Cần đề cập cụ thể hơn về nguồn nhiệt điện than
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Đề án Quy hoạch (QH) điện VIII gồm 19 chương, chia thành các nội dung chủ yếu như quan điểm, mục tiêu và phương pháp; hiện trạng hệ thống điện quốc gia và nhu cầu tiêu thụ điện; các tiêu chí, thông số đầu vào để lập quy hoạch; tiềm năng các nguồn năng lượng sơ cấp sử dụng cho phát điện; chương trình phát triển nguồn điện, lưới điện.
GS.TS Trần Đình Long (Phó Chủ tịch Hội điện lực Việt Nam) cho rằng, việc làm QH thực chất là chuẩn bị cung cầu điện năng cho một giai đoạn nào đó. QH thường phải bắt đầu từ nhu cầu, tính toán xem trong giai đoạn đấy cần bao nhiêu điện năng, ở đâu, ngành nào sẽ cần nhiều và vào khoảng thời gian nào. Nếu trả lời đúng thì sẽ có QH tốt. QH điện VII là một bài học, vừa được Thủ tướng Chính phủ duyệt xong đã phải loay hoay sửa đổi, hiệu chỉnh đến 3 lần đều bắt nguồn từ việc dự báo đánh giá nhu cầu không chuẩn.
Theo chuyên gia này, khi xác định nhu cầu ở QH điện VIII, Bộ Công Thương vẫn chưa đánh giá xem nhu cầu từ các tỉnh gửi đến đã hợp lý chưa, bởi có những ngành dùng khá nhiều điện nhưng hiệu quả kinh tế mang lại thấp, cần phải thay đổi. Đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa sử dụng hiệu quả năng lượng cho các hoạt động kinh tế. Bằng chứng thấy rõ nhất là hệ số đàn hồi còn cao khi GDP tăng 1 lần thì điện phải tăng gấp đôi. Trong QH này chưa đánh giá chi tiết các vấn đề này.
Về phía cung, hiện thủy điện không còn đóng vai trò quan trọng trong QH điện VIII (do các thủy điện lớn đều đã xây dựng xong), điện hạt nhân lại chưa có chủ trương phát triển nên giai đoạn trước mắt chỉ còn nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) và nguồn năng lượng tái tạo (NLTT). Thời gian sắp đến sẽ xem xét xây dựng NMNĐ khí. Tuy nhiên, vẫn phải xác định, xem xét lại vai trò quan trọng của nhiệt điện than và trong thời gian khá dài vẫn phải xây dựng nhiệt điện than..
Theo GS Long, trong QH điện VIII đã nói đến nguồn nhiệt điện than nhưng chưa cụ thể. Ví dụ, cần đề cập đến vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường, quan hệ giữa Trung ương và địa phương trong việc xây dựng NMNĐ than rõ hơn. Thường các địa phương phản đối do đó khi định phát triển nhiệt điện than thì cần phải thể hiện trong QH sự đồng thuận giữa Trung ương và địa phương. Bên cạnh đó cũng chưa có dự kiến nhập khẩu than như thế nào để đảm bảo cân đối nguồn than trong nước và nhập khẩu.
Nguồn điện NLTT trong tương lai gần sẽ phát triển mạnh, nhưng lại liên quan đến chính sách giá điện của Nhà nước. Bởi để phát triển nguồn này thì chính sách giá rất quan trọng. Nếu chính sách đưa ra giá mua có lợi cho nhà đầu tư thì họ mới hăng hái tham gia và đẩy nhanh tốc độ phát triển. Nhưng trong QH cũng vẫn chưa thể hiện được cụ thể vấn đề này. “Phương pháp luận để xây dựng QH điện VIII so với các QH trước đây chưa mới hơn, những giải pháp để đánh giá nhu cầu tương đối chuẩn vẫn chưa thấy xuất hiện” - GS Long kết luận.
Có dễ huy động đầu tư 13 tỷ USD/năm?
Ông Phạm Xuân Hoè, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, tính khả thi về huy động vốn cho phát triển điện lực quốc gia trong QH điện VIII là rất khó. Có thể thấy trong dự thảo, nguồn vốn đầu tư cho cả hai giai đoạn 2021-2030 và 2030-2045 xấp xỉ 13 tỷ USD/năm là rất lớn. Trong khi đó, phần giải pháp về vốn rất sơ sài và chỉ nói đến vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chưa cụ thể hóa được những định hướng rất lớn từ Nghị quyết 55 năm 2020 của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết về phát triển kinh tế của Đại hội Đảng 13.
Do đó, ông Hòe kiến nghị, cần tính toán cơ cấu huy động nguồn vốn hợp lý khả thi hơn, bắt đầu từ việc ai bỏ vốn đầu tư. Theo đó, với 13 tỷ USD, thì nguồn huy động từ các thành phần kinh tế sau: Hàng năm tổng thể các công ty trong EVN có thể đầu tư tổng thể cho phát triển điện khoảng 3 tỷ USD; huy động từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khoảng 6-7 tỷ USD/năm là khả thi nếu có chính sách về giá FIT. Nếu cam kết tính ổn định, minh bạch chính sách của Việt Nam cao thì mức độ huy động có thể cao hơn;
Ngoài ra, cần phải đưa kinh tế tư nhân vào để thực hiện thành công Nghị quyết 55. Theo ông Hòe, huy động từ tư nhân và hộ gia đình trong nước hoàn toàn có thể lên đến 3-4 tỷ USD/năm nếu thị trường điện cạnh tranh có lộ trình tự do hóa giá điện được tiến hành sớm hơn, có các chính sách tài khóa, tín dụng xanh tốt hơn.