Ý tưởng cấp sổ hộ tịch cho công dân nhận được nhiều ý kiến tán đồng. Các chuyên gia, Luật sư... trao đổi thêm về vấn đề này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu:
Các bộ phải rà soát các quy định liên quan
Dự án Luật Hộ tịch có nhiều đột phá mang tinh thần cải cách, trong đó sổ hộ tịch là một ý tưởng hay nhưng nên tập trung vào một sổ chứ không phải để quá nhiều như hiện nay. Cần lưu ý việc cấp một loại sổ phải thống nhất với các Bộ, rà soát các quy định liên quan.
Phải làm rõ sổ này có thay thế các loại giấy tờ hiện nay không?. Cấp cho công dân từ ngày Luật có hiệu lực thì yêu cầu quản lý có đảm bảo không, còn số dân hiện tại thì thế nào? Điều này phải cân nhắc.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện:
Ý tưởng mỗi người một sổ hộ tịch rất đáng hoan nghênh
Ý tưởng mỗi người có một sổ hộ tịch là rất đáng hoán nghênh.Chỉ bằng một thao tác mà ra tất cả sự kiện liên quan tới con người đó thì còn gì tốt bằng. Nhưng tôi quan ngại về tính khả thi của nó đến đâu?. Hay lại giống như chủ trương trả lương qua tài khoản, nhiều người nói sẽ chống tham nhũng tốt lắm, nhưng liệu có đúng không. Sổ hộ tịch có thể thay thế những giấy tờ nào, có thay được ngay không, cấp sổ liệu có tạo ra sự lộn xộn trong giai đoạn quá độ, có làm khổ dân không?.
Những vấn đề này cần phải làm rõ, nếu điều kiện chưa chín muồi để thực hiện thì phải tính toán thêm.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi:
Nếu chưa làm được tất cả thì cấp số định danh cho trẻ em dưới 14 tuổi.
Xây dựng số định danh công dân là rất tốt nhưng nếu chỉ cấp cho những công dân ra đời sau khi luật có hiệu lực thì phải… 100 năm nữa chúng ta mới hoàn thành việc chuyển đổi sang phương thức quản lý mới (vì đối với hơn 87 triệu người dân sinh ra trước đó thì không được cấp số định danh và vẫn phải quản lý theo cơ chế cũ).
Cần có lộ trình chuyển đổi để cấp số cho toàn dân, nếu chưa làm được thì cấp cho những trẻ em dưới 14 tuổi vì độ tuổi này chưa có nhiều thông tin cá nhân nên dễ kiểm soát hơn. Bên cạnh đó, cần ưu tiên hoàn thiện và sử dụng bộ cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử quốc gia, tiến tới cơ quan nào cần thông tin chỉ cần truy cập theo số định danh, không cần yêu cầu người dân trình và cơ quan quản lý tra cứu cả quyển sổ hộ tịch dày. Nếu chúng ta không làm điện tử mà cứ “giấy hóa” thì sẽ là là bước lùi của cải cách hành chính.
Luật sư Nguyễn Chí Dưỡng, Giám đốc Cty Luật Dân trí (Bắc Ninh):
Phải tính việc giữ bí mật cho công dân
Mỗi cá nhân có một sổ hộ tịch, trên sổ hộ tịch đó có số định danh công dân nhìn vào đó thấy tất cả các sự kiện hộ tịch về cá nhân đó thì đúng là rất thuận lợi cho dân, cho cả nhà nước trong công tác quản lý. Thực tế là hiện nay, việc phải giữ các giấy tờ riêng lẻ về hộ tịch quá là bất cập. Nhất là khi người dân làm mất mát, hư hỏng...
Tuy nhiên, việc cấp sổ hộ tịch phải tính đến việc giữ bí mật cho công dân khi chỉ cần chứng minh một sự kiện hộ tịch lại phải xuất trình cả cuốn sổ. Theo tôi cần áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào lĩnh vực này để đảm bảo quản lý tốt công dân bằng số định danh.
Ông Trần Quốc Việt (Thanh Liêm, Hà Nam):
Người dân đang phải chịu nhiều phiền toái
Tôi không rõ chủ trương của Nhà nước về vấn đề này ra sao, tuy nhiên, liên quan đến giấy tờ hộ tịch đúng là nhiều khi người dân phải chịu rất nhiều phiền toái. Chỉ đơn cử như việc học bạ của con tôi là một tên, nhưng khi ra xã xin cấp bản sao khai sinh thì cái tên đệm của con tôi đã khác.
Tôi không biết do cháu hay xã, nhưng quả thật để điều chỉnh rất mất thời gian, công sức. Nếu mỗi người sau này đều có một sổ, nhà nước quản lý, công dân căn cứ vào sổ đó để ghi thống nhất các dữ liệu hộ tịch của mình trong tất cả các loại giấy tờ khác thì rất cần thiết và thuận lợi.
P.V (ghi)