Chuyện các "nghị sỹ" trở về từ Quốc hội

Có thể vẫn có người nghĩ rằng, việc chính của các đại biểu quốc hội (ĐBQH) là ngồi họp, trước họp là tiếp xúc cử tri nắm bắt tình hình, sau họp là báo cáo kết quả; có thể còn nhiều người chưa biết, để làm tròn trách nhiệm người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước, mỗi ĐBQH có nhiều nhiệm vụ phải thực hiện

Cuối năm, dường như ai nấy đều vội vã thu vén nốt công việc trong năm để thảnh thơi nhìn lại, kiểm đếm xem mình đã làm được gì. Cũng vào thời điểm cuối năm này, tôi có vinh dự cùng các đại biểu quốc hội Đoàn Thái Nguyên nhìn lại công việc của một năm, với góc nhìn khác: Góc nhìn phía sau hội trường, phía sau bàn nghị sự.

Có thể vẫn có người nghĩ rằng, việc chính của các đại biểu quốc hội (ĐBQH) là ngồi họp, trước họp là tiếp xúc cử tri nắm bắt tình hình, sau họp là báo cáo kết quả; có thể còn nhiều người chưa biết, để làm tròn trách nhiệm người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước, mỗi ĐBQH có nhiều nhiệm vụ phải thực hiện, đó là tham gia các phiên họp toàn thể của quốc hội, các cuộc họp của tổ, của đoàn đại biểu; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của quốc hội. Để làm tròn trọng trách trên, lao động quá khứ bên ngoài hội trường, bên ngoài cuộc họp còn nặng nề hơn những gì cử tri giám sát được.

Năm 2009 của các ĐBQH đã khép lại với 2 kỳ họp (thứ 5 và thứ 6). Riêng kỳ cuối năm là kỳ họp dài nhất từ đầu khóa 12 đến nay với 32 ngày thực họp, những kỳ họp khác khoảng 25-26 ngày. Trong bối cảnh đất nước có nhiều diễn biến phức tạp, kỳ họp phải nghe và cho ý kiến vào nhiều dự án, quyết đáp nhiều vấn đề quan trọng của quốc gia. Riêng về xây dựng luật đã cho ý kiến vào 18 dự án, trong đó 11 dự án luật đã được thông qua. Nhận xét về hiệu quả làm việc của Đoàn ĐBQH tỉnh, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó trưởng đoàn chuyên trách khẳng định: 7 ĐBQH của tỉnh Thái Nguyên đã có một năm làm việc hết mình, biểu hiện bằng 100% thành viên của đoàn có ý kiến phát biểu trên hội trường cũng như tại các buổi thảo luận tổ, góp nhiều ý kiến xác đáng vào các dự thảo luật. Nhiều ý kiến nhận được sự đồng tình cao của đại biểu cả nước và được Ban soạn thảo của quốc hội ghi nhận. Ví dụ, góp ý vào sửa đổi Luật thuế giá trị gia tăng và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Văn Vượng bày tỏ e ngại cách hỗ trợ thông qua doanh nghiệp sẽ khó đến trực tiếp với người có nhu cầu nhà ở, ý kiến này được nhiều đại biểu tán thành. Với kinh nghiệm nhiều năm xây dựng pháp luật, đại biểu Lê Thị Nga đã thẳng thắn đề nghị không nên bỏ quy định về lãi suất cơ bản trong dự thảo Luật ngân hàng Nhà nước (NHNN) (sửa đổi) vì lãi suất cơ bản là một nội dung rất quan trọng, đây không chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị, xã hội, thể hiện vai trò định hướng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, nhằm góp phần ổn định kinh tế - xã hội. Đại biểu Nga cũng chất vấn trách nhiệm của Thống đốc NHNN trong việc đồng tiền Việt Nam bị trượt giá, trong việc phát hành và sử dụng đồng tiền kim loại cũng như đề xuất các giải pháp để phát huy hiệu quả của đồng tiền kim loại. Mỗi đại biểu với thế mạnh của mình đi sâu vào khía cạnh: Đại biểu Phan Văn Tường phát hiện: tỷ lệ người tham gia huấn luyện dân quân tự vệ thấp (đặc biệt là trong doanh nghiệp), do kinh phí hạn chế. Qua thực tiễn nắm được, anh đưa ra ý tưởng: Những người trong độ tuổi dân quân tự vệ lực lượng rộng rãi có nghĩa vụ tham gia huấn luyện 7 ngày/năm, thời gian do cơ quan tự bố trí. Từ đó chọn ra lực lượng tự vệ nòng cốt, số người này mới được hỗ trợ kinh phí để hoạt động theo quy định. Hiện nay tất cả dân quân tự vệ tham gia tập luyện đều hỗ trợ kinh phí, như vậy rất tốn kém và vì thế số lượng người tham gia huấn luyện rất hạn chế. Đại biểu Nguyễn Văn Thời lại có thế mạnh ở mảng sản xuất kinh doanh, ông ý kiến về việc cần thiết có gói kích cầu thứ 2 của Chính phủ, nhưng đề xuất tập trung vào mục tiêu dài hạn, ưu tiên mặt hàng xuất khẩu; về việc Công ty quản lý vốn nhà nước hiện làm việc chưa hiệu quả, kiến nghị chuyển sang đầu tư vốn qua doanh nghiệp. Đặc biệt, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh là người rất gương mẫu trong vai trò ĐBQH, những ý kiến của ông thể hiện sự gợi mở, định hướng sát thực tế, cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho các đại biểu.

Tuy nhiên, để có 1 ý kiến phát biểu trong thời gian 7 phút cho phép trên hội trường tại phiên họp toàn thể, mỗi đại biểu phải lao động nhiều ngày, giờ trước đó. Ông Đỗ Mạnh Hùng cho biết:  ĐBQH phải có vốn thực tiễn, phải thấu hiểu cơ sở, lắng nghe, tư duy, phân tích chứ không phải là người phát ngôn, không phải là cầu trung chuyển giữa địa phương và Quốc hội, tóm lại anh phải có trách nhiệm cao trước cử tri.

Điều đáng nói là các ĐBQH của Thái Nguyên không sa vào nêu hiện tượng mà  thường đề cập những vấn đề ở tầm vĩ mô, kèm theo đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề. Những việc liên quan đến địa phương thường được tranh thủ gặp gỡ trao đổi ngoài cuộc họp. Trong thời gian họp quốc hội của năm nay, Đoàn đã thiết kế và cùng với lãnh đạo tỉnh có 3 cuộc làm việc với Bộ Giáo dục- Đào tạo, với Phó Chủ tịch Quốc hội và một số ủy ban của QH, với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Các cuộc làm việc đã góp phần không nhỏ vào việc sớm khởi công Dự án đường cao tốc quốc lộ 3; vào việc đề nghị tăng cường hơn 2000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho Thái Nguyên đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm.

Được biết, ở mỗi kỳ họp, số lượng tài liệu đại biểu cần nghiên cứu xếp cao hàng mét. Để góp ý vào một dự thảo luật, không chỉ đọc dự thảo luật đó mà còn các báo cáo giải trình, tài liệu tham khảo trong nước và quốc tế. Một kỳ họp có khoảng 18-20 buổi thảo luận, chất vấn ở hội trường, 16-18 buổi thảo luận tổ, tại kỳ họp, các ủy ban của quốc hội thường phải tranh thủ làm việc vào các buổi tối (5/7 đại biểu của Thái Nguyên tham gia các ủy ban), chưa kể còn giải quyết các công việc khác ở địa phương. Trung bình mỗi ngày ĐBQH làm việc 13 -14 tiếng, hầu như không có ngày nghỉ. Đại biểu Nguyễn Văn Vượng thường phải bố trí làm việc và chủ trì các hội nghị vào thứ bảy hoặc chủ nhật. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng thì về tiếp dân vào ngày chủ nhật để tiếp thu và giải tỏa các bức xúc của cử tri…

Trở về từ kỳ họp, bộ phận giúp việc cũng đã có những ngày làm việc căng thẳng. Theo quy định, mỗi đoàn có 2 cán bộ, chuyên viên phục vụ: ăn nghỉ, nhận, phát tài liệu cho Đoàn. Nhưng riêng khóa 12 này, bộ phận giúp việc của đoàn ĐBQH Thái Nguyên có nhiệm vụ mới: thông tin thường xuyên về những hoạt động của Đoàn trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri của tỉnh giám sát. Vì vậy, ông Nguyễn Đình Hải, Phó phòng Thông tin dân nguyện và các cộng sự của mình đã trở thành những phóng viên lành nghề vừa quay camera, chụp ảnh, viết tin bài truyền về Đài, Báo ngay sau khi sự việc diễn ra. Để bổ trợ cho nhiệm vụ này, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh đã hỗ trợ tập huấn quay ca mê ra, thiết lập phần mềm chuyển hình ảnh về Đài. Báo Thái Nguyên luôn có người túc trực nhận tin, bài chuyển về hòm thư điện tử để kịp thời đưa lên báo in và báo mạng.

Ông Nguyễn Đình Hải nhận xét: Vất vả hơn nhiều bộ phận giúp việc của các Đoàn khác nhưng chúng tôi thấy lớn lên về nhiều mặt. Nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ báo ăn, nhận - phát tài liệu là xong, chúng tôi còn giúp các đại biểu tra cứu tài liệu, tham mưu khi yêu cầu, thông tin tuyên truyền, tổng hợp báo cáo, chắp nối tổ chức các buổi họp ngoài lề. Muốn viết được tin, bài, chúng tôi phải nắm bắt được ý tưởng, phải hiểu vấn đề đại biểu nói đến vì thế vốn kiến thức ở nhiều lĩnh vực giàu có lên. Chúng tôi cũng rèn được phong cách làm việc nhanh, chính xác; rèn luyện tư duy khoa học mới đáp ứng được yêu cầu của các ĐBQH.

Một năm vất vả đã khép lại, những gì các ĐBQH đoàn Thái Nguyên đã làm được thời gian qua đã đáp ứng yêu cầu của cử tri. Một năm làm việc nhiệt huyết, năng động của các ĐBQH tỉnh ta đã góp phần vào thành công của các kỳ họp và quan trọng hơn, đã đáp ứng được lòng mong mỏi, tin cậy của cử tri.

          Năm 2010 đang đến với nhiều ước vọng và thách thức mới. Những nghị sỹ Thái Nguyên tiếp tục liên hệ chặt chẽ, tiếp xúc, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cử tri, mang trí tuệ và đạo đức của mình góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, xứng đáng là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.