CHDCND Triều Tiên ngày 10-7 đã bày tỏ sự sẵn sàng quay trở lại các cuộc đàm phán giải giáp hạt nhân. Đây là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng hài lòng với quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) tránh chỉ trích trực tiếp quốc gia phía Bắc trên bán đảo Triều Tiên này xung quanh vụ chìm tàu chiến Cheonan hồi tháng 3-2010.
Trục vớt tàu Cheonan hồi tháng 4-2010. (Ảnh: AFP) |
Hàn Quốc đã đáp lại bằng một tuyên bố thận trọng, rằng Seoul muốn có bằng chứng xác thực về sự chuyển hướng của CHDCND Triều Tiên, chứ không phải bằng lời nói. Hàn Quốc cũng sẽ phối hợp với các nước khác để thúc đẩy việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời giám sát chặt chẽ động thái của Bình Nhưỡng sau “thông điệp rõ ràng” của HĐBA.
Một lần nữa, bán đảo Triều Tiên lại có những động thái thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Gạt bỏ sự cứng rắn, không nhân nhượng vốn dây dưa làm cho đàm phán bế tắc từ tháng 12-2008 đến nay, mỗi bên đang thể hiện sự lùi bước của mình. HĐBA LHQ ngày 9-7 ra tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn ngừa các vụ tấn công hoặc khiêu khích tương tự như vụ Cheonan nhằm vào Hàn Quốc và hoan nghênh Seoul vì đã kiềm chế phản ứng trong những tháng qua.
Báo New York Times gọi tuyên bố này là ngôn ngữ yếu ớt của HĐBA bởi không hề chỉ trích CHDCND Triều Tiên - quốc gia mà Hàn Quốc cho là thủ phạm làm đắm tàu chiến Cheonan. Ngay sau đó, tuy phàn nàn rằng HĐBA đã không đưa ra được một phán quyết hay kết luận chính xác về vụ việc nhưng đại sứ CHDCND Triều Tiên tại LHQ Sin Son-ho đã gọi đây là một thắng lợi ngoại giao vĩ đại của Bình Nhưỡng. Một lần nữa ông Sin Son-ho nhấn mạnh Bình Nhưỡng không có liên quan gì đến vụ tàu Cheonan.
Tuy nhiên, tuyên bố của HĐBA lại được các nhà phân tích nhận định là hướng đi đúng nhằm xoa dịu Bình Nhưỡng, tạm mở được cánh cửa hẹp dẫn đến khả năng đàm phán 6 bên, với sự tham gia của Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Trên bán đảo Triều Tiên, hết vụ thử tên lửa thì đến vụ đắm tàu chiến Cheonan, khiến khu vực Đông Á càng nóng lên. Thực tế, CHDCND Triều Tiên cũng muốn thoát khỏi những vụ lình xình và không khí căng thẳng này để tập trung vào các ưu tiên trong nước, như cải thiện kinh tế, hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực.
Trung Quốc, Nhật Bản hoan nghênh động thái mới nhất của HĐBA. Phía Trung Quốc cho rằng, tuyên bố của HĐBA là cơ hội để “mở sang trang khác và khép lại” vụ việc gây tranh cãi này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương kêu gọi sớm nối lại các vòng đàm phán 6 bên về giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời hối thúc tất cả các bên liên quan tiếp tục kiềm chế. Mỹ và Hàn Quốc trước đó mong muốn HĐBA phải có tiếng nói mạnh mẽ để trừng phạt Bình Nhưỡng thì nay cũng hạ giọng, ủng hộ phán quyết mới nhất của cơ quan quyền lực này.
Sự chuyển hướng trên là một tín hiệu giúp xua tan phần nào những quan ngại. Tuy nhiên, vẫn chưa thể khẳng định được đàm phán 6 bên sẽ sớm khôi phục. Trước mắt, Mỹ và Hàn sẽ tiến hành tập trận chung nhằm ngăn chặn mọi sự khiêu khích từ phía CHDCND Triều Tiên. Cuộc đàm phán quân sự giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên cũng có thể diễn ra vào ngày mai (13-7) tại làng đình chiến Panmunjom theo đề xuất của Bình Nhưỡng, làm bước đệm cho đàm phán 6 bên.
VĨNH AN