Huyền thoại và sự thật
Nalanda dù giờ đây chỉ còn những phế tích, nhưng mỗi ngày, hàng ngàn du khách vẫn từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Họ cúi đầu tri ân một thánh tích, trường đại học Phật giáo đầu tiên của nhân loại, nơi học tập của những vị thánh tăng, triết gia và những nhà khoa học vĩ đại…
Nalanda, Học viện Phật giáo cổ xưa nhất, là nơi mà những tín đồ Phật giáo khắp nơi trên thế giới, dù chưa đến, nhưng không mấy ai là không biết đến. Chỉ riêng cái tên Nalanda đã là cả một huyền thoại, với rất nhiều giả thuyết.
Nhà sư Huyền Trang, người nổi tiếng với tác phẩm “Đại Đường Tây vực kí”, đồng thời cũng là nhà sư đã đi vào huyền thoại của Trung Quốc, đã từng lý giải về cái tên, rằng nơi này có một hồ nước và có một con rồng (naga) tên là Nalanda sống, nên về sau ngôi tự viện được xây dựng ở đây đã được đặt theo tên con rồng này, rồi sau đó nơi đây được xây dựng thành học viện quy mô thế giới trước công nguyên.
Ngoài ra, một số đại sư và nhà nghiên cứu có nhiều cách lý giải khác cho tên gọi này, trong đó, Nalanda có nghĩa là “Tài năng vô tận” hay “Lòng khoan dung không bao giờ ngừng”.
Nalanda nằm gần thành Vương Xá (Rājagaha, Rajgir), một thánh tích Phật giáo quan trọng, được nhắc nhiều trong kinh Phật và các truyện kể về đức Phật.
Câu chuyện về Nalanda có lẽ nên bắt nguồn từ trước khi trường học này được xây dựng rất lâu, từ khi nó còn là ngôi làng Bragoan có vườn xoài nổi tiếng Pavarika trù phú, phồn thịnh. Ngày ấy, khi đức Phật đi từ Vương Xá thành đến Hoa Thị thành (một thành phố cổ, sau này là nơi diễn ra lần kết tập kinh điển thứ 3), ngài thường dừng lại ở Nalanda để giảng kinh.
Trong nhiều bộ kinh thuật lại lời Đức Phật đều có nhấn mạnh về sự phồn vinh và kính Phật của cư dân nơi này. Kinh Phật cũng có kể, một tiền kiếp của đức Phật từng là một vị quốc vương đóng đô ở đây. Nơi đây cũng là quê hương của hai vị Bồ Tát nổi danh của Phật giáo, ngài Mục Kiền Liên và ngài Xá Lợi Phất. Những điều này đều cho thấy rằng, việc Nalanda trở thành trường Phật học cổ xưa và vinh quang nhất của nhân loại, đã bắt nguồn từ những nhân duyên lớn lao và sâu xa như thế.
Cho đến nay, vẫn chưa có sự xác định chính xác tuyệt đối thời điểm Nalanda được xây dựng, nhưng về sự tích hình thành nên ngôi trường này, khá nhiều ý kiến thống nhất cho rằng, xuất phát từ việc đây từng là quê hương của hai vị Bồ Tát Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất.
Sau khi hai vị nhập diệt, các vị hoàng đế sau này đã lập nhiều khu vực tưởng niệm, ghi nhớ hai ngài, dần dà những nơi này trở thành nơi tụ họp của những người yêu mến đạo Phật và phát triển thành Đại học Nalanda.
Đại học Nalanda không chỉ là học viện Phật giáo đầu tiên trên thế giới, mà có thể coi là trường đại học quốc tế đầu tiên của nhân loại, một trong những nền móng lớn lao của nền giáo dục nhân loại nói chung và Phật học nói riêng.
Một đoàn học sinh Ấn Độ đến tham quan di tích |
Cách giáo dục đầy phóng khoáng và dân chủ
Nalanda nhận được sự bảo hộ của các vị hoàng đế theo Ấn giáo thời Đế quốc Gupta cũng như các vị hoàng đế theo Phật giáo như Harsha và những hoàng đế của Đế quốc Pala thời kỳ sau đó. Trường phát triển rực rỡ nhất ở giai đoạn từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ XII. Ngôi trường rộng tương đương 14ha, từng ghi nhận có hai ngàn giáo sư và mười ngàn sinh viên theo học mỗi năm.
Thời ấy, Nalanda vang danh bốn biển, là trường học mơ ước của biết bao người trên khắp thế giới. Trường học có sinh viên từ rất nhiều đất nước: Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Triều Tiên, Nhật Bản, Tây Tạng… và cả Việt Nam.
Nhưng để được trở thành sinh viên tại đây quả thật không dễ dàng. Việc thi tuyển vào học viện Nalanda cực kì nghiêm túc và khó khăn. Ban giám khảo cuộc thi tuyển gồm những học giả Ấn Độ cực kì nổi tiếng và giỏi chuyên môn.
Cứ 10 thí sinh đi thi thì đến 8 người bị đánh rớt và hầu hết đều kiên trì ôn luyện trở lại cho đến khi thi đậu. Các ghi chép cho thấy, không hề có trường hợp gian lận hay ưu tiên, đặc cách nào. Chỉ duy nhất khi đủ trình độ học vấn và vượt qua cuộc khảo hạch gian nan, thí sinh mới có tư cách nhập học.
Trường có rất nhiều ngành học khác nhau chứ không chỉ riêng về Phật học, bao gồm triết học, chiêm tinh học, y học, ngôn ngữ học, yoga và nhiều khoa học khác. Phương pháp giảng dạy ở Nalanda là giáo sư giảng bài, kèm theo thảo luận xung quanh các câu hỏi của sinh viên. Cách học thịnh hành nhất của Nalanda là tranh biện. Các cuộc thảo luận, biện luận tại Nalanda có thể kéo dài hàng buổi, hàng ngày trời.
“Mỗi ngày, trường bố trí có tới khoảng hơn một trăm bục giảng, dành cho thuyết trình và tranh luận”, ghi chép của pháp sư Nghĩa Tịnh, nhà sư nổi tiếng thời Đường cho thấy. Và trong ghi chép của mình trong quá trình theo học, Đại sư Huyền Trang có kể về một số buổi tranh biện lý thú và nhận định, dù trải qua hơn 700 năm từ khi thành lập, trường vẫn rất nền nếp, kỉ luật, tranh luận trong bầu không khí hòa nhã.
Có thể nói, một không khí học tập đầy cởi mở, tiến bộ, dân chủ và lịch thiệp đã hình thành tại ngôi trường này, từ thời sơ khai của nền giáo dục nhân loại. Theo ghi chép từ các vị sư và những nhân vật lịch sử từng theo học tại trường, đây không chỉ là nơi sinh viên theo học, mà còn là nơi nhiều học giả, nhà tu hành nổi tiếng thế giới tìm đến để tu nghiệp, hoặc tìm câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa trong quá trình nghiên cứu của mình.
Vị hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường này là đại sư Giới Hiền (Silabhabra). Nalanda còn là nơi theo học của nhiều vị sư nổi tiếng thế giới, được tôn hàng thánh tăng, ngoài đại sư Huyền Trang và Nghĩa Tịnh, còn có cao tăng Pháp Hiển, Bồ tát Long Thọ và nhiều vị đạo sư nổi tiếng của các tôn giáo khác cùng các nhà khoa học. Đại học Nalanda cũng là nơi đặt nền móng cho triết học Phật giáo Đại Thừa được phát triển mạnh mẽ về sau.
Giọt nước mắt trên phế tích
Nalanda ngày nay nằm ở bang Bihar. Khi chúng tôi đến, không khỏi ngỡ ngàng vì quang cảnh trước mắt quá khác biệt so với những gì đã được đọc, được nghe. Ngôi trường đại học quốc tế đầu tiên của loài người giờ đây chỉ còn là một mảnh đất trống trải phơi mình dưới cái nắng gay gắt.
Những bức tường gạch cổ này từng là tu viện, giảng đường thời Nalanda hưng thịnh |
Nalanda đã chính thức bị hủy diệt vào năm 1193, khi những người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự chỉ huy của Bakhtiyar Khilji đánh phá nơi này, họ giết sạch tăng đoàn, các sinh viên, đập phá công trình xây dựng và đốt sạch các tài liệu quý báu, hủy đi một phần kiến thức vĩ đại của thời đại. Chính cuộc xâm lược tàn bạo này đã đánh dấu sự suy tàn của Phật giáo tại Ấn Độ. Từ đó, Nalanda không còn nữa.
Thế kỉ 19, Nalanda bắt đầu được biết đến trở lại nhờ nhiều cuộc khai quật của giới khảo cổ. Kết quả nhiều cuộc khai quật đã dần dà phác thảo lại quy mô của Nalanda cổ xưa, với 11 tu viện, 5 chùa, mỗi tu viện có giảng đường, rồi các khu kí túc xá cho sinh viên theo học, nhà giảng sư…
Giờ đây, dưới ánh nắng chói chang tháng mười, những hàng gạch nung đỏ mấy ngàn năm đang nằm lặng lẽ. Chỉ còn là chân gạch, góc tường nhấp nhô, không còn phòng ốc, tu viện lẫn giảng đường đâu cả.
Điều đẹp đẽ còn lại là những bóng cây có lẽ trải qua hàng ngàn năm, những trảng cỏ chạy ngút ngàn, nơi mà ngày xưa, có lẽ in không biết bao nhiêu dấu chân của sinh viên, nhà nghiên cứu, tăng sĩ… Trên mảnh đất xưa, giờ đây còn có một số di tích tưởng niệm các nhân vật lịch sử từng theo học và Viện bảo tàng khảo cổ Nalanda, nơi lưu giữ những gì còn sót lại của Nalanda.
Bên một tường gạch rêu phong cũ kĩ, một vị giáo sư người Anh chắp tay cầu nguyện. Và một giọt nước mắt rơi xuống từ mi mắt của ông. Chẳng biết con người ấy khóc vì điều gì, vì nỗi buồn thương cho một ngôi trường từng huy hoàng, vinh quang đến thế, nay chỉ còn lại những viên gạch sẫm màu, hay vì niềm xúc động đớn đau được chạm tay vào một trong những di tích giáo dục vĩ đại của loài người.
Phía xa kia, có nhiều đoàn Phật hành hương đang lặng lẽ bước, cúi đầu. Họ biết ơn trước một thánh tích từng gieo nên những hạt mầm tri thức lớn lao, họ mặc niệm cho những con người đã qua đời, đã tử vì đạo. Vị sư dẫn đường của họ nói rằng, đó là lẽ vô thường của đời người, có đến ắt có đi, có thịnh ắt có suy. Nalanda đã hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của mình, giá trị mà ngôi trường ấy để lại cho đời là bất diệt.
Tám trăm năm sau khi Nalanda bị phá hủy, cựu Tổng thống Ấn Độ Tiến sĩ APJ Abdul Kalam, trong khi phát biểu trước Hội đồng Lập pháp bang Bihar, vào tháng 3 năm 2006 đã đưa ra ý tưởng hồi sinh Trường Đại học Nalanda. Viện Đại học Nalanda mới được tái khai giảng vào năm 2014.
Theo kế hoạch, trường sẽ tập trung vào các ngành khoa học nhân văn, kinh tế và quản lý, hội nhập châu Á, phát triển bền vững và các ngôn ngữ châu Á. Giai đoạn phát triển tiếp theo là tiến hành thành lập các khoa Kinh tế và Quản lý, Công nghệ thông tin trong số các khoa khác…