Lì xì… nỗi lo muôn thuở của những người “ví lép”
Lì xì là một phong tục đẹp của nước ta trong dịp Tết cổ truyền. Vào những ngày Tết, ông bà sẽ lì xì - cho con cháu 1 tờ tiền lấy may, mong con cháu mình sang năm mới làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn, các cháu nhỏ thì mau ăn chóng lớn, học hành chăm chỉ…Thế nhưng, tập tục ấy cũng chính là nỗi lo lắng của một số người.
Càng gần đến Tết, vợ chồng anh Hoàng Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) càng bấn loạn. Mấy hôm nay, vợ chồng anh chị bàn tới bàn lui việc có về quê ăn Tết hay không? Anh Hoàng (Nghệ An) là công nhân ngành cơ khí. Chị Hà (Hà Nội) là trưởng phòng kinh doanh công ty lữ hành. Là người con xa quê lên Hà Nội lập nghiệp lấy vợ rồi sinh con, cứ mỗi Tết đến, anh Hoàng lại chộn rộn mong ngóng được đưa cả nhà về quê đón Tết. Nhưng niềm mong ngóng đó lại đi đôi với sự lo lắng khiến anh chùn bước.
Lấy nhau cách đây hai năm, hai vợ chồng tay trắng. Tiền lương cả hai chỉ đủ nuôi con mọn và tiền thuê nhà. Tích cóp giỏi lắm cũng chỉ dư ra một chút phòng khi ốm đau, có việc gấp.
Hai năm trước, khi mới cưới, anh đưa vợ về quê. Cả gia đình, ông bà, bố mẹ, cô dì, chú bác, hàng xóm và đàn cháu lên tới 50 người sum họp tại gia đình anh.
Dâu trưởng mới được giới thiệu là trưởng phòng công ty lữ hành khiến cả gia đình nể phục. Trong bếp chị Hà nghe xì xào của họ hàng: “Dâu mới lại là sếp ở Hà Nội về, chắc tí nữa ăn cỗ xong, Hà sẽ lì xì chúng ta nhiều đây”. Chị Hà nghe mà lòng rối bời.
Để đẹp mặt chồng, chị vào phòng riêng lấy số tiền mình tích lũy khoảng 20 triệu đồng bỏ vào từng phong bao lì xì lớn, nhỏ đỏ, vàng rồi ra ngoài phòng khách. Thấy chị ra, bọn trẻ xúm vào níu tay và đòi lì xì. Tập tiền lì xì trong tay của chị loáng cái đã chuyển dần sang tay: ông bà, bố mẹ, họ hàng, trẻ nhỏ… Anh Hoàng lấy làm hãnh diện đi kèm với sự… xót ruột.
Hết Tết ở quê cũng là lúc anh chị chỉ còn hơn 1 triệu đón xe khách trở về Hà Nội với chuỗi ngày vất vả kiếm sống. Năm trước, chị Hà sinh con nên anh chị ở Hà Nội không về quê. “Năm trước đã không về, năm nay lại không?”, anh chị phân vân.
Sinh con nhỏ vô số tiền phải chi tiêu, nhà anh chị vẫn phải trả tiền thuê. Đó là chưa kể lương công nhân của anh Hoàng thấp. Chị Hà sụt giảm đến 70% thu nhập vì Covid do công ty lữ hành của chị không có khách quốc tế. Hai vợ chồng đành phải vay mượn của bố mẹ vợ tiêu pha trong thời gian khó khăn.
Gần Tết, gia đình anh chị chưa sắm sửa gì. Nếu bây giờ về quê thì tiền đâu ra để mua quà Tết biếu bố mẹ và lì xì mọi người. Nếu nói lý do khó khăn, có người hiểu không sao, có người không hiểu thì chê trách anh chị là “người thành phố mà ki bo”, “trưởng phòng gì mà lì xì hẻo thế?”. Mà không về quê thì lòng anh Hoàng không yên, người như lửa đốt. Anh chị Hoàng Hà đang rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Cũng trong hoàn cảnh khổ tâm của anh chị Hoàng Hà là Minh Tuấn (Hà Nam). Ra trường được 3 năm, Tuấn làm nhân viên văn phòng Luật. Bố mẹ Tuấn ở quê rất hãnh diện và khoe với làng trên, xóm dưới là con mình là luật sư giỏi giang, thu nhập cao. Dù nhiều lần Tuấn nói lương ba cọc ba đồng nhưng bố mẹ anh vẫn không tin và nói: “Trên đó, tao lạ gì, lương thì ít mà người ta biếu xén thì nhiều”. Bố mẹ Tuấn cho rằng con trai viện cớ để thoái thác các công việc đóng góp kinh tế gia đình.
Mỗi lần đến Tết là Tuấn thấy phát hoảng. Vì bố mẹ khoe anh tài giỏi, kiếm nhiều tiền, họ hàng, các cháu ở quê đều mong Tuấn đến nhà họ chúc tết để được lì xì “lấy lộc học giỏi”. Ở quê, đến chúc tết nhà này mà không chúc tết nhà kia thì thành chuyện lớn. Tuấn đành đi khắp lượt và mỗi lần đến nhà chúc tết, các cháu họ hàng, làng xóm lại xin “lộc” của “anh luật sư giỏi nhất họ Ngô”.
Có không ít người, vì sợ “thủng ví” đã không dám về quê. Họ nghĩ ra 101 lý do để không về quê ăn Tết. Không về quê ăn Tết, họ không phải tiêu tốn một khoản tiền lớn. Nhưng khi nằm một mình quạnh quẽ ở phòng trọ nơi đất khách quê người, họ cảm thấy buồn bã, hụt hẫng, tủi thân, nhớ bố mẹ, nhớ làng quê, nhớ hội hè thôn xóm.
Và trả “mừng tuổi” về nguyên giá trị
Trước tình cảnh đó, có một số đưa ra “bí kíp” về quê lì xì mà không bị tốn kém. Theo đó, người lì xì nên chọn ra mấy chục bao lì xì, cho tiền mệnh giá thấp nhất là 5 nghìn,10 nghìn, 20 nghìn, 30 nghìn, cao nhất 50 nghìn. Và 80 - 90% là mệnh giá tiền nhỏ nhất. Sau đó cho vào bao lì xì có loại tiền to vào, rồi người lì xì phát biểu với mọi người: “Năm nay, tôi áp dụng lì xì theo kiểu “xổ số” ai bốc được bao lì xì bao nhiêu thì nhận lộc bấy nhiêu. Và chúc cho người nhận sẽ may mắn gấp 1.000 lần như vậy”.
Một “bí kíp” khác, người lì xì vào chùa xin thầy viết tặng 30 hay 50 miếng giấy đỏ, mỗi miếng chỉ có 4 từ “Bình an” và “May mắn”. Hoặc đơn giản nhất, người lì xì xin các miếng giấy đỏ luôn có sẵn ở các chùa tượng trưng cho tài lộc, mang về cho vào bao lì xì.
Khi đi chúc Tết hay khi có khách đến nhà, lúc tụ tập gia đình đông đúc, người lì xì tuyên bố dõng dạc: “Năm nay mình áp dụng lì xì không phải bằng tiền. Vì tiền chưa chắc mang đến may mắn. Tôi lì xì mọi người câu chúc lấy lộc đầu năm của nhà chùa”.
Có người làm theo cách mua 30 tờ xổ số cho vào các bao lì xì và tặng mọi người.
Lại có người dùng cả ba chiêu. Chia phong bì làm 3 loại: Mua vé số chiều mai bỏ vào, ngày nào mua ngày ấy vài tờ, cũng xin ở chùa vài miếng giấy đỏ về viết chữ bình an lên mặt chính tờ giấy, mỗi phong bì cho 20 nghìn vào. Tới khi lì xì, mang ra 1 xấp chừng 20 phong bì và dõng dạc: “Có 3 tất cả là 3 loại bao lì xì: Bình an, may mắn và tài lộc. Tất cả chỉ là tượng trưng, của ít lòng nhiều, chúc cho… ai nhận được loại nào thì sẽ nhận được gấp 1.000 lần như vậy”.
Để trả lại ý nghĩa cho tục lì xì tốt đẹp trong ngày sum họp đầu năm, ngay từ trong gia đình, cha mẹ cần dạy cho trẻ hiểu ý nghĩa của những đồng tiền mừng tuổi, là thể hiện tình cảm yêu thương, quan tâm giữa những người trong gia đình với nhau.
Vì thế, phải biết quý trọng và giữ gìn những đồng tiền được tặng như một điều may mắn trong năm mới chứ không phải ở mệnh giá của nó. Ngoài ra, phụ huynh không nên đem số tiền con cháu mình được lì xì ra làm đề tài bình phẩm, khen chê vì sẽ vô tình làm cho trẻ hiểu sai về mục đích tốt đẹp của văn hóa chúc Tết.
Lì xì là một tên gọi của tục lệ trong dịp Tết Nguyên đán ở các nước Á Đông và Việt Nam, đó là lệ đặt tiền vào chiếc phong bì nhỏ có trang trí màu vàng son rực rỡ để mừng tuổi trẻ em. Trong phương ngữ miền Nam của tiếng Việt, tiền ấy được gọi là tiền lì xì.
Tục lệ lì xì đầu năm mới đã có từ thời xa xưa, xuất xứ từ Trung Quốc. Tương truyền, có một con yêu quái chuyên xuất hiện vào đêm giao thừa, thích xoa đầu những đứa trẻ đang ngủ ngon giấc làm chúng bị sốt cao hoặc trở nên ngớ ngẩn. Vì thế, những gia đình có con nhỏ phải thức cả đêm để canh không cho yêu quái làm hại con mình.
Một lần, 8 vị tiên đi ngang thấy vậy liền hóa thành những đồng tiền nằm bên chỗ mấy đứa trẻ, cha mẹ chúng cũng đem gói những đồng tiền này vào tấm vải đỏ để xua đuổi yêu quái. Không ngờ phép lạ ấy lại thật sự hữu dụng. Khi con quái vật đến, những đồng tiền lóe lên khiến nó sợ phải bỏ chạy.
Câu chuyện này nhanh chóng lan truyền khắp nhân gian. Từ đó, mỗi lần Tết đến, người ta lại bỏ tiền vào trong những cái túi màu đỏ tặng trẻ con, để trẻ chóng lớn, khỏe mạnh và hành động đó chính là lì xì hay còn gọi là mừng tuổi đầu năm mới.
Lì xì đầu năm là một phong tục văn hóa tốt đẹp của người Việt, cũng như nhiều nước trong khu vực, với mong muốn những điều tốt đẹp may mắn sẽ đến từ những ngày đầu năm mới. Lì xì không chỉ giới hạn trong mùng một Tết mà có thể lì xì trong suốt ba ngày đầu năm, thậm chí kéo dài đến tận những ngày mùng 9, mùng 10 của Tết.
Phong bao lì xì cũng mang nhiều ý nghĩ tốt đẹp tượng trưng cho sự kín đáo – không muốn có sự so bì, xích mích, không vui trong ngày Tết. Bao lì xì thường có màu đỏ, với người châu Á màu đỏ là một trong những màu cát tường nhất trong những lễ hội. Hơn nữa, phong bao lì xì còn tượng trưng cho tài lộc, nhiều người cho rằng người cho đi hay nhận được càng nhiều bao lì xì thì người ta càng tin rằng mình đã phát tài, phát lộc.
Ở Việt Nam, phong tục lì xì ngày tết không giới hạn trong ngày mùng 1 mà nó còn kéo dài suốt 3 ngày đầu năm hoặc dài hơn như ngày mùng 9, mùng 10 nếu như vẫn còn chơi tết. Việc lì xì ngày tết theo phong tục Việt Nam có ý nghĩa khá tốt đẹp như là một lời chúc ý nghĩa nhất, mong muốn những điều tốt lành đến với mọi người.