Các sỹ tử miệt mài "vượt vũ môn" ở trong phòng thi, còn bên ngoài, chỉ cách phòng thi mấy chục mét, với mấy bức tường ngăn cách là những người phụ huynh với đầy đủ các cung bậc cảm xúc. Nhiều người trong số họ, 2 chữ "Đại học", giấc mơ tri thức là 1 cái gì đó mà họ nhận ra là rất quý. Và có nó trong tay, những đứa con của họ sẽ khác họ, không cơ cực, vất vả.
Giấc mơ đại học mặn chát mùi gió biển
Thời tiết Hà Nội mấy hôm nay rất thất thường. Trời đang nóng như chảo rang bỗng dưng xuất hiện cơn mưa rào nhớp nháp. Chỉ có tâm trang của các đấng sinh thành của hàng ngàn, hàng vạn sỹ tử là chẳng thay đổi, lo lắng, phập phồng đứng ngồi không yên và cũng chẳng quan tâm trời có nắng, có mưa hay không.
Nhiều phụ huynh với đầy đủ các tâm trạng... |
“Nói cho cùng thì tấm bằng đại học ở quê tôi có giá trị lắm” – Người đàn ông tên Đoàn Anh Tuấn, trạc tuổi ngũ tuần 1 tay ôm khư khư chiếc túi chứa đầy nước, thức ăn, phe phẩy quyển sách giáo khoa văn học 12 tâm sự. Ở quê ông, 1 xã nghèo ở tít miền biển Giao Thủy, Nam Định, đám thanh niên vừa dậy thì, vỡ giọng là theo cha, anh ra biển cả. Tất nhiên, cả đời bám biển thì cuộc sống cũng chỉ như những cơn bão biển, đầy trắc trở và biến động.
Cũng có ít người được tiếng thoát ly, vào tít trong miền Nam làm cà phê, khách sạn…Đa số họ mấy năm mới về quê 1 lần, đều tỏ vẻ lắm tiền, nhiều của, và có chung 1 sở thích là đánh bạc. Những trận bạc họ “bay hơi” vài triệu, bằng vài tháng đi biển của đám thanh niên ở quê nhưng mặt chẳng ai biến sắc. Ai cũng nghĩ họ oai lắm, nhưng rồi 1 người, 2 người, rồi theo nhau cả đám lại lũ lượt về quê, kéo theo cô vợ miền Nam và đám con đen nhẻm, tóc vàng hoe vì cháy nắng. Rồi họ cũng lại bám ruộng, bám biển.
Cuối cùng, tri thức vẫn có giá nhất. 1 anh sinh viên đi học ở Hà Nội, dù hàng tháng ngốn cả 1 thuyền cá mà chưa giúp gì được cho gia đình vẫn oai. Trong cái oai đấy là niềm tự hào có khi nối dài đến cả họ. Và ai cũng sẵn sàng đánh đổi vất vả, quăng quật tính mạng cho sóng giữ vì những điều đó.
Người đàn ông Nam Định kia cũng đi biển. 2 đứa con trai đầu học hết lớp 9 cũng theo cha ra biển, để rồi cuộc sống cứ khốn đốn mãi. Được thằng con út sáng láng. Thầy cô trường làng bảo nó mà chăm chỉ hơn, có khi đậu đại học. Thế là tâm huyết của vợ chồn, gia đình ông dồn cả vào cậu út. Để mong cậu khác với ông, với cha và các anh, vừa làm gia đình tự hào, vừa thay đổi truyền thống vốn mặn mòi, chát đắng của biển.
Cậu út cũng biết niềm hi vọng của gia đình nên chăm chỉ đèn sách mong 1 ngày có thế “vinh quy”. Nhưng sức học của cậu cũng chỉ vừa vừa. Soi lên soi xuống các trường, cậu quyết thi ngành “Xã hội học” của ĐH KHXH&NV Hà Nội, dù cả 2 cha con, cũng chẳng biết cái ngành đấy học về cái gì. Chỉ biết nếu đậu, chàng sỹ tử sẽ là sinh viên, rồi cử nhân. 1 chân trời mới sẽ mở ra với cậu, không đắng đót mùi gió biển.
Ước mơ thế hệ sau "buông dao" đồ tể
Đứng lúc nhúc trong những phụ huynh trước cổng Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, gã nổi bật hơn cả với khuôn mặt khá trẻ và vẻ ngoài rất bặm trợn. Gã tên đầy đủ là Nguyễn Thành Trung, quê tít huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh xa xôi. Con trai gã đang cùng cả ngàn thí sinh khác đang miệt mài với đề thi môn văn để mong nhận được giấy báo trúng tuyển của Học viện Hành chính quốc gia. Theo lời phụ họa của người bạn đi cùng, cái nghề “đồ tể” khiến gia đình gã thuộc dạng giàu có nhất nhì trong xã. Đời gã cũng lắm gian truân, nhưng gã lại lấy vợ rất sớm. Thế nên mới 37 tuổi, con gã đã là sỹ tử thi đại học.
...Cho những giấc mơ "cá chép hóa rồng" |
Cho đến khi con trai gã mới học hết lớp 10, gã vẫn hướng cho con theo nghiệp “gia truyền”. Suy nghĩ của 1 kẻ mới chỉ học hết tiểu học đem đến cho gã suy nghĩ: “Học gì thì rồi mục đích cuối cùng cũng là kiếm tiền”. Mà công việc thì gia đình gã làm không hết. Tài khoản ngân hàng lại mỗi ngày 1 phình to. Trong khi ở làng, ở xã, khối cô cậu sinh viên khi đi học thì oai lắm, mở mày mở mặt lắm. Nhưng sau khi ra trường, có khi vài năm mới đi làm. Mà tiền lương cả tháng hì hụi nhiều khi cũng chỉ bằng bữa nhậu khao bạn bè khi gã trúng đề.
Thế rồi, cách đây 2 năm, có ông thầy cúng nửa mùa ở quê khuyên gã nên sớm bỏ dao đồ tể. Ông ta còn phán khá rùng rợn rằng: Nếu đời gã giết hại bao nhiêu con lợn, thì sau kiếp người, gã sẽ chịu từng đấy kiếp lợn để người ta giết. Mà gã thì vốn mê tín. Đời gã cũng đã chính tay hóa kiếp hàng vạn con lợn. Những khi năm hết tết đến, mỗi ngày vài chục con chết dưới tay gã là chuyện bình thường. Hoảng sợ, nhưng gã rút lui cũng không kịp nữa rồi. Vì gia đình với 6 miệng ăn trông cậy cả vào cái nghề đồ tể của gã.
Cuối cùng, gã quyết định rất nhanh, các con gã, 3 trai, 1 gái không ai được nối nghiệp gã. Thế là thằng con đầu lòng vốn lêu lổng bỗng dưng bị bố ép học ngày học đêm. Các thầy cô có tiếng trên huyện cũng được mời đến dạy phụ đạo. Cuối cùng, vì kiến thức bị mất quá nhiều, các thầy cô đành ép học sinh học theo kiểu học tủ để đi thi may ra trúng. Con gã thi cả 2 khối A và C. Khối A, sau khi thi Đại học Hà Tĩnh, cậu sỹ tử gần như chắc chắn trượt. Còn khối C, thi Học viện Hành chính, sau 2 ngày đầu làm bài bết bát, môn Văn cuối cùng chắc cậu ta cũng chỉ thi cho đúng thủ tục.
“Năm nay trượt năm sau lại thi, cho đỗ thì thôi. Không vào được đại học thì vào cao đẳng, trung cấp, kiểu gì nó cũng phải thành trí thức. Còn không, cũng chỉ còn đường đi làm lái xe, công nhân…Mà những cái nghề đó, chắc cũng khó sống, rồi cũng quay lại nghề đồ tể của bố. Mà như thế thì tôi không cam tâm” – Gã than thở.
Còn nhiều, nhiều nữa cũng như 2 người phụ huynh kia, với những hi vọng, gửi gắm vào những đứa con, những sỹ tử đang ngồi trong phòng thi. Tất cả họ, cuộc đời đã khổ rồi, cũng vì ít học, thiếu chữ. Và với họ, những giấc mơ tri thức gửi vào thế hệ sau, có lẽ, không bao giờ là quá muộn.
Hoàng Phan