Ngành Điện trải qua nhiều thập kỷ, có lúc khó khăn, có lúc thuận lợi nhưng chưa bao giờ ngành này lâm cảnh khó khăn như giai đoạn này... Đó là nhận định chung của những người có thời gian dài gắn bó với ngành Điện.
Thua lỗ triền miên
Nhắc đến tầm quan trọng của ngành Điện với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhớ lại câu chuyện thời kỳ đầu tiên xây dựng đường dây 500kV mạch 1 để tải điện từ Bắc vào Nam. Ông nhớ lại, thời điểm đó, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhắc đi nhắc lại rằng “miền Nam thiếu điện 1 giờ thì đất nước mất hàng trăm tỉ; thiếu điện 1 ngày mất hàng ngàn tỉ”. Thực tế, cách đây khoảng chục năm, chuyện cắt điện luân phiên đã diễn ra suốt mùa hè ở nhiều tỉnh.
Nhưng nay, việc cung ứng điện đã đầy đủ hơn, mất điện cũng ít xảy ra, nhanh chóng được khắc phục. Thậm chí, kể cả khi các đường dây tải điện bị ảnh hưởng bởi bão - lũ, thì ngành Điện cũng sẵn sàng các phương án trước, trong và sau khi có thiên tai để chủ động tiếp cận, xử lý sự cố, nhằm đảm bảo cung cấp điện trở lại trong thời gian sớm nhất.
“Tôi nhắc lại những câu chuyện này để khẳng định rằng, ngành Điện đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình trong các thời kỳ, kể cả từ thời kỳ đổi mới cho đến hiện nay, khi đất nước đang mở rộng chào đón các tập đoàn sản xuất lớn nhất thế giới đến xây dựng cứ điểm mới. Ngành Điện luôn thực hiện đúng chức năng “đi trước một bước” của mình đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo điện cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của Tổ quốc. Do đó, để ngành này rơi vào cảnh lỗ triền miên như hiện nay là chuyện không thể được bởi những hệ lụy vô cùng lớn có thể xảy ra”, kỹ sư Trần Viết Ngãi trao đổi với PLVN.
Cũng theo ông Ngãi, ngành Điện đã trải qua nhiều thập kỷ, có lúc khó khăn, có lúc thuận lợi nhưng chưa bao giờ lâm cảnh khó khăn như giai đoạn này. Cụ thể, những giai đoạn khó khăn trước, ngành Điện vẫn được “chia lửa” bởi “anh bạn” năng lượng - ngành Than vì thời điểm đó, chi phí khai thác than cho sản xuất điện không cao nên giá thành sản xuất điện không lớn, không rơi vào tình trạng lỗ trầm trọng như hiện nay. Còn bây giờ, ngành Than phải khai thác rất sâu và chất lượng than không thể đáp ứng cho sản xuất điện nên ngành Than buộc phải nhập khẩu than để phối trộn với than sản xuất trong nước, cấp cho ngành Điện, giá thành vì thế đội lên.
GS TSKH.Trần Đình Long - kiến trúc sư trưởng đường dây 500kV mạch 1 - cũng cho biết, ngành Điện đã từng khó khăn, trải qua những giai đoạn phải đi gõ cửa nhiều nơi, xin được vay vốn ưu đãi hoặc xin vay từ các dự án ODA để có tiền trả nợ cũ nhưng “chưa khi nào rơi vào thế khó khăn cùng cực như giai đoạn hiện nay”.
Theo ông Long, đã từng có chuyện giá điện không điều chỉnh trong vài ba năm nhưng chưa khi nào mà các yếu tố đầu vào thay đổi theo hướng tăng cao như hiện nay, ngoài ra tỷ giá USD cũng diễn biến bất lợi với ngành Điện. Việc điều chỉnh giá điện nên xem xét sớm để ngành này có lợi nhuận hợp lý, còn tính đến chuyện tái đầu tư. Ông Long mong muốn ngành Điện có những điều kiện phát triển dễ dàng hơn, bớt đi sự khó khăn mà bản thân ngành này khó tự mình giải quyết.
Tiềm ẩn nhiều hệ lụy
“Hiệp hội đã đề xuất nhiều lần với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, cũng đã gửi thư đến Chính phủ để đề nghị Chính phủ có phương án giúp ngành Điện không lỗ. Giá điện cần mạnh dạn nâng lên khi chi phí đầu vào rất lớn, để ngành Điện có thể chi trả những chi phí cần thiết nhất và có dư mà đầu tư”, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi nói.
Thực tế, nếu tiếp tục lỗ, trước mắt ngành Điện sẽ không có chi phí để thực hiện các hoạt động bảo dưỡng định kỳ, khiến cho việc cung ứng điện không thể đảm bảo chất lượng; Sau đó sẽ ảnh hưởng đến công tác đầu tư nguồn và lưới. “Nếu không sớm thực hiện công tác đầu tư thì Nhà nước thiếu điện, nhân dân thiếu điện, hệ lụy sẽ không thể đong đếm được”, lời ông Ngãi.
Trao đổi với PLVN, GS.Trần Đình Long cũng cho biết đã nhiều lần có đơn kiến nghị giải quyết những khó khăn của ngành Điện. “Nếu cứ để lỗ kéo dài thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ không thể cân đối được tài chính, sẽ làm mất phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Chưa kể, không còn tiền thì sẽ không có tiền chi trả cho các nhà máy, hệ lụy kéo theo sẽ là một chuỗi bị ảnh hưởng nặng nề”, GS Long lo ngại.
Rõ ràng, một ngành có vai trò lớn với phát triển kinh tế - xã hội như ngành Điện không thể để tình trạng lỗ triền miên, không thể để nợ lãi vay, nợ trong nước lẫn ngoài nước. Chưa kể, ngành Điện cần có tình trạng tài chính tốt để tạo niềm tin và vay được vốn từ các nhà tài trợ cho các dự án đầu tư. Theo GS Long, việc tăng giá cần phải có cân đối giữa xu thế tăng giá điện và sự tăng giá điện thực tế để ít nhất không thể tăng nhiều thì cũng ở mức vừa để ngành này có thể cân đối được tài chính...
Bởi thực tế, trong quý I/2023, mỗi kWh điện bán ra, EVN đang lỗ 192 đồng. Theo tính toán của Tập đoàn, nếu giá bán lẻ điện vẫn giữ nguyên như hiện nay thì đến hết tháng 5/2023, Công ty mẹ - EVN sẽ không còn tiền trong tài khoản và đến tháng 6 sẽ thiếu hụt tiền thanh toán. Dự kiến, trong năm 2023 Công ty mẹ - EVN, các tổng công ty điện lực và tổng công ty truyền tải điện sẽ tiếp tục bị lỗ khoảng 64.941 tỷ đồng. Trong đó, 6 tháng đầu năm, dự kiến lỗ 44.099 tỷ đồng.
Tăng giá điện phải phù hợp, không gây sốc nền kinh tế
Trao đổi với PLVN, ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc tăng giá điện phải phù hợp, không tạo ra cú sốc và đột biến quá lớn đối với nền kinh tế.
Ông Trần Văn Lâm. |
Điều hành giá điện là một bài toán khó vì phải phục vụ nhiều mục tiêu. Quan điểm của ông về ý kiến này?
- Quan điểm điều hành giá điện hiện nay đúng là bài toán khá khó! Thứ nhất phải điều hành để giữ vững ổn định vĩ mô. Đây là việc căn bản nhưng chúng ta cũng nên phải từng bước điều hành để giá điện tiệm cận dần mức giá của thị trường và thế giới; Tiếp đó là phải giữ được lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế nhưng cũng vẫn phải phân phối được tài nguyên quốc gia một cách hợp lý thông qua một giá điện phù hợp.
Vậy, chúng ta nên giải quyết bài toán này theo hướng nào?
- Khó nhưng vẫn có thể giải quyết được. Trước mắt, chúng ta phải xác định cơ cấu nguồn điện hợp lý rồi bắt đầu tính toán. Vấn đề là tính toán làm sao để giải quyết các bài toán bao gồm tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh doanh của ngành Điện. Giá điện đã duy trì mức thấp quá lâu rồi, ngành Điện đang phải chịu sức ép lớn nhưng tất nhiên cũng phải tăng giá điện ở mức hợp lý để nền kinh tế chịu đựng được. Bước tăng phải phù hợp, không thể tạo ra một cú tăng sốc, đột biến với nền kinh tế được. Và các chuyên gia sẽ phải cân đối tính toán để đưa ra mức tăng đảm bảo đầy đủ các yếu tố liên quan.
Ông có thể nói cụ thể hơn?
- Có thể khẳng định, thời điểm này chúng ta có cơ sở để thực hiện việc tăng giá điện. Thứ nhất là kinh tế vĩ mô dù khó khăn nhưng vẫn giữ được ổn định một cách tương đối vững chắc; Các yếu tố đầu ra, đầu vào trong sản xuất điện đã được tính toán, cân nhắc để xác định các phương án tối ưu. Nếu tính toán được thì xác định mức tăng và lộ trình tăng cho hợp lý.
Thực hiện tăng trong thời điểm này là hoàn toàn phù hợp vì các yếu tố về giá, về lạm phát cho phép chúng ta nới “room” giá điện. Thông thường, khi các yếu tố khác giữ được hợp lý rồi thì biến động giá điện được phép nới rộng hơn mà vẫn đảm bảo kiểm soát lạm pháp và giữ được ổn định vĩ mô.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bảo Nhi (thực hiện)