Hàng vạn ô lồng nuôi thủy sản đang hằng ngày thải cặn bã không qua xử lý thải trực tiếp xuống vịnh, trong số hàng trăm cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch, không ít nhà hàng, khách sạn chưa quan tâm đến việc bảo vệ môi trường …Thực trạng đó đang đặt đảo ngọc Cát Bà trước nguy cơ lan rộng ô nhiễm. Vấn đề đáng quan tâm, lo lắng này không chỉ là nỗi niềm của riêng ai.
Tàu, thuyền đỗ ngổn ngang trên Vịnh gây mất mỹ quan du lịch
|
Truy tìm thủ phạm
Con tàu du lịch nhẹ nhàng lướt sóng đưa đoàn khách du lịch tham quan trên mặt vịnh Lan Hạ. Thiên nhiên ban tặng cho Cát Bà một vẻ đẹp kỳ thú cuốn hút sự chú ý của nhiều du khách. Chặng đường tham quan vịnh thật lý thú nhưng cũng không khỏi phiền toái khi hiển hiện trước tầm mắt là các bè nuôi hải sản ngổn ngang. Xen lẫn giữa các lồng bè nuôi cá là bãi nuôi tu hài. Không ít du khách ngạc nhiên khi trong làn nước vịnh trong xanh lạ thường như vậy, hầu hết ngư dân nuôi cá lồng bè mặc nhiên thả thức ăn nuôi thủy sản trực tiếp xuống vịnh. Theo ước tính, để mỗi năm trên các vịnh của Cát Bà có thể thu được 2000 tấn cá thương phẩm phải thả xuống nước 8000 tấn thức ăn. Cặn bã trong quá trình nuôi thủy sản không qua xử lý tích tụ trong vịnh không còn là con số khiêm tốn. Đáng báo động hơn là số lồng bè nuôi cá ngày càng tăng, sự phát triển nhanh các bãi nuôi tu hài càng đặt môi trường nước vịnh trước nguy cơ ô nhiễm. Sau mỗi lần thu hoạch tu hài, toàn bộ lồng nhựa trong quá trình nuôi bị gẫy, hỏng được vứt ngay dưới vịnh; thức ăn, lượng cát bẩn khá lớn được vô tư thải xuống vịnh.
Sau hành trình khám phá cảnh đẹp thiên nhiên trên các vịnh, du khách nghỉ dưỡng tại các khu vực lưu trú trên đảo. Do nhu cầu du khách đến Cát Bà ngày càng đông, các nhà hàng, khách sạn trên đảo mọc lên như nấm sau mưa. Tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng chấp hành nghiêm việc bảo vệ môi trường. Một số khu vực như Cát Bà Sunrise Resort (Cát Cò 3), khu du lịch Cát Cò 1 chưa có điều kiện đấu nối với hệ thống thoát nước chung trên đảo. Một số nhà hàng, khách sạn tư nhân đổ rác không đúng nơi quy định, thậm chí đổ nước thải trong quá trình hoạt động kinh doanh, nước thải từ các bể nuôi thủy sản tươi sống tràn ra lòng đường, vỉa hè. Có cơ sở còn đặt vòi nước cho khách rửa chân tay ngay trước cửa vừa phản cảm vừa gây mất vệ sinh môi trường.
Nhùng nhằng việc chấn chỉnh, quản lý
Bức xúc sau cuộc kiểm tra, khảo sát mới đây về tình trạng ô nhiễm môi trường đang có nguy cơ lan rộng tại huyện đảo, Phó bí thư Thường trực huyện ủy Cát Hải Vũ Văn Kiền cho biết: “Lo ngại nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường do quá trình nuôi trồng thủy sản. Số ô lồng tăng quá nhanh. Nếu vào mùa hè, mùi ô nhiễm trên vịnh càng nồng nặc hơn”. Trước thực trạng này, thời gian qua, huyện cố gắng không cho các ô lồng nuôi trồng thủy sản hoạt động tại khu vực du lịch nhưng khó làm được vì diện tích vịnh quá chật hẹp. Các hộ chỉ chấp hành chủ trương được một thời gian, sau đó lại hoạt động xen kẽ trong các khu du lịch. Đặc biệt, trong khi bến neo đậu tàu thuyền ở xã Trân Châu chưa xây dựng xong, tàu bè thiếu nơi neo đậu nên thường xuyên đậu đỗ ở khu vực vịnh Cát Bà càng làm khó cho công tác quản lý.
Ô lồng nuôi cá ngày càng gia tăng, thủ phạm gây ô nhiễm nguồn nước
|
Tình trạng ô lồng nuôi trồng thủy sản đột biến, tự phát; tàu, thuyền đậu đỗ ngổn ngang trên vịnh gia tăng, nhưng huyện khó quản lý. Điều đó có nguyên nhân từ tâm lý chờ đợi quy hoạch chi tiết về thủy sản, du lịch, ý kiến cho phép của UBND thành phố trước một số chủ trương, quyết định… Chủ tịch UBND huyện Phạm Xuân Hòe khẳng định: “Từ năm 2007 về trước, huyện trực tiếp cấp phép cho hoạt động nuôi cá lồng bè. Từ đó đến nay, do nhùng nhằng chờ đợi việc sắp xếp lại hoạt động nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, huyện không cấp phép hay gia hạn cho bất cứ trường hợp nào, nhưng các hộ nuôi cá lồng bè vẫn tự ý tăng thêm số ô lồng”. Sự bất cập trong công tác quản lý là vấn đề trăn trở nhiều năm qua ở huyện đảo, nhưng sự phối hợp giải quyết giữa huyện với các ngành chức năng chưa chặt chẽ, hiệu quả. Bởi vậy, vấn đề cứ nhùng nhằng mãi. Hiện, huyện thành lập ban quản lý hoạt động vịnh, nhưng còn gặp vướng mắc vì đề án thu phí trên vịnh chưa được thành phố thông qua.
Hướng tới phát triển khu du lịch trọng điểm quốc gia và quốc tế
Cát Bà có nguồn tài nguyên rừng, biển đa dạng, phong phú, tiềm năng du lịch to lớn, vì vậy tình trạng ô nhiễm hiện nay ảnh hưởng lớn đến hướng phát triển kinh tế du lịch, thủy sản tại địa phương. Ông Trần Văn Đức, Trưởng Phòng quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch (Sở VH-TT-DL) cho biết: “Gần đây, Sở thường xuyên nhận được thông tin của khách du lịch trong nước, nước ngoài phản ánh về tình trạng Cát Bà đang tự đánh mất đi nguồn tài nguyên quý mà tự nhiên ban tặng, bởi tình trạng ô nhiễm môi trường. Nếu cứ đà này, sẽ khó hoàn thành được mục tiêu xây dựng Cát Bà trở thành trung tâm du lịch sinh thái của cả nước và quốc tế”.
Để sớm khắc phục, huyện đảo cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của thành phố hoàn thiện quy hoạch chi tiết phát triển du lịch, thủy sản, phê duyệt đề án thu phí trên vịnh và đưa Ban quản lý vịnh vào hoạt động . Sau khi có quy hoạch, phải sắp xếp hợp lý số lồng bè nuôi thủy sản trên các vịnh vào địa điểm quy hoạch. Phương án xử lý nước thải tại vịnh Lan Hạ cần được quan tâm, chú trọng hơn.
Trong khi việc thu gom rác thải và phương án xử lý nước thải còn khó khăn về kinh phí, nhân lực, cần có cơ chế, chính sách tài chính phù hợp khuyến khích huyện triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng cấp thoát nước, khu xử lý rác thải tập trung tại áng Chà Chà (xã Trân Châu). Thành phố đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tại xã Trân Châu nhằm giảm tình trạng tàu, thuyền đậu đỗ ngổn ngang tại vịnh Cát Bà.
- Hiện nay trên các vịnh Lan Hạ, Bến Bèo, Cảng Cát Bà hiện có 575 bè nuôi cá với tổng số 11554 ô lồng, 89 bãi nuôi tu hài.
- Đến đầu năm 2010, toàn huyện có 112 cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch trong đó có 78 khách sạn, 34 nhà nghỉ.
- Năm 2009, lượng khách đến Cát Bà tăng đột biến, khoảng hơn 1 vạn lượt khách, trong đó có 286.200 lượt khách quốc tế.
|
Công tác bảo vệ môi trường tại Cát Bà rất cần sự chung tay giúp đỡ của trung ương, thành phố, các ban, ngành đoàn thể.., cũng như nhận thức đúng dắn và nỗ lực của mọi người dân và doanh nghiệp trên đảo, mới có thể trả lại sự xanh-sạch-đẹp cho đảo Ngọc, để vươn tới điểm du lịch tầm cỡ quốc tế trong tương lai không xa.
Hương An