Liên tục kêu khó
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, thiết yếu đối với nền kinh tế, nhất là các ngành sản xuất công nghiệp. Việc lưu thông phân phối mặt hàng này được thực hiện bởi một chuỗi các doanh nghiệp nhập khẩu, đầu mối, bán lẻ… Thế nhưng hơn một năm nay, cộng đồng các DNBLXD phải đối mặt với nhiều khó khăn dù họ là mắt xích quan trọng, là khâu cuối để hàng hóa đến thị trường. Chuyện chỉ rộ lên và được dư luận biết tới khi cuối năm 2022, nhiều DNBLXD đồng thanh “kêu khóc” việc họ thua thiệt trong quan hệ với các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu về tỷ lệ chiết khấu.
Mới đây nhất, trong khoảng vài ngày trước kỳ điều hành giá ngày 11/4/2023 của Liên Bộ Công Thương - Tài chính (được dự đoán sẽ điều hành giá theo chiều hướng tăng), thông báo chiết khấu dành cho đại lý bán lẻ lại rộ lên trên khắp các diễn đàn. Hàng loạt các mức chiết khấu được đưa ra từ các doanh nghiệp đầu mối hoặc thương nhân phân phối khác nhau nhưng tựu trung một điểm: chiết khấu đều dưới 200 đồng/lít, thậm chí, có doanh nghiệp thông báo chiết khấu 0 đồng và nhiều kho thông báo tạm thời hết hàng.
Đại diện một DNBLXD phân tích, do giá xăng dầu thế giới trong chu kỳ trước ngày điều hành tăng nên dự báo Liên Bộ sẽ điều hành giá tăng. Do đó, doanh nghiệp đầu mối hoặc thương nhân phân phối sẽ có thể “bóp” chiết khấu xuống thật thấp để “ngăn” DNBLXD lấy hàng với giá cũ hoặc là báo hết hàng, chờ giá điều hành tăng mới “bung” hàng trở lại.
“Thông báo từ các đầu mối sau thời gian điều hành giá (sau 15h ngày 11/4/2023 giá tăng đến hơn 1.000 đồng/lít với mặt hàng xăng - PV) thì chiết khấu dành cho DNBLXD tăng chóng mặt lên đến 600 - 900 đồng/lít - là một minh chứng rõ nhất cho việc “găm hàng” chờ tăng giá từ các đầu mối và thương nhân phân phối. Tình trạng đó đã lặp đi lặp lại nhiều lần trong một năm qua”, đại diện của một doanh nghiệp cho hay.
Cũng theo doanh nghiệp này, với phương thức trên, bán chậm hàng trong vài tiếng, tài khoản của doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối đã tăng đáng kể. Trong hoàn cảnh này chỉ có DNBLXD là khốn khổ khi luôn rơi vào thế yếu, phải chấp nhận bất kỳ mức chiết khấu nào mà đầu mối đưa ra.
Một năm qua, kịch bản này xảy ra nhiều lần. Một năm qua, nhiều “ông” DNBLXD phải bán bớt tài sản, đất đai để cầm cự. Số doanh nghiệp không cầm cự được thì thông báo bán bớt cây xăng, xin giải thể, xin nghỉ bán hàng do thua lỗ quá nhiều. Dù chưa có con số thống kê cụ thể số lượng cây xăng đổi chủ, giải thể, đóng cửa trên toàn quốc nhưng tình trạng này vẫn đang xuất hiện ở một số tỉnh, thành.
Tình trạng khó khăn của DNBLXD đã lên đến đỉnh điểm. Trong đơn gửi Chính phủ, Quốc hội của ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) - phản ánh, do quy định về kinh doanh quản lý xăng dầu không cho phép DNBLXD được mua hàng từ nhiều nguồn (quy định đại lý chỉ được mua từ một nguồn duy nhất) nên nhiều doanh nghiệp đã thành lập thêm các công ty con của gia đình để đối phó?
“Điều này làm tăng số lượng doanh nghiệp, nhưng chất lượng không tăng, gây phức tạp thêm cho việc quản lý của chủ doanh nghiệp khi cùng lúc quản lý tới 3 - 4 con dấu. Về mặt quản lý nhà nước cũng phức tạp hơn, nhất là trong quản lý thuế”, nội dung đơn này nêu.
Một Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. |
Kêu thấu Quốc hội
Sau những diễn biến bất thường của kinh doanh xăng dầu trong năm 2022, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương rà soát, sửa đổi Nghị định về quản lý kinh doanh xăng dầu theo trình tự rút gọn (Nghị định 95). Theo Điều 148 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy định về trình tự, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn thì thủ tục lấy ý kiến các đối tượng bị ảnh hưởng “có thể” được cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện. Điều này đồng nghĩa với việc Bộ Công Thương có thể không cần thiết phải gửi công văn lấy ý kiến cộng đồng DNBLXD.
Ông Bùi Văn Dũng - Giám đốc Công ty Xăng dầu Việt Anh cho biết, thực tế, Bộ Công Thương đã thực hiện lấy ý kiến trên Cổng thông tin điện tử của Bộ. Để nâng cao chất lượng góp ý, cộng đồng DNBLXD đã gấp rút thành lập một ban đại diện lâm thời để thay mặt cộng đồng gửi đi những lá đơn đến những cơ quan có thẩm quyền.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thông tin rộng rãi những khó khăn của DNBLXD khi tổ chức hội nghị lấy ý kiến chính thức đầu tiên góp ý cho dự thảo sửa đổi Nghị định 95, với sự tham dự của khoảng 300 DNBLXD khắp cả nước. Sau đó, một số DNBLXD đã nhận được thư mời của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội dự phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu. Đáng chú ý, tại phiên này, các DNBLXD cũng được mời nêu những khó khăn mà họ đã trải qua trong một năm qua.
“Chúng tôi đánh giá rất cao phiên giải trình này, điều đó cho thấy lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng các cơ quan của Quốc hội quan tâm rất sâu sát tới tình hình thực tế; luôn sát cánh cùng Chính phủ, cùng cộng đồng doanh nghiệp và lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp vốn rất nhỏ lẻ và yếu thế như chúng tôi”, ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty Hải Âu Phát (Lâm Đồng) chia sẻ.
Cũng theo ông Thắng, dự thảo Nghị định tuy chưa “chốt” nhưng việc Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan phải sửa đổi Nghị định hài hoà lợi ích cho các thành phần tham gia kinh doanh xăng dầu “đã là phần thưởng làm ấm lòng những doanh nghiệp nhỏ lẻ”.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng khẳng định sẽ hoàn thiện báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan về 8 vấn đề của ngành xăng dầu, gồm: nguồn cung, dự trữ, giá, Quỹ Bình ổn giá, điều kiện kinh doanh, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp, công tác quản lý nhà nước, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng.
“Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề mối quan hệ giữa các doanh nghiệp mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ đưa ra trong Nghị quyết tới đây. Bởi điều này chứng tỏ, Quốc hội đã lắng nghe những tiếng “kêu cứu” của DNBLXD trong nhiều tháng. Đây có thể được coi là thành công bước đầu của cộng đồng DNBLXD. Là động lực để chúng tôi tiếp tục đoàn kết trong quá trình tìm kiếm sự công bằng, minh bạch nhằm mang lại sự an tâm để tiếp tục kinh doanh và góp phần ổn định chuỗi kinh doanh xăng dầu”, ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc nói.
Sẽ thành lập Hiệp hội DNBLXD Việt Nam?
Hầu hết DNBLXD đều cho rằng, cần thành lập một hiệp hội riêng, đại diện cho cộng đồng bán lẻ để tham gia góp ý vào những văn bản có ảnh hưởng trực tiếp tới công việc kinh doanh của họ. Chia sẻ về thông tin này, ông Giang Chấn Tây khẳng định, kể cả khi việc sửa đổi Nghị định 95 hoàn tất, có yếu tố đảm bảo cho DNBLXD kinh doanh bằng điểm hòa vốn, đồng nghĩa với việc những lá đơn cầu cứu của cộng đồng DNBLXD đã được lắng nghe thì cũng cần có một Hiệp hội DNBLXD Việt Nam ra đời.
Được biết, hiện các chủ thể liên quan đang chuẩn bị các bước để có thể sớm gửi hồ sơ lên Bộ Nội vụ nhằm thành lập Hiệp hội. Theo đó, điều lệ Hội DNBLXD Việt Nam đã soạn xong; Đã viết xong bản phân công ban vận động thành lập hiệp hội và có dự kiến địa chỉ đặt trụ sở hiệp hội; Quy chế hoạt động lâm thời cũng đã soạn xong.