Mặc cho người khá giả rục rịch trang trí nhà cửa, mua sắm tết, chị Tư và những người đồng hương tỉnh Sóc Trăng vẫn miệt mài sau chuyến hành hương về những vùng nông thôn tỉnh Đồng Nai tìm việc làm.
Phơi mình trong nắng để chạt mỳ thuê |
Đèn sáng giữa đêm
Trong ánh trăng lờ mờ, sương rừng lãng đãng, chị Tư (quê tỉnh Sóc Trăng, tên thật là Nguyễn Thị Liễu) đang cùng nhóm bạn đồng hương chạy đua với thời gian khi vào vụ thu hoạch mỳ (sắn).
Chị Tư lơ lớ tiếng Việt bày tỏ, đây là năm thứ ba chị cùng nhóm bạn hơn chục người về xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) làm mỳ thuê cho người địa phương. “Có việc thì tụi tui làm và bất kể nắng, sương, lễ, tết”, chị Tư giải thích lý do vì sao chị còn ngồi ở đây, khi đồng hồ báo 22h.
Lá khô vặn mình ti tách bởi sương đêm, những củ mỳ đen đủi được bào vỏ trắng phau tạo thêm ánh sáng để chống cơn thèm ngủ, chị Phấn (bạn của chị Tư) nhẻm hàm răng trắng toát nở nụ cười duyên trên khuôn mặt trái soan ngăm nắng nói: “Tụi tui có nhiều cái Tết lắm. Như Tết cổ truyền của đồng bào Khơ me, Tết nguyên đán của người Việt… Vì vậy, tụi tui chỉ sợ không có tiền để ăn tết thôi”.
Trong hơi men của năm mới và cái lạnh của sương rừng, anh Năm Tuấn (ấp 3, xã Mã Đà) tiếp tục chở chúng tôi bằng chiếc xe máy cà tàng đi xem cảnh làm mỳ đêm của những nhóm dân quê tỉnh Miền Tây Nam bộ tha hương tìm việc đang trú ẩn trong rừng.
Cách con đường 327 vừa mới mở gần 20 mét, túp lều bạt của gia đình chị Hạnh tối om. Anh Năm Tuấn thấy vậy chạy thẳng xe về nơi có ánh sáng và nói: “Họ đang chặt mỳ ngoài đó. Tui chở các anh ra đó chơi hén. Ở đây, giờ này nơi nào sáng điện là nơi đó có người chặt mỳ thuê đang tranh thủ làm đêm”.
Phơi mình giữa nắng
Dưới cái nắng chói chang, chị Hà (quê Quảng Ngãi) vẫn cố nép mình dưới bóng râm những nhánh mỳ đan chéo (tạo bóng mát). Chị Hà cho biết, công ty nơi chị làm việc vừa giảm nhân sự cuối năm. Do đó, chị bị đẩy ra ngoài và thất nghiệp khi còn hơn tháng nữa mới đến tết. May sao chị sực nhớ mình vẫn còn người bà con quen biết đang ở xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom) nên tìm đến nương nhờ.
Từ đó, chị xin vào nhóm những người chặt mía, mỳ thuê của ông Ba Thái (ấp 2, xã Bàu Hàm) để lấp thời gian thất nghiệp trước và sau Tết. “Nắng thì mặc nắng, miễn sao có việc làm và thu nhập là được”, chị Hà bộc bạch.
Cơn lốc xô ngã các nhánh mỳ của chị Hà và những người khác đang che nắng. Chị Xuân (bạn chị Hà) kêu ré lên: “Chết cha, vậy là trưa nay ăn cơm bụi rồi”. Rồi chị lật đật chạy tới bụi cỏ (nơi cất giấu cơm), tháo khăn che mặt lộ làn da bị phòng rộp vì nắng thỏ thẻ: “Tui là gái có chồng nên chẳng sợ nắng. Chỉ tội cho con Hồng, con Nga làn da con gái cứ thâm đen vì nắng nên khó tìm được chồng thơm để nương nhờ”.
Qua bao mùa nắng nóng theo gia đình về xã Bàu Hàm làm thuê mướn, cô bé Hồng cứ vậy lớn lên theo những mùa mỳ, mùa mía của dân địa phương. Mười sáu tuổi, Hồng như đóa hoa dại rực rỡ giữa ngỗn ngang thân mì, gốc mía sau thu hoạch.
“Ngày phơi nắng, đêm về dấu mình trong lều bạt lạnh buốt ngủ lấy sức. Cuộc sống tụi tui cứ vậy phiêu bạt nay chỗ này, mai chỗ khác. Khoảng tháng 2 kết thúc mùa chặt mỳ, mía thì gia đình tui rút về quê làm mướn tiếp”, anh Thành (cha của bé Hồng) thở dài nói.
Những cuộc tình dại
Mùa xuân, mùa uyên ương xây tổ ấm. Trong sự hoang sơ và cô độc của rẫy vườn… người chặt mỳ, mía, sắt thuốc lá thuê đã tìm được bến đỗ khi tình yêu nẩy nở trong lao động. Tại rẫy mỳ rộng trên 5 hec ta của ông Kiệt (ấp 9, xã Gia Canh, huyện Định Quán) đang thu hoạch dở dang, chúng tôi nhìn thấy Xuyến (khoảng 3 tuổi) đang lon ton theo mẹ.
Chị Phương (mẹ Xuyến) ngấn lệ tâm sự, 5 mùa rẫy trước trong sự cô đơn chị gặp và bén duyên cùng anh T.. Vì lấy chồng không hôn thú, tiệc tùng và không có cha mẹ đôi bên chứng kiến nên khi kết thúc mùa rẫy chị và anh T. chia tay sau một trận cãi nhau về tiền bạc.
“Con bé giống cha như đúc. Tuy vậy, giờ cha nó ở đâu tui cũng không hay biết. Thôi duyên phận mà, được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. Tui không trách ai cả”, chị Phương nhìn đống mỳ chưa gọt cao ngất mà quên hết buồn phiền riêng tư phận gái không chồng .
Cùng chặt mỳ thuê cho ông Kiệt, chị Xoan khá đẫy đà với tuổi 35 đang cô quạnh ở thì “gái một con trông mòn con mắt”. Tỉ tê chuyện đời với chúng tôi, chị Xoan lúng liếng nói: “Ái dà, ba anh chàng sở khanh đó tớ cóc cần. Tớ chỉ cần đứa con để sau này nương tựa mà thôi. Hiểu nhau, thương nhau thật tình thì sống chung, không thì đường ai nấy đi…”. Rồi chị bỏ dở câu nói.
Chị lớn tiếng gọi thằng cu Tèo (con chị) đang mải mê vọc đất, vào chòi lá uống thuốc. Nhìn thằng nhỏ mũi xanh chảy lòng thòng, mặt lấm lem chúng tôi ái ngại hỏi chị Xoan: “Sao chị không gửi cháu cho ngoại nuôi để khỏi vướng tay, bận chân và còn tính chuyện bước thêm bước nữa khi còn trẻ, đẹp”.
Chị Xoan thật thà trả lời, hiện chị đã gửi bé gái lớn cho mẹ ruột nuôi ăn học. Hai đứa trẻ ấy được chị sinh ra sau những mùa rẫy cô đơn tình cảm.
Những túp lều giữa đồng
Sau tết dương lịch, dân tứ xứ đổ về các vùng nông thôn tìm việc ngày một nhiều. Dọc theo các tuyến đường 761, 768, 600… (qua các của huyện: Vĩnh Cửu, Tân Phú), chúng tôi thấy rất nhiều lều tạm mọc theo các lùm rừng. Anh Sáu Tâm (một cán bộ ở xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) cho biết, bắt đầu từ tháng 11 trở đi các vùng nông thôn rất khát lao động chặt mỳ, mía và sắt thuốc lá. “Thường họ về đây làm thuê theo lời mời hoặc giới thiệu của những chủ rẫy, chủ đất. Do làm theo mùa nên họ che tạm lều bạt ngay tại rẫy để sinh hoạt”, anh Sáu Tâm cho hay.
Tiếp chuyện với chúng tôi, anh Út Len (chủ vườn mía ở ấp 5, xã Mã Đà) cho biết thêm, sau khi thu hoạch xong vườn mỳ của gia đình. Anh Út Len còn tranh thủ dạo quanh xã hỏi thăm các chủ đất có bán lại vườn mỳ hay giao khoán thu hoạch để anh thuê nhân công phơi, sắt.
“Nghề của tôi là tổ chức nhân công. Hiện nghề này đang có nhu có xu thế ăn nên, làm ra. Do nhân lực nông thôn đang thiếu vào những dịp thu hoạch mùa vụ. Chúng tôi chỉ tạo công việc làm, còn nơi ăn ở thì người làm thuê tự túc chuyện ăn, ngủ, vui chơi tại rẫy”- anh Út Len cho hay.
Đang loay hoay sửa lại túp lều vừa bị gió giật đổ, anh Hai Mến (người làm công cho anh Út Len) nhìn bầu trời đang kéo mây xám từng chòm dự báo: “Chiều nay trời hầm đây. Tối đến sương dầy và tiết trời như vậy thì mỳ, thuốc mới đẹp và đạt chất lượng khi phơi sắt”. Rồi anh ôm thêm những thân mỳ khô phủ lên tấm bạt và lót thêm mớ lá khô dưới tấm chiếu để đêm về nằm cho ấm.
Đoàn Phú