Sáng nay, tại Hội nghị khối Sở Tư pháp, pháp chế Bộ, ngành, các đại biểu đại diện cho 63 Sở Tư pháp địa phương và pháp chế Bộ, ngành sẽ nghe và thảo luận các báo cáo chuyên đề về tình hình 2 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp (LLTP), về tình hình tổ chức bộ máy, cán bộ tư pháp, pháp chế ở các Bộ, ngành, địa phương cũng như quán triệt và tổ chức thực hiện Kế hoạch thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tháo gỡ “điểm nghẽn” trong công tác LLTP
Cùng với những kết quả tích cực đã đạt được trong hơn 2 năm thi hành Luật, công tác LLTP vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Chẳng hạn như tổ chức bộ máy, biên chế nhân sự phục vụ công tác LLTP chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ cả về số lượng và chất lượng. Thời gian giải quyết cấp Phiếu LLTP trong nhiều trường hợp còn chậm, chưa bảo đảm đúng thời hạn theo quy định của Luật LLTP.
Ngoài ra, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu vẫn gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng, từ mặt lý luận cho tới kinh nghiệm thực tiễn, từ định hướng, khái quát về quy mô, cấu trúc cơ sở dữ liệu cho tới việc tổ chức thực hiện... Không những thế, chưa có cơ chế bảo đảm thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan có liên quan trong việc cung cấp thông tin LLTP cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP, khiến cho công tác phối hợp giữa các cơ quan chưa được thực hiện theo đúng quy định của Luật LLTP, Nghị định số 111/2010/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 04.
Do vậy, tại Hội nghị hôm nay, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận các biện pháp nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong công tác LLTP. Có lẽ, một nhiệm vụ cần quan tâm hàng đầu chính là hoàn thiện thể chế bảo đảm thi hành Luật LLTP.
Bảo đảm triển khai hiệu quả Luật XLVPHC
Theo Bộ Tư pháp, để triển khai thực hiện Luật XLVPHC được đồng bộ, hiệu quả và thống nhất đòi hỏi phải có một kế hoạch, trong đó xác định rõ số nghị định cần phải ban hành, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng Bộ, ngành trong quá trình triển khai thi hành Luật, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.
Vì vậy, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành tham mưu về cách thức, phương pháp đề xuất xây dựng các nghị định trên cơ sở căn cứ vào lĩnh vực quản lý, vào tính chất hành vi vi phạm, vào nhóm hàng hóa kinh doanh. Theo đó, Thủ tướng đã hành hành Quyết định số 1473/QĐ-TTg quy định tổng số văn bản hướng dẫn thi hành Luật XLVPHC gồm 56 nghị định và 3 Đề án.
Bên cạnh đó, để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác XLVPHC quy định tại Điều 17 của Luật thì việc kiện toàn tổ chức, biên chế cần được đặc biệt quan tâm. Bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật XLVPHC theo Nghị quyết số 24/2012/QH13, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, UBND một số địa phương… xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về tổ chức, bộ máy biên chế triển khai thực hiện quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về XLVPHC của Bộ Tư pháp và các cơ quan tư pháp địa phương. Các Bộ, ngành, UBND các cấp cũng cần phải bố trí cán đội ngũ cán bộ làm công tác theo dõi chung, báo cáo, thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về XLVPHC thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương mình.
10 Sở Tư pháp được xếp hạng xuất sắc Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường vừa có quyết định về việc “Xếp hạng Sở Tư pháp năm 2012”. Theo đó, có 10 Sở Tư pháp được xếp Hạng A (hạng Xuất sắc) là Tư pháp Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Bình Định, Đà Nẵng, Cà Mau, TP Hồ Chí Minh, Long An, Đắk Lắk, Thái Bình. Còn lại, 45 Sở Tư pháp được xếp Hạng B (hạng Khá) và 8 đơn vị ở Hạng C (hạng Trung Bình). Như vậy, danh sách xếp hạng các Sở Tư pháp năm 2012 đã có nhiều thay đổi so với năm 2011. Nếu như năm 2011, có tới 21 Sở được xếp Hạng A và chỉ có 2 Sở xếp Hạng C thì năm 2012 con số này lần lượt là 10 và 8, tức là đã giảm đi hơn một nửa số đơn vị được xếp hạng Xuất sắc và tăng gấp 4 lần số Sở bị liệt vào hạng Trung bình. Con số Sở xếp Hạng B của năm 2011 là 40 thì năm nay cũng tăng lên thành 45 đơn vị. Một số “gương mặt” có tên trong danh sách hạng A năm 2011 là Bình Dương, Hà Nội, Nam Định, Quảng Bình, Quảng Trị, Tiền Giang, Vĩnh Phúc… năm nay đã phải chịu “lùi” xuống Hạng B. Cá biệt, có Sở Tư pháp Điện Biên “nhảy” từ Hạng A năm 2011 xuống Hạng C năm 2012 và có Sở Tư pháp Kon Tum 2 năm liền đều trụ hạng C. Có 6 đơn vị 2 năm liền giữ được Hạng A là An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Đà Nẵng, Đắk Lắk và thành phố Hồ Chí Minh, Việc xếp hạng Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là một trong những nỗ lực của Bộ Tư pháp trong việc góp phần đánh giá đúng kết quả công tác của toàn Ngành, giúp cho việc đánh giá, suy tôn danh hiệu thi đua của các Khu vực, đồng thời làm cơ sở cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư pháp ở địa phương. Hồng Thúy |
Thục Quyên