Việc chuyển giao chứng thực hợp đồng giao dịch từ UBND cấp xã sang cho các tổ chức hành nghề công chứng sẽ khiến người dân phải chi phí gấp 2 - 3 lần. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, “Người dân có thể phải đi xa hơn, phí cao hơn nhưng ngăn ngừa tranh chấp tiềm ẩn có thể xảy ra bởi Công chứng viên giống như thẩm phán phòng ngừa, đảm bảo cho các giao dịch được an toàn”.
Nhiều địa phương chuyển giao ở tất cả địa bàn cấp huyện
Trước đây, chưa có Luật công chứng, chưa có chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, số lượng các Phòng công chứng và công chứng viên còn ít, lại đảm đương cả công tác chứng nhận bản sao, bản dịch, chữ ký nên các Phòng công chứng thường xuyên quá tải.
Luật đất đai năm 2003, Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT ngày 13/6/2006 giữa Bộ Tư pháp và Bộ TN& MT quy định hợp đồng, văn bản về bất động sản mà bên có bất động sản là hộ gia đình, cá nhân thì các bên được lựa chọn công chứng tại Phòng công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã.
Luật Nhà ở năm 2005 cũng quy định, các bên tham gia hợp đồng, giao dịch về nhà ở có quyền lựa chọn công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp huyện đối với nhà ở tại đô thị, chứng thực tại UBND cấp xã đối với nhà ở tại nông thôn.
Tuy nhiên, thực hiện chủ trương tách bạch công tác công chứng và chứng thực (bằng Luật Công chứng và Nghị định 79/CP về chứng thực), thì từ đây công chứng đã thoát được gánh nặng bản sao để tập trung cho việc chứng nhận các hợp đồng giao dịch vốn là “bản chất” của công chứng.
Đặc biệt, khi Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được ban hành đã giao cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào tình hình phát triển của tổ chức hành nghề công chứng để quyết định giao các hợp đồng, giao dịch từ UBND cấp huyện, cấp xã cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 15/12/2010, đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành được Quyết định chuyển giao với những phạm vi chuyển giao khác nhau (chuyển giao tại một số địa bàn cấp huyện, một số địa bàn cấp xã thuộc huyện hoặc chuyển giao trong phạm vi toàn tỉnh) tùy thuộc vào điều kiện thực tế tại địa phương.
Về quy mô, đa số các địa phương thực hiện chuyển giao tại một số địa bàn cấp huyện trong tỉnh, thành phố, song cũng đã có một số địa phương đã hoàn thành chủ trương chuyển giao trên tất cả các địa bàn cấp huyện, như TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hưng Yên...
Đừng lo công chứng không phủ đến vùng sâu, vùng xa
Như vậy, việc chuyển giao chứng thực hợp đồng từ UBND cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng đồng nghĩa với việc người dân sẽ phải đi xa hơn và phải chịu chi phí nhiều hơn (vì phí công chứng cao hơn lệ phí chứng thực).
Đây cũng là vấn đề được nhiều Đại biểu Quốc hội đặt ra đối với Bộ trưởng Hà Hùng Cường tại phiên giải trình trước Ủy ban Pháp luật vừa qua. Thừa nhận thực tế này, tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định “công chứng viên như thẩm phán phòng ngừa, khi chứng nhận hợp đồng, giao dịch người dân sẽ được an toàn hơn”.
Thực tế cũng cho thấy, với trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở cấp xã hiện tại, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn thì việc để họ “chứng” vào các hợp đồng là hết sức mạo hiểm, nguy cơ xảy ra tranh chấp rất cao, dễ dẫn đến quá tải cho ngành Tòa án.
Quá trình chuyển giao, một số địa phương đã tiến hành công tác thanh kiểm tra cũng cho thấy, rất nhiều các hợp đồng đã được UBND cấp xã “chứng” có sai phạm cả về nội dung lẫn hình thức. Đây chính là lý do để khi xây dựng Nghị định 88/CP, Chính phủ đã quyết định chủ trương cho phép chuyển giao này.
Trước những nghi ngại về việc tổ chức hành nghề công chứng chưa phủ khắp, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt miền núi, vùng sâu, xa... Bộ Tư pháp cho biết, đến nay, cả nước có 1.327 công chứng viên, tăng 3,4 lần so với thời điểm trước khi có Luật công chứng, với 704 tổ chức hành nghề, trong đó có 564 Văn phòng công chứng. Dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng vào các năm tới.
Không chỉ tăng về số lượng, các tổ chức hành nghề công chứng còn được phân bổ hợp lý theo địa bàn cấp huyện, do thực hiện chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động công chứng và phát triển theo quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt, đến năm 2020, cả nước sẽ phát triển khoảng 1.700 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó đến năm 2015 là 1.000 tổ chức và đến năm 2020 phát triển thêm 700 tổ chức. Như vậy, trong tương lai xa, với kế hoạch tạo nguồn công chứng viên dồi dào, thì hệ thống tổ chức hành nghề công chứng sẽ phủ khắp.
Thậm chí với những địa bàn khó khăn không thể xã hội hóa bằng việc lập Văn phòng công chứng thì theo Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường “UBND sẽ phải đứng ra lập các Phòng công chứng để phục vụ nhu cầu của dân”.
“Sự chuyển giao về thẩm quyền chứng thực đối với các giao dịch từ UBND sang tổ chức hành nghề công chứng đã tăng cường bảo đảm an toàn pháp lý cho người dân khi thực hiện các giao dịch. Đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ của UBND tập trung vào việc thực hiện công tác chứng thực và các công việc chuyên môn khác. Chủ trương chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch từ UBND sang tổ chức hành nghề công chứng đã tạo tiền đề cho hoạt động công chứng phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, đặt nền móng cho việc hình thành một nền hành chính “gần dân” và “vì dân”.(Đánh giá của Bộ Tư pháp về hoạt động công chứng, chứng thực). |
Nga Minh