Hồi đoàn khảo cổ về khai quật khu lò gốm Đương Xá, trọ tại nhà anh Minh, nhà ông nông dân xóm Soi Núi, tỉnh Bắc Ninh thoắt trở thành một “trung tâm” của khảo cổ học. Cái gạt tàn thuốc lá là một bình gốm cổ, có niên đại từ thế kỷ 17.
Anh Minh phà một hơi thuốc lào, khoan khoái nói trong làn khói mù mịt: “Nishi khen vợ tôi lắm, hắn bảo bà Vân rất khéo”. Tôi lật cuốn album, trong ảnh Nishi đang ngửa mặt, miệng cười hết cỡ, hò hét cụng ly với dân xóm Soi Núi, chỉ khác người Soi Núi ở cặp kính cận gọng nhựa.
Nishi bên những người chị em nông dân bãi sông Hồng |
“Nishi” của xóm Soi Núi tên đầy đủ là Nishimura Masanari, một nhà khảo cổ học trẻ tuổi người Nhật Bản (sinh năm 1965). Bạn bè Việt Nam gọi anh bằng cái tên thân mật là Lý Văn Sĩ.
Chàng trai Nhật đã bén duyên với khảo cổ học Việt Nam từ đầu những năm 90. Tháng 11/1998, chính anh đã “tình cờ” phát hiện ra một mảnh khuôn đúc trống đồng Việt Nam trong một lần dẫn các giáo sư Nhật thăm thành cổ Luy Lâu.
Phát hiện của Nishimura Masanari là phát hiện đầu tiên về khuôn đúc trống đồng. Đó là mảnh khuôn duy nhất từ trước tới nay tìm thấy được ở Việt Nam – một tư liệu được đánh giá hết sức quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử trống đồng Việt Nam.
Rồi Nishimura cùng các nhà khảo cổ học Việt Nam lần theo dấu những người sưu tầm đồ cổ lại phát hiện, điều tra và khai quật khảo cổ học khu lò gốm cổ Đương Xá (Yên Phong, Bắc Ninh).
Kết quả cuộc khai quật đã tìm được dấu vết của 9 lò nung và hàng ngàn di vật gốm có niên đại cách ngày nay hơn 1.000 năm, khoảng thế kỷ 9-10. Đây cũng là một phát hiện đầu tiên, vô cùng quý giá vì từ lâu diện mạo gốm thời kỳ này luôn là điều bí mật, chưa có những khám phá.
Tôi gặp “Nishi” khoảng 15 năm trước và đã kể câu chuyện về chàng trai Nhật có duyên với khảo cổ học Việt Nam trên báo Tiền phong. Còn nhớ lần đầu gặp, Nishi mặc một chiếc quần bò đen bạc phếch, áo bò đuôi tôm màu đỏ nhằng nhịt họa tiết những chú bướm. Anh nói tiếng Việt rất sõi, thông thạo tiếng Anh.
Anh nói: “Để hiểu nhau, vấn đề không phải quyết định ở tiếng nói, mà vấn đề là có ý thức để tìm hiểu nhau hay không”.
Khi đó “Nishi” và Noriko thuê nhà ở lầu bốn số 5 Lò Đúc, 3 triệu đồng một tháng. Căn phòng làm việc của hai người tràn ngập sách, 2 bàn làm việc kê liền nhau đặt 2 máy vi tính xách tay.
Rỗi, anh chị tự thổi cơm. Nishimura đi chợ cũng mặc cả tỉ mẩn. Ít người nhận ra anh là người ngoại quốc.
Khi VTV phát tin về lò gốm Đương Xá, “Nishi” than thở: “Tôi có lên hình, thế là nhiều người họ biết mình người nước ngoài. Họ bán đắt! Họ không hiểu đâu, họ tưởng nhà khảo cổ và người buôn đồ cổ là một. Nhà khảo cổ bảo vệ di dản, còn người buôn đồ cổ phá hoại di sản”.
Nishi "khoái" cuốc lủi của Việt Nam nhưng không uống được nhiều. Anh phân tích, cuốc lủi là rượu chưng cất nên rất nặng. Rượu Xa-kê của Nhật Bản là rượu để lên men, uống dịu hơn.
Một năm, Nishimura và Noriko dành 6 tháng lang thang khắp đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long - “Cuộc sống đường sá đã quen rồi”.
Thế mà sau 20 năm gắn bó và yêu thiết tha Việt Nam, ngày 9/6, anh thiệt mạng vì tai nạn giao thông khi đi xe máy để khảo sát cuộc khai quật mới... Vĩnh biệt anh!.
Đức Sơn