận 7 (TP.HCM). Bị khởi tố, Trung bỏ trốn nên Công an quận 7 phát lệnh truy nã. Khi trốn sang nhà bà con ở quận 3, Trung tiếp tục có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cũng bị Công an quận 3 phát lệnh truy nã. Trung tiếp tục trốn về huyện Duyên Hải (Trà Vinh), rồi bị bắt vì chiếm đoạt một chiếc xe máy tại đây. Sau đó, Trung được di lý về Công an quận 7. Trong quá trình điều tra, Công an quận 7 nhiều lần thông báo cho Công an quận 3 biết việc đang tạm giữ Trung để cùng phối hợp giải quyết. Tuy nhiên, Công an quận 3 không hề có công văn hồi đáp. Vì thế, cơ quan điều tra Công an quận 7 chỉ xử lý Trung về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở quận này. Sau đó, TAND quận 7 đưa Trung ra xét xử và phạt Trung hai năm tù.
Công an TP.HCM đã có công văn yêu cầu công an các quận, huyện rà soát lại các lệnh truy nã từ trước đến nay (Ảnh minh họa) |
Chấp hành án xong, năm 2003, Trung quay về nhà nhập hộ khẩu, sinh sống, làm việc bình thường. Ba năm sau, Trung đột ngột bị Công an quận 3 mời đến báo là có lệnh truy nã rồi bắt giam. Trung bị điều tra, truy tố, xét xử về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản ở quận này. Trong vụ này, điều đáng nói là ngay từ khi Công an quận 7 thông báo việc đã bắt giữ được Trung, lẽ ra Công an quận 3 phải phối hợp để giải quyết luôn hai vụ lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm… của Trung trong cùng một thời điểm. Đằng này, đợi đến khi Trung đã thụ án, đã hoàn lương, đã sinh sống bình thường thì mới bắt giam, khởi tố. Rõ ràng khâu theo dõi, rà soát, phối hợp của Công an quận 3 thời điểm đó cần phải xem lại. Không trốn, vẫn truy nã Đó là trường hợp của Nguyễn Thanh Sơn. Ngày 27-11-1997, Sơn mượn xe máy của em gái cùng cha khác mẹ ở quận Tân Bình, đem xe bán lấy 3,5 chỉ vàng mua heroin sử dụng. Ba ngày sau, Sơn lừa lấy xe máy của vợ cũ, đem bán được sáu chỉ vàng. Tiếp đó, Sơn lừa lấy chiếc xe máy của người cậu ở quận 8, bị Công an TP.HCM bắt và chuyển giao cho Công an quận 8 xử lý. Dù đã bắt Sơn, đã chuyển giao Sơn cho Công an quận 8 nhưng không hiểu sao cơ quan điều tra Công an TP.HCM lại ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Sơn (về hành vi lừa lấy xe của người cậu) và ra lệnh truy nã với lý do… bị can đang lẩn trốn. Sau khi thi hành xong bản án hai năm tù về tội lừa đảo của TAND quận 8, tháng 11-1999, Sơn trở về, cai nghiện, nhập hộ khẩu, có việc làm ổn định, lập gia đình, không hề hay biết mình đang bị truy nã. Cuối năm 2009, bỗng dưng Sơn nhận được thư của Công an TP.HCM kêu gọi ra đầu thú. Ra trình diện, Sơn bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong hai vụ lừa lấy xe của em gái và vợ cũ rồi bị TAND quận Tân Bình phạt sáu tháng tù. Bào chữa tại phiên phúc thẩm, luật sư của Sơn đã đề nghị hủy bản án sơ thẩm của TAND quận Tân Bình vì vi phạm tố tụng, hủy lệnh truy nã của Công an TP.HCM vì nội dung truy nã không đúng. Luật sư cũng yêu cầu không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Sơn trong hai vụ chiếm đoạt xe của em gái và vợ cũ vì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết (tội phạm ít nghiêm trọng, sự việc xảy ra đã gần 13 năm, hai vụ này không hề có quyết định khởi tố vụ án)… Cuối cùng, TAND TP.HCM đã hủy án sơ thẩm để làm rõ những vướng mắc trong việc truy nã bị cáo.Rối việc tống đạt Mới đây, Công an TP.HCM đã có công văn yêu cầu công an các quận, huyện rà soát lại các lệnh truy nã từ trước đến nay. Khi rà soát, có công an một quận phát hiện bị thất lạc đến hơn 10 bộ hồ sơ truy nã, phải chạy sang TAND, VKSND quận xin lại hồ sơ nhưng rồi cũng chỉ tìm được 2-3 hồ sơ... Hơn một năm trước, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xét xử Phạm Vũ Phong về một hành vi cướp giật tài sản xảy ra từ năm 1992. Điều đáng nói là trong hơn 15 năm bị truy nã, Phong vẫn sinh sống bình thường ngay tại địa phương, làm hộ khẩu, đổi chứng minh nhân dân, đăng ký kết hôn, khai sinh cho con... Ngạc nhiên trước trường hợp này, chúng tôi đã liên hệ với Công an phường 1 (quận Bình Thạnh) nơi Phong có hộ khẩu thường trú để tìm hiểu. Trưởng công an phường từ chối trả lời vì lý do không có chỉ đạo từ công an quận. Chúng tôi tìm đến Công an quận Bình Thạnh, được một vị phó trưởng công an quận trả lời: “Vụ Phạm Vũ Phong bị truy nã là PC14 thụ lý. Đề nghị liên hệ PC14 để biết chi tiết”. Đến PC14 (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội), nơi này xác nhận Phong bị truy nã theo Quyết định truy nã số 968-60 ngày 28-5-1992 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM (PC16 cũ). Lệnh truy nã này đã được gửi về công an địa phương để hỗ trợ truy bắt đối tượng. Quay lại Công an quận Bình Thạnh một lần nữa, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời từ vị phó trưởng công an quận là chưa thể tìm hồ sơ vì cán bộ phụ trách việc truy nã “đang đi học”. Như vậy, hành trình của lệnh truy nã đối với Phong đến giờ vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Khoan hồng vì thấy tội nghiệp
Bằng niềm tin nội tâm cùng kinh nghiệm nghề nghiệp, tôi tin nhiều bị cáo ra trước vành móng ngựa nói mình không hề biết bị truy nã là thật. Thế nhưng do trong hồ sơ công an chuyển qua có đầy đủ các thủ tục truy nã nên hội đồng xét xử không thể nhận định rằng bị cáo không biết mình đang bị truy nã. Dù vậy, dựa vào cái tâm khi xét xử, gặp những trường hợp này, chúng tôi cũng khoan hồng. Đây chỉ là một giải pháp tạm thời để tránh cho các bị cáo bị thiệt thòi mà thôi. Một phó chánh án tòa án quận tại TP.HCM
Xem lại hành trình truy nã
Hiện nay Bộ luật Tố tụng hình sự chưa quy định trong trường hợp nào thì lệnh truy nã còn giá trị hay không còn giá trị. Vì vậy, cần sửa luật hoặc có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Qua nhiều vụ mà báo chí từng phản ánh, tôi thiết nghĩ cần xem lại thủ tục truy nã, trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan ra lệnh và thực hiện thông báo truy nã.
Luật sư Trần Hải Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM
Xác định rõ trách nhiệm
Theo tôi, pháp luật tố tụng hình sự cần quy định theo hướng xác định rõ trách nhiệm của những cá nhân, cơ quan tống đạt lệnh truy nã. Việc giao nhận quyết định truy nã phải trực tiếp, phải có ký nhận để tránh tình trạng cơ quan này nói đã giao, cơ quan kia hay bị can bảo chưa nhận, đồng thời cũng tránh được việc tống đạt không đúng trình tự, dễ dẫn đến sai sót.
Luật sư Trần Công Ly Tao, Đoàn Luật sư TP.HCM
|
Theo Hoàng Yến
Pháp Luật TPHCM