Bệnh “truyền thống”
Bác sĩ (BS) có thể nói vắn tắt về mức độ nguy hiểm của bệnh sởi?
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch, lây qua đường hô hấp do vi rút Sởi gây nên. Vi rút Sởi thuộc giống morbillivirus, họ Paramyxoviridae. Bệnh lây lan qua đường hô hấp; lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện, tiếp xúc với nước bọt người bệnh...
Bệnh sởi thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa tiêm đủ liều. Bệnh hay xảy ra vào mùa đông xuân, khi thời tiết ẩm kéo dài.
Do sởi lây qua đường hô hấp nên rất dễ bùng thành dịch. Khi bị bệnh nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây ra các biến chứng như: viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc mắt, tiêu chảy…có thể dẫn đến tử vong.
BS cho biết những triệu chứng đặc trưng của sởi?
Các triệu chứng của bệnh sởi hiện nay không thay đổi nhiều so với trước đây. Phác đồ điều trị bệnh của Việt Nam hiện nay phù hợp với các hướng dẫn điều trị của các nước trên thế giới.
Triệu chứng thường gặp nhất của sởi gồm: Sốt, viêm long đường hô hấp gây ho nhiều, viêm kết mạc mắt khiến mắt kèm nhèm, nổi ban trên da. Trong những ngày đầu, đôi khi bệnh nhân chỉ sốt và ho, chưa có phát ban ngoài da nên rất dễ nhầm với các bệnh lý của đường hô hấp do các nguyên nhân khác.
Khi người bệnh thấy những dấu hiệu trên cần đưa ngay tới các cơ sở y tế để khám, tiến hành xét nghiệm để biết có bị sởi hay không? Nếu sởi không kèm theo các biến chứng thì sau 4-7 ngày sẽ giảm sốt, bay ban dần, triệu chứng ho có thể kéo dài 1 đến 2 tuần sau đó.
- Sốt phát ban cũng có triệu chứng nổi ban trên da, vậy ban của bệnh sởi có đặc trưng gì, thưa BS?
- Giai đoạn khởi phát của bệnh sởi với các triệu chứng sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc mắt thì sau 2 đến 4 ngày sẽ nổi ban. Đặc trưng của ban trong bệnh Sởi là ban hồng dát sẩn, khi căng da thì ban biến mất.
Thông thường ban mọc theo thứ tự, ngày đầu mọc ở vùng da sau tai, gáy, trán, mặt, cổ; sang ngày thứ 2 ban mọc ở bụng, lưng, thân mình và ngày thứ 3 mọc ở tứ chi bao gồm cả lòng bàn tay, gan bàn chân. Ban khi bay cũng tuần tự như khi mọc trên da, sau khi ban bay sẽ để lại những vết thâm trên da rất đặc trưng thường gọi là vết thâm vằn da hổ.
Bác sĩ Hiền tư vấn phòng tránh bệnh sởi |
Nỗi lo “tẩy chay” vắcxin
- Nhiều chuyên gia nhận định dịch sởi có chu kỳ 4-5 năm, theo ông có nguy cơ bùng phát dịch sởi trở lại?
- Năm 2014 TP Hà Nội đã vất vả trong việc khống chế dịch sởi, nhiều chuyên gia cảnh báo với chu kỳ 4 năm thì 2017 dịch sởi có thể quay trở lại. Thực tế qua việc ghi nhận diễn biến của dịch sởi nhiều năm đã nói lên điều đó.
Hiện tại trên địa bàn đang có những bệnh nhân mắc sởi được ghi nhận, do vậy rất có nguy cơ bùng phát dịch sởi nếu chúng ta không có các biện pháp phòng tránh phù hợp và kịp thời. Bệnh sởi không chỉ gặp ở trẻ em mà cả ở người lớn khi chưa có miễn dịch đầy đủ đối với bệnh sởi nên tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh.
- Qua thực tế khám, chữa bệnh sởi, ông thấy có điều gì đáng lo ngại?
- Trong quá trình khám, điều trị cho người bệnh, qua khai thác tiền sử tiêm chủng chúng tôi nhận thấy phần lớn bệnh nhân không tiêm phòng vắc xin sởi. Hoặc người bệnh có tiêm nhưng không đầy đủ, chưa tiêm đúng thời gian quy định.
Ngoài ra nhiều bậc cha mẹ lo ngại việc tiêm vắc xin nên không đưa các con đi tiêm phòng. Một số cha mẹ mong được tiêm dịch vụ vắc xin kết hợp Sởi, Quai bị và Rubella nên chậm thời gian tiêm phòng Sởi từ 9 tháng lên 12 tháng dẫn đến trẻ bị mắc bệnh Sởi trước khi được tiêm phòng.
Cũng có trường hợp bố mẹ cho trẻ tiêm phòng đầy đủ song vẫn mắc sởi, theo tôi có thể do cơ địa của trẻ, phản ứng tạo ra kháng thể chưa đủ mạnh sau khi được tiêm phòng.
Với các bệnh nhân bị suy giảm hệ miễn dịch (bệnh nhân HIV, bệnh nhân có sử dụng các thuốc, hóa chất gây ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch...) mặc dù có tiêm phòng vắc xin nhưng vẫn có nguy cơ bị sởi.
- Bác sĩ có lời khuyên nào cho bậc phụ huynh trong việc phòng tránh sởi cho trẻ?
- Chúng ta có thể phòng tránh được bệnh Sởi bằng cách đi tiêm vắc xin sởi đầy đủ và đúng thời gian qui định. Thứ nhất, các bậc phụ huynh chủ động đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng thời gian qui định (mũi đầu tiên bắt buộc lúc 9 tháng tuổi). Các trẻ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi cần đi tiêm phòng đầy đủ và kịp thời.
Thứ hai, sởi dễ lây nên không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh. Thời gian cách ly từ lúc nghi mắc sởi cho đến ít nhất 4 ngày sau khi phát ban. Người lớn cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ; Thường xuyên đeo khẩu cho người bệnh và những người tiếp xúc nguồn bệnh.
Thứ ba, phụ huynh giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
Thứ tư, khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, viêm long, mắt kèm nhèm, phát ban cần đeo khẩu trang cho trẻ để hạn chế lây lan, sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, phát hiện và điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và gây lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.