Các kết quả này đã góp phần thực hiện tốt Chương trình hành động của ngành Tư pháp trong triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/1/2016 của Chính phủ liên quan đến nội dung “Tập trung giải quyết các vụ việc thi hành án dân sự (THADS) liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng” (gọi tắt là nợ xấu). Bên cạnh đó, chúng còn thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống THADS (19/7/1946 – 19/7/2016).
Sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành
Xin ông chia sẻ một số kết quả đạt được sau hơn 01 năm thực hiện Quy chế số 01?
- Sau khi ban hành Quy chế có hiệu lực, việc quán triệt, triển khai thực hiện Quy chế đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp chỉ đạo, tổ chức triển khai nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao nên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đó là việc thành lập, kiện toàn Tổ công tác chỉ đạo xử lý nợ xấu tại Tổng cục THADS và Tổ chỉ đạo xử lý nợ xấu tại các Cục THADS cấp tỉnh để định hướng, chỉ đạo, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành các vụ việc liên quan. Về việc ký kết Quy chế phối hợp tại địa phương, hiện có 47/63 Cục đã ký Quy chế phối hợp với Chi nhánh của Ngân hàng Nhà nước; 8 đơn vị dự kiến ký trong thời gian tới. Ngoài ra, một số Cục còn ký kết Bản ghi nhớ với ngân hàng có nhiều vụ việc THADS về việc phối hợp trong công tác THADS.
Nổi bật hơn cả là kết quả thi hành án có liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Tổng hợp thống kê năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy, số việc phải thi hành cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng là 33.365 việc, tương ứng với số tiền phải thi hành khoảng 130 nghìn tỷ đồng. Số việc đã thi hành xong được 4.282 việc, tương ứng với số tiền gần 24 nghìn tỷ đồng. Nếu xét riêng kết quả thi hành án xong về án tín dụng, ngân hàng theo năm thì năm 2015 đã tăng gấp khoảng 4 lần số việc và gấp 3 lần số tiền so với cùng kỳ năm 2014, còn 6 tháng đầu năm 2016 đã tăng trên 41% số việc và tăng hơn 30% số tiền so với cùng kỳ năm 2015.
Ông nhận định như thế nào về những kết quả trên?
- Có thể khẳng định, việc ký kết Quy chế phối hợp giữa hai ngành là một trong số nguyên nhân quan trọng tạo ra sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động trong toàn hệ thống, từ các đơn vị thuộc Tổng cục đến các cơ quan THADS địa phương đã nhận thức rõ ràng hơn về trách nhiệm tổ chức thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng; tích cực, chủ động, quyết liệt hơn trong việc xác minh, kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án.
Các tổ chức tín dụng, ngân hàng đã chủ động phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan THADS cũng như phối hợp với các đơn vị liên quan để giải quyết vướng mắc trong việc thi hành án. Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang “ấm dần” nhưng bất động sản liên quan đến thi hành án dân sự vẫn còn trầm lắng mà kết quả thi hành các bản án liên quan đến tín dụng, ngân hàng tăng lên đáng kể so với cùng kỳ năm trước đã thể hiện sự nỗ lực phấn đấu của cơ quan THADS trong cả nước. Có được kết quả trên, do nhiều yếu tố tác động song một trong những nguyên nhân chủ yếu là việc phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức tín dụng, ngân hàng với cơ quan THADS.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Sơn. |
Nghiên cứu đa dạng hóa các hình thức phối hợp
Được biết, một trong những vướng mắc, khó khăn khi THADS liên quan đến tín dụng, ngân hàng là bán đấu giá tài sản thế chấp để đảm bảo thi hành án. Theo ông, việc thực hiện Quy chế số 01 đã tháo gỡ vấn đề này ra sao?
- Hiện nay, tuy thị trường bất động sản đã ấm dần nhưng sự đóng băng kéo dài đã trực tiếp ảnh hưởng đến việc xử lý tài sản của người phải thi hành án và tính thanh khoản của thị trường, trực tiếp là thị trường bất động sản nên việc bán tài sản để đảm bảo việc thi hành án còn gặp khó khăn, có nhiều vụ việc phải hạ giá nhiều lần, thời gian kéo dài nhưng vẫn không thành công. Mặt khác, có tâm lý ngại mua tài sản bán đấu giá liên quan đến thi hành án cũng là nguyên nhân của tình trạng nêu trên.
Về phía tổ chức tín dụng, ngân hàng cũng còn lúng túng trong việc nhận tài sản bán đấu giá để trừ vào khoản được thi hành án, nhiều trường hợp người phải thi hành án - khách hàng của ngân hàng thiếu hợp tác, trốn tránh, gây khó khăn của việc xử lý tài sản đã thế chấp. Người phải thi hành án trong các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng thông thường đã mất khả năng thanh toán và có nguy cơ bị xử lý tài sản nên họ chây ỳ, cố tình chống đối việc thi hành án bằng nhiều phương cách khác nhau...
Để khắc phục tình trạng trên, cơ quan thi hành án xác định xử lý nợ liên quan đến tín dụng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của hệ thống các cơ quan THADS, nhất là những địa bàn trọng điểm; phối hợp tổ chức trên tất cả các tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng có giá trị phải thi hành lớn.
Hơn nữa, Tổng cục sẽ chỉ đạo các địa phương nơi có nhiều án tín dụng, ngân hàng, tập trung vào những nơi có bản án, quyết định đang trong quá trình tổ chức thi hành có vướng mắc, cần tích cực phối hợp triển khai Quy chế phối hợp; tăng cường công tác kiểm tra trực tiếp của Tổng cục đối với các cơ quan thi hành án.
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng cục nói chung và phát huy vai trò của Tổ công tác chỉ đạo xử lý nợ xấu ở Tổng cục và ở từng địa phương trong công tác xử lý nợ xấu và như vậy việc thực hiện tốt Quy chế phối hợp đã góp phần tháo gỡ khó khăn trong việc xử lý tài sản thi hành án.
Việc thẩm định, nhận thế chấp tài sản chưa chặt chẽ có gây khó khăn cho công tác THADS không, thưa ông?
- Trong quá trình tiến hành thẩm định, cho vay, một số trường hợp ngân hàng chưa thực hiện chặt chẽ đúng quy trình, quy định; không xác định rõ hiện trạng tài sản, không thẩm định kỹ nguồn gốc, giá trị tài sản hoặc một tài sản được thế chấp cho nhiều nơi.
Có trường hợp ngân hàng chỉ nhận thế chấp là quyền sử dụng đất mà không nhận thế chấp tài sản trên đất, hoặc nhận thế chấp cả tài sản xây dựng trên đất lưu không, nằm trong quy hoạch; giá trị tài sản thế chấp cao hơn nhiều giá trị thực tế của tài sản; tài sản thế chấp là động sản nhưng khi xác minh thì tài sản không còn hoặc còn nhưng không đúng thực trạng ban đầu nên rất khó xác định chủ sở hữu; tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất nhưng không có bản vẽ hiện trạng, không xác định mốc giới nên khi cơ quan THADS tiến hành xác minh đo vẽ thì có sự chồng lấn quyền sử dụng đất...
Do vậy, đến giai đoạn thi hành án, cơ quan thi hành án gặp rất nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác THADS.
Để tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan trong công tác phối hợp, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS có đề xuất gì, thưa ông?
- Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong công tác THADS, Tổng cục THADS đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường công tác phối hợp và nghiên cứu đa dạng hóa các hình thức phối hợp có hiệu quả giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp, các đơn vị liên quan thuộc hai ngành, nhất là các cơ quan THADS và các tổ chức tín dụng cũng như chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước các chi nhánh ở địa phương tiến hành kiểm tra thực hiện Quy chế phối hợp, rà soát tình hình thi hành án cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn; phối hợp tìm giải pháp về thể chế, cơ chế để xử lý tài sản trong THADS liên quan đến tổ chức tín dụng từ khâu cho vay, xét xử đến thi hành án.
Tổng cục cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng khi lập hồ sơ cho vay vốn cần tổ chức thẩm định hồ sơ chặt chẽ về tình trạng tài sản thế chấp, bảo lãnh, thẩm định giá theo đúng giá trị thực tế và đánh giá tác động về biến động giá trị của tài sản trong tương lai gần…
Tổng cục THADS đề nghị Ban Chỉ đạo thi hành án các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc thi hành án nói chung và các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng nói riêng để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự cũng như công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, ngân hàng được hiệu quả và góp phần chào mừng 70 năm Ngày truyền thống THADS (19/7/1946 – 19/7/2016).
Trân trọng cảm ơn ông!