Doanh nghiệp lo xoay xở không kịp
Theo báo cáo của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), chỉ trong 3 tháng cuối năm 2021, có đến 33,3% công nhân lao động (CNLĐ) bị ngừng việc do ảnh hưởng từ giãn cách xã hội; 18,3% bị giãn việc/nghỉ việc luân phiên; 17,9% phải tạm hoãn hợp đồng hoặc nghỉ việc không lương và 14,1% bị cách ly y tế. Sự gia tăng gần như tuyệt đối các tác động tiêu cực của dịch bệnh đến tình trạng việc làm của CNLĐ khiến tiền lương và thu nhập của họ bị sụt giảm mạnh.
Báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của CNLĐ năm 2022 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3/2022 cho thấy: Nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của CNLĐ chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Hầu hết những gia đình công nhân sẽ rơi vào khó khăn, túng quẫn ngay cả khi họ làm thêm giờ. Có một nghịch lý khá phổ biến, mặc dù CNLĐ đang phải làm việc với cường độ cao, thời gian kéo dài nhưng lương và thu nhập không cao. CNLĐ ở một số ngành, lĩnh vực phải làm thêm giờ nhiều, có khi lên đến 60 – 70 giờ/tháng, như ngành dệt may, điện tử, da giày, chế biến thủy hải sản, sản xuất gỗ... vẫn không đủ kinh phí trang trải cuộc sống.
Lao động là nguồn lực quý giá nhất của DN nhưng nguồn lực này đang phải đối mặt với nhiều vấn đề từ thu nhập bấp bênh như nhà ở và điều kiện sinh hoạt, giáo dục, y tế khó khăn; an sinh và phúc lợi xã hội chưa bảo đảm… do tiền lương không đủ trang trải cuộc sống. Điều này gây ảnh hưởng lớn tới năng suất, chất lượng, hiệu quả làm việc của CNLĐ. Vì vậy, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã “chốt” phương án tăng 6% lương tối thiểu từ 1/7/2022 để đảm bảo nguồn thu phục vụ chất lượng đời sống cho CNLĐ.
Tuy nhiên, việc tăng lương cho đội ngũ quan trọng này cũng là “bài toán” khó đối với nhiều DN. Dịch COVID-19 cũng tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của DN, khiến DN thực sự rất khó khăn và kiệt quệ. Các hiệp hội DN lo ngại, tăng lương thời điểm giữa năm như tháng 7 này sẽ đẩy DN vào tình huống vô cùng khó khăn, nhiều DN sẽ phải hủy bỏ ngang hợp đồng vì chi phí không bảo đảm, ảnh hưởng đến công việc, thu nhập của người lao động và sự tồn vong của DN. Nhiều DN có nguy cơ phải cắt giảm lao động, tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất, thậm chí phá sản vì không thể lo nổi chi phí nhân công. Điều này sẽ dẫn đến khả năng hàng chục nghìn người lao động không có việc làm.
Vì vậy, đã có 8 hiệp hội ngành hàng gửi công văn tới Thủ tướng Phạm Minh Chính kiến nghị áp dụng tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2023 thay vì từ 1/7/2022 như phương án Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã “chốt” trước đó để trình Chính phủ quyết định.
Tiền lương của người lao động phải là yếu tố đi trước
Trao đổi về vấn đề này, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết, trước thông tin 8 hiệp hội kiến nghị lùi thời điểm tăng lương tối thiểu, nhiều CNLĐ, cán bộ công đoàn cơ sở đã có những phản ánh, thậm chí có người bức xúc vì những khó khăn họ đang phải đối mặt.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, tăng lương sẽ làm tăng chi phí cho DN nhưng tăng lương cũng chính là khoản đầu tư sinh lời mạnh, bởi nó giúp người lao động có thêm động lực để làm việc với năng suất cao hơn, chất lượng tốt, giúp DN phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, bền vững hơn. Vì vậy, việc trả mức lương đủ sống cho CNLĐ là vấn đề “sống còn” đối với DN. Việc tăng lương tối thiểu vào thời điểm này sẽ là động lực tinh thần rất lớn cho người lao động để khẳng định tiến bộ hài hòa, ổn định quan hệ lao động trong giai đoạn hiện nay.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, tiền lương đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước cũng như DN. “Để có chất lượng nguồn nhân lực chúng ta phải có đội ngũ lao động tốt. Muốn vậy chúng ta phải chăm sóc để CNLĐ có cuộc sống tốt, nâng cao trình độ và tiền lương là giải pháp đầu tiên để đạt được mục tiêu đó”.
Lý giải về sự cấp thiết của việc tăng lương tối thiểu cho CNLĐ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Vũ Minh Tiến nhận định, tiền lương của người lao động có mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng với sự ổn định của thị trường lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh của DN, của nền kinh tế. Trong đó, tiền lương của người lao động phải là yếu tố đi trước. Theo ông Tiến, lao động là nguồn lực quý giá nhất của mọi DN, bởi vậy, CNLĐ phải được bảo đảm cuộc sống - sống để làm việc chứ không phải làm việc để sống, do đó họ cần được bảo đảm tiền lương để chi trả cuộc sống bản thân và gia đình họ.
Cũng theo nhiều chuyên gia, trong thời điểm hiện tại, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng là cấp thiết. Đây được xem là biện pháp kích cầu trong mua sắm, tiêu dùng cho nền kinh tế. Quan trọng hơn là thu hút người lao động trở lại các công ty, nhà máy để tiếp tục làm việc sau thời gian phải trở về quê tránh dịch. Đồng thời, đây cũng là giải pháp tạo đà cho việc phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN và cả nền kinh tế sau dịch bệnh.