Từ ngàn xưa đến nay, việc dựng vợ gả chồng luôn được coi là một trong những việc quan trọng nhất của đời người. Cổ nhân quan niệm rằng vợ chồng có hạnh phúc với nhau đến "đầu bạc răng long" hay không, có sinh sôi "con đàn cháu đống" hay không, một phần chính là nhờ vào phong tục cưới hỏi được thực hiện đúng cách.
Tuy nhiên, theo quan niệm hiện đại, nếu việc dựng vợ gả chồng quá nhiều lễ lạt, tiệc mừng thì hai bên gia đình nhà trai – nhà gái cũng sẽ phải chi một khoản tiền không nhỏ, tốn không ít thời gian và không ít cặp vợ chồng lâm vào cảnh “kéo cày trả nợ” sau khi kết hôn.
Pháp luật & Thời đại xin điểm lại một số tục lệ cưới hỏi của người xưa để so sánh với ngày nay, qua đó tìm hiểu những điều thú vị trong phong tục cưới hỏi.
Mệt đứt hơi với sáu lần “trình diện”
Ngày xưa việc dựng vợ gả chồng cho con cái là việc của ông bà, cha mẹ. Có câu rằng "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", phận làm con bắt buộc phải vâng lời. Những đám cưới diễn ra thường ít có sự tự nguyện của đôi trai gái, thậm chí họ còn chưa hề gặp gỡ, không hề biết mặt mũi cũng như tính cách của nhau.
Đa phần sự định đoạt duyên phận của đôi trẻ phụ thuộc vào mối quan hệ thân tình của hai bên ông bà, cha mẹ, và thường được tiến hành từ rất sớm. Dân gian có câu "nữ thập tam, nam thập lục" nghĩa là gái mười ba tuổi, trai mười sáu tuổi, là đã có thể dựng vợ gả chồng.
Theo quan niệm người xưa, việc cưới hỏi phải tuân theo 6 trình tự gọi là "Lục lễ":
1. Lễ Nạp thái: Là lễ mà nhà trai nhờ người mai mối đến nhà gái ướm hỏi rằng muốn kén chọn con gái nhà ấy làm dâụ cho con trai nhà mình.
2. Lễ Vấn danh: Vấn danh nghĩa là hỏi tên. Lễ theo đúng nghĩa của từ này khi nhà trai ướm hỏi rõ tên, tuổi của cô gái, ngoài việc biết rõ thân thế, giáo dục của cô gái thì cũng để nhà trai biết tuổi và ngày sinh để xem xung hay hợp với con trai nhà mình.
3. Lễ Nạp cát: Lễ của nhà trai báo cho nhà gái đã xem tuổi xung hợp, mọi chuyện tốt đẹp và muốn tiến hành hôn lễ.
4. Lễ Nạp tệ: Nhà trai đem sính lễ tới nhà gái để làm lễ ở từ đường của nhà gái và cũng là lễ ra mắt của chàng rể tương lai.
5. Lễ Thỉnh kỳ: Lễ của nhà trai xin nhà gái ấn định ngày rước dâu dựa theo việc xem ngày tháng tốt lành để người con gái xuất giá.
6. Lễ Thân nghinh: Chính là lễ cưới, rước dâu về nhà trai.
Thực hiện đủ "lục lễ" này, từ khi "nạp thái" cho đến "thân nghinh" có khi phải kéo dài vài ba tháng trời. Mà cổ nhân vẫn có câu "Cưới vợ phải cưới liền tay", vì thế trên thực tế người Việt thường thu gọn vào làm 3 lễ: Lễ nạp thái, lễ vấn danh và lễ thân nghinh. Theo những ghi chép của cổ nhân, quy trình được thực hiện như sau:
Lễ chạm ngõ (nạp thái)
Sau khi đôi bên nhà trai nhà gái đã thỏa thuận việc cưới gả, bà mối sẽ hẹn ngày với bên nhà gái để đưa người chủ hôn (cha mẹ) bên nhà trai và chú rể, đem lễ vật trầu cau đến nhà gái xin đính ước. Lễ này gọi là lễ chạm ngõ (có nhiều nơi còn gọi là dạm ngõ).
Theo lệ xưa, lễ chạm ngõ có đưa một tờ hoa tiên, ghi tên tuổi và ngày sinh tháng đẻ của người con trai để nhà gái xem xét và chấp nhận cho việc đính hôn ấy. Theo phong tục cổ nhân, sau lễ chạm ngõ cả hai bên trai gái đều phải làm lễ trước từ đường để trình với tổ tiên về việc tạm đính ước này.
Lễ chạm ngõ thực chất mới chỉ là một chuyện đính ước lúc ban đầu, để nhà trai có cớ thường xuyên đi lại với bên nhà gái, tỏ tình thân mật cho sự thông gia và bàn tính đến lễ ăn hỏi sau này. Nếu vì một lý do nào đó khiến đôi bên không muốn cưới gả nữa, cũng không có vấn đề trách nhiệm nếu chưa chính thức làm lễ ăn hỏi.
Lễ ăn hỏi (vấn danh)
Lễ này là một lễ rất quan trọng, được tổ chức trọng thể bởi có tính chất là việc hợp thức hóa chuyện nhân duyên của đôi trai gái trước khi làm lễ cưới. Người mối mai đưa những người quan trọng của nhà trai, chú rể và một số họ hàng thân thuộc đem lễ vật như: Cau, trầu, chè mứt hay bánh đến nhà gái để nhà gái làm lễ bẩm báo với gia tiên. Sau đó, nhà gái đem các phẩm vật này ra chia phần cho các bạn hữu và họ hàng thân thuộc để rõ là mình đã quyết định gả con gái rồi, không thay đổi gì nữa.
Lễ cưới (thân nghinh)
Theo phong tục của cổ nhân, ngày rước dâu về nhà chồng, nhà trai thường hay đi đón dâu vào ban đêm và bắt buộc phải chọn được giờ Hoàng đạo (giờ tốt). Vào ngày đó, nhà trai nhờ một cụ già khỏe mạnh, tráng kiện, điều kiện là phải còn đủ vợ chồng song toàn, nhiều con cháu, thay mặt nhà trai đi đón dâu.
Cụ già tay cầm nhang, theo sau là người dẫn lễ với đầy đủ lễ vật và kế đến là chú rể cùng với số người tùy tùng khác. Vào nhà cô dâu, chú rể phải làm lễ gia tiên rồi mới được rước vợ về. Theo phong tục, khi ra khỏi nhà, cô dâu phải bước qua một bếp lò đang cháy, mục đích là để bỏ lại những vận đen đủi, đem may mắn đến gia đình nhà chồng.
Thường lễ cưới đến đây là kết thúc nhưng theo phong tục một số nơi, cô dâu chú rể còn làm lễ tơ hồng. Đây là lễ tạ ơn ông tơ, bà nguyệt đã se duyên phận họ lại với nhau, khiến cho họ nên vợ nên chồng và ăn đời ở kiếp bên nhau.
Sau tiệc cưới là hợp cẩn. Lễ này dành riêng cho đôi tân hôn. Họ sẽ uống chung một ly rượu, sau đó người vợ đi trải chiếu rồi lạy chồng ba lạy, người chồng cũng xá lại vợ mình ba xá.
Thời phong kiến, tục này để khẳng định rằng người chồng luôn là người có quyền quyết định cuộc sống sau này, người vợ hiền thảo sẽ luôn tuân theo sự sắp đặt của chồng. Tuy thế, người chồng cũng phải tôn trọng vợ, hai người luôn kính nhau như khách. Sau hôn lễ hai hoặc bốn ngày vợ chồng dắt nhau về gia đình nhà vợ để làm lễ lại mặt, còn gọi là nhị hỷ hay tứ hỷ.
Phong tục cưới hỏi ngày nay
Cùng với sự phát triển mọi mặt của đời sống, ngày nay việc tổ chức hôn lễ đã khác thời xưa rất nhiều. Có nhiều quan điểm cho rằng ngày nay "con đặt đâu cha mẹ ngồi đấy" mới là chính xác. Thanh niên nam nữ tự do tìm hiểu, yêu đương, khi đã cảm thấy thực sự gắn kết, sẽ dẫn nhau về trình diện với cha mẹ hai bên, xin được tổ chức lễ cưới.
Nhưng cho dù cuộc sống có hiện đại đến đâu, việc cưới hỏi có giản tiện đến đâu, thì vẫn phải giữ được 3 lễ cơ bản trong phong tục của người xưa. Đó là sự tiếp nối một truyền thống tốt đẹp của cha ông, trở thành một nét văn hóa rất riêng biệt của người Việt.
Lễ chạm ngõ: Đám cưới ngày nay vẫn phải có lễ chạm ngõ. Việc giản tiện so với phong tục ngày xưa là không nhất thiết phải làm lễ này trước nhiều ngày so với lễ cưới, có thể chỉ trước lễ hỏi vài ngày là được. Đây là nghi lễ đơn giản nhất trong 3 lễ, mang ý nghĩa là buổi gặp gỡ chính thức của hai gia đình. Nhà trai chuẩn bị trầu cau, hoa quả, bánh kẹo và báo trước cho nhà gái để chọn thời điểm thích hợp đưa lễ vật đến nhà gái để thắp hương, chính thức đặt vấn đề cho đôi uyên ương được tìm hiểu nhau trước khi đi đến quyết định hôn nhân.
Điều đặc biệt cần ghi nhớ trong lễ dạm ngõ là các lễ vật đều phải là số chẵn. Với thực tế là đa số nam thanh nữ tú ngày nay đều đã quen biết và yêu thương nhau trước khi diễn ra lễ dạm ngõ nên lễ này chỉ mang yếu tố tinh thần là chủ yếu. Trong lễ dạm ngõ, gia đình nhà trai cũng như nhà gái sẽ trực tiếp, thẳng thắn bàn bạc về những dự định trong lễ ăn hỏi và lễ cưới sẽ diễn ra sau đó.
Lễ ăn hỏi: Sau khi đã hoàn thành việc lễ chạm ngõ, hai nhà sẽ tiếp tục tiến đến nghi lễ quan trọng thứ hai, đó là lễ ăn hỏi. Nghi lễ này được coi như lễ đính hôn trong phong tục truyền thống của người Việt. Đây là sự thông báo chính thức về việc hứa gả con cái giữa hai họ.
Đối với miền Bắc, lễ vật nhà trai cần chuẩn bị số lễ là lẻ, bao gồm 5, 7, 9 hay 11 lễ. Còn ở miền Namthì ngược lại, nhà trai phải chuẩn bị số lễ chẵn. Ở cả hai miền, nhà gái đều là người quyết định số lượng lễ cũng như các vật phẩm trong lễ vật. Thông thường, lễ ăn hỏi sẽ gồm trầu cau, rượu, thuốc lá, chè, mứt sen, bánh cốm, bánh susê, hoa quả, xôi, lợn.
Sau khi sắm sửa các đồ lễ theo yêu cầu của nhà gái, nhiều gia đình nhà trai sẽ tự tay đóng gói lễ vật ăn hỏi. Việc tự tay chuẩn bị đồ lễ tuy mất công nhưng nhà trai có thể yên tâm về số lượng cũng như chất lượng của từng vật phẩm. Điều đặc biệt cần lưu ý trong lễ ăn hỏi là nhà trai phải chuẩn bị 3 phong bì đựng tiền (gọi là lễ lót tay), một phong bì dành cho nhà nội cô dâu, một phong bì dành cho nhà ngoại cô dâu và phong bì còn lại để thắp hương trên bàn thờ nhà cô dâu.
Số tiền trong phong bì nhiều hay ít là tùy thuộc vào nhà gái. Tất nhiên, ở thời hiện đại, số tiền này thường cũng được nhà gái yêu cầu với tính chất tượng trưng mà thôi.
Vào ngày đẹp đã được chọn sẵn, nhà trai gồm các người lớn tuổi trong dòng họ, bố mẹ chú rể và chú rể sẽ mang các tráp lễ vật đến nhà gái, các tráp này sẽ được bưng bê bởi những thanh niên chưa vợ, đồng thời nhà gái cũng phải có một số lượng tương đương các thiếu nữ chưa chồng để đỡ tráp. Khi trao tráp xong, nhà trai sẽ lì xì cho đội đỡ tráp nữ và ngược lại, nhà gái sẽ lì xì cho đội bưng tráp nam, số tiền lì xì tùy thuộc vào hai nhà và thường là được thống nhất từ trước. Trong lễ ăn hỏi, cô dâu thường diện áo dài truyền thống, còn chú rể mặc vest.
Thủ tục ăn hỏi thường tiến hành khi các vị quan khách hai bên đã an tọa, đại diện nhà trai sẽ phát biểu trước, giới thiệu các thành phần tham gia đám hỏi và lý do ăn hỏi để làm thủ tục kết đôi cho cặp uyên ương. Để đáp lễ, đại diện nhà gái sẽ phát biểu tương tự, đồng thời thay mặt gia đình chấp thuận đề nghị của nhà trai và nhận lễ vật. Sau đó, hai bố mẹ của hai nhà sẽ thắp hương báo cáo gia tiên nhà gái. Thủ tục cuối cùng là cô dâu và chú rể ra mắt hai họ, rót nước, mời trầu, mời bánh kẹo đến các vị quan khách.
Lễ cưới: Và để đưa một chuyện tình yêu đến giai đoạn thăng hoa nhất, những cặp đôi yêu nhau sẽ tổ chức lễ cưới, đón cô dâu mới về nhà chồng theo phong tục truyền thống. Vào một ngày giờ đẹp đã được thống nhất với cả hai nhà trai gái, chú rể sẽ cùng bố mẹ và đoàn nhà trai tới nhà gái trong trang phục nghiêm chỉnh, mang theo xe hoa, hoa cưới để đón cô dâu về nhà chồng. Cô dâu sẽ diện váy cưới và chú rể diện vest lịch lãm.
Đại diện nhà trai sẽ xin phép gia đình cô dâu được thắp hương trên bàn thờ nhà gái để báo cáo và làm thủ tục đón dâu. Khi đó, bố cô dâu sẽ đưa con gái về nhà chồng, mẹ cô dâu phải ở lại nhà gái theo phong tục cổ truyền. Khi về tới nhà chú rể, đôi uyên ương sẽ thắp hương tại nhà trai, sau đó nghi lễ thành hôn được diễn ra, tùy theo gia đình hai nhà mà tổ chức tiệc ngọt hay tiệc mặn ở khách sạn.
Đặc biệt ở một số vùng miền, bố mẹ chồng không đi đón dâu mà để các bậc cha chú trong họ làm người đại diện. Một số vùng khác còn có phong tục cưới hai lần, tùy theo tuổi cô dâu mà xin dâu luôn trong đám ăn hỏi rồi đón cô dâu về nhà ngay trong hôm ăn hỏi. Sáng sớm ngày hôm sau, cô dâu sẽ tự mở cửa để về lại nhà mình, như thế được coi là đã một lần xuất giá lấy chồng. Tiếp đến, lễ cưới và đón dâu lần hai sẽ diễn ra như bình thường.
Vì sao người xưa phải cần "bà mối"?
Trong xã hội phong kiến, Nho học quan niệm "Nam nữ thụ thụ bất thân", nghĩa là người nam và người nữ cho dù cho hay nhận vật gì cũng không được đụng chạm vào nhau. Cộng với phong tục "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" nên việc hôn nhân đều phải cần tới người mối lái. Đó là những người biết ăn nói, quen việc làng nước để có thể trình bày rõ ràng những quan điểm của họ nhà trai đối với nhà gái.
Trong xã hội cũ, có những người chuyên làm nghề "mối lái hôn nhân", nếu cặp vợ chồng do mối lái xứng đôi vừa lứa, hạnh phúc tròn đầy thì bà mối sẽ trở thành ân nhân suốt đời. Sau khi làm lễ tơ hồng, hai họ sẽ tạ bà mối một nửa mâm xôi, nửa con gà kèm theo một chiếc áo lụa. Khi đứa con đầu lòng của cặp vợ chồng mới cưới được đầy tháng, thế nào cũng phải có mặt bà mối đến dự, như là cách để tỏ lòng tri ân.
Thời hiện đại, vẫn không hiếm những "bà mối", tất nhiên là vai trò không rõ ràng như ngày xưa. Trong cuộc sống bận bịu, chạy đua với thời gian, nhiều bạn trẻ quá ham công tiếc việc, đến nỗi không kịp có phút riêng tư cho mình. Đến khi lớn tuổi, mới giật mình nhận ra vẫn "phòng không chiếc bóng". Lúc này "bà mối" có thể bạn bè xung quanh, thậm chí cả những người thân lớn tuổi, họ sẽ làm cầu nối để những người cô đơn gặp nhau, tìm hiểu nhau để nếu có thể thì tiến tới hôn nhân.
Còn có một "bà mối" khác nằm ở các phương tiện thông tin đại chúng. Những trang báo, những địa chỉ mạng làm nhiệm vụ liên lạc giữa những người thực sự muốn xây dựng gia đình, là bước đệm ban đầu để họ gặp nhau. Không ít các cặp vợ chồng thời hiện đại đã nên duyên từ những "bà mối" như thế.
Ngô Phú