Vụ án ấy đã không kéo dài đến vậy nếu vị Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cứ y cáo trạng mà xét xử. Tuy vậy, nỗ lực đi tìm chân lý của ông cuối cùng đã cứu vớt tương lai của một chàng trai trẻ vốn lương thiện nhưng trót vương vòng lao lý vì một phút bị rượu và sự bồng bột lấy đi khả năng điều khiển hành vi...
Chén rượu “cướp” niềm vui
Hồ sơ vụ án thể hiện: Khoảng 20h ngày 29/10/2007, Hoàng Văn Long cùng Hoàng Văn Nhật (sinh năm 1986, trú tại xóm Đồng Mây, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đến dự đám cưới của anh Phan Văn Tuân (ở cùng xóm).
Thẩm phán đã có một phán quyết đầy khó khăn nhưng hợp lý, hợp tình. |
Tại đây, Long gặp Mông Văn Nheo (sinh năm 1985, là em rể của Long) và một số thanh niên ngồi cùng mâm. Sau khi ăn nhậu no say, Long và Nhật cùng một số người ngồi lại trong rạp uống nước. Nheo mượn xe máy của Hoàng Văn Cửu đi mua thuốc lá.
23h30 cùng ngày, Nheo quay lại đám cưới rủ Nhật đi đánh nhau nhưng không được. Nheo cầm tay Nhật kéo đi thì bị anh này tát vào mặt. Nheo ngạc nhiên hỏi lại: “Sao cậu lại đánh anh?”. Nhật không nói gì mà đấm tiếp vào mặt làm Nheo chảy máu ở vùng mắt.
Anh Triệu Văn Hướng (ở cùng xóm) chạy ra can ngăn cũng bị Nhật đấm vào mặt, đạp vào lưng ngã ra đất. Quá bức xúc, Nheo chạy lại bụi cây gần đó tìm “phớ” (dao dài) mà mình đã giấu từ trước.
Hoàng Văn Long thấy em họ mình gây rối liền chạy tới can thiệp và cũng bị Nhật đá vào lưng. Vừa lúc đó, Long thấy Nheo cầm dao đi đến liền giật dao, chém vào gáy Nhật. Nhật bỏ chạy nhưng vẫn bị Long đuổi theo chém thêm bốn nhát nữa, ngã gục. Trong các vết chém đó, chỉ có nhát chém đầu tiên là sâu hơn cả và gây mất nhiều máu, còn các nhát chém sau đó đều vào vùng không gây nguy hiểm.
Nạn nhân được đưa đi cấp cứu kịp thời nên may mắn thoát chết. Sau khi giám định thương tật toàn bộ, Hoàng Văn Nhật tổn hại 10% sức khỏe vĩnh viễn.
“Giết người” hay “Cố ý gây thương tích”?
Tháng 3/2008, Hoàng Văn Long bị Công an huyện Đồng Hỷ khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích”. Tuy nhiên, sau đó VKSND tỉnh Thái Nguyên lại truy tố Long về tội “Giết người” (Cáo trạng số 82/KSĐT ngày 21/11/2008).
Cáo trạng này ghi rõ: “Hành vi của Hoàng Văn Long sử dụng dao chém Hoàng Văn Nhật cho đến khi gục ngã, nếu không được cấp cứu kịp thời thì rất nguy hiểm đến tính mạng. Hành vi đó không những xâm phạm đến tính mạng của người khác mà còn xâm phạm đến trật tự công cộng...”.
Ngày 4/3/2009, TAND tỉnh Thái Nguyên mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án nêu trên. Cho rằng cáo trạng có những chứng cứ quan trọng của vụ án mà không thể bổ sung được, tại phiên tòa có căn cứ cho rằng bị cáo phạm tội: “Cố ý gây thương tích” chứ không phải phạm tội “Giết người” nên Hội đồng xét xử đã trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Đến ngày 13/5/2009, VKSND tỉnh ra cáo trạng mới nhưng vẫn giữ nguyên quan điểm ban đầu. Tại phiên tòa ngày 12/6/2009 do Thẩm phán Nguyễn An Chung làm chủ tọa, quan điểm của TAND tỉnh lại khác với VKS và quay trở lại với quyết định truy tố bị can ban đầu của Công an huyện Đồng Hỷ là tội “Cố ý gây thương tích”.
Giải thích về điều này, Hội đồng xét xử hôm đó cho rằng: Hành vi của bị cáo Long dùng dao chém anh Nhật bắt nguồn từ sự việc Nhật đánh anh Nheo và đánh tất cả những người vào can ngăn. Trong khi Long và Nhật đã uống rượu từ trước đó nên không làm chủ được hành động của bản thân. Long giật dao từ trong tay Nheo chém nhiều nhát vào Nhật nhưng hai người là con chú, con bác, không hề có mâu thuẫn từ trước.
Bởi vậy, về ý thức, Long không có mục đích tước đoạt mạng sống của Nhật. Tại phiên tòa, Long khai nhận: Long chém Nhật để Nhật chừa thói hung hăng, lần sau không đánh người như vậy nữa. Đồng thời, hành động của Long do uống rượu nên không làm chủ được.
Từ đó, TAND tỉnh Thái Nguyên giữ quan điểm của mình rằng cáo trạng truy tố Hoàng Văn Long về tội “Giết người” là chưa chính xác.
Cũng tại phiên tòa, bị hại Hoàng Văn Nhật đã có đơn xin miễn hình phạt cho bị cáo Long nên bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2, Điều 46 Bộ luật Hình sự . Ngoài ra, Nhật còn được hưởng tình tiết giảm nhẹ khác tại và Điểm đ, Điều 46 Bộ luật Hình sự (do bị kích động về tinh thần).
Sau khi cân nhắc toàn diện nội dung vụ án, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Hoàng Văn Long 18 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”, buộc bị cáo bồi thường cho bị hại 11 triệu đồng.
Ngày 26/6/2009, Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục có kháng nghị bản án trên của TAND tỉnh Thái Nguyên và kiên quyết truy tố Hoàng Văn Long về tội “Giết người”.
Bản án sơ thẩm là đúng đắn!
Đến đây, TAND tối cao đã phải vào cuộc phân xử. Tại bản án ngày 21/8/2009, Thẩm phán Nguyễn Đắc Uyên giữ quyền chủ tọa phiên tòa cho rằng: “Hành vi phạm tội của bị cáo Long có thể gây ra chết người chứ không phải tất yếu sẽ gây ra hậu quả chết người và thực tế anh Nhật không chết.
Xem xét toàn diện các mối quan hệ, hung khí cũng như sự tấn công thì chưa có căn cứ kết luận bị cáo Long có mục đích chém chết anh Nhật và mong muốn hậu quả xảy ra. Đây là trường hợp cố ý gián tiếp nên hậu quả đến đâu, xét xử đến đó. Do vậy, bản án sơ thẩm kết án bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” là đúng đắn, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm”.
Đây là vụ án thứ hai mà Thẩm phán Nguyễn An Chung (TAND tỉnh Thái Nguyên) trằn trọc và suy nghĩ (trước đó là vụ án buôn bán xi-lanh của bị cáo Mai Anh mà PLVN đã phản ánh). Ông cho rằng, chỉ cần khép bị cáo Long trong vụ án này vào tội “Giết người” thì khung hình phạt chắc chắn sẽ cao hơn rất nhiều. Điều đó đồng nghĩa với tuổi thanh xuân, quãng đời phải cách ly xã hội của bị cáo trải qua dài hơn.
“Xét xử đúng người, đúng tội là trách nhiệm nhưng cũng là lương tâm của người làm công tác Thẩm phán như chúng tôi. Quả thực, đây tuy tưởng là vụ án có thể dễ dàng đưa ra xét xử nhưng chỉ căn cứ vào cáo trạng thì có lẽ tôi sẽ day dứt về phán quyết của mình rất nhiều", ông Chung nói.
P.V.