Ông Đinh Đức Hiền |
“Tôi hoàn toàn không biết gì về cây lan, trước đây tôi vốn là cán bộ Nhà nước; sau cuộc sống khó khăn nên mới quyết định mày mò tìm lối làm ăn. Năm 1999, khi mua 700 chậu địa lan đầu tiên, tôi mới bắt đầu tìm tòi những kiến thức trồng lan cơ bản nhất” - ông Đinh Đức Hiền bộc bạch. Từ 700 chậu lan ban đầu, nay ông Hiền đã có 7 ngàn m2 đất chuyên canh địa lan, trong đó có 5 ngàn m2 nhà kính. Mỗi năm, ông thu hoạch và bán ra thị trường trung bình 20 ngàn cành lan các loại, thu nhập xấp xỉ 1 tỷ đồng. Để có được thành quả ấy, ông Hiền đã phải trải qua nhiều vất vả trên con đường chinh phục loài hoa khó tính được mệnh danh “hoàng hậu của các loại hoa”. Trước đây ông Hiền trồng lan ở ngoài trời, cây địa lan ưa sương gió, ưa hơi lạnh phát triển rất tốt, cho hoa đều và đẹp nhưng gặp mưa, cây thối củ và chết. Trồng 1 ngàn chậu có khi chết tới 40-50%, gây thiệt hại rất nhiều. Bởi vậy, ông quyết tâm làm nhà kính, đưa lan vào sống trong môi trường nhân tạo và tỷ lệ chết giảm rõ rệt. Ông Hiền nhận xét: “Lan trồng trong nhà kính tỷ lệ trổ hoa kém hơn trồng ngoài trời, khi nở cũng không đồng đều. Nhưng bù lại cây ít bệnh, ít chết, đỡ công chăm sóc nên tôi thấy trồng trong nhà kính mang lại lợi ích nhiều hơn và sắp tới tôi sẽ đưa hết diện tích trồng lan vào nhà kính”. Ông Hiền chọn rất nhiều loại lan để trồng, có giống lan khá cũ như tím hột, vàng 3 râu, xanh chiểu hay xanh thơm; và ông cũng đầu tư khá nhiều vào việc cung ứng các giống lan mới ngoại nhập cho thị trường như vầng trăng, ánh trăng của Nhật, xanh giọt nước, xanh 207, cam lửa của Úc - là những giống lan mới rất sai bông, màu sắc đẹp, bền, được thị trường ưa chuộng và có giá cao, nhưng khó khăn ở chỗ là thường không nở hoa vào dịp Tết Nguyên đán, dịp quan trọng nhất của thị trường địa lan. Học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nguồn cộng với kinh nghiệm bản thân, ông Hiền cho biết sau 2-3 năm có chế độ chăm sóc đặc biệt, ông cũng mới chỉ hãm nỡ vào dịp Tết được khoảng 20-30% số chậu lan giống mới.
Không chỉ chọn giống lan mới, ông Hiền cũng tiên phong chọn giá thể mới để trồng lan thay thế cho “dớn” cổ truyền. Giá thể của ông dùng là trấu được đốt trong môi trường yếm khí, tạo ra một loại than trấu còn nguyên hình dạng nhưng đã được đốt thành than khô và tốt cho cây lan phát triển. Ông tự tạo cho mình một lò đốt trấu đặc biệt, mỗi lần đốt 50 bao trấu để sử dụng cho địa lan. Ông khẳng định: “Hiện giờ, một chậu lan có giá thể từ dớn tự nhiên lên tới 10 ngàn đồng, trong khi một chậu lan của tôi giá thể từ trấu chỉ khoảng 3 ngàn đồng. Chi phí giảm khá nhiều và không phụ thuộc vào nguồn dớn tự nhiên, đỡ cảnh phá cây rừng lấy dớn mà chất lượng giá thể vẫn đảm bảo cho cây phát triển tốt”. Ông Hiền cũng băn khoăn: “Giá địa lan có thể nói là còn khá thấp so với chi phí đầu tư bởi địa lan trồng 3 năm mới cho thu hoạch. Đà Lạt tuy rất phù hợp với địa lan nhưng chất lượng hoa vẫn chưa cao, chưa tìm được đường xuất khẩu nên người trồng lan chúng tôi vẫn mong Nhà nước có hướng giúp đỡ sao cho nâng cao năng suất, chất lượng để lan Đà Lạt có thể tìm được đường ra thị trường thế giới”. Thu nhập thuộc hàng tỷ phú từ lan, ông Hiền vẫn mơ ước một ngày cây lan Đà Lạt có thể vượt ra khỏi thị trường nội địa, sánh vai với các cường quốc lan khác cho xứng với tiềm năng một vùng đất.
Diệp Quỳnh