Năm 2010 là năm cuối thực hiện chiến lược Dân số và phát triển tỉnh Nam Định giai đoạn 2001-2010 với mục tiêu: “Thực hiện gia đình ít con (một hoặc hai con), khoẻ mạnh, tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, nâng cao chất lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu CNH-HĐH đất nước”. Sau 10 năm thực hiện, tỉnh ta đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản của chiến lược Dân số và phát triển giai đoạn 2001-2010. Thông qua công tác tuyên truyền vận động, nhận thức của toàn xã hội về công tác Dân số - KHHGĐ đã được nâng lên rõ rệt. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về công tác Dân số - KHHGĐ đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành và từng bước tăng cường nguồn lực cho chương trình. Trong các tầng lớp nhân dân, quan niệm về hôn nhân, sinh đẻ đã có nhiều chuyển biến tích cực và đã chuyển đổi hành vi về dân số. Ngày càng có nhiều cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, thực hiện mô hình gia đình ít con (một hoặc hai con) xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Hiện nay, tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt gần 80%; tỷ suất sinh từ 18,6%o (phần nghìn) năm 2000 đã giảm xuống 15,69%o (phần nghìn) năm 2010; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên khoảng 1%; tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 18,7% năm 2000 xuống còn 13,72% năm 2010. Kết quả đó đã góp phần thiết thực vào chương trình “xoá đói giảm nghèo”, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, nâng cao chất lượng dân số, tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.
Chi cục Dân số - KHHGĐ tổ chức hội thảo về mất cân bằng giới tính khi sinh tại huyện Ý Yên.
Ảnh: Xuân Thu
|
Tuy mục tiêu làm giảm tốc độ gia tăng quy mô dân số ở tỉnh ta đã đạt được, song nhìn chung kết quả giảm sinh chưa thật sự vững chắc, tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn cao và mức sinh cũng còn chênh lệch nhiều giữa các huyện, thành phố, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương do tư tưởng “trọng nam hơn nữ”, nhất là các huyện ven biển Nghĩa Hưng, Hải Hậu tỷ lệ giới tính khi sinh khoảng 120 đến 125 nam/100 nữ, trong khi đó tỷ số sinh sản tự nhiên là 103-106 nam/100 nữ. Thực tiễn ở tỉnh ta cũng cho thấy, tuy kết quả đạt được là quan trọng nhưng công tác Dân số - KHHGĐ trong năm 2011 và những năm tiếp theo vẫn đang đặt ra những khó khăn và thách thức không nhỏ: Đó là kết quả về mức sinh ở địa bàn tỉnh ta đã đạt mức sinh thay thế những vẫn đang tiềm ẩn những nguy cơ làm tăng mức sinh trở lại. Tư tưởng chủ quan, thoả mãn với kết quả giảm sinh ở một số địa phương đã xuất hiện...
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chương trình Dân số - KHHGĐ trong giai đoạn tới là duy trì xu thế giảm sinh vững chắc (giảm từ 0,15%o đến 0,2%o mỗi năm) và giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 1,2% mỗi năm, nâng cao chất lượng dân số gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản và khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, các cấp, các ngành, các địa phương, trong toàn tỉnh cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền đối với công tác Dân số - KHHGĐ, huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện công tác Dân số - KHHGĐ. Triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả các hoạt động truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số, về bình đẳng giới với các nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng. Kiện toàn hệ thống bộ máy tổ chức làm công tác Dân số - KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số bằng việc tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm đủ về số lượng, vững về chuyên môn nghiệp vụ, nhiệt tình, trách nhiệm trong nhiệm vụ được giao. Tiếp tục nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản - KHHGĐ tại các cơ sở y tế. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chương trình dân số, đặc biệt là việc thực hiện Pháp lệnh Dân số đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, tư vấn để mọi người gắn quyền sinh sản với nghĩa vụ công dân trong việc thực hiện KHHGĐ, xây dựng mô hình gia đình ít con (từ 1 đến 2 con) ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Phát huy sự phối hợp hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội trong công tác truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của chương trình./.
Phạm Quốc Tuấn