Chương trình bình chọn, tôn vinh “Gương sáng pháp luật”: Kỷ niệm không quên trong đời của người làm báo Pháp luật Việt Nam

Chương trình bình chọn, tôn vinh “Gương sáng pháp luật”: Kỷ niệm không quên trong đời của người làm báo Pháp luật Việt Nam
(PLVN) - Năm 2021, báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức thành công Chương trình bình chọn, tôn vinh “Gương sáng pháp luật”, giúp lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Năm 2021, ngay trong năm đầu tiên tổ chức Chương trình bình chọn, tôn vinh “Gương sáng pháp luật”, đội ngũ những người làm báo Pháp luật Việt Nam đã gặp không ít thách thức trong bối cảnh chung cùng cả nước gồng mình chống lại đại dịch COVID-19. Nhưng với tinh thần càng khó khăn càng phải vươn lên, báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức thành công Chương trình, giúp lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Không nề hà, lăn xả tìm đến những “Gương sáng”

Chương trình bình chọn, tôn vinh “Gương sáng pháp luật” được Bộ Tư pháp phê duyệt và giao báo Pháp luật Việt Nam (PLVN) thực hiện nhằm hưởng ứng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tích cực đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống.

Năm 2021 là năm lần đầu tiên Chương trình được tổ chức nhưng lại đúng vào thời điểm đất nước ta liên tục phải hứng chịu sự hoành hành của đại dịch COVID-19 khiến công tác triển khai gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, vượt lên tất cả và cùng mong muốn lan tỏa những hình ảnh đẹp, việc làm tốt, với sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo, sự quyết tâm của Ban Tổ chức, sự ủng hộ của các ban ngành, địa phương, đội ngũ phóng viên, cộng tác viên của báo PLVN tại 16 cơ quan, văn phòng đại diện trải dài từ Hà Giang – vùng đất địa đầu Tổ quốc đến tận mũi Cà Mau đã dày công nghiên cứu hồ sơ các nhân vật, lặn lội đến tận địa bàn làm việc, sinh sống của những tấm gương để tác nghiệp. Và ngày 28/6/2021, bài viết về nhân vật đầu tiên đã được khởi đăng trang trọng, tạo đà cho sự chuyển động của Chương trình.

Mỗi một bài viết, mỗi một tấm gương được phản ánh trên các ấn phẩm của Báo có thể nói không hề quá rằng chính là kỷ niệm đáng nhớ trên hành trình tác nghiệp của từng phóng viên trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là khi thủ đô Hà Nội và 19 tỉnh, thành phía Nam phải thực hiện biện pháp giãn cách, tăng cường giãn cách để phòng chống dịch.

Nhà báo Thanh Lan nhớ lại, chị nhận được Công văn hồi âm của Bộ Tài chính đề cử nhân vật tham gia Chương trình là ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) đúng lúc Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg với quy định người dân ra đường phải có giấy đi đường. Do được nhân vật “chốt” thời gian hẹn phỏng vấn quá gấp nên chị quyết định đi liều đến Tổng cục Thuế mà không kịp qua cơ quan lấy giấy đi đường đã được cấp.

Quãng đường từ nhà đến Tổng cục Thuế chưa đầy 3 km nhưng rất may chị không bị chốt kiểm dịch nào tuýt còi yêu cầu dừng xe. Kết thúc cuộc trò chuyện với nhân vật thì trời mưa tầm tã và đây chính là cơn mưa “giải cứu” giúp chị vượt chốt về nhà an toàn dù bị ướt mèm…

Với Nhà báo Bùi Yên, Sài Gòn những ngày tháng 8/2021 thực sự là những ngày ám ảnh nhưng xác định là lực lượng tuyến đầu, anh đã vượt qua nỗi lo mắc bệnh để thực hiện nhiệm vụ. Suốt những ngày tháng ấy, anh đã gặp gỡ, phản ánh nhiều gương sáng đầy xúc động như bài viết về Chủ tịch Quỹ từ thiện Kim Oanh, về Luật sư Nguyễn Đình Thuận…

Hay Nhà báo Hoàng Thư có một số bài viết về những cống hiến tận tụy cho công tác xây dựng pháp luật của các nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp là ông Hoàng Thế Liên và ông Đinh Trung Tụng. Dù không còn giữ cương vị lãnh đạo nhưng công việc hàng ngày của các ông vẫn rất bận rộn và sắp xếp địa điểm trả lời phỏng vấn không hề đơn giản khi Hà Nội áp dụng giãn cách nên chị không còn cách nào khác là trò chuyện với nhân vật ngay tại những nơi các ông được mời đến dự họp như trụ sở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Rồi những phóng viên trẻ Khánh Linh, Hương Giang, Nguyễn Tuấn…, tuy mới gia nhập ngôi nhà chung PLVN nhưng cũng không nề hà, lăn xả tìm đến tận nhà ở vùng sâu vùng xa, tận đơn vị công tác của từng tấm gương như già làng Tráng Lao Lử; bà Đặng Thị Phúc - người phụ nữ đồng bào Dao 72 tuổi đời, 53 tuổi Đảng… trong bối cảnh dịch dã căng thẳng để lắng nghe, ghi lại những câu chuyện bình dị của họ truyền tải đến bạn đọc báo PLVN…

Vì vậy, những nhận định, đánh giá của các gương sáng tham gia Chương trình, của các thành viên Ban Tổ chức, Hội đồng bình chọn về Chương trình đều khiến chúng tôi vô cùng cảm kích.

Quang cảnh một cuộc họp Hội đồng bình chọn Gương sáng pháp luật.

Quang cảnh một cuộc họp Hội đồng bình chọn Gương sáng pháp luật.

Mỗi “Gương sáng” đều muốn sáng hơn nữa

Là người gắn bó lâu năm với công tác Mặt trận, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Túc đã biểu dương: “Chương trình bình chọn, tôn vinh “Gương sáng pháp luật” do báo PLVN chủ trì thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp có thể coi là hình thức hiệu quả hướng tới mục tiêu sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.

Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên thì hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến của báo PLVN trong việc tôn vinh các tấm gương sáng trong thực thi pháp luật. Theo ông, mỗi “Gương sáng” đều muốn sáng hơn nữa và điều này càng giúp cho các giá trị tốt được lan tỏa.

TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) nhận xét: “Gương sáng pháp luật đã khắc họa những con người cụ thể, hoàn cảnh cụ thể, việc làm tốt cụ thể, thay vì đưa những điều khoản khô khan. Những “Gương sáng” đó là hiện thân của nhận thức pháp luật, của tuân thủ pháp luật nên có sức lan tỏa rất lớn. Chương trình rất thành công, nhân rộng và lan tỏa ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống để cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ luật pháp”…

Khó có thể kể hết những ghi nhận của nhiều người dành cho Chương trình của chúng tôi trong khuôn khổ một bài viết nhưng đây thực sự là động lực để những người làm báo PLVN tiếp tục nỗ lực hết mình nhằm phản ánh những tấm gương sáng vẫn đang hàng ngày nêu cao tinh thần “thượng tôn pháp luật”, truyền cảm hứng tuân thủ pháp luật đến người dân.

Đây cũng là một phần đóng góp nho nhỏ của chúng tôi nhằm cổ vũ, động viên mọi người chung sức, đồng lòng thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và Kế hoạch 5 năm (2021-2025) theo Nghị quyết Đại hội XIII, nhất là trong bối cảnh nước ta đang từng bước phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19.

Kết thúc Chương trình, gần 200 nhân vật đã được lựa chọn và đăng tải trên các ấn phẩm của báo PLVN. Các nhân vật xuất hiện trong tất cả các lĩnh vực, thuộc các thành phần xã hội khác nhau, đại diện cho 63 tỉnh thành và các bộ, ngành, thể hiện tính toàn diện, phong phú, đa dạng về các đối tượng tham gia xây dựng, chấp hành, thực thi pháp luật. Từ gần 200 nhân vật này, sau các vòng họp, Hội đồng bình chọn đã chọn lựa được 50 gương mặt xuất sắc nhất để vinh danh.

Đọc thêm

Nâng cao nhận thức pháp luật và khả năng tiếp cận tín dụng có bảo đảm

Nâng cao nhận thức pháp luật và khả năng tiếp cận tín dụng có bảo đảm
(PLVN) - Trong 02 ngày từ 27-28/3/2024, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, với sự hỗ trợ bởi Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) do Liên minh Châu Âu tài trợ với sự đóng góp tài chính của hai cơ quan thuộc Liên hợp quốc là UNDP và UNICEF, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp đã tổ chức Lớp tập huấn cho cán bộ địa phương về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Quy định rõ cơ chế, giới hạn áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

 Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị.
(PLVN) - Sáng 26/3, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là mô hình mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm. Do đó, cần tiếp cận nội dung này theo hướng thận trọng, bảo đảm kiểm soát tốt.

Đảm bảo chất lượng, thời gian đào tạo nghề công chứng

Công chứng viên giải quyết yêu cầu của khách hàng (ảnh MH).
(PLVN) - Để góp phần nâng cao chất lượng đầu vào của đội ngũ Công chứng viên (CCV), dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) quy định người muốn hành nghề công chứng đều phải tham dự khóa đào tạo nghề công chứng. Quy định này cũng phù hợp với pháp luật các nước theo hệ thống công chứng Latinh.

TP.Thủ Đức: Cưỡng chế bàn giao đất cho người được thi hành án

TP.Thủ Đức: Cưỡng chế bàn giao đất cho người được thi hành án
(PLVN) -Ngày 25-3, Chi cục thi hành án dân sự (THADS) TP. Thủ Đức, TP.HCM đã tổ chức thi hành xong Bản án số 1027/2018/DSPT ngày 12-11-2018 của TAND TP.HCM; Quyết định giám đốc thẩm số 167/2019/DS-GDT ngày 4-7-2019 của TAND cấp cao tại TP.HCM; Quyết định thi hành án số 994/QĐ- CCTHADS ngày 3-12-2018 của Chi cục Trưởng Chi cục THADS TP. Thủ Đức.

Tiếp tục tháo gỡ “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06 trong lĩnh vực hộ tịch

Quang cảnh buổi làm việc.
(PLVN) -Sáng 25/3, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã chủ trì cuộc làm việc với các đơn vị về tháo gỡ các vướng mắc triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 trong lĩnh vực hộ tịch.

Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng

Người dân thực hiện thủ tục về công chứng (ảnh MH, Báo VP).
(PLVN) - Tính đến nay, nước ta có hơn 3.300 công chứng viên (CCV) với gần 1.300 tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC). Để đảm bảo sự phát triển liên tục, ổn định, bền vững của các tổ chức này, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã quy định nguyên tắc phát triển tổ chức hành nghề công chứng phải căn cứ vào điều kiện kinh tế-xã hội, diện tích, số lượng và mật độ phân bố dân cư, nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch trên địa bàn cấp huyện dự kiến thành lập.